Những điều cần xem lại về ODA

Đáng buồn và đau nhất là khi trả lời phỏng vấn, hầu hết những người được hỏi, từ đại biểu Quốc hội, cựu quan chức cao cấp, đến các chuyên gia kinh tế…, đều nói rằng họ “không ngạc nhiên” trước thông tin về vụ tham nhũng “xuyên biên giới” này.

 

“Không ngạc nhiên”, nghĩa là họ thừa nhận rằng tham nhũng là phổ biến, là khó tránh khỏi trong các dự án đầu tư công, rằng đây chỉ là một trường hợp mới bị lộ bên cạnh vô vàn các trường hợp chưa bị lộ. “Không ngạc nhiên”, cũng có nghĩa là mọi người đang mất niềm tin, đang đắng cay, chua xót trước khoảng cách xa vời vợi giữa những qui định pháp luật, những lời hứa hẹn, hô hào, với sự bất lực trên thực tế trong việc chống tham nhũng ở nước ta, kể cả trong các dự án sử dụng ODA với những qui định tưởng chừng đã hết sức chặt chẽ và được cả bên nước ngoài cùng giám sát.

Những rủi ro trong sử dụng ODA

Hiệu quả sử dụng ODA thường gắn liền với hiệu quả đầu tư công, nhưng ở Việt Nam như giáo sư Trần Văn Thọ từng nhận định trong một bài viết gần đây, đã có điều tra cho thấy chi phí xây dựng hạ tầng trong các dự án đầu tư công của chúng ta là rất cao do nguy cơ thất thoát lớn trong quá trình thực hiện, đồng thời Ngân sách nhà nước chi tiêu cho nhiều dự án không cần thiết, không có hiệu quả kinh tế.

Tình trạng trên có nguyên nhân chủ yếu là những rủi ro đạo đức và rủi ro về năng lực quản trị trong khu vực công, khu vực có trách nhiệm lớn nhất, trực tiếp nhất với các dự án ODA. Ở khu vực này người ta rất dễ nhìn ra cơ hội tham nhũng, xin-cho, chia chác trong các dự án ODA, nhưng không dễ kiềm chế lòng tham trước những cơ hội đó, hoặc chí ít cũng dễ thỏa hiệp mà bỏ qua các chuẩn mực, chấp nhận những tính toán sơ sài để “vay lấy được”, để có thêm thành tích và công trình trong nhiệm kỳ của mình, hoặc để được lòng ai đó, và để mặc món nợ đó cho người phụ trách ở những nhiệm kỳ sau giải quyết. Điều này càng dễ xảy ra khi thiếu vắng tính minh bạch và trách nhiệm trong đầu tư công, khi hệ thống ra quyết định có quyền lực vô biên trong khi hệ thống kiểm tra giám sát lại bất lực. Năng lực quản trị trong khu vực công cũng đang là một rủi ro mà bao nhiêu tiền ODA đổ vào cho khoản “tăng cường năng lực” cũng không giúp giảm thiểu, bởi những căn nguyên từ hệ thống thể chế về bộ máy, các qui tắc vận hành và con người hoạt động trong bộ máy đó. Với năng lực hạn chế, không ít trường hợp phía đi vay không tính được hết các rủi ro, không phát hiện được những sai lầm trong bài toán đi vay của chính mình cũng như các điều kiện, thủ thuật của phía cho vay gây bất lợi cho mình, nếu có. Và khi cả đạo đức lẫn năng lực cùng kém thì sự rủi ro và nguy cơ thất thoát sẽ càng to lớn!

Người ta rất dễ nhìn ra cơ hội tham nhũng, xin-cho, chia chác trong các dự án ODA, nhưng không dễ kiềm chế lòng tham trước những cơ hội đó, hoặc chí ít cũng dễ thỏa hiệp mà bỏ qua các chuẩn mực, chấp nhận những tính toán sơ sài để “vay lấy được”, để có thêm thành tích và công trình trong nhiệm kỳ của mình, hoặc để được lòng ai đó, và để mặc món nợ đó cho người phụ trách ở những nhiệm kỳ sau giải quyết.

Ngoài rủi ro tham nhũng, còn nhiều thứ rủi ro khác mà chúng ta còn chưa tính toán, có biện pháp phòng ngừa một cách thỏa đáng, khiến các dự án ODA có thể trở nên vô cùng đắt đỏ, hiệu quả ODA mất đi đáng kể, và việc vay ODA có khả năng trở thành mua gánh nợ lớn cho tương lai với giá cao. Như bất kỳ dự án đầu tư nào khác, các dự án dùng vốn ODA cũng có thể có những rủi ro do tính sai bài toán chi phí-lợi ích (khi chọn sai dự án hoặc tính sai về chi phí phải bỏ ra và kết quả có thể đạt được), rủi ro thị trường (khi giá cả các sản phẩm dùng trong dự án thay đổi – ở nước ta rõ nhất là giá đất hay mặt bằng và giá các thiết bị, vật tư nhập khẩu cho dự án), rủi ro tái cấp vốn và rủi ro lãi suất (mặc dù ODA về cơ bản có mức lãi suất thấp và ổn định nhưng khi đến hạn thanh toán người đi vay vẫn có nguy cơ không huy động được tài chính, hoặc phải đi vay với lãi suất cao để trả nợ; kịch bản này dễ xảy ra với Việt Nam khi ra khỏi ngưỡng nghèo và phải vay ODA với lãi suất cao hơn, thời gian hoàn trả ngắn hơn, thậm chí khoản ODA có thể đòi hỏi chúng ta phải vay thêm các nguồn khác để có vốn đối ứng), rủi ro tỉ giá (khi giá trị đồng tiền các nước cung cấp ODA tăng cao so với giá trị đồng tiền của nước đi vay, khiến nước đi vay phải trả nợ với chi phí cao hơn tính theo đồng tiền nội địa của mình), rủi ro về dòng tiền (khi ngân sách bị thâm hụt, dự trữ ngoại tệ hạn hẹp mà gánh nặng trả nợ tăng cao), rủi ro về kỹ thuật (như việc xảy ra khi xây dựng cầu Cần Thơ), chưa kể phải tính đến những rủi ro như thiên tai ở nơi có dự án, biến động lớn ở nước cung cấp ODA v.v.

Việt Nam cần vay nhiều ODA vì thiếu vốn?

Cũng đã đến lúc phải nghĩ xem nước ta có cần phải cố vay thêm thật nhiều vốn ODA nữa không, hay có những cách nào khác để phát triển, để sẵn sàng “tốt nghiệp ODA”. Việc các nước cung cấp ODA quyết định giảm nguồn cung, tăng điều kiện cho vay hoặc chấm dứt cung cấp ODA cho những nước đã đạt mức thu nhập trung bình để dành nguồn vốn cho các nước còn nghèo là hoàn toàn hợp đạo lý. Điều đó cũng thúc đẩy các nước đạt mức thu nhập trung bình phải cố gắng tự đứng trên đôi chân của mình, tự khai thác, phát huy các nguồn lực bên trong cũng như tận dụng các kênh hợp tác quốc tế khác để tiếp tục vươn lên đạt mức phát triển cao hơn. Khai thác, phát huy các nguồn lực này đồng thời cũng là tạo cơ hội cho người dân, doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư, phát triển, làm giàu cho mình và góp phần làm giàu cho đất nước.

Những lãng phí, mất mát lớn ở nước ta như cú sụp đổ của Vinashin, mức thua lỗ, nợ nần ghê gớm ở nhiều doanh nghiệp nhà nước, tỉ lệ thất thoát vài chục phần trăm trong các công trình xây dựng, sự tăng chi phí gấp 2-3 lần dự toán ban đầu trong vô số dự án đầu tư công, hay sự đóng băng của thị trường bất động sản trị giá hàng triệu tỷ đồng, hay việc đào bới tài nguyên đi bán thô… cho thấy nước ta đâu có quá thiếu vốn! Vấn đề chính là vốn ở nước ta bị sử dụng quá kém hiệu quả thôi. Chỉ cần giảm đi một nửa những mất mát kiểu này, có lẽ chúng ta đã có đủ nguồn vốn cần thiết cho đầu tư phát triển mà không cần vay ODA nữa!
————
i Trần Văn Thọ, “Dùng ODA như thế nào”, Thời Báo Kinh tế Sài Gòn
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/sotay/113157/Dung-ODA-nhu-the-nao?.html

Tác giả