Mỹ giải quyết vấn đề người nghèo?

Mỹ là một trong số ít quốc gia giàu có trên thế giới, nhưng tại Mỹ tôi vẫn thấy những người ăn xin, người lang thang và người vô gia cư, cũng có những người ở nhà lụp xụp. Dĩ nhiên nước nào cũng có người giàu kẻ nghèo, quan trọng là chính quyền và xã hội đối xử với người nghèo như thế nào.

Nước Mỹ thường gọi người nghèo là “người thu nhập thấp”, nhưng định nghĩa về “thu nhập thấp” tại các bang lại khác nhau. Bang Missouri nơi tôi ở xác định người có thu nhập hằng tháng dưới mức sau đây là hộ nghèo: hộ độc thân – 1064 USD; hộ 2 người – 1427; hộ 3 người – 1789; hộ 4 người – 2152; hộ 5 người – 2514; hộ 6 người – 2877; hộ 7 người – 3239; hộ 8 người – 3602; hộ 9 người – 3964; hộ 10 người – 4327 USD; hộ có trên 10 người : cứ thêm 1 người thì thêm 363 USD.
Thống kê điều tra số dân Mỹ cho thấy có hơn 10% dân Mỹ sống dưới mức nghèo. Ăn và mặc là vấn đề cần giải quyết trước tiên với người nghèo. Công dân Mỹ hoặc cư dân vĩnh cửu (có thẻ xanh) hợp tiêu chuẩn thu nhập thấp có thể xin chính quyền cấp Phiếu thực phẩm (Food Stams). Mỗi hộ hằng tháng có thể được cấp mức phiếu cao nhất như sau: hộ 1 người – 155 USD; 2 người – 284; 3 người – 408; 4 người – 518; 5 người – 615; 6 người – 738; 7 người – 816; 8 người – 932; hộ trên 8 người: cứ thêm 1 người thì cấp thêm 117 USD. Loại phiếu này như một loại thẻ tín dụng không thể chi tiêu quá mức của nó; mỗi tháng chính quyền nạp số tiền nói trên vào thẻ; người giữ thẻ chỉ được dùng nó để mua các thứ thực phẩm như bánh mì, rau quả, thịt cá, sữa … chứ không được mua thuốc lá hoặc đồ dùng sinh hoạt khác.
Một chị bạn người Trung Quốc tôi quen kể lại hồi mới nhập cư Mỹ, chị sống khá vất vả. Hai vợ chồng chị chưa tìm được việc làm, chồng lại ốm phải nằm nhà, hộ 3 người ấy tạm thời không có thu nhập. “Nhưng chính quyền và cộng đồng rất quan tâm chúng tôi; họ gửi đến chúng tôi nhiều thư tín hướng dẫn cách xin các loại trợ cấp, làm như chúng tôi chết đói đến nơi rồi ấy !” Chị bảo, về sau nhà chị mỗi tháng được lĩnh tiền cứu tế hơn 1000 USD và phiếu thực phẩm khoảng 300 USD, rốt cuộc qua được cảnh khó khăn.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, bình quân mỗi bữa ăn của người có phiếu thực phẩm được trợ cấp 1,05 USD; mà ở hiệu MacDonald thì 1 USD chỉ mua được 1 bánh hamburger loại rẻ nhất. Nếu không có nguồn thu nhập khác mà chỉ dựa vào phiếu thực phẩm Nhà nước cấp thì chắc chắn không được ăn no. Nhưng ở Mỹ các tổ chức phi Chính phủ (NGO) rất phát triển, họ cố gắng giúp người nghèo trong khả năng cho phép.


Chọn thực phẩm miến phí

Thành phố Columbia nơi tôi ở có một tổ chức dân lập chuyên cung cấp thực phẩm miễn phí cho người nghèo – “Ngân hàng thực phẩm” (Food Bank). Họ có 145 địa điểm dựa vào nhà thờ để tiện cho người nghèo có thể lĩnh thực phẩm tại nơi gần nhất. Hôm trước tôi có đến quan sát một địa điểm ấy, thấy nhiều người nghèo đánh xe tới đây. Họ dùng một thẻ màu đỏ trên có in các thông tin như họ tên chủ hộ, mã số an sinh xã hội, số người trong hộ … để vào chọn thực phẩm. Trên kệ hàng thấy bày bánh mì, bột yến mạch, khoai tây chiên, hạt hướng dương, bánh quy, bánh ngọt… ; trong quầy lạnh có hoa quả, rau xanh, ngô … trông như một siêu thị nhỏ (xem ảnh). Ngoài bánh mì là thứ muốn lấy bao nhiêu cũng được, ngoài ra, các thứ khác đều cung cấp theo số người trong hộ. Thí dụ bánh ngọt, hạt hướng dương mỗi người 2 túi, thực phẩm tươi như rau quả, ngô mỗi hộ 2 túi. Tôi thấy có người lấy nhiều quá suýt làm rách túi ni lông đựng đồ. Nhưng mỗi gia đình chỉ được lĩnh một lần. Dĩ nhiên bánh mì thì có thể lấy thêm. Tôi nghĩ bụng: lúc nào cũng có thể lấy được bánh mì như thế này thì ít nhất cũng bảo đảm không thể chết đói được.
Những thứ thực phẩm miễn phí ấy lấy từ đâu ? Một nhân viên tên là Randy cho tôi biết: phần lớn do các cửa hàng thực phẩm hoặc nhà máy chế biến thực phẩm quyên tặng, cũng có thứ do cá nhân quyên góp. Tại các siêu thị, những loại rau quả sắp hết hạn khó mà bán được, chủ siêu thị bèn chủ động gọi điện thoại cho Food Bank mời họ đánh xe đến lấy. Tôi thấy một số dưa hấu đã bắt đầu đổi màu. Randy nói: “Các loại thực phẩm tươi sống này để trong túi chỉ được 1-2 ngày; nếu còn thừa mà quá hạn, chúng tôi phải bỏ đi hoặc cho nông trại nuôi gia súc.”
“Những người thực sự nghèo đói, dù họ ở Mỹ hợp pháp hay bất hợp pháp, đều có thể đến đây nhận thực phẩm.” Randy nói, “Ngay cả những người vượt biên trái phép sang Mỹ, chúng tôi biết cũng không báo cáo lên Cục Nhập cư Mỹ. Bởi lẽ mục tiêu tối thiểu của chúng tôi là phải bảo đảm vùng này không có người chết đói.”
Tôi để ý thấy bên ngoài trạm cung cấp thực phẩm này có một cái sọt đựng quần áo cũ, một bà già da đen đang bới đống quần áo, sau đấy bà ta đem chỗ quần áo chọn được xếp lên chiếc ô tô màu xanh của mình. Randy bảo tôi, dân chúng mang quần áo cũ đến đây quyên góp, chúng tôi để cả vào sọt bên ngoài cửa, ai cần cứ việc lấy.
Vấn đề “ăn mặc” đã giải quyết xong, tiếp theo là “ở”. Báo chí cho biết 46% gia đình nghèo ở Mỹ có nhà riêng; 76% hộ nghèo có máy điều hòa nhiệt độ; 75% hộ nghèo có một ô tô. Tuy sống khá hơn nhiều so với người nghèo ở các nước đang phát triển, nhưng một số người nghèo ở Mỹ vẫn chưa có nhà riêng, thậm chí không có chỗ để qua đêm.
Chính quyền Mỹ đã bỏ kinh phí lớn để xây dựng nhà cho thuê giá rẻ cho số người đó. Người thu nhập thấp có thể làm đơn xin nhà, nếu được duyệt thì không những giá thuê nhà rẻ hơn rất nhiều so với mặt bằng giá chung mà họ lại chỉ phải nộp tiền thuê không quá 30% thu nhập của gia đình; phần chênh lệch có thể dựa vào Phiếu thuê nhà đem đến chính quyền đổi lấy tiền mặt. Tại khu đất “vàng” ở New York có một tòa chung cư mang tên “Nhà Khổng Tử”, chính là nhà cho thuê giá rẻ do chính quyền địa phương cung cấp cho người Hoa thu nhập thấp.


Nhà lánh nạn

Người nghèo nào vì thấy ở chung cư cho thuê không thoải mái mà muốn có nhà riêng thì có thể được chính quyền cho hưởng các ưu đãi về mua nhà. Thí dụ xin chứng chỉ vay có thế chấp, trong vòng 10 năm được hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập cá nhân. Theo “Luật trợ cấp mua nhà cho người không nhà” được Tổng thống Bush ký cách đây dăm năm, bất kỳ hộ nào có thể trả tiền vay hằng tháng nhưng không đủ tiền chi khoản tiền ban đầu thì đều có thể làm đơn xin trợ cấp đặc biệt cho hộ thu nhập thấp, Nhà nước sẽ trả thay họ khoản chi ban đầu và các chi phí liên quan .
Việc xin thuê nhà giá rẻ thường có một quá trình, không tránh khỏi phải xếp hàng, chứ không thể có ngay nhà. Như vậy các hộ mất nhà do thiên tai hoặc do nguyên nhân khác không thể chi trả nổi tiền thuê nhà thì sao ? Lúc này các NGO bắt đầu phát huy tác dụng. Tôi đã tới phỏng vấn “Nhà lánh nạn” do một đoàn thể Ki Tô giáo có tên “Cứu thế quân” (Salvation Army) ở vùng này xây dựng. Đây là một tòa nhà hai tầng, có tất cả 61 giường. Những người vô gia cư có thể đến đây ăn ngủ miễn phí. Ông James phụ trách nhà này dẫn tôi đi thăm một vòng. Tại đây có căn hộ gia đình (kê hai giường tầng song song, nhà vệ sinh riêng), căn hộ cho đàn ông độc thân (16 giường, nhà vệ sinh chung, xem), căn hộ nữ độc thân (12 giường, nhà vệ sinh chung); còn có nhà ăn, phòng đọc sách báo và xem truyền hình (chia 3 gian: gia đình, nam, nữ); nhà tập thể dục, phòng học, phòng máy tính, phòng giặt quần áo, nơi vui chơi của trẻ em … 
James nói, nhà này thường là hết chỗ; những người tạm trú ở đây ngắn hạn là 1-2 ngày, dài hạn là 2 năm. Ai không có tư trang thì chúng tôi còn cung cấp cho họ quần áo và đồ dùng vệ sinh. Nhưng ở đây họ phải tuân theo nội quy, không được dùng ma túy, uống rượu, tối 10h30 tắt đèn, sáng 6h30 dậy, ban ngày không được ở nhà mà phải đi tìm việc làm hoặc dự các lớp dạy nghề miễn phí của phường sở tại mở. Nếu kiếm được việc làm thì phải nộp 10% thu nhập dùng làm tiền trọ, 65% do Nhà lánh nạn bảo quản, bao giờ họ kiếm đủ 2500 USD thì có thể rời đi thuê nhà trọ sống độc lập.
Nhà lánh nạn còn cung cấp bữa trưa miễn phí cho những người lang thang, bất cứ ai chỉ cần ký tên vào sổ của nhà này là được ăn. Đến giờ ăn. James mời tôi vào nhà ăn. Tôi là người ký tên sau cùng; trước tôi đã có 31 người. Bữa trưa miễn phí rất đơn giản, gồm một chiếc bánh kẹp pho mát, một muôi đậu nấu nhừ, một muôi sa lát và một cốc sữa bò. Tôi hỏi James, có phải người đến đây ăn đều là người quen cả phải không, ông gật đầu đáp “Nói chung đều là họ cả.”
Tại New York và bang Missouri tôi thấy có người ngủ bên đường hoặc trong thùng xe bỏ đi. Nếu các nơi đều có “Nhà lánh nạn” thì tại sao vẫn còn người lang thang đầu đường xó chợ ? James nói, phần lớn họ là loại nát rượu hoặc nghiện ma túy, không kiếm được việc làm, cũng không muốn bị gò bó, thích cuộc sống phiêu bạt nay đây mai đó, chẳng ai có thể giúp họ được.

 
Ô tô của người nghèo

Nhà lánh nạn mỗi năm nhận khoảng 500 người, chi phí hết nửa triệu USD. Tôi hỏi số tiền ấy lấy từ đâu ? James nói Chính phủ liên bang cấp 35 nghìn, chính quyền bang cấp 7 nghìn USD, phần lớn tiền do các công ty và cá nhân quyên góp. Đã có một bà cụ khi chết tặng tài sản để lại tới 1 triệu USD cho chúng tôi.
Sau khi giải quyết xong ăn mặc ở thì khám bệnh trở thành vấn đề lớn. Chi phí khám bệnh ở Mỹ đắt nhất, tiền nằm bệnh viện một ngày có thể bằng thu nhập cả tháng của một công nhân bình thường. Nhưng với người nghèo thì chẳng có gì đáng lo lắm, vì họ có thể xin Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Cho dù không có bảo hiểm y tế, ai ốm đau thì cứ đi bệnh viện khám bệnh. Khám xong, bệnh viện mới viết giấy thanh toán. Nếu không đủ sức trả tiền thì có thể mặc cả với bệnh viện hoặc xin hoãn nộp.
Tôi cũng có mấy lần ốm vặt phải đi khám bệnh, dù đã mua bảo hiểm y tế nhưng mỗi lần khám vẫn phải móc ví trả trên trăm USD. Khi thanh toán, tôi bảo mình là người thu nhập thấp, thông thường được bệnh viện giảm 70-80%. Tôi hỏi cô thu ngân, nếu người ta thực sự không có tiền thanh toán thì làm thế nào, cô bảo chỉ cần mỗi tháng trả từ 50 USD trở lên là được, cho tới khi trả hết. Cô cho biết người hay dây dưa thanh toán tiền khám chữa bệnh không phải là người nghèo mà là người thu nhập trung bình thấp, bởi lẽ người nghèo được nhà nước thanh toán tiền khám chữa bệnh.
Theo thống kê, chi phúc lợi xã hội chiếm gần một nửa chi không lợi tức của Chính phủ liên bang Mỹ, tương đương 9% GDP Mỹ. Từ tiền thuế do người giàu nộp cho Nhà nước, người nghèo Mỹ có dịp hưởng thành quả phát triển kinh tế, vì thế nói chung họ không phải chịu sức ép sống còn, do đó họ không có tinh thần phản kháng xã hội, nhất là chống đối người giàu. Dĩ nhiên ở nước Mỹ cũng thường xuyên xảy ra một số vụ bạo lực phản kháng xã hội, nhưng về cơ bản chỉ là lẻ tẻ, cục bộ. Tôi nghĩ, chỉ có giữ khoảng cách giàu nghèo trong trạng thái bình thường, đời sống của người nghèo có được các bảo đảm cơ bản thì sự ổn định và phát triển của xã hội mới được bảo đảm./.
—–
* Phóng viên báo Thanh niên Trung Quốc tại Mỹ
Lược dịch:  Nguyễn Hải Hoành

Trần Cường *

Tác giả