Một mô hình phát triển cho Việt Nam:
THỦ PHỦ CÀ PHÊ TOÀN CẦU

LTS. Cách đây 5 năm, Trung Nguyên đã hình thành ý tưởng về một mô hình phát triển mới cho vùng đất Tây Nguyên và Việt Nam. Và từ ý tưởng có tính đột phá đó đã dần hình thành Dự án Thủ phủ cà phê toàn cầu. Dự án này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc từ nhiều nhà khoa  học, kinh tế, văn hóa,... ở trong nước và nước ngoài qua một số cuộc hội thảo tổ chức ở Hà Nội và Buôn Mê Thuột. Dự án đã được lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh Đắk Lắk coi là một dự án trọng điểm trong chương trình phát triển cà phê bền vững của tỉnh, và nhận được sự khích lệ, quan tâm của một số lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Biến động kinh tế toàn cầu, cạnh tranh gay gắt và sự tranh giành chiếm lĩnh các nguồn lực trên quy mô rộng khắp nhiều thập kỷ nay đã đặt Việt Nam trước những thách thức, và cả cơ hội. Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách và chủ trương mới ra đời, với mục tiêu phát triển dân sinh, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển bền vững… Tuy vậy, có không ít khó khăn và thách thức của thực tiễn trong quá trình đưa những chính sách đó vào đời sống kinh tế xã hội.
Bài viết này đưa ra một mô hình phát triển bền vững, của Việt Nam, do Việt Nam và vì Việt Nam, với kỳ vọng tạo ra hiệu ứng đan xen lợi ích to lớn và sâu sắc, tính liên thông đa diện kinh tế-văn hóa-xã hội-an ninh, dựa trên và phát huy ưu thế đặc sản cà phê và tinh thần cà phê toàn cầu, hệ sinh thái, thổ nhưỡng, khí hậu, văn hóa và lịch sử quốc gia… của vùng Tây Nguyên.
Sự kỳ vọng ấy được xây trên những nguyên liệu vững vàng, như thị trường sản phẩm dịch vụ cà phê tới 100 tỷ USD/năm, và sự gia tăng các không gian văn hóa cà phê toàn cầu, mà với lợi thế của một cường quốc cà phê, Việt Nam hẳn phải tìm được chỗ đứng có thứ hạng cao!

Toàn cầu hóa và thách thức tìm kiếm mô hình phát triển bền vững
Từ nhiều thập kỷ nay, câu hỏi nguyên lý “Làm sao để toàn cầu hóa đóng góp tích cực vào quá trình phát triển bền vững?” vẫn tiếp tục thách đố các mô hình kinh tế cho tương lai. Và chúng ta cần tái khẳng định nội hàm của những tư tưởng này.
Phát triển bền vững: Được sử dụng lần đầu vào năm 1987 trong tài liệu nghiên cứu Tương lai chung của chúng ta, của Liên Hợp Quốc (LHQ), phát triển bền vững có nội dung chính là quá trình đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng hiện tại của cộng đồng mà không phải hy sinh nhu cầu trong tương lai của các thế hệ tiếp theo.

Toàn cầu hóa: Phổ biến đầu thập niên 90, mang ý nghĩa là các quá trình tích hợp và tương tác mạnh mẽ giữa các hệ thống kinh tế thế giới; thông qua các dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, vốn, công nghệ và thông tin vượt qua biên địa lý, gia tăng tác động qua lại, phụ thuộc lẫn nhau. Đó là một tiến trình tiếp diễn theo chiều dài lịch sử nhân loại.
Cả hai quá trình này đều không giới hạn trong các nội dung kinh tế, mà còn bao hàm nhiều vấn đề vượt ngoài phạm vi địa lý một quốc gia như tri thức, cấu trúc xã hội, tương tác chính trị, văn hóa, nhân chủng, môi trường và đa dạng sinh học…
Thách thức và cơ hội. Ẩn chứa trong toàn cầu hóa có cả thách thức lẫn cơ hội. Ngoài những cơ hội giao thương, tăng cường động lực cải thiện mức sống và thịnh vượng kinh tế chung, mà Diễn đàn WEF 2000 đưa ra, toàn cầu hóa đặt ra nhiều thách thức.
Quá trình thu hút và khai thác tài nguyên tràn lan, vì lợi ích thương mại, có thể trực tiếp dẫn đến ô nhiễm môi trường và triệt thoái đa dạng sinh học. Nó còn làm tăng bất công, nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia công nghiệp và đang phát triển. Tiến trình xâm thực văn hóa có lợi ích một chiều, thúc đẩy khai thác tới cạn kiệt tài nguyên, khống chế thị trường tiêu dùng và cả ý thức hệ văn hóa, một cách có chủ đích.
Sự mất cân bằng trong quá trình này, có nguyên nhân từ chênh lệch tương quan lực lượng vật chất và tinh thần giữa thế giới phát triển với các nước nghèo, còn có thể đóng vai trò nguồn gốc của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, làm phát sinh xung đột sắc tộc – tôn giáo, và chiến tranh khốc liệt giành quyền kiểm soát các nguồn lực tài nguyên của thế giới, đặc biệt các nguồn tài nguyên không có khả năng tự tái sinh, như dầu mỏ, khoáng chất…

Một nhà ngoại giao Liên Xô (cũ) kể lại về kỷ niệm một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi chiến tranh nổ ra trên miền Bắc (Sách “Cách đường xích đạo hai bước” của Rut Bersatki, Thúy Toàn dịch 1967). Chuyện kể rằng, lần ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các vị khách quốc tế trong đó có các nhà ngoại giao, nhà báo, văn nghệ sĩ.
Để tỏ thịnh tình, vị Chủ tịch ngỏ ý: “Tôi xin được mời các đồng chí uống càphê… Tôi tin các đồng chí không từ chối càphê này, đây là càphê Việt Nam mà trên thế giới không càphê nào ngon hơn. Tôi nói điều này không phải vì tôi là người yêu nước. Nhưng trong đời, tôi đã làm phụ bếp khá lâu và vì vậy, nay xin lấy nghề nghiệp ra mà đảm bảo càphê Việt Nam ngon nhất thế giới!”.
Rồi vị Chủ tịch tự tay pha càphê mời khách. Khách đề nghị Chủ tịch khỏi bận tâm để họ tự pha. Vị Chủ tịch nói rằng phải biết cách pha bằng phin thì càphê mới ngon. Khi các vị khách đã thưởng thức, Chủ tịch hỏi: “Thế nào? Đồng chí thấy chứ, đã bao giờ đồng chí được uống thứ càphê tuyệt vời này chưa?”. Rồi Chủ tịch đột nhiên chuyển sang chuyện càphê Việt Nam chưa được thế giới biết đến và khẳng định rằng nếu phát triển thị trường thì càphê Việt Nam sẽ xuất khẩu được rất nhiều…

Lợi thế và bất lợi so sánh. Những diễn biến hai thập kỷ qua từ khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, tới hủy hoại môi trường,… cho thấy rõ nền công nghiệp không bền vững, đẩy chính các quốc gia công nghiệp bước sang giai đoạn thoái trào. Họ đối mặt với vấn đề tìm kiếm mô hình phát triển bền vững theo cách gay gắt không kém gì các quốc gia đang phát triển. Sự “mò mẫm” trong bóng đêm các mô hình công nghiệp cũ, để tìm kiếm mô hình mới, phần nào đưa các nền kinh tế có thực lực khác nhau trở về vạch xuất phát tương đương trước mục tiêu chiến lược là nền kinh tế thịnh vượng tương lai.
Tuy vậy, cho dù ở vạch xuất phát mới, lợi thế của các nền kinh tế phát triển – cũng là bất lợi tương đối của các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam – vẫn rất đáng quan tâm. Đó là nguồn lực con người, hệ thống giáo dục, cơ sở hạ tầng vật chất và của cải tích lũy. Các thị trường quan trọng nhất như hàng hóa vật tư, tài chính – tiền tệ, v.v… đang nằm trong sự khống chế của các quốc gia phát triển, nhờ đó giành lấy các lợi ích kinh tế quan trọng nhất trong trò chơi toàn cầu hóa.
Nói như thế, không có nghĩa là Việt Nam không có lợi thế so sánh. Bản thân sự mất phương hướng trong nhận dạng mô hình tiếp theo là nhân tố “ủng hộ” sự đổi mới và sáng kiến định dạng nền kinh tế xanh-nhân văn cho Việt Nam, lý do ra đời của bài nghiên cứu này. Nhận thức đầy đủ về phát triển bền vững và toàn cầu hóa từ góc tiếp cận Việt Nam rõ ràng cần được thống nhất với ý chí chính trị mạnh mẽ, để có thể chuyển hóa thành chiến lược chủ động, tích cực. Sự mạnh dạn thử nghiệm những mô hình phát triển mang định hướng bền vững, với tính toán chu đáo tới các yếu tố quốc tế, có khả năng giúp nền kinh tế chúng ta tạo được “hấp lực” đối với cộng đồng quốc tế, các nguồn lực đa dạng và một sự dẫn dắt thương hiệu kinh tế thân thiện sinh thái, đậm chất nhân văn.
Hoa Kỳ vấp phải những vấn nạn “hậu công nghiệp” và cũng chưa có lối ra cho hầu hết các vấn đề. Lời giải không hoàn toàn phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế – tài chính, mà ở mô hình, hướng chuyển động và vị thế xuất phát. Khi lời giải xuất phát từ một mô hình Việt Nam, thì lợi thế của vị thế xuất phát thuộc về Việt Nam, đúng nghĩa của cơ hội lớn lao! Hơn nữa, khả năng thích nghi trong điều kiện khó khăn, thách thức và sự khao khát vươn lên cũng là lợi thế của Việt Nam.
 Sự trớ trêu nằm ở chỗ, trong khi các quốc gia công nghiệp mò mẫm để từ bỏ mô hình kém bền vững, thì những nước đang muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo – phá hủy môi trường – cạn kiệt tài nguyên, lại dễ dàng giẫm lên con đường cũ của họ. Vì vậy, sự kiên quyết trong kiến tạo mô hình mới, đột phá, được trình bày trong phần tiếp theo là lựa chọn đúng đắn và phù hợp, trong bối cảnh và với nhu cầu Việt Nam. Điều kiện và sự thuận lợi đã có, đã sẵn sàng. Đáp án cho viễn cảnh thịnh vượng chỉ còn nằm trong những quyết sách đúng lúc, ý chí và quyết tâm chính trị đủ lớn dành cho một mô hình như thế.

Đắk Lắk – Cần và đủ cho một nền kinh tế bền vững, thân thiện sinh thái
Nếu như Peter Watson (2006) giúp củng cố lập luận rằng sự ra đời và sinh tồn của con người là từ môi trường “màu xanh”, thì Đắk Lắk có thể đóng vai trò môi trường nguồn gốc của cả sự sống lẫn quá trình đi tới tư tưởng sáng tạo, phát triển, tiến bộ.1 Một vùng đất sinh thái đa dạng của Tây Nguyên hùng vĩ, ngay trên cao nguyên đất đỏ Bazan 160 triệu năm bền vững với thời gian, với sự hòa hợp con người – thiên nhiên, chính là điều kiện cần cho thiết kế và tạo dựng nền kinh tế sinh thái bền vững như mong muốn.
Đắk Lắk hoàn toàn có thể hội đủ điều kiện thỏa mãn “Sáng kiến phát triển các khu vực bền vững sinh thái” với 10 nguyên lý trọng yếu trong phát triển vùng kinh tế sinh thái bền vững: (a) Phát triển tầm nhìn bền vững; (b) Gắn kết kinh tế với cộng đồng; (c) Bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học; (d) Giảm thiểu “dấu tích xâm hại sinh thái” của con người; (e) Hệ sinh thái phù hợp với đặc điểm tự nhiên-văn hóa-lịch sử-kinh tế-xã hội của cộng đồng; (f) Cảm xúc văn hóa nghệ thuật và sự tồn tại các giá trị phi vật chất; (g) Gắn kết của con người trong bối cảnh sinh thái; (h) Quan hệ đối tác – hợp tác; (i) Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững qua sử dụng hợp lý kỹ thuật, công nghệ thân thiện môi trường; và, (k) Cơ chế quản lý trách nhiệm và minh bạch.2
Với vị thế khu vực trung tâm sản xuất cà phê của cường quốc thứ 2 toàn cầu, những giá trị văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên, sự giàu có “nguồn vốn thiên nhiên – sinh thái”, và những cộng đồng con người gắn bó với giá trị văn hóa có sức thu hút, Đắk Lắk đã có điều kiện cần để tham gia vào quá trình tái xác định chuỗi giá trị toàn cầu của một ngành kinh tế giá trị xấp xỉ 100 tỷ USD, mà hiện các nước xuất xứ của sản phẩm cà phê quý giá chỉ được hưởng xấp xỉ 15% giá trị. Chỉ riêng nền kinh tế Trung Quốc láng giềng đang trỗi dậy mạnh mẽ, với mức tăng trưởng tiêu thụ cà phê xấp xỉ 30%/năm đã đủ làm rõ mục tiêu xác quyết phải theo đuổi.

Việc Trung Nguyên khởi công xây dựng nhà máy chế biến cà phê với công nghệ hiện đại nhất thế giới – một bước đi tiên phong trong đổi mới công nghệ chế biến – là một sự kiện quan trọng, không chỉ của riêng tỉnh Đắk Lắk mà của cả Việt Nam, vì hiện nay cà phê đã trở thành mặt hàng xuất khẩu thứ hai thế giới của Việt Nam.
Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực và khát vọng mãnh liệt của Trung Nguyên trong việc hiện thực hóa Dự án Thủ phủ cà phê toàn cầu tại Buôn Mê Thuột. Trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới, Trung Nguyên đã có tư duy rất đúng khi gắn sản xuất kinh doanh với tinh thần quốc gia dân tộc, đưa thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột, đặc biệt là cà phê Trung Nguyên, trở thành một thương hiệu có tầm cỡ hàng đầu trên thế giới.
Chúng ta đã biết đến cà phê như là nguồn năng lượng của nền kinh tế tri thức, kích thích sự hứng khởi trong sáng tạo của văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà kinh doanh… Riêng từ góc độ của người làm ngoại giao, tôi thấy cà phê còn là chất kết nối mọi người, mọi dân tộc với nhau, để cùng hướng tới một cuộc sống an bình, thịnh vượng hơn.
Lược ghi ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Phạm Gia Khiêm
tại lễ khởi công xây dựng nhà máy chế biến cà phê
của Trung Nguyên tại Buôn Mê Thuột  ngày 9/6/2009.

Tính đại diện. Hơn nữa, trước tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, mô hình Đắk Lắk còn đại diện cho một chiến lược thích ứng của đất nước, và là một nhu cầu cấp thiết. Đây là những tiền đề quan trọng để đi tới một hình mẫu phát triển kinh tế thân thiện môi sinh, tái tạo năng lượng, hòa hợp cộng đồng và thu hút, liên kết các lực lượng kinh tế quốc tế trong tâm điểm kinh tế Tây Nguyên Việt Nam.
Đắk Lắk có đủ điều kiện đóng gói được những tập giá trị đa dạng, chuyển hóa thành năng lực kinh tế bền vững. Sự liên thông lợi ích đa phương, sử dụng vũ khí ngoại giao kinh tế, sức hút mô hình trong bối cảnh thiếu vắng thực tiễn phát triển bền vững môi sinh, và xuất phát địa kinh tế của Đắk Lắk, sẽ mang lại sức tập hợp nguồn lực lớn lao phục vụ cho sứ mệnh kiến tạo “nền kinh tế mới – xanh” đang nói. Về phương pháp, thu hoạch kinh nghiệm và hệ thống quy hoạch – triển khai từ Đắk Lắk sẽ tạo ra tiền đề lý thuyết phát triển cho nhiều chu trình đóng gói giá trị bền vững, hiệu quả cho tổng thể kinh tế Việt Nam, ở nhiều vùng miền, với các đặc trưng khác nhau.
Bên cạnh đó, còn một lợi ích chiến lược đặc trưng có tầm trọng yếu quốc gia. Đắk Lắk nói riêng, và Tây Nguyên nói chung, có những yếu tố lịch sử – văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Mối quan tâm tới sự hài hòa con người – môi trường, các cộng đồng, và sự chia sẻ lợi ích kinh tế công bằng chưa bao giờ có ý nghĩa với sự ổn định an ninh và an sinh xã hội của Tây Nguyên hơn ngày nay. Sự kết nối nguồn lực, định hướng phát triển vì con người và tạo thịnh vượng trong hòa bình bền vững là một phần không tách rời của mô hình nền kinh tế sinh thái vùng Đắk Lắk.

Tư duy đột phá và mô hình Thủ phủ Cà phê Toàn cầu

Tôi mong ước có nhiều người tâm huyết, có trình độ, thực sự ủng hộ,
giúp cho Dự án này

Sau khi giành được độc lập, thống nhất đất nước, khát vọng của chúng ta là phát triển đất nước, đem hết tài năng của con người, tận dụng và phát huy tài nguyên sẵn có của đất nước, để cuối cùng đem lại cuộc sống no ấm, hạnh phúc, cho nhân dân,. Một số anh em còn trẻ đang có khát vọng nóng bỏng đó. Thay vì chạy theo cuộc sống giàu sang, họ lại dấn thân vào những công việc không dễ dàng vì đất nước, quê hương. Trong bối cảnh của đất nước còn nhiều vấn đề về cơ chế, quản lý chưa thật hoàn chỉnh và còn không ít tư tưởng bảo thủ định kiến hẹp hòi trong xã hội, anh em gặp không biết bao nhiêu khó khăn, trở ngại. Anh Vũ – Trung Nguyên là một người như vậy.
Tôi nghĩ những người đi trước, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần hết sức giúp đỡ anh em để họ có thể phấn đấu hoàn thành sự nghiệp của mình, mà cũng là sự nghiệp chung của đất nước.
Tôi được biết đến Dự án cà phê Buôn Mê Thuột mà anh Đặng Lê Nguyên Vũ đóng vai trò nòng cốt. Dự án này nhằm không những đẩy mạnh việc trồng và chế biến cà phê để không chỉ nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Việt Nam mà còn để đưa cà phê Việt Nam ra thế giới với mục đích kinh tế – văn hóa và đóng góp vào vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bao nhiêu hoài bão thể hiện trong một kế hoạch cụ thể được vạch ra với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia. Có người cho đây là những suy nghĩ quá táo bạo, quá lãng mạn. Rất có thể! Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ. Nếu không có nhiều người gan dạ, dám chấp nhận sự hy sinh gian khổ trong chiến đấu trước kia thì làm sao chúng ta có được Việt Nam như ngày nay? Nếu chúng ta không có người táo bạo, dám đi về phía trước ngày hôm nay thì làm sao chúng ta dám mơ “sánh vai cùng các nước” trong tương lai?
Điều tôi mong ước là có nhiều người tâm huyết, có trình độ, thực sự ủng hộ, giúp cho dự án này, cũng như nhiều dự án khác như thế này, được thực hiện có kết quả, để cho đất nước ta thoát khỏi tình trạng đói kém, sớm trở nên phồn vinh, vững mạnh, xã hội ta văn minh và hạnh phúc.
           Bà Nguyễn Thị Bình – 
           Nguyên Phó Chủ tịch nước

Mô hình kinh tế bền vững và thân thiện sinh thái, đề xuất cho Đắk Lắk – Tây Nguyên, có tính mẫu mực để một quốc gia đang phát triển tạo chiến lược lợi thế trong bối cảnh toàn cầu hóa ấy có tên là “Thủ phủ Cà phê Toàn cầu”.
Tinh thần cà phê – năng lượng xanh. Qua hơn 2.000 năm đi cùng lịch sử xã hội loài người và những tiến bộ tư tưởng – sáng tạo – thành tựu kinh tế kỹ thuật, cà phê trong cuộc sống hiện đại đã trở thành đồ uống kết nối vô hình hơn 2 tỷ con người. Điều đặc biệt làm nên tính phổ biến của loại đồ uống này chính là khả năng kích thích tư duy sáng tạo và năng lực hài hòa, kết nối rộng khắp. Yếu tố văn hóa và tinh thần trong cà phê đã vượt xa giới hạn sơ khai về thực phẩm, đồ uống hay giải trí. Giá trị này ngày càng có vị trí đặc biệt trong xã hội loài người, bởi lẽ hệ thống kinh tế toàn cầu đã và đang dịch chuyển tới giai đoạn của hình thái kinh tế sáng tạo. Cà phê trong tiến trình này đóng vai trò nguồn năng lượng xanh, với khả năng tái tạo – gìn giữ môi trường và duy trì đa dạng sinh học.
Đồ uống cà phê không từ chối hay phân biệt bất kỳ ai. Từ nhà khoa học tới người lao động phổ thông, người dân châu Phi hay châu Âu, từ nhà lãnh đạo tới công dân, người Hồi giáo hay Phật giáo, v.v.. đều cùng nhau chia sẻ hương vị và “năng lượng” cà phê – một sự kết nối xã hội – văn hóa diệu kỳ, giúp dẫn tới sự kết nối kinh tế, năng lượng, sáng tạo và kỷ nguyên phát triển hòa hợp – hòa bình, giữa con người với nhau và con người với môi trường sinh dưỡng cộng đồng.
Cốt lõi của “tinh thần cà phê toàn cầu” là đáp ứng sự kết nối sợi dây liên kết chung “cà phê”, sự sáng tạo, thịnh vượng trong hòa bình, đồng thời là biểu tượng của định hướng nhu cầu phát triển bền vững, lấy kinh tế xanh làm nền tảng – sự trường tồn của con người và Trái đất. Với tính chất có thể nhân rộng của mô hình, tính tổng quát được đảm bảo mà vẫn duy trì đặc tính sinh thái, địa kinh tế của những nơi triển khai tiếp theo.
Thông qua hình mẫu phát triển sinh thái và tinh thần cà phê, Việt Nam gửi thông điệp bền vững tới cộng đồng thế giới; tín hiệu thành công thể hiện năng lực dẫn dắt mô hình kinh tế ở một tầm nhìn chiến lược, xuất phát từ một quốc gia đang phát triển, với khát khao vươn tới tương lai thịnh vượng và cống hiến lớn lao. Đó cũng là sự kết nối đến hàng tỷ người trên thế giới, thu hút nguồn lực, củng cố và duy trì sự quan tâm của cộng đồng thế giới vào vị trí đặc biệt, quan điểm sáng rõ của Việt Nam trong giải quyết những thách thức kinh tế-xã hội-môi trường-văn hóa… và xây dựng nền kinh tế xanh, theo hướng phát triển bền vững, đóng góp vào nỗ lực và trách nhiệm chung của cộng đồng thế giới. Mô hình như thế rõ ràng đóng góp lớn cho chiến lược định vị thương hiệu Việt Nam trong hệ thống kinh tế toàn cầu của thiên niên kỷ mới.
Đô thị – tổng thể các hệ sinh thái bền vững. Trong mô hình đưa ra, hệ đô thị sinh thái cà phê sẽ cung cấp các cơ hội khai thác kinh tế đa dạng hơn. Mô hình xanh được thiết kế giảm thiểu tác động tiêu cực của bối cảnh toàn cầu hóa, mà thường thấy là đô thị “kiểu cũ” tăng tốc bòn rút tài nguyên thiên nhiên Trái đất, và “xuất khẩu” một lượng lớn rác thải, chất độc hại vào hệ sinh thái. Như vậy, mô hình Thủ phủ Cà phê đưa ra có ý nghĩa quan trọng sống còn với phát triển bền vững của Việt Nam, với mục tiêu tiến tới việc lặp lại cân bằng, phục hồi sự bền vững của môi trường sống, là chuyển biến chính bản chất và hình thái tổ chức của các vùng đô thị.
Phát triển cần đáp ứng nhu cầu tương hợp của hiện tại lẫn tương lai. Những nhân tố của một tầm nhìn dài hạn như được phản ánh trong thiết kế của Thủ phủ Cà phê Toàn cầu chứa đựng: (i) Mơ ước; (ii) Mở rộng sức tưởng tượng; (iii) Khát vọng; và (iv) Sự sáng tạo. Đây là những yếu tố được cộng đồng nghiên cứu sinh thái và kinh tế bền vững công nhận có thể hợp lực, truyền cảm hứng cho quá trình xây dựng hệ thống kinh tế – xã hội bền vững, cũng như định hướng cho các quá trình quyết định tương lai.3
Thiết kế của Thủ phủ Cà phê Toàn cầu vừa cung cấp mẫu mực và kích thích các cơ chế kinh tế đổi mới, đột phá theo hướng tiến bộ của dịch chuyển chuỗi giá trị. Các yếu tố đặc trưng với sự dịch chuyển này, dựa trên nền tảng bền vững sinh thái với trọng tâm đặt vào: (i) Tái xác định giá trị hàng hóa theo chuẩn mực môi trường; (ii) Tác nhân kích thích kinh tế sáng tạo, đổi mới; (iii) Doanh nghiệp “xanh” – thân thiện môi sinh; (iv) Liên kết bộ ba: Vốn kinh tế – Vốn xã hội – Vốn môi trường.
Cơ chế “trao đổi chất”. Mô hình xác lập đặc trưng tăng trưởng hướng tới bền vững nhờ quá trình hấp thụ, tiêu dùng tài nguyên và trả lại các điều kiện sống cho con người, cũng như sản sinh ra các yếu tố bảo vệ sự cân bằng của hệ sinh thái. Nền kinh tế vùng sinh thái như vậy là một khái niệm đầy đủ, và ngày càng được hoàn thiện theo trình độ nhận thức của xã hội. Thủ phủ Cà phê Toàn cầu phát triển vùng kinh tế sinh thái với sáu cấu phần cốt lõi: (i) Sản xuất xanh và sạch; (ii) Du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp; (iii) Văn hóa, nghệ thuật và tinh thần; (iv) Sản xuất và chế biến sản vật đặc trưng; (v) Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng; và (vi) Phát triển cộng đồng.
Nguồn lực hiện thực hóa khả thi. Mặc dù đây là một mô hình lớn, cần huy động nhiều công sức, đầu tư và trí não, nhưng không khó để nhận thấy tính khả thi của dự án lớn lao này. Với phương pháp tiếp cận đi từ thực tiễn để khái quát thành lý luận, hình mẫu phát triển được xây dựng và từng bước hiện thực hóa có những đặc trưng sau.
Một là, phát triển mô hình dựa trên triết lý và tập hợp khái niệm kết nối lôgic, có tính bền vững và hài hòa. Hình ảnh của vùng kinh tế sinh thái mới được trình bày rõ nét bằng các khái niệm cụ thể, được kết nối hợp lý và chặt chẽ. Các kích thước của hình mẫu được xác định chuẩn xác bằng những tiêu chí chi tiết và mạch lạc.
Hai là, đối tượng trọng tâm của mô hình là cộng đồng con người, thiên nhiên và các nguồn tài nguyên kinh tế. Các yếu tố sinh thái cà phê đều hướng tới nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, kích hoạt nguồn nội lực của cộng đồng, thực sự khởi động cỗ máy tăng trưởng cho một hành trình dài – tận dụng, thu hút và gắn kết hàng trăm thị trường hàng hóa liên quan tới cà phê, có giá trị hơn 100 tỷ USD hằng năm, với hàng tỷ con người vốn dĩ đã có sự gắn kết qua sợi dây tinh thần cà phê.

Đắk Lắk là một Tỉnh trọng điểm về cây cà phê và góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Với sự ưu đãi về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất đỏ Bazan có lịch sử 160 triệu năm và tiềm năng sản lượng và chất lượng hạt cà phê Robusta nổi tiếng hàng đầu thế giới, diện tích cà phê tại Đắk Lắk đạt con số 178 ngàn hecta, thu hút hàng ngàn hộ lao động chuyên trồng, kinh doanh và sinh sống bằng cây cà phê cùng các dịch vụ kinh doanh phụ trợ quanh cây cà phê. Tuy nhiên, cà phê Đắk Lắk, hay rộng ra là cà phê Việt Nam,  vẫn luẩn quẩn ở những con số xuất thô với giá trị thấp, vị thế cà phê của Việt Nam còn quá nhỏ, không tương xứng với vị thế xuất khẩu sản lượng cà phê đứng nhất nhì trên thế giới cũng như không thật sự đem lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người nông dân trồng cà phê. Lượng cà phê tiêu thụ bình quân trên đầu người chỉ ước đạt khoảng 0,7 kg/người/ năm, còn kém xa với mức tiêu thụ bình quân trên đầu người ở các nước phát triển trên thế giới.
Chính vì những lý do nêu trên cùng với sự chỉ đạo và chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê của tỉnh mà đại diện tiên phong là Trung Nguyên, UBND Tỉnh Đắk Lắk đã quyết định đưa ra Nghị quyết số 08 về phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới với định hướng sản xuất cà phê phải theo tiêu chí của thương hiệu “Cà phê Buôn Mê Thuột”, ổn định về năng suất, chất lượng; phát triển cà phê phải gắn chặt với phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, du lịch, bảo vệ môi trường.
    Lữ Ngọc Cư
    Chủ tịch UBND Tỉnh – Đắk Lắk

Ba là, mô hình vận hành dựa trên các điều kiện đảm bảo tính khả thi thương mại và hiệu quả kinh tế. Các giải pháp khai thác lợi thế cạnh tranh, tiềm năng của địa phương, của cộng đồng được xây dựng để hình thành hệ thống kinh tế cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho thị trường tại chỗ, cho các vùng lân cận, cho quốc gia và rộng lớn hơn cả là cho người tiêu dùng toàn cầu.
Bốn là, huy động nguồn lực xã hội và phát triển cộng đồng. Phát triển và đổi thay bộ mặt đời sống nông thôn là một khối lượng công việc rất lớn, triển khai trong suốt quá trình dài, và sử dụng nhiều nguồn lực nhưng thường không tạo ra các lợi ích vật chất trong ngắn hạn. Bởi vậy, tập hợp và huy động nguồn lực có vai trò quan trọng. Nguồn lực cần thiết để đưa giấc mơ thành hiện thực là kết nối chặt chẽ và phối hợp hiệu quả bộ ba tài nguyên quan trọng Vốn kinh tế – Vốn xã hội – Vốn môi trường.

Một số kiến nghị trọng tâm
Mô hình nền kinh tế sinh thái Đắk Lắk nói chung, và đề án bộ phận Thủ phủ Cà phê Toàn cầu nói riêng, có tính đại diện cao cho hành trình đột phá tới kinh tế bền vững. Lợi ích tổng thể vượt xa tính toán kinh tế-thương mại thuần túy, trong đó phải kể đến đảm bảo an ninh, kiến tạo chiến lược phát triển vùng mới, sức thu hút và tập hợp nguồn lực vật chất-trí tuệ mà Việt Nam nói riêng, và các nước nghèo nói chung, còn đang thiếu thốn. Cà phê không giới hạn trong sản phẩm cà phê mà mang ý nghĩa tinh thần, văn hóa, tính đại diện sự kết nối-liên thông các lực lượng quốc tế. Đắk Lắk không giới hạn trong một phạm vi vùng địa kinh tế đặc thù, mà là đại diện của thế giới đang phát triển– trong nỗ lực tìm kiếm đường thoát khỏi sự luẩn quẩn của phát triển công nghiệp không bền vững kiểu cũ.
Các điều kiện sinh thái, văn hóa, kết nối, sản phẩm của Đắk Lắk… và đặc biệt là mô hình phát triển sáng rõ, khả thi đã đầy đủ. Nói cách khác, mô hình giờ đây sẵn sàng đi vào thực tế, để đem lại những lợi ích quốc gia, từ kinh tế tới vị thế ngoại giao và hình ảnh thương hiệu cho Việt Nam.
Để có thể triển khai, đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa ý tưởng, những kiến nghị sau đây với lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các Bộ, Ngành, sẽ cụ thể hóa và là điều kiện tiên quyết cho sự khởi động tới tương lai:
Thứ nhất, lãnh đạo Đảng và Chính phủ đưa ra chủ trương phát triển và hiện thực hóa các ý tưởng dự án, với chính sách riêng cho “nền kinh tế vùng sinh thái Đắk Lắk”. Ở tầm cỡ và quy mô của lợi ích quốc gia, dự án tổng thể cần được sự quản lý và điều hành trực tiếp từ Chính phủ để có thể đem lại những lợi ích tối đa và vững bền.
Thứ hai, tạo cơ chế và chính sách hỗ trợ các nguồn lực, nhằm thúc đẩy khởi động đầu tư – hợp tác triển khai trên phạm vi hình mẫu dự án ngay từ giai đoạn đóng gói ý tưởng và chuẩn bị nghiên cứu khả thi.
Thứ ba, đưa ra quyết sách với ý chí chính trị vì sự phát triển kinh tế vùng, với tư cách bộ phận quan trọng của quốc gia, khẳng định trọng tâm phát triển kinh tế xanh Đắk Lắk, nhất quán định hướng phát triển, và tiến tới giai đoạn Quy hoạch tổng thể vùng, đặt ra tầm nhìn kinh tế bền vững, tập hợp các giá trị cốt lõi cũng như chiến lược tập hợp, khai thác nguồn lực trong nước quốc tế cho quy hoạch này.
Đây là những điều kiện quan trọng thúc đẩy nhiệt huyết và tạo môi trường để doanh nhân, trí thức, người lao động đưa mô hình vào thực tế cuộc sống và chứng minh những lợi ích to lớn mang lại cho Việt Nam, cũng là đóng góp cho sự vững bền của Hành tinh xanh Trái đất.
————–
1 P. Watson. Ideas: A History of Thought and Invention, from Fire to Freud. Harper Perennial (2006)
2 P. Newman and I. Jennings. Cities as Sustainable Ecosystems. Island Press, 2008.
3 Our Common Future, WCED 1987

Tác giả