Nhiều loại nông sản tăng giá

Giá cả nhiều loại nguyên liệu nông sản tăng vọt. Tại sao về lâu dài giá các loại nông sản như ngô, sợi bông và một số loại nông sản khác sẽ ở mức cao  – và tại sao các nước mới nổi có vai trò quan trọng trong lĩnh vực này.

El Niño là nguyên nhân gây nên biến động thời tiết dẫn đến mùa màng thất bát trong những năm qua. Ấn Độ đã trải qua hai năm hạn hán nghiêm trọng do đó làm sản lượng mía đường giảm sút trong khi nước này đứng hàng thứ hai về ngành sản xuất mía đường trên thế giới. Theo dự báo thì năm 2011 sản lượng đường tăng 30% tuy nhiên hai quốc gia trồng mía lớn nhất thế giới là Brazil và Australia thông báo đang gặp khó khăn trong vụ thu hoạch này. Rất có thể giá đường trên thị trường thế giới sẽ lâm vào tình trạng chao đảo, lên xuống thất thường.

Có thể nói trong các loại nông sản nguyên liệu thì giá đường lên xuống nhiều nhất, trong 12 tháng qua bên cạnh mía đường thì giá bông và các loại kim loại như chì, kẽm và palladium có mức tăng lớn nhất. 

Trong khi giá đường thậm chí có thể giảm trong năm  2011 thì hầu hết giá các loại nông sản khác có xu hướng tăng lên. Từ tháng 11 năm ngoái giá ngô và lúa mì tăng trên 30%, giá bông hiện nay đã ở mức cao nhất trong 150 năm gần đây. Eugen Weinberg, chuyên gia phân tích về các loại nguyên liệu của Commerzbank nói “rõ ràng là giá các loại nguyên liệu nông sản sẽ tăng trong thời gian tới. Chúng ta phải lường trước về lâu dài sẽ có nhiều biến động về giá cả và xu hướng là sẽ tăng lên”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có yếu tố khôn lường về thời tiết và giá thành sản xuất tăng. Thí dụ chi phí về phân bón, vận tải và chi phí lương tăng. Cầu không ngừng tăng cũng là yếu tố quyết định gây tăng giá nông sản nguyên liệu. Trên thị trường thế giới đang diễn ra sự tranh giành nguyên liệu nông sản giữa các nhà sản xuất lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc và sản xuất nhiên liệu sinh học. Hoa Kỳ hiện đã sử dụng một phần ba sản lượng ngô để chế biến thành Ethanol. Giá ngô tăng làm cho nhiều nhà nông chuyển từ trồng lúa mì sang trồng ngô – từ đó gây khan hiếm ngũ cốc và đẩy giá ngũ cốc lên.

Cạnh đó phải kể đến nhu cầu tăng nhanh ở các quốc gia mới nổi. Thí dụ cách đây vài ba năm Trung Quốc còn là nước có khả năng tự túc về nông sản và hầu như không xuất hiện trên thị trường nông sản thế giới. Nhưng theo chuyên gia Weinberg thì “ngày nay TQ đã trở thành một khách hàng lớn, nhập khẩu một khối lượng ngày càng lớn hơn đối với một số loại nông sản quan trọng như đường, ngô, đậu tương và sợi bông”.

Lý do: Đời sống ngày càng được cải thiện dẫn đến sự thay đổi về thói quen ăn uống của người TQ. Tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy chú ý đến kiểu cách trang phục đẹp và tốt hơn, người ta ngày càng xa lánh việc sử dụng sản phẩm tổng hợp rẻ tiền – từ đó làm cho nhu cầu đối với bông vải tăng nhanh.

Đời sống được nâng cao cũng thể hiện qua các bữa ăn. Trên mâm cơm thịt ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Vì vậy TQ tiêu thụ ngày càng nhiều ngũ cốc, ngô và đậu tương để làm thức ăn gia súc. Thí dụ năm vừa qua TQ đã nhập  1,6 triệu tấn ngô. Năm 2011 các chuyên gia dự đoán mức nhập sẽ tăng lên gần tám triệu tấn. Cũng cần khẳng định yếu tố đầu cơ cũng làm cho thị trường nông sản thế giới bị biến động. Thí dụ mới đây khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ điều chỉnh lượng dự trữ ngô xuống mức thấp thì chỉ trong một tuần giá ngô tăng 15%. Chuyên gia Weinberg cho rằng “Điều này hoàn toàn không liên quan gì tới quan hệ cung cầu mà chủ yếu do yếu tố đầu cơ”.

Trong thời gian tới đầu tư vào khâu nguyên liệu vẫn là khâu đầu tư có tính hấp dẫn cao: Kết quả thăm dò của Barclays Capital đối với 100 nhà đầu tư châu Âu thì 83% ngỏ ý trong ba năm tới vẫn tiếp tục duy trì, thậm chí mở rộng đầu tư vào khâu nguyên liệu..          
      
XUÂN HOÀI  Wiwo 4.2011

Tác giả