Gần 30 nghìn tổ chức có tiềm năng trở thành doanh nghiệp xã hội

Một nghiên cứu mới đây cho thấy Việt Nam hiện có 25.600 tổ chức có tiềm năng trở thành doanh nghiệp xã hội, tức là những doanh nghiệp đặt mục tiêu xã hội làm trọng tâm, và lợi nhuận được tái phân phối cho các mục tiêu xã hội.

Ngày 16/5 tại Hà Nội, Hội đồng Anh cùng với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Trung tâm Hỗ trơ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam – Khái niệm, Bối cảnh và chính sách”.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra những tiêu chuẩn được thừa nhận rộng rãi trên thế giới để xác định một doanh nghiệp xã hội (DNXH), bao gồm: có hoạt động kinh doanh, đặt mục tiêu xã hội làm trọng tâm, lợi nhuận được tái phân phối cho các mục tiêu xã hội, sở hữu mang tính xã hội, phục vụ nhu cầu của nhóm đáy và một số tiêu chuẩn khác.

Tiếp cận khái niệm DNXH dựa trên các tiêu chuẩn đó, báo cáo thống kê có tới 25.600 tổ chức có tiềm năng trở thành DNXH, trong đó có 1.000 tổ chức phi chính phủ, 6.900 hội và hiệp hội, 9.500 hợp tác xã, 8.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ,… Thống kê cũng ước tính có tới 140.000 nhóm tổ chức tình nguyện cộng đồng không có tư cách pháp nhân (có thể bao gồm tổ hợp tác), nơi chứa đựng những yếu tố có thể phát triển thành DNXH.

Phân tích dữ liệu của 167 DNXH ở Việt Nam, báo cáo chỉ ra rằng 68% số DNXH theo cách nào đó hướng tới đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập thông qua giáo dục, đào tạo nghề, tăng cường kỹ năng, thiết bị và kiến thức. Ngoài ra, có 48% DNXH có mục tiêu liên quan đến môi trường như cung cấp sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, hoạt động theo cách thức thân thiện với môi trường và tăng cường nhận thức trong cộng đồng về vấn đề môi trường.

Tuy là mô hình tổ chức mang tính xã hội cao, các DNXH ở Việt Nam lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc hình thành và hoạt động. Báo cáo cho thấy nhận thức của xã hội về DNXH còn rất hạn chế, chủ yếu do tính mới mẻ của mô hình này ở Việt Nam. Việc chưa hình thành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các DNXH cũng khiến cho các cá nhân, nhóm cá nhân gặp nhiều khó khăn trong việc thành lập và vận hành DNXH. Bên cạnh đó, vốn là bài toán nan giải ở hầu hết các DNXH và các tổ chức này cũng tỏ ra thiếu hụt năng lực quản lý, trong điều kiện xã hội còn thiếu các dịch vụ hỗ trợ cho các DN này.

Báo cáo kêu gọi các cơ quan hữu quan sớm công nhận các DNXH này bằng các văn bản pháp lý xác định rõ khái niệm DNXH ở Việt Nam, thành lập các cơ quan quản lý chuyên trách đối với loại hình DN này, cũng như đề xuất có cơ chế pháp lý cho việc chuyển đổi một số đơn vị công lập thành DNXH.

Một số biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích DNXH được báo cáo đề xuất, trong đó có việc đẩy mạnh truyền thông, hỗ trợ tài chính thông qua các quỹ chuyên biệt; miễn, giảm thuế và hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực của các DNXH.

 

Tác giả