Nguyên nhân tiền tệ của lạm phát

Qua theo dõi diễn biến kinh tế và một số động thái chính sách của Việt Nam trong những năm gần đây, có đối chiếu trên những khía cạnh tương tự với một số nước trong khu vực, chúng tôi đi đến nhận định rằng tình trạng lạm phát hiện nay ở Việt Nam là hậu quả tổng hợp của một số hiện tượng kinh tế đặc thù đi liền với sự kết hợp thiếu đồng bộ giữa một số chính sách vĩ mô trong thời gian qua.

Từ những tháng giữa năm nay, khi mức tăng giá chung trở thành một mối quan tâm rộng rãi của xã hội, đã có nhiều cuộc thảo luận sôi nổi xung quanh vấn đề lạm phát, chẳng hạn như nguyên nhân chủ yếu của lạm phát, tác động của lạm phát và chính sách chống lạm phát. Vào cuối tháng 8/2007, một chuyên gia cao cấp có uy tín của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thừa nhận nguyên nhân chủ yếu của lạm phát là do tăng cung tiền(1). Điều này có lẽ không gây ngạc nhiên trong giới quan sát, nhưng dường như nó giúp những cuộc thảo luận bớt lan man hơn.
Trong bài viết này, chúng tôi mong muốn thảo luận thêm đôi chút về nguyên nhân tiền tệ của tình trạng lạm phát hiện nay. Nội dung chủ yếu trong lập luận của chúng tôi là tình hình lạm phát hiện nay là hậu quả tổng hợp của một số hiện tượng kinh tế đặc thù đi liền với sự kết hợp thiếu đồng bộ giữa một số chính sách vĩ mô trong thời gian qua.
Hiện tượng kinh tế đặc thù được lưu ý ở đây là sự tăng trưởng mạnh mẽ của kiều hối (bao gồm một phần rất lớn và ngày càng tăng tiền gửi của người đi xuất khẩu lao động), kết hợp với sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam. Một sự kết hợp nữa là trong năm 2006, quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước và sự phát triển của thị trường chứng khoán đã đạt những bước phát triển lớn, khiến Việt Nam trở thành một địa điểm hấp dẫn và dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy mạnh vào nước ta. Theo ước lượng không chính thức, có khoảng hơn 5 tỷ USD kiều hối đã được gửi về, và khoảng 1 đến 2 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp đã được chuyển vào trong nước trong năm 2006 và những tháng đầu năm 2007.
Các chính sách kết hợp không đồng bộ, theo chúng tôi, bao gồm hai chính sách lớn sau: (1) chính sách tăng trưởng cung tiền và tín dụng theo đà của các năm trước, (2) chính sách neo tỷ giá ổn định theo đồng USD thông qua can thiệp của NHNN trên thị trường ngoại hối.

Ảnh hưởng của sự gia tăng ồ ạt dòng ngoại hối dưới chế độ tỷ giá (tương đối) cố định

Một đặc điểm vĩ mô quan trọng bậc nhất của Việt Nam gần đây có lẽ là sự gia tăng nhanh chóng của dòng tiền gửi về từ nước ngoài, trong đó một phần rất lớn từ người đi lao động (tạm gọi tất cả các khoản tiền gửi kiểu này là kiều hối). Xét trên phương diện quy mô to lớn tương đối của dòng kiều hối, thì Việt Nam chỉ đứng sau Philippines là nước trong khu vực đã có truyền thống xuất khẩu lao động từ lâu, và có những đặc điểm kinh tế khá tương đồng. Philippines hàng năm nhận một lượng kiều hối nhiều hơn Việt Nam rất nhiều kể cả tương đối (so với GDP) lẫn tuyệt đối (vì GDP của Philippines lớn hơn của Việt Nam khoảng 1.5 lần). Tuy nhiên, xét trên mối tương quan với GDP, thâm hụt thương mại của Philippines khá trầm trọng, cộng với các khoản trả lãi vay nước ngoài tương đối lớn, nên có thể nói dòng kiều hối chủ yếu được dùng để tài trợ cho khoản thâm hụt này trong tài khoản vãng lai. Kết quả là bất chấp lượng kiều hối khổng lồ chuyển về mỗi năm, cán cân vãng lai chỉ thặng dư khoảng từ 2% đến dưới 3% GDP.
 

Trong khi đó, ở Việt Nam, tuy tỷ trọng kiều hối không lớn như ở Philippines, nhưng thâm hụt thương mại, mặc dù đang trở nên rất đáng lưu ý, vẫn chưa trầm trọng như ở nước này, nên cán cân vãng lai được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, và kể từ năm 2005 có khuynh hướng thặng dư (nhưng còn ở mức thấp hơn nhiều so với Philippines). Tuy nhiên, một đặc điểm của Việt Nam mà Philippines không có là cán cân tư bản gần đây luôn thặng dư rất đáng kể, đã dẫn tới khả năng dư thừa ngoại hối thậm chí lớn hơn ở Philippines. Để giữ tỷ giá neo tương đối ổn định vào đồng USD, cơ quan tiền tệ Việt Nam đã liên tục mua lượng ngoại hối thặng dư trên thị trường. Kết quả là dự trữ ngoại tệ mỗi năm đã tăng lên rất mạnh, chẳng hạn như năm 2005 tăng thêm 4% GDP, còn năm 2006 gần 5% GDP.
Như vậy, có thể nói một đặc điểm quan trọng của Việt Nam gần đây là sự tăng trưởng nhanh chóng của cả hai dòng tiền từ bên ngoài là kiều hối và đầu tư nước ngoài.  Kết quả là, để giữ cho đồng Việt Nam không lên giá quá nhanh, cơ quan tiền tệ Việt Nam (theo các tuyên bố trên báo chí) đã mua vào trong sáu tháng đầu năm 2007 khoảng hơn 7 tỷ USD (14% GDP). Chính sách này đã làm tăng mạnh lượng tiền Việt được đưa vào lưu thông. Điều này đuợc coi là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng lạm phát hiện nay. (Về nguyên nhân gây phản ứng chính sách, xem thêm Hình 1)
 

Tầm quan trọng của chính sách tiền tệ đồng bộ
Tuy nhiên, một câu hỏi lập tức được đặt ra là: Vì sao, ở một số nền kinh tế khác, cụ thể là Trung Quốc, cơ quan tiền tệ cũng phải đối mặt với lượng thặng dự ngoại tệ hằng năm rất lớn (chủ yếu từ thặng dư thương mại), trong khi vẫn giữ vững quyết tâm can thiệp để neo đồng nội tệ ổn định vào USD, lại không xuất hiện tình trạng lạm phát cao như ở Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xem xét chính sách tiền tệ gần đây của Trung Quốc và đối chiếu nó với tình hình Việt Nam.
Mức tăng CPI ở Trung Quốc trong những năm vừa qua ở mức rất “lý tưởng,” chỉ từ 0,7% (2001) đến 3,9% (2004) và năm 2006 chỉ là 1,5% – trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn hầu như ở mức hai con số. Cần lưu ý ngay rằng, nước này cũng phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến “chi phí đẩy,” như là giá cả các mặt hàng thiết yếu và năng lượng trên thế giới tăng không khác gì, thậm chí có thể lớn hơn, so với Việt Nam.
Việc đối chiếu chính sách tiền tệ gần đây cùng xem xét những hậu quả tương ứng của nó ở Trung Quốc và Việt Nam sẽ đem lại một minh hoạ thú vị, cho thấy vì sao lạm phát (dai dẳng) luôn là một hiện tượng tiền tệ. Điều có ý nghĩa quan trọng bậc nhất có lẽ nằm trong tốc độ tăng trưởng tiền tệ và tín dụng. Theo các báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc đã rất thận trọng trong tăng trưởng tín dụng và tiền tệ, chỉ vào khoảng 15% mỗi năm, kể từ 2004. Trước đó, sự tăng trưởng này cũng chỉ ở dưới mức 20%. Trong khi đó, tăng trưởng tiền tệ của Việt Nam vốn đã ở mức cao (trên 20%) từ năm 2001, lại có xu hướng tăng ngày càng tăng nhanh hơn, đạt mức 30% trong hai năm 2004 và 2005. Thêm vào đó, tín dụng còn được mở rộng nhanh và vững chắc hơn rất nhiều: tăng trưởng hơn 20% vào năm 2001, rồi liên tục được gia tốc, lên đến đỉnh cao năm 2004 ở mức 40%, và năm 2005 vẫn ở mức 30%.
Thực tiễn cho thấy một kết quả thú vị là, mặc dù cả hai nước đều có tăng trưởng rất mạnh trong dự trữ ngoại hối, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì một mức lạm phát nhẹ, trong khi Việt Nam luôn phải gánh chịu lạm phát cao (trên 8%) liên tiếp kể từ năm 2004. Thêm vào đó, tăng trưởng ở Trung Quốc vẫn được giữ ở mức cao (hơn Việt Nam), thặng dư thương mại lớn (dự trữ ngoại hối đã tăng ngoạn mục từ mức 16.5% năm 2001 lên 36.6% GDP vào năm 2005), và giá trị đồng nội tệ ổn định (tỷ giá danh nghĩa chỉ giảm khoảng 2.5% trong giai đoạn 2001-2005). Như vậy, có cơ sở để nhận định rằng Việt Nam đã thực hiện chính sách can thiệp tăng dự trữ ngoại tệ nhưng không đồng thời thắt chặt tiền tệ, nên đã dẫn tới lạm phát cao. Trong khi đó, Trung Quốc đã thực hiện thắt chặt tiền tệ rất có chủ ý để kết hợp hài hoà với chính sách giữ ổn định đồng Nhân dân tệ, và đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát.
Trường hợp Trung Quốc cho thấy bài học đáng giá rằng kiểm soát tăng trưởng tiền tệ và tín dụng vẫn là phương tiện căn bản, quan trọng và hữu hiệu hàng đầu giúp kiểm soát lạm phát. Một bài học nữa có thể được rút ra, là sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách vĩ mô có ý nghĩa quan trọng. Cụ thể trong trường hợp này, khi cơ quan tiền tệ đã xác định có kế hoạch mua vào một lượng ngoại tệ lớn, thì nó cũng đồng thời phải dự trù một kế hoạch thắt chặt cung tiền một cách hài hoà từ trước đó.

Một số gợi ý chính sách

Tóm lại, có thể hình dung “con đường lạm phát” những năm qua như sau:
– Một hiện tượng kinh tế đặc thù trong những năm gần đây của Việt Nam là sự tăng trưởng mạnh của các dòng tiền từ nước ngoài (bên cạnh những dòng tiền truyền thống như dòng vốn đầu tư trực tiếp và tiền của Việt kiều, còn có tiền gửi về của người Việt lao động ở nước ngoài và vốn đầu tư gián tiếp).
– Để giữ đồng tiền Việt ổn định (nhằm giữ lợi thế cho xuất khẩu), cơ quan tiền tệ Việt Nam đã phải mua vào ngoại tệ với lượng ngày càng lớn. Do đó, hằng năm một lượng lớn tiền đã được đẩy vào lưu thông. Lượng tiền này có thể lên tới 15% GDP hoặc hơn.
– Một chính sách nên được tiến hành đồng bộ với chính sách trên là thắt chặt hợp lý tăng trưởng tiền tệ và tín dụng. Nhưng trong thời gian vừa qua, nó đã không được thực hiện.
– Kết quả là lạm phát đã trở thành một hiện tượng kinh niên (ở mức cao, trên 8%) kể từ năm 2004.
Trên cơ sở những luận điểm như vậy, chúng tôi khuyến nghị những giải pháp như sau:
1. Lạm phát hiện nay ở nước ta nên được xem xét nghiêm túc và thẳng thắn là có căn nguyên từ chính sách tiền tệ. Trên cơ sở đó, các chính sách chống lạm phát nên mang tính tiền tệ. Điều ấy đồng nghĩa với việc nên hạn chế sử dụng chính sách tài khóa (như giảm thuế một số mặt hàng được quan sát thấy là tăng nhanh nhất), hay chính sách hành chính (đốc thúc doanh nghiệp, kêu gọi sự hỗ trợ của người dân). Chúng tôi cho rằng các biện pháp tài khoá và hành chính đều mang tính thoả hiệp, tạm thời và có khuynh hướng che đậy bản chất thực sự của lạm phát. Đi kèm với nó là chi phí cao, hiệu quả thấp.
2. Các biện pháp tiền tệ mang tính gốc rễ là giảm tốc độ tăng tiền và tín dụng. Các biện pháp như tăng dự trữ bắt buộc hay phát hành trái phiếu chỉ nên coi là tức thời và cục bộ mà thôi. Ví dụ, chính sách tăng dự trữ bắt buộc khiến khối ngân hàng gánh nhiều chi phí hơn các khu vực khác trong công cuộc chống lạm phát. Ngược lại, việc cắt giảm tín dụng và cung tiền trên toàn nền kinh tế, áp dụng cho toàn bộ các thành phần kinh tế, sẽ san sẻ chi phí chống lạm phát một cách bình đẳng hơn.
3. Bên cạnh cam kết chống lạm phát đã được thể hiện rõ ràng của chính phủ, cần công khai các biện pháp cụ thể để thể hiện cam kết là đáng tin cậy, đồng thời ràng buộc chính phủ vào cam kết đó. Điều này sẽ giúp người dân hình thành kỳ vọng về mức lạm phát thấp trong tương lai (nếu họ biết và tin các chính sách là đúng đắn và cứng rắn), dẫn đến khả năng thành công dễ dàng hơn của chính sách chống lạm phát. (Một chính sách chỉ có hiệu lực khi người ta tin là nó có hiệu lực).
4. Không nên duy trì quan điểm cho rằng lạm phát thấp hơn mức tăng trưởng GDP là tốt, mà có lẽ chỉ nên coi đây như một kinh nghiệm để phấn đấu khi lạm phát đã thành một sự đã rồi. Hiện nay chưa tìm thấy căn cứ khoa học cho luận điểm nêu trên, do đó, chúng ta không nên tự ràng buộc mục tiêu lạm phát vào một giới hạn khá dễ dãi (khoảng 8%), để rồi lại bị cuốn vào nỗi lo con rồng sẽ giật đứt dây xích như hiện nay. (Xin cảm ơn TS Vũ Quang Việt, nhóm Vietnam Economic Society về những góp ý và thảo luận hữu ích cho bài báo này).
——–
1. TS. Lê Xuân Nghĩa trả lời phỏng vấn Báo Lao Động:  http://www.laodong.com.vn/Home/kinhte/2007/8/51372.laodong
———-

Nguyễn Đức Thành

Tác giả