Ngày mai, nông thôn Trung Quốc càng buồn bã?

Hôm nay, không ít người đã kêu trời rằng nông thôn Trung Quốc đang quá bần cùng, thê thảm và cả tàn khốc nữa. Nhưng theo tôi, hầu bao của nông thôn Trung Quốc lúc này còn rủng rỉnh hơn tương lai rất nhiều. Nông thôn Trung Quốc 20 năm nữa còn nghèo hơn hôm nay vài lần, thậm chí, vài chục lần. Nông dân không chỉ nghèo, mà còn suy thoái về trí lực. Sở dĩ có nhận định này, là dựa trên 4 căn cứ:

Căn cứ 1: Những người giàu ở nông thôn đã đi đâu sau hai thập kỷ qua? Vào thành phố! Các công ty kinh doanh địa ốc trong thành phố có thể chứng thực điều này. Tại sao giá nhà ở thành phố, đặc biệt là các thành phố trung tâm, lại cao đến vậy? Chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu của những nông dân giàu có. Trên một tạp chí thủ đô, từ 2002 đến 2003, 38% thị trường nhà đất ở Bắc Kinh thuộc về nông dân. Theo một tờ báo của Trùng Khánh, từ 2001 đến 2003, 40% mặt hàng địa ốc của thành phố được bán cho các “thượng đế” đến từ nông thôn. Quan chức của thành phố Nam Ninh, Quảng Tây công bố: từ 2002 đến 2003, 36% nhà đất Nam Ninh về tay nông dân. Con số này ở Thanh Đảo, Sơn Đông là 39%. Những nông dân tinh anh di cư vào thành phố là một xu thế lớn. Người chủ nhà 74 tuổi của tôi là nông dân Đại Thạch Sơn, thời kỳ đầu cải cách mở cửa, ông cùng 5 đứa con mở một cửa hàng đậu phụ và miến ở quê, nuôi mấy chục con lợn, thành lập được đội vận tải rồi dần dần giàu có. Sau khi phát tài, việc đầu tiên ông làm là vào thành phố mua ngay một vila 12 phòng, ở 6 phòng, cho thuê 6 phòng. Ông nói với tôi: “Những năm 50, 60 thế kỷ trước, tôi đã muốn ra thành phố rồi, chỉ có điều muốn mà không biết làm thế nào. Ai ngờ sau cải cách mở cửa thì ước mơ thành sự thật, mang được con cháu vào thành phố ở, tôi có chết cũng an lòng”.
Căn cứ 2: Trong 20 năm qua, con em nông dân thi đỗ đại học nhiều hơn, song tốt nghiệp rồi chẳng mấy người trở về. Bọn trẻ được rời khỏi làng quê vất vả, như chim xổ lồng, không muốn quay về nữa! Đi đâu? Ở lại thành phố, ra nước ngoài! Những người thực sự muốn trở về xây dựng quê hương đếm trên đầu ngón tay! Tôi có hai người họ hàng ở nông thôn Nội Mông, một trai, một gái. Giữa những năm 90 thế kỷ trước, cả hai người đều thi đỗ đại học và ở lại thành phố sau khi tốt nghiệp. Một người làm việc cho công ty nước ngoài, một người thành lập công ty riêng kinh doanh mạng và đón cả cha mẹ lên thành phố ở. Tôi hỏi cô em họ tôi vì sao không về quê giúp cho hương thân cùng giàu có? Cô em tôi cười câu hỏi dớ dẩn. Nó nói: “Thế hệ các anh chị quen suy nghĩ đơn thuần, cứ coi khẩu hiệu chính trị là chân lý”. Nhân tài bối xuất, giang sơn y cựu (Nhân tài lớp lớp xuất hiện, [nhưng] giang sơn vẫn như xưa) – đó là hiện tượng phổ biến của nông thôn Trung Quốc ngày nay.
Căn cứ 3: Thanh niên trai tráng ở nông thôn có chút kiến thức văn hóa, lại năng động thì có ai không tìm mọi cách về thành phố? Để kiếm tiền! Để có tương lai! Để có vợ! Để phụng dưỡng cha mẹ! Để “củng cố đời con”! Các chàng trai vừa nhạy bén vừa linh hoạt, lại giương mắt ngẩn ngơ nhìn đám đất đỏ ở quê mà không kiếm đường đến miền đất hứa thì mới là lạ! Từng người, từng tốp, từng đợt, từng lượt lực điền ùn ùn tiến vào thành phố. Năm này qua năm khác, đại bộ phận các căn hộ cho thuê ở thành thị đều dành cho đối tượng này. Trấn Long Tu, thành phố Trùng Khánh có hơn 3000 người như thế. Ở Ma Thôn, thành phố Nam Ninh, hơn 1000 hộ cho thuê có khách là những thanh niên nông thôn.
Căn cứ 4: Ngày nay, các thôn nữ thông minh hơn xưa nhiều. Khai sáng rồi! Họ má thắm môi tươi, cơ thể tràn trề sức sống. Họ đã biết lợi dụng cái vốn tự có ấy mà nhanh chóng hành động, tìm cách nhập cư thành thị. Các cô gái đem cái xinh đẹp của mình đi đến các thành phố lớn. Vào thành phố tìm việc chỉ là một cái cớ, tìm được “ông chồng tốt” mới là mục đích. Tốt ở đây nghĩa là phải có tiền, có quyền. Hình dáng thế nào, tính cách ra sao… không quan trọng, không cần thiết phải cầu toàn. Miễn người là được. Các cô cũng chẳng ngại làm vợ lẽ, vợ bé… làm bà ba, bà tư cũng cam tâm tình nguyện. Có cô đã đằng thằng: “nhất cử tam tứ tiện”, giải tỏa được cái âu lo của cả mấy thế hệ (bản thân, anh chị em, bố mẹ, con cái). Có người thống kê: Tỉ lệ nữ và nam ở thành phố trở nên mất cân bằng đáng báo động: Thâm Quyến 36:1; Quảng Châu 32:1; Hải Khẩu: 39:1; Thanh Đảo: 33:1; Đại Liên: 34:1. Như vậy, ở các thành phố lớn, phụ nữ áp đảo nam giới về số lượng. Nhưng ở nông thôn thì tỉ lệ đó đảo ngược. Hiện nay, lưu manh thất nghiệp ở nông thôn không ít. Nơi càng nghèo thì nạn càng nặng. Nguy cơ loạn hôn cũng đã xuất hiện. Anh em lấy cùng một vợ, chú cháu lấy cùng một vợ… Họ sẽ sinh ra con cháu thế nào đây? Vùng Đông Bắc quê tôi, một vùng nông thôn hẻo lánh, người trong thôn gặp nhau chỉ nói một chủ đề duy nhất: lấy vợ. Một người đàn bà ngoài 50 tuổi dắt theo 3 đứa con, trong một năm cũng cưới 2 lần chồng, không phải trai tân không lấy. Cứ  vậy, phải chăng “chậm chạp về thể xác, ngờ nghệch về trí tuệ” sẽ là những đặc trưng của thế hệ nông dân tương lai? Điều này khiến chúng ta không khỏi rùng mình.
Có tiền, rời xa nông thôn! Có văn hóa, rời xa nông thôn! Có đầu óc, rời xa nông thôn! Có sắc đẹp, rời xa nông thôn!
Ngày mai, nông thôn càng buồn bã. Bạn tin không?

Nhuệ Anh 
Nguồn tin: zawen.net

Tác giả