Kinh tế Việt Nam và Thế giới
trong và sau thời kỳ phục hồi

Các giao dịch thương mại diễn ra trong một thế giới phẳng vẫn tiềm ẩn các rủi ro. Sự chủ quan của con người đã tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính, trong thế giới phẳng nó nhanh chóng chuyển hoá thành cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngay tại thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế thế giới có vẻ như đang hồi phục, các nguy cơ rủi ro hiện vẫn đang tiềm tàng. Tuy nhiên, hẳn sẽ còn tồi tệ hơn nếu các quốc gia tìm cách tự cô lập mình thông qua các rào cản thương mại. Cách tốt nhất để phòng vệ là mỗi quốc gia chú trọng hơn nữa vào chất lượng phát triển và nâng cao nội lực kinh tế của mình.  

Những điểm nhấn về hiện trạng kinh tế thế giới
1. Nhiều dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn có nguy cơ
Những dữ liệu mới nhất công bố từ nghiên cứu của Citigroup(1) cho thấy châu Á, đặc biệt là Trung Quốc đang hồi phục mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng hiện hành. Cả Mỹ và EU hiện đều đang cận kề thoát khủng hoảng, trong khi Nhật được dự đoán sẽ vượt qua khủng hoảng ngay trong quý 3 (một quốc gia được coi là thoát khỏi khủng hoảng kinh tế khi tăng trưởng GDP ở mức dương). Hàn Quốc cũng đã sớm thoát khỏi khủng hoảng từ quý 1.
Tuy những tin tức này rất tích cực, nhưng báo cáo của Citigroup cũng cho biết rằng sự hồi phục của Nhật và Hàn Quốc một phần lớn đến từ gói kích thích tài chính, một phần khác là do xuất khẩu từ các nước này vào Trung Quốc vẫn ở mức độ cao. Nhưng lưu ý rằng Trung Quốc nhập khẩu từ các nước này cũng như từ các quốc gia châu Á khác không nhằm phục vụ nhu cầu nội địa trong nước mà chủ yếu là nhập linh kiện và các hàng hóa đầu vào khác để sản xuất hàng xuất khẩu với đầu ra là Mỹ và EU. Hiện nay các hàng hóa xuất khẩu này của Trung Quốc chưa thể xuất đi vì cả Mỹ và EU chưa có nhu cầu do nền kinh tế của họ còn chưa thoát khỏi khủng hoảng.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mỹ và EU không kịp thời hồi phục? Cũng phải lưu ý thêm rằng tình trạng tín dụng của các hộ gia đình phương Tây hồi phục rất chậm và điều này tác động tiêu cực tới lựa chọn mua hàng của họ. Như vậy, trong trường hợp xấu nhất Trung Quốc sẽ không thể xuất khẩu lô hàng hiện đang nằm trong kho của họ sang Mỹ và EU và nền kinh tế của họ với tỷ trọng xuất khẩu hiện chiếm hơn 30% GDP chắc chắn sẽ bị tác động không nhỏ. Hệ lụy gián tiếp không tránh khỏi là Nhật, Hàn Quốc, và các quốc gia châu Á khác phải giảm đáng kể lượng xuất khẩu vào Trung Quốc. Đây có thể là nguy cơ tiềm ẩn cho một đợt sóng khủng hoảng tái diễn.
2. Đình trệ đồng bộ ảnh hưởng tiêu cực tới các quốc gia chú trọng thiên về xuất khẩu 
Theo các báo cáo của IMF(2), tình trạng đình trệ đồng bộ khiến gánh nặng khủng hoảng của một quốc gia khó lòng san sẻ sang các quốc gia khác (trường hợp của Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc như nêu trên là hi hữu trong bức tranh toàn cảnh hiện nay). Đặc biệt, với các quốc gia có chính sách chú trọng xuất khẩu thì càng lâm vào tình trạng khó khăn do lệ thuộc vào nhu cầu kinh tế thế giới.
Ở châu Á, lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu điển hình là Đài Loan và Hàn Quốc. Cả hai đều thuộc diện chịu ảnh hưởng trầm trọng từ khủng hoảng. Tuy nhiên, lưu ý rằng những nước chú trọng xuất khẩu, nhưng tỷ trọng xuất khẩu ròng (xuất khẩu trừ nhập khẩu) so với GDP không lớn thì tác động ảnh hưởng từ khủng hoảng cũng ở mức vừa phải.
Một trong những nước chú trọng xuất khẩu nhưng tỷ lệ xuất khẩu ròng thấp chính là Việt Nam. Khi khủng hoảng mới bắt đầu xảy ra, người ta từng dự đoán Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do xuất khẩu, chiếm tới 70% của GDP, sẽ suy giảm. Nhưng người ta đã bỏ qua một thực tế là Việt Nam không chỉ chú trọng xuất khẩu, mà nhập khẩu cũng rất nhiều. Khi cả hai chỉ số cùng giảm thì tác động tới tổng GDP không còn ở mức quá lớn nữa. Vì vậy, Việt Nam cùng với Philippines, Ấn Độ, ở trong nhóm các quốc gia ít chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng dù có tỷ trọng xuất khẩu đáng kể. 
3) Châu Á đã có sự phòng bị tốt về nội lực tài chính
Cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập kỷ trước từng khiến nền kinh tế các nước châu Á khốn đốn vì thiếu dự trữ ngoại hối. Cũng trong giai đoạn này, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cho thấy nó chủ yếu quan tâm tới quyền lợi của người đi vay thay vì đóng vai trò cứu nguy kịp thời. Sự mất lòng tin vào IMF đã khiến các quốc gia châu Á nghiêm túc hơn trong việc tích luỹ kho dự trữ ngoại hối để dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp. Cho tới nay, khi thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng hiện hành đã qua đi, tình hình thanh khoản ngoại hối của các nước châu Á nhìn chung vẫn rất an toàn. Theo số liệu của Citigroup tới tháng 5 năm 2009, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc gần chạm mức 2000 tỷ USD, tổng dự trữ ngoại hối của các nước châu Á khác xấp xỉ 1200 tỷ USD, và những con số này vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Tuy nhiên, khác với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập kỷ trước, khi mà các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy theo tâm lý số đông, lần này các nhà đầu tư cũng rút lui phần nào khỏi châu Á nhưng không phải để tìm một địa chỉ an toàn hơn, mà đơn thuần là bị buộc phải thu hẹp mình lại sau một thời gian giãn nở quá cỡ trên toàn cầu.
So sánh một cách tương đối với các nơi khác, châu Á hiện vẫn đang là địa chỉ hứa hẹn hơn cả. Dòng chảy đầu tư cá nhân ròng vào châu Á dự kiến sẽ tiến lên ổn định trong năm nay và các năm tới, tuy không thể so với con số của năm 2007, khi tài chính toàn cầu phát triển quá nóng. 

Những vấn đề liên quan tới Việt Nam
1) Trước mắt
Tiêu dùng tư, đầu tư, và xuất khẩu ròng là ba thành tố tạo nên tăng trưởng GDP. Xuất khẩu ròng là con số âm do thâm hụt cán cân thương mại, nhưng thâm hụt này đã giảm đáng kể so với 2007, không còn là lực cản quá lớn cho tăng trưởng GDP. Tiêu dùng tư những năm gần đây duy trì ở mức khá ổn định. Thời gian hậu khủng hoảng dự kiến sẽ tăng trưởng thấp hơn mức ở các năm 2007 và 2008, ít nhiều làm giảm tăng trưởng GDP. Nhưng vấn đề đáng quan tâm nhất là đầu tư. Mức tăng trưởng của đầu tư trong năm 2008 khoảng hơn 5%, giảm đáng kể so với con số trên 25% của 2007. Đà suy giảm sẽ tiếp tục trong năm 2009.
Bên cạnh đà giảm đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) cũng giảm đáng kể so với các năm trước. Năm 2007 FDI ở mức 8 tỷ USD, năm 2008 là 11,3 tỷ USD. Năm 2009, tới tháng 5 FDI mới chỉ đạt 2,8 tỷ USD. Kiều hối của năm 2009 dự kiến cũng giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng.
Đầu tư chững lại trong khi tiền được bơm vào từ gói kích cầu khiến lạm phát gia tăng trở lại. Tuy tính theo năm thì lạm phát giảm đáng kể so với 2008, nhưng lưu ý rằng vì mức giá CPI của 2008 vốn đã rất cao nên mức lạm phát hiện nay không thực sự phản ánh mức nghiêm trọng của diễn biến tình hình, đặc biệt là khi xu hướng giá cả ở mức độ nào đó đang dần lặp lại những gì đã xảy ra trong năm 2008.
2) Lâu dài
Vấn đề kinh tế nổi cộm xuyên suốt các khía cạnh của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là chất lượng nền kinh tế. Đây là hậu quả của sự thiếu quan tâm từ người làm chính sách, người thực hiện và giám sát. Đồng thời bản thân chính sách kinh tế cũng có vấn đề khi chú trọng về số lượng và hình thức bề ngoài hơn là giá trị thực chất.
Trong bối cảnh toàn thế giới suy giảm về lượng tín dụng, hai quốc gia vẫn tiếp tục gia tăng tín dụng là Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc là một nền kinh tế lớn với nhiều tiềm năng để khai thác, khác với môi trường đầu tư ở Việt Nam đã bão hoà, lượng đầu tư đang dần chững lại. Vì vậy, sự gia tăng tín dụng chính là biểu hiện đáng quan ngại về chất lượng tài sản tài chính trong dài hạn.
Ngân hàng Nhà nước duy trì tỷ giá VND/USD bằng phát ngôn nhiều hơn bằng hành động. Thị trường cần được mua USD để duy trì tỷ giá nhưng Ngân hàng Nhà nước hạn chế bán ra, với mong muốn doanh nghiệp xuất khẩu tự nguyện bán USD ra thị trường. Đây là điều không khả thi, khi mà doanh nghiệp xuất khẩu đồng thời cũng là doanh nghiệp nhập khẩu, cần giữ USD cho mục đích nhập hàng hoá, nguyên liệu, và nhìn tổng thể cán cân thương mại Việt Nam thì nhu cầu mua USD để nhập khẩu luôn lớn hơn lượng USD thu về từ xuất khẩu. Như vậy, cách duy nhất giữ vững tỷ giá là Nhà nước cung ứng đủ USD. Nhiều khả năng buộc phải rút USD từ nguồn dự trữ ngoại hối và đây là cách khả thi duy nhất. Giá trị của VND chỉ có thể được duy trì bằng cách điều phối quan hệ cung cầu, thay vì bằng lời nói, với khẳng định về một lượng dự trữ USD dồi dào cùng các tuyên bố về siết chặt quản lý ngoại hối. Chính những tuyên bố không đi kèm hành động điều phối có tính thực tiễn đã làm mất lòng tin của công chúng vào lời nói của Ngân hàng Nhà nước, làm gia tăng thêm sức ép mất giá VND.
Cơ sở hạ tầng của các đô thị lớn, các khu công nghiệp, công nghệ cao còn lạc hậu, trong khi không ít các công trình mới xây dựng chưa lâu đã xuống cấp nghiêm trọng. Thực trạng này hứa hẹn một viễn cảnh không sáng sủa về chi tiêu ngân sách, giữa bối cảnh thâm hụt ngân sách có xu thế gia tăng, nhất là sau khi dành chi tiêu vào gói kích cầu. Bên cạnh đó, tỷ trọng nợ công so với GDP hiện xấp xỉ 50%, nhiều hơn đáng kể so với mức tương đương của các nước trong cùng nhóm hệ số tài chính BB. Những vấn đề đáng lo ngại này buộc Chính phủ phải thật sự quan tâm tới quản lý chi phí và chất lượng đầu tư cho cơ sở hạ tầng.  
Việt Nam không bị lún sâu vào khủng hoảng như các quốc gia khác có chính sách chú trọng xuất khẩu, vì giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa cao. Điều này không đáng mừng. Việc chú trọng vào giá trị gia tăng trong xuất khẩu là điều cần hướng tới, nếu chúng ta muốn thoát ra khỏi vị thế một quốc gia chậm phát triển chịu lệ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên và sức lao động thô sơ.
Mặt khác, tổn thất trong khủng hoảng của các nước chú trọng xuất khẩu, trong đó có những nước tương đối phát triển như Hàn Quốc và Đài Loan, cho thấy Việt Nam nên cân nhắc cho một đường lối phát triển hài hoà hơn. Trung Quốc tới nay là nước ít chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng nhất là vì sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước của họ chiếm một tỷ trọng đáng kể của GDP (cao hơn tỷ trọng dành cho xuất khẩu). Trong bối cảnh kinh tế, chính trị, điều kiện tự nhiên (ví dụ như ảnh hưởng khí hậu) trên thế giới có thể sẽ biến động phức tạp, việc chú trọng tạo động lực phát triển thị trường trong nước là chủ trương cần thiết được đặt ra cho Việt Nam.

Kết luận
Các diễn biến bấp bênh của kinh tế thế giới trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây cho thấy các chỉ tiêu kinh tế thông thường không phải khi nào cũng là thước đo thể hiện sự phát triển ổn định, chưa kể đến tính bền vững về môi trường và xã hội. Khủng hoảng cho thấy các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào chất lượng thay vì số lượng. Hiện tượng suy thoái chất lượng sản phẩm tài chính lộ rõ trong năm 2008 mới chỉ là sự phản ánh trên bề mặt nền kinh tế của những bất cân bằng bên trong. Chất lượng hàng hoá, độ an toàn của thực phẩm, sự xuống cấp của môi trường, là những biểu hiện của cùng một bản chất vấn đề. Việc chú trọng chất lượng, nâng cao giám sát chất lượng, là chính sách cần thiết để cải thiện nội lực của từng nền kinh tế riêng lẻ, trong đó có Việt Nam. Điều này cũng giúp đẩy mạnh chất lượng các thị trường nội địa, làm giảm bớt nguy cơ rủi ro do những biến động trong môi trường thương mại quốc tế.       
————————
(1) Báo cáo tháng 1 của Johanna Chua, Managing Director Head, Asia Pacific Economics and Market Analysis, Citi Group Global Markets
(2) IMF World Economics Outlook, April 2009    

Tác giả