Giá dầu tăng – vận may và tai ương

Nhờ dầu mỏ, nước Nga không những thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế như nhiều chuyên gia tiên liệu mà còn tăng ngân sách gấp mười lần trong vòng chưa đầy mười năm qua. Tuy nhiên, cũng vì dầu mỏ mà nền kinh tế nước này phát triển có phần mất cân đối, và lạm phát cũng như nhập khẩu đều tăng vọt.

Từ bốn năm nay, giá dầu thế giới luôn ở mức cao và đã gần chạm ngưỡng 100USD/thùng hồi đầu tháng này. Giá dầu tăng mạnh làm cho thế giới tốn thêm từ 4 đến 5 tỷ USD mỗi ngày so với năm năm trước, và 2 nghìn tỷ USD đã được chuyển vào túi các công ty dầu mỏ và các nước sản xuất dầu mỏ chỉ riêng trong năm nay.
Ở Mỹ, xăng nhập khẩu tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến túi tiền người tiêu dùng mà còn làm lạm phát tăng, tình hình thâm hụt thương mại trở nên tồi tệ hơn, đồng  suy yếu thêm, và Cục Dự trữ Liên bang khó lòng cân bằng được hai mục tiêu chống lạm phát và duy trì tăng trưởng. Tuy nhiên, do giá dầu mỏ tăng cao, kể từ tháng chín năm nay, mỗi người dân ở Alaska, vùng đất nhiều dầu mỏ, được chia lợi tức 1.654 USD/năm, tăng 547 USD so với năm ngoái.
 

Lợi nhuận từ nguồn tài nguyên dầu mỏ, đến 700 tỷ USD/năm, chảy cả vào túi các nước xuất khẩu dầu mỏ. Hai trong số những nước này là Iran và Venezuela, có thể sẽ càng xem thường chính quyền của ông Bush hơn, nhờ thế mạnh về dầu mỏ. Venezuela cung cấp dầu mỏ cho khắp Nam Mỹ để giành giật ảnh hưởng ngay ở những nước vốn là đồng minh lâu năm của Mỹ. Iran có thể sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những lệnh trừng phạt nhằm ép nước này phải từ bỏ ý đồ theo đuổi chương trình hạt nhân hoặc phải mở cửa cho các đoàn thanh sát quốc tế.
Ở Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ thứ hai trên thế giới, tài nguyên dầu mỏ đang chứng tỏ vai trò của mình trong lĩnh vực chính trị cũng như kinh tế. Khi ông Putin nhậm chức Tổng thống vào năm 2000 – hai năm sau khi đồng rúp suy yếu thảm hại và nước Nga không thanh toán nổi các món nợ nước ngoài – các nhà hoạch định chính sách của nước này lo rằng nước Nga sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính khác. Nợ nước ngoài phải trả của Nga lên đến con số kỷ lục – 17 tỷ USD – vào cuối năm đó.
Thế nhưng, giờ đây, khi ông Putin sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai thì khoản nợ này thành quá nhỏ bé. Chỉ tính từ tháng bảy năm nay, dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga đã tăng một khoản lớn hơn con số nợ nước ngoài nói trên. Giá dầu tăng đã giúp nước Nga tăng ngân sách liên bang lên 10 lần kể từ năm 1999 trong khi vẫn trả hết nợ nước ngoài và trở thành nước có dự trữ ngoại tệ mạnh và vàng lớn thứ ba thế giới, khoảng 425 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người ở nước Nga đã tăng gấp đôi dưới thời của tổng thống Putin và số người sống dưới mức nghèo khổ cũng giảm một nửa.
“Nga tin tưởng có thể chống chọi bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế nào xảy ra trong nước,” ông Vladimir Milov, Giám đốc Học viện Chính sách về năng lượng, nguyên Thứ trưởng Năng lượng của Nga, nói. Bằng lợi nhuận dầu mỏ, Nga còn xây một quỹ dự phòng trị giá 150 tỷ USD, gọi là Quỹ Ổn định. Nước Nga đã khôi phục được ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế như thời còn là Liên bang Xô Viết. Không cần phải quỵ lụy các nước sản xuất dầu mỏ cũng như các nhà băng của phương tây, nước Nga dám chống lại những hành vi mà nước này cho là chủ nghĩa bành trướng kiểu Mỹ, đặc biệt đối với việc mở rộng NATO và kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Nước Nga cũng luôn bày tỏ quan điểm độc lập đối với những vấn đề gây tranh cãi như chương trình hạt nhân của Iran.
Nhưng nhiều nhà kinh tế học lại gọi lợi nhuận từ dầu mỏ là tai ương với lý do chúng làm cho các nước giàu thứ tài nguyên này không chịu đa dạng hóa nền kinh tế của mình để tạo ra sự thịnh vượng đều khắp. Chẳng hạn, ở Nga, tình trạng lạm phát và nhập siêu đều tăng mạnh, đầu tư mới cho những ngành kinh tế kích thích tăng trưởng lại rất hẻo.
Ở Trung Quốc, từ ngày 31-10, xăng bán lẻ tăng giá gần 10% và tình trạng khan hiếm nhiên liệu xảy ra trên quy mô toàn quốc,  kể cả ở những thành phố lớn như BắcKinh, Thượng Hải và những thành phố cảng ở miền đông vốn không bao giờ thiếu nguồn cung. Tuần này, ở thành phố cảng Ninh Bộ, người dân có khi phải xếp hàng đến ba tiếng mới đến lượt mua xăng. Dư luận đồn thổi rằng chính phủ Trung Quốc đầu cơ xăng dầu chờ tăng giá, khiến Tân Hoa xã phải đăng lời cảnh báo, bất kỳ ai bị phát hiện tung tin giá xăng dầu tăng sẽ bị “xử lý nghiêm khắc”.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, hiện Trung Quốc tiêu thụ 9% sản lượng xăng dầu của thế giới, năm năm trước con số này là 6,4%. Do Trung Quốc trợ giá nhiên liệu nên mười năm qua, lượng xăng dầu tiêu thụ ở Trung Quốc tăng mỗi năm 8,7%, bất chấp giá nhiên liệu tăng mạnh và bất chấp những ảnh hưởng đối với môi trường.
Ở Nhật Bản, nước gần như phụ thuộc 100% vào xăng dầu nhập khẩu, ai cũng ít nhiều chịu thiệt khi giá xăng dầu tăng cao, trừ Toyota. Việc xăng tăng giá đã đánh bóng tên tuổi của dòng xe lai hybrid Prius cũng như các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu khác của hãng này như Camry và Corolla. Mặc dù chững lại ở Nhật Bản nhưng những dòng xe này bán rất chạy ở các nước Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Chỉ riêng trong tháng 10, Toyota đã bán được hơn 13 nghìn xe Prius, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng Năm năm nay, tổng số xe hybrid Toyota bán ra đã vượt con số 1 triệu.
Từ nhiều năm nay, Nhật Bản vẫn tìm cách  “cai” xăng dầu. Nước này đã giảm nhập khẩu xăng dầu 16% so với năm 1973, mặc dù nền kinh tế tăng trưởng hơn hai lần trong thời gian đó. Nhật Bản đầu tư hàng tỷ USD để nghiên cứu biến các hệ thống phát điện chạy bằng xăng dầu thành các hệ thống sử dụng khí đốt tự nhiên, than, năng lượng nguyên tử hoặc các nhiên liệu thay thế. Nhật Bản sản xuất gần một nửa, chính xác là 48%, điện mặt trời của toàn thế giới, trong khi Mỹ chỉ chiếm 15%. Tỷ lệ sử dụng bóng đèn huỳnh quang ở Nhật Bản là 80%, so với 6% ở Mỹ.
Tuy nhiên, giá xăng tăng vẫn làm cho giá nguyên liệu thô, nguyên liệu công nghiệp cũng như các mặt hàng thực phẩm, vốn phụ thuộc vào vận chuyển, tăng cao. Từ tháng giêng tới, hãng sản xuất mì ăn liền hàng đầu thế giới của Nhật Bản là Nissin sẽ tăng giá từ 7 đến 11% – lần tăng giá đầu tiên suốt 17 năm qua.
Ở Anh, giá xăng trung bình trên toàn quốc cũng đạt đỉnh 1 bảng/lít (tương đương 33.505 đồng, theo tỷ giá ngày 12-10). “Nhưng rất ít báo chí nói về vấn đề này – anh sẽ không thấy nhiều dòng tít kiểu như ‘Kỷ lục mọi thời đại của giá xăng'”, Chris Skrebowski, biên tập viên tờ Petroleum Review do Viện Năng lượng ở London xuất bản, nói. “Điều này khác với ở Mỹ. Ở đây, mọi người chấp nhận thực tế là xăng thì phải đắt”.
Theo Skrebowski, trong chuyện này, chính phủ được lợi nhiều nhất bởi vì thuế chiếm đến 80% giá xăng. Hiện nay, Anh gần như tự đáp ứng được nhu cầu xăng dầu trong nước, bởi vậy ảnh hưởng của việc dầu thô tăng giá trên thị trường thế giới đối với nền kinh tế nước này cũng không đến nỗi nặng nề. Sản lượng dầu của Anh đạt khoảng 1,4 đến 1,6 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu vào khoảng 1,7 triệu thùng/ngày. Thế nhưng Thủ tướng Gordon Brown vẫn đưa vấn đề không phụ thuộc về năng lượng thành một ưu tiên trong các chính sách của mình.
Theo các nhà phân tích, ảnh hưởng của việc dầu thô tăng giá đối với một số nước châu Âu nhập khẩu xăng bằng đồng đô la Mỹ cũng được giảm nhẹ phần nào do đồng đô la Mỹ đang mất giá kỷ lục so với đồng euro và đồng bảng.

THÁI THANH (Theo Washington Post)

Tác giả