Kinh tế Việt Nam dưới mắt báo nước ngoài

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ cao. Tuy nhiên cũng như với Trung Quốc, các công ty nước ngoài cần cẩn trọng khi bắt đầu. Đó là nhận xét của Paul French, báo "Ethical Corporation" (Anh).

Tuy nhiên trong 18 tháng qua, nhờ sự kết hợp của sự kiện gia nhập WTO với việc có một chính phủ “cởi mở” hơn ở Hà Nội, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tăng nhanh nhờ có nhiều hơn các công ty theo đuổi chiến lược “Trung Quốc +1” – tức là tìm kiếm khả năng sản xuất hàng hóa với giá thành thấp ở ngoài Trung Quốc.
Tăng trưởng kinh tế hiện ở mức cao. Trong vòng 5 năm qua, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh thứ hai trong các nền kinh tế châu Á, chỉ sau Trung Quốc, và nhanh nhất ở Đông Nam Á. Kim ngạch xuất khẩu hiện chiếm 66% quy mô nền kinh tế. Tuy nhiên một số vẫn đề vẫn tồn tại, đặc biệt là các vấn đề quan hệ lao động và năng lực quản lý…
Hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam cần nâng cấp toàn diện, dù đã có các dự án cải tạo hệ thống cảng biển, đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, trong khi Chính phủ bắt đầu các dự án đầu tư và khuyến khích vốn đầu tư nước ngoài, vẫn còn thiếu đầu tư vào giáo dục, dẫn đến sự thiếu hụt lao động lành nghề. Hệ thống luật pháp còn nhiều bất cập. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu chú ý đến Việt Nam: tổng giá trị của hơn 200 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 144% trong năm 2006. Việt Nam dường như đã vượt qua những rào cản kinh tế lớn nhất: Quan hệ với Mỹ được cải thiện đáng kể, khởi đầu là Hiệp định thương mại song phương ký kết năm 2001, giúp kim ngạch thương mại hai nước tăng mạnh (Mỹ hiện chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam); quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tốt lên với hoạt động buôn bán ở biên giới tăng mạnh.
Việt Nam cũng tự nhận thức được sự thuận lợi trong cơ cấu dân số: tỷ lệ dân số trẻ cao, tỷ lệ giới cân bằng và tỷ lệ biết chữ cao. Trên thực tế, mức tiêu dùng bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, giúp Việt Nam trở thành thị trường tin cậy của phương Tây. Bên cạnh các dấu hiệu tích cực này, các nhà phân tích cũng lo ngại về “sức ỳ” của cơ cấu hành chính. Nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thực sự ổn định. Tương tự như Trung Quốc, Việt Nam phải duy trì tỷ lệ tăng trưởng cao nhằm tạo đủ việc làm cho người lao động (thêm 1,4 triệu lao động/năm). Vấn đề quan trọng là các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam chưa từng trải qua thử thách thực sự.
Đối với các nhà đầu tư, Việt Nam chắc chắn là địa điểm hấp dẫn hơn nhiều so với một vài năm trước đây, tuy nhiên các doanh nghiệp toàn cầu vẫn cần đối mặt với các rủi ro tương tự như ở Trung Quốc.

Tác giả