Duy trì lãi suất thực âm: Nguy hiểm

Lạm phát chỉ trong 3 tháng đầu năm 2008 đã lên tới hơn 9% và được dự đoán sẽ có thể vượt 15% vào năm 2008. Tuy nhiên vừa qua Hiệp hội các Ngân hàng vừa thống nhất áp dụng lãi suất trần cho vay 11%/năm khiến lãi suất thực(1) sẽ ít nhất là âm 4%/năm. Lãi suất thực âm luôn là lợi bất cập hại, nó có thể vô hiệu hóa các chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ hiện nay.

“Lạm phát chỉ trong 3 tháng đầu năm 2008 đã lên tới hơn 9% và được dự đoán sẽ có thể vượt 15% vào năm 2008. Tuy nhiên vừa qua Hiệp hội các Ngân hàng vừa thống nhất áp dụng lãi suất trần cho vay 11%/năm khiến lãi suất thực (1) sẽ ít nhất là âm 4%/năm. Lãi suất thực âm luôn là lợi bất cập hại, nó có thể vô hiệu hóa các chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ hiện nay.”

Lạm phát hiện đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Bài viết ngày 30/3 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tiêu đề: “Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh xã hội và tăng trưởng bền vững” (2) đặt mục đầu tiên là kiềm chế lạm phát phần nào phản ánh điều này. Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ cũng đã có những chính sách quyết liệt như thắt chặt tín dụng, hạn chế chi tiêu công lãng phí, và linh hoạt tỷ giá (2). Tuy nhiên, Hiệp hội các Ngân hàng vừa thống nhất áp dụng lãi suất trần cho vay 11%/năm khiến cho lãi suất thực sẽ ít nhất là âm 4%/năm. Lãi suất thực âm luôn là lợi bất cập hại và có thể làm phá sản các chính sách kiềm chế lạm phát khác.

Trong thị trường Tài chính tiền tệ, lãi suất thực được coi là “giá” của tiền, một mặt hàng đặc biệt, nó làm cân bằng giữa cung và cầu tiền. Thị trường tiền tệ chỉ có thể tồn tại bền vững nếu như giá của tiền là dương vì giá âm sẽ dẫn đến hậu quả là không tồn tại cung hàng (ở đây là tiền gửi) trong kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, chống lạm phát có thể hiểu là chống mất giá trị của đồng tiền hay nói cách khác là duy trì sức mua ổn định của đồng tiền.Hai vấn đề này liên quan mật thiết đến nhau do vậy chống lạm phát bằng các chính sách khác không thể hiệu quả nếu như giá của tiền là âm.

Thông thường người dân giữ tiền mặt với mục đích thanh toán cho các hoạt động kinh tế và dự trữ tài sản, Nhà nước có đặc quyền phát hành tiền nhưng cũng có nghĩa vụ duy trì giá trị của đồng tiền bằng các chính sách kinh tế và pháp luật. Lạm phát là một loại thuế vô hình đánh vào tất cả mọi người dân giữ tiền mặt còn lãi suất thực âm có thể coi như chính sách “thuế” đánh vào tài sản của người dân khi họ gửi tiền (tài sản) của họ trong Ngân hàng.

Thí dụ như hiện tại 100.000 VNĐ tương đương với 10 cân gạo và lãi suất danh nghĩa của tiền gửi Ngân hàng là 11%/ năm. Năm sau người gửi tiền nhận được 111.000 tiền mặt nhưng nếu như lạm phát 15%/ năm dẫn tới lãi suất thực là âm 4% thì với số tiền mặt nhận được này họ chỉ mua được 9.65 cân gạo, giá trị tài sản của người gửi tiền tại Ngân hàng không những không sinh lời mà còn bị hao hụt đi. Khi Nhà nước và hệ thống Ngân hàng không đảm bảo giá trị tài sản của người dân dưới dạng tiền gửi thì người dân sẽ sớm nhận ra và xoay sở để tự bảo vệ giá trị tài sản của mình dưới nhiều hình thức khác, thí dụ như chuyển đổi sang ngoại tệ có sức mua ổn định và vàng. Họ cũng có thể tiến hành đầu cơ vào Chứng khoán (nếu kỳ vọng sinh lời), bất động sản (BĐS) và các loại hàng hóa có khả năng bảo đảm giá trị tài sản khác, tạo lên cầu giả tạo. Lãi suất âm sẽ dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế như:

· Trừ một số lượng ít cần thiết cho hoạt động thanh toán hàng ngày, người dân sẽ tìm cách chuyển đổi tài sản của mình sang ngoại tệ như USD, Euro, Yên… Việt Nam Đồng (VNĐ) sẽ càng được ít “ưu chuộng” và nó thúc đẩy tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Đô la hóa có thể khiến chính sách tiền tệ ít hiệu quả hơn và đồng thời đưa nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn với biến động của kinh tế thế giới.
· VNĐ ít được “ưa chuộng” thậm chí bị chối bỏ đồng nghĩa với việc VNĐ bị mất giá trở lại khiến lạm phát có thể tăng cao hơn, ảnh hưởng tiêu cực tới các biện pháp chống lạm phát của Chính phủ như thắt chặt tín dụng và linh hoạt tỷ giá.
· Khi người dân nhận thấy gửi VNĐ tại Ngân hàng kém hấp dẫn, thậm chí thua thiệt, họ sẽ rút tiền (tài sản) ra khỏi hệ thống Ngân hàng khiến một số Ngân hàng hiện nay hiện đã thiếu thanh khoản càng khó khăn hơn nữa và có thể bị phá sản. Khủng hoảng thanh khỏan có thể xảy ra.
· Tìm kiếm cách đầu tư sinh lời và lưu trữ tài sản thay thế gửi tiền tại Ngân hàng, người dân có thể đầu cơ vào BĐS và các hàng hóa commodity (4) khác khiến cho bong bóng BĐS lại càng phình to hơn, giá các mặt hàng commodity cũng tăng cao giả tạo, đẩy lạm phát lên cao hơn. Thực tế cho thấy, tại các nước khác, lãi suất thực thấp hoặc âm đều đã dẫn đến bong bóng tài sản (asset bubble) và đầu cơ trong hàng hóa commodity. (5)

Ngắn gọn, duy trì lãi suất thực âm là hạ thấp giá trị của VNĐ có thể khiến người dân mất niềm tin vào VNĐ. Khi niềm tin vào VNĐ bị suy giảm, người dân sẽ nghĩ ra trăm nghìn kế sách để đảm bảo giá trị của cải và tài sản của mình khiến nền kinh tế sẽ không hoạt động hiệu quả theo quỹ đạo bình thường.

Dễ nhận thấy rằng áp dụng lãi suất trần thấp cũng có ý định nhằm ổn định và hạ nhiệt thị trường tài chính nhưng đây là chính sách lợi bất cập hại và không đồng nhất với ưu tiên kiềm chế lạm phát của Chính phủ vì it nước nào trên thế giới lại áp dụng lãi suất âm trong ưu tiên số một là kiềm chế lạm phát. Những người ủng hộ chính sách này lập luận rằng đặt mức lãi suất trần thấp sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất vay vốn hiện nay nhưng khiến cho lãi suất thực âm là quá đà, phi thị trường vì người vay vốn không những không phải chịu chi phí mà lại còn hưởng lợi khi vay. Trở lại thí dụ trên, nếu như lãi suất danh nghĩa cho vay là 14%, người vay 100.000 VNĐ tương đương với 10 cân gạo để sản xuất (gạo), sau một năm sẽ phải trả cả vốn lẫn lãi là 114.000 VNĐ bằng 9.9 cân gạo, thấp hơn giá trị thực khi đi vay. Chỉ khi lãi suất danh nghĩa cao hơn lạm phát, lãi suất thực dương, người vay vốn mới phải trả chi phí và người cung cấp vốn mới được hưởng lãi, tức là thị trường tiền tệ mới hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Chúng ta không nên nhầm lẫn và đánh đồng giữa lãi suất thực và lãi suất danh nghĩa vì lãi suất thực mới là yếu tố ảnh hưởng đến các hành vi kinh tế. Hơn nữa, lãi suất thực âm tưởng như là hỗ trợ doanh nghiệp người vay vốn nhưng trong trung và dài hạn là hoàn toàn là phản tác dụng vì nếu đánh vào gốc của thị trường tiền tệ là nguồn cung tiền gửi, vào những người cho Ngân hàng vay tiền, gây thiệt hại cho họ thì họ sẽ rút tài sản ra để tự bảo vệ mình, lúc đó hệ thống Ngân hàng thiếu thanh khoản dẫn đến khủng hoảng thì lấy đâu ra vốn để cho doanh nghiệp vay?

Tại Mỹ hiện nay cũng như một số nước khác trong lịch sử chỉ cho phép lãi suất thực thấp khi nền kinh tế đi vào chu kì suy thoái, giảm lãi suất thực để thúc đẩy nền kinh tế và hiện tại là ví dụ điển hình. Lãi suất 12% hiện nay là không thấp nhưng với ưu tiên chống lạm phát hàng đầu nhất thiết phải duy trì lãi suất thực dương, tức là lãi suất phải cao hơn tỉ lệ lạm phát (kỳ vọng). Ngay tại những nước phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ và Anh vào những năm 79-80 họ còn cho phép lãi suất lên tới 15-16% để chống lạm phát. Thị trường có tiếng nói và quy luật riêng của nó, Chính phủ có thể giám sát và điều chỉnh thị trường nhưng đừng “ép” quy luật của thị trường quá mức vì nếu làm vậy thị trường sẽ phản ứng tiêu cực lại cho nền kinh tế. Neo tỷ giá cứng nhắc trước đây đã là một ví dụ minh họa nên rất mong các nhà hoạch định rút kinh nhiệm trong vấn đề chính sách lãi suất.

30/3/2008

——————-
Chú thích:
(1) Lãi suất thực (real interest rates) được tính bằng lãi suất danh mục (nominal) trừ đi tỉ lệ lạm phát (kỳ vọng). Thỏa thuận của Hiệp hội các Ngân hàng:
http://vneconomy.vn/?home=detail&page=category&cat_name=01&id=cf9055daf7d617 
(2): Xem tại: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/03/775841/
(3) Xem thêm “Chống lạm phát bằng chính sách tỷ giá…” của tác giả tại http://www.tiasang.com.vn/news?id=2464
(4) Hàng hóa commodity là các hàng như lương thực, sắt thép, xăng dầu, vân vân…
(5) Thí dụ như Giáo sư Frankel tại Harvard cho rằng giá các hàng hóa commodity như lương thực, xăng dầu tăng cao là do lãi suất đồng USD tại Mỹ thấp và có xu hướng âm dẫn đến đầu cơ vào các thị trường này:
Xem tại: http://www.voxeu.org/index.php?q=node/1002

Nguyễn Quốc Hùng, ĐH British Columbia, Canada

Tác giả