Tập trung phát triển các công nghệ mũi nhọn theo hướng chuyên sâu

Thành lập năm 1991, công ty Dolsoft chuyên cung cấp các sản phẩm phần mềm, nhiều sản phẩm của công ty như phần mềm về xử lý, quản lý các thông tin địa lý (WinGis) Dolsoft Enterprise, Dolsoft Browser, Dol Map... đã có mặt tại một số thị trường Âu, Mỹ. Tuy nhiên tại Việt Nam, Dolsoft vẫn chưa được biết đến nhiều.  Tạp chí Tia Sáng có cuộc trao đổi với TS Đinh Tiến Sơn, phó chủ tịch Hội đồng quản trị, phụ trách kỹ thuật của công ty Dolsoft xung quanh việc vì sao sản phẩm của công ty vẫn “xa lạ” tại thị trường trong nước.




PV: Vì sao Dolsoft quyết định tập trung vào hướng nghiên cứu tạo ra các sản phẩm về quản lý, xử lý các thông tin địa lý?

TS Đinh Tiến Sơn: Công nghệ Hệ thống thông tin địa lý (Geographic information system – GIS) là công nghệ có giá trị lớn trong quản lý từ vĩ mô đến vi mô, từ quốc gia đến vùng lãnh thổ. Công nghệ này bao gồm công nghệ thu thập thông tin, xử lý thông tin và mô hình hóa dữ liệu. Các công nghệ này bao trùm nhiều lĩnh vực chuyên sâu như công nghệ xử lý ảnh, quản lý dữ liệu lớn dạng vector, các mô hình toán học nhiều chiều. Dolsoft là tập thể có nhiều nhà toán học nên anh em chọn lĩnh vực này để phát triển năng lực của mình cũng như hy vọng những sáng tạo sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho đất nước.

 Năm 2000, khi sản phẩm WinGIS của anh đã có chỗ đứng ở một vài thị trường thế giới nhưng tại Việt Nam vẫn chưa được biết đến. Nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tham gia vào cuộc họp có các quan chức của các bộ ngành có liên quan để giới thiệu sản phẩm của Dolsoft với họ. Nhưng kết quả vẫn không khá hơn. Sau 10 năm, sản phẩm của Dolsoft vẫn chiếm thị phần rất khiêm tốn tại Việt Nam. Theo anh, vì sao các sản phẩm của công ty anh được thị trường thế giới biết đến nhưng vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường trong nước?

Ứng dụng công nghệ GIS đòi hỏi nhiều yếu tố: hạ tầng thông tin, nhu cầu quản lý, trình độ cán bộ, vốn đầu tư, v.v. Chúng ta còn nhiều bất cập trong việc ứng dụng không chỉ với công nghệ GIS mà còn với rất nhiều công nghệ khác. Ở các nước phát triển việc ứng dụng công nghệ là nhu cầu tất yếu do áp lực quản lý, áp lực gia tăng vị thế cạnh tranh. Trong công nghệ GIS họ có sẵn hạ tầng thông tin tốt, các phương pháp xử lý thông tin ổn định, cùng khả năng tài chính dồi dào khiến việc ứng dụng công nghệ cao luôn dễ dàng hơn so với đại bộ phận các quốc gia khác.

 Các thông tin về công ty của anh trên báo chí trong nước dường như còn quá ít, phải chăng các anh chưa muốn tạo dựng danh tiếng trong nước, vẫn muốn đi chinh phục những thị trường xa hơn? (Ngay cả trang web của công ty anh cũng không có phiên bản tiếng Việt).

Có lẽ vì năng lực còn hạn chế nên chúng tôi vẫn chỉ tập trung vào thị trường quen thuộc.

 Khó khăn lớn nhất khi tham gia vào thị trường quốc tế là gì?

Có rất nhiều khó khăn lớn như vốn, thời gian tiếp cận và thuyết phục thị trường, và lớn hơn hết là tìm được đối tác tốt và ổn định.

 Thành viên ban quản trị đa dạng về quốc tịch, có phải đây cũng là một yếu tố giúp Dolsoft tiếp cận thị trường quốc tế dễ dàng hơn?

Chắc chắn là như vậy. Nó giống như việc xây cầu từ 2 bờ dễ hơn nhiều với việc từ một bờ.

 Quy mô công ty anh hiện nay?

Công ty DolSoft hiện nay là công ty mẹ với một số công ty con theo các hướng công nghệ chuyên dụng như: GIS, công nghệ nhận dạng, công nghệ tìm kiếm. Công ty có một số trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh và một số bang ở Mỹ. Tại Việt Nam chúng tôi có khoảng trên 200 nhân viên.

 Chiến lược phát triển của Dolsoft?

Công ty DolSoft hiện tập trung phát triển các công nghệ mũi nhọn theo hướng chuyên sâu hơn là tập trung theo diện rộng và có lẽ trong tương lai cũng vậy.

 Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực CNTT thường than phiền về chất lượng của nguồn nhân lực CNTT Việt Nam. Cá nhân anh thấy thế nào?

Chúng tôi phát triển công nghệ cao và đến ngày hôm nay vẫn chưa thấy bất cập trong năng lực của sinh viên Việt Nam. Tất nhiên chúng tôi luôn cố gắng đào tạo thêm cho các em, khuyến khích, động viên và tin tưởng các em. Tại công ty chúng tôi, các em đã và đang đóng góp rất tốt trong phát triển những công nghệ tầm cao thế giới, trong đó có cả các em mới ra trường 2, 3 năm.

 Khi tuyển dụng nhân viên, phẩm chất nào của họ được Dolsoft đánh giá cao bên cạnh năng lực làm việc?

Khả năng tư duy sáng tạo cùng năng lực làm việc là ưu tiên hàng đầu. Các em  học toán giỏi thông thường là những người thích tư duy tìm tòi và có tính kiên trì cao. Tuy nhiên phải nói là chúng tôi có nhiều em rất giỏi được học ở những môi trường rất khác nhau từ phổ thông đến đại học, kể cả ở tỉnh lẻ.

 Đánh giá của anh về sản phẩm CNTT trong nước hiện nay?

Theo ý kiến riêng thì sản phẩm CNTT của chúng ta cao hơn so với trình độ công nghệ chung của đất nước. Tuy nhiên có thể còn làm tốt hơn nữa nếu chúng ta có được sự ưu tiên trong chính sách phát triển quốc gia.

 Xin cám ơn anh!

PV thực hiện

Tác giả