Thuế thu nhập cá nhân với cải cách hành chính

Những vấn đề về luật thuế thu nhập cá nhân (TTNCN) nêu dưới đây có thể sẽ giúp cho bạn đọc có cái nhìn rõ ràng hơn về những khía cạnh tiến bộ của việc thu TTNCN trên quan điểm của cải cách hành chính. Thậm chí, việc áp dụng một cách khoa học về chính sách TTNCN có thể liên quan đến mức độ thành công của công cuộc cải cách này.

1) Một chính sách thuế thu nhập cá nhân hợp lý sẽ cải thiện đáng kể ngân sách Quốc gia cho lương của viên chức hành chính công
Nếu như xã hội ta tạo mọi điều kiện một cách công bằng cho mỗi công dân phát triển nghề nghiệp và có được thu nhập thông qua công việc cá nhân  thì sự bình đẳng này cũng phải thể hiện ở chỗ ai làm ít, làm nhiều thì đều phải đóng góp cho quốc gia tương ứng với thu nhập của người đó. Nói một cách khác: Mọi công dân đều phải được đối xử bình đẳng với thuế thu nhập.
Đó là niềm tự hào chính đáng nhất của mọi công dân trong thời bình, và chắc hẳn mỗi một người dân đóng thuế cho quốc gia đều thấm thía câu khẩu hiệu nổi tiếng bên Đường 5, rất rõ và rất to: Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Quốc gia.
Không phải mọi công dân Việt Nam đều hiểu được TTNCN đóng vai trò quan trọng như thế nào với với ngân sách quốc gia; đơn giản vì những người cả đời không phải đóng lấy một xu nào cho công quĩ thì chắc chắn họ không thể có cái cảm giác thuế liên quan đến họ như thế nào, cả về mặt tình cảm (vinh dự) cũng như trách nhiệm đối với thuế thu nhập.
Con số của Bộ Nội Vụ cho biết có khoảng hơn 13 triệu lao động (con số thông báo trên thông tin đại chúng là 12 triệu lao động) hiện có mức thu nhập từ 1,5 triệu đồng/tháng trở lên. Cũng thống kê của Bộ Nội Vụ cũng cho biết, tổng cộng số người làm công có lương cao tại các ngành Bưu điện, Điện lực (EVN), Vietnam Airline và khối lao động kỹ thuật cao cho các cơ quan, văn phòng nước ngoài… có thu nhập cao hơn 3 triệu đồng/tháng… là khoảng 2 triệu người.
Một tính toán chi tiết đã chỉ ra rằng: Sẽ có 1 tỷ USD thất thoát hàng năm do chính sách của ta hiện nay không thu thuế từ những người có thu nhập từ mức trung bình trở lên trong xã hội!
Để có thể làm tốt cải cách hành chính, việc đầu tiên mà các nước phát triển đã làm là tăng lương cho công chức. Việt Nam ta chắc cũng không thể bỏ qua chính sách này. Vậy đâu là liên quan giữa khoản thất thu thuế kể trên và số tiền cần thiết để tăng lương cho công chức?
Giả thiết có 2 triệu công chức cần được tăng lương: Nếu bổ đầu 1 tỷ USD cho 2 triệu người thì mỗi viên chức hành chính công sẽ có thu nhập  tăng thêm ít nhất  650 000 Đồng/tháng so với mức lương của họ hiện nay.

2) Chính sách hợp lý của Thuế thu nhập cá nhân sẽ biến các viên chức hành chính công kiểu “ban phát” thành “nô bộc” của dân

Đương nhiên là giảm thiểu cơ quan hành chính, giảm thiểu các công đoạn ra quyết định là một công đoạn quan trọng của cải cách hành chính, song đó là Tinh giản hành chính chứ chưa phải là cải cách hành chính thực sự. Cái “hồn” của công cuộc cải cách hành chính phải chăng là thay đổi tư tưởng từ người dân đến người làm hành chính công là phải làm sao để chuyển Dịch vụ hành chính công từ Xin/cho thành Nghĩa vụ/Trách nhiệm một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất cho mọi công dân.
Mối quan hệ nhân quả này có thể được hiểu thế này: Để có cải cách hành chính  thành công, phải có chế độ lương thích hợp cho những người trong biên chế, chính phần thuế thu nhập của mọi đối tượng có thu nhập (ít nhất là tạm trừ ra lương tối thiểu) sẽ đủ để tiếp sức cho đội ngũ công chức hành chính công. Và khi người làm hành chính công hiểu rằng, lương của họ là từ đóng góp của mọi lao động mà ra thì sự tôn trọng của họ trước thần dân sẽ phải tăng lên. Về phía người dân, dù chỉ đóng TTNCN ở mức tối thiểu, họ cũng cảm thấy “tự tin” hơn trước những nhân viên hành chính công.
Chẳng phải tự nhiên mà trên thế giới này, các nước phát triển như Mỹ, Anh hay Nhật luôn có được sự tôn trọng ở mặt bằng quốc tế. Bỏ đi những con ngáo ộp về vũ khí thì trong con mắt thế giới, họ là những người đóng thuế đặc biệt cao cho Liên Hiệp Quốc. Có thể suy ra rằng, trên bình diện quốc tế, dù là còn thu nhập thấp thì ta cũng nên “đóng thuế”, và việc ta đóng thuế sẽ làm cho ta bình đẳng hơn trong con mắt nhân loại và tự ta, chúng ta sẽ thấy chúng ta “đàng hoàng hơn”, tự tin hơn trong thời  WTO.

3) Thuế thu nhập cá nhân và vai trò chống tham nhũng.
Trên tinh thần gắn liền thu nhập cá nhân và thuế với việc phòng chống tham nhũng, chính phủ Singapore đã quyết định tăng lương gấp đôi cho cán bộ công chức cấp cao nhà nước. Tiêu chí của họ là nếu không tăng xứng đáng thì chính quyền Singapore có thể trở thành một chính phủ có sự len lỏi của tham nhũng như các quốc gia khác. (báo Lao động  thứ Bảy, 7.4.07/trang 6)
Trước khi nói về vấn đề này, xin kể thêm một câu chuyện về mua sắm đồ cá nhân tại Mỹ. Một anh bạn người Mỹ gốc Việt về Việt Nam làm ăn đầu tư từ hơn 15 năm nay. Cũng vì phần nhiều công việc của anh đang triển khai ở VN nên việc nộp TTNCN của anh này ở Mỹ chỉ ở mức bình bình. Thấy vợ chồng anh chỉ sử dụng xe ôtô cũ, tôi có thắc mắc tại sao anh chị đã có tuổi rồi, không mua lấy chiếc xe mới tinh kiểu như BMW hay Mercedes để đi cho an toàn. Câu trả lời của anh đã làm tôi suy nghĩ mãi: Ở xứ Mỹ này, khi đi đăng ký xe ôtô, người ta sẽ “xăm soi” xem anh đóng thuế thu nhập bao nhiêu? Nếu trong mã số thuế cá nhân, mức anh đóng chỉ đủ để mua xe Kia Hàn Quốc thì việc anh tậu một chiếc Mercedes sẽ ngay lập tức chứng tỏ rằng anh đang có “vấn đề” về TTNCN – Ít nhất, anh đã có những khoản thu nhập không chính đáng.
Như vậy, việc kiểm soát TTNCN đối với mọi đối tượng có thu nhập sẽ là một công cụ đặc biệt hiệu quả để chống tham nhũng.

4) Thuế thu nhập cá nhân-sự ràng buộc hai chiều với nhiều yếu tố tác động tích cực trong trách nhiệm của mỗi công dân với Quốc gia.
TTNCN đối với mọi đối tượng có thu nhập thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Công dân và Nhà nước. Mối quan hệ này là kết quả của những điều chỉnh đặc thù giữa những người đóng TTNCN và chính phủ, song chính họ-lại được chính phủ hoàn trả lại trong những điều kiện cụ thể về như sức khỏe, cũng như số lượng nhân khẩu ăn theo thu nhập và sau nữa là một lương hưu đủ cho cuộc sống, một khi đã có thời gian đủ dài đóng thuế cho nhà nước…
Như vậy, một xã hội có điều chỉnh chi tiết về TTNCN không chỉ là một xã hội công bằng mà còn thể hiện được tính nhân văn cao. Một cách tự nhiên, đó sẽ là một xã hội có tính ràng buộc hữu cơ giữa Nhà nước và mỗi Công dân một cách mật thiết.

5) Cải cách hành chính và việc hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến thuế, trong đó có TTNCN.
Để có thể gắn việc thu mọi loại thuế với cải cách hành chính thì không phải chỉ có thay đổi từ tư tưởng mà sự thay đổi đó chỉ có thể làm được khi có sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin mang tính quốc gia: Mã số TTNCN gắn liền với thẻ thông tin về thuế. Thậm chí thẻ có thể thay thế chứng minh thư nhân dân (CMT ND).
Nếu mọi người dân đóng thuế đều có thẻ Thuế, đương nhiên, bảo hiểm y tế sẽ nằm ở trong thẻ này. Một cách tự nhiên, việc cần có một thẻ thuế  điện tử sẽ kéo theo  một cuộc cách mạng tin học trong cải cách hành chính, ít nhất là: CMT ND-Thẻ thuế cá nhân và thẻ bảo hiểm y tế.
Mã vạch điện tử đã không còn xa lạ với người dân trong siêu thị, chỉ một tiếng “bíp” đơn giản là hàng đã được thanh toán, điều đó cũng có nghĩa rằng sau tiếng “bíp” đó, thuế cũng đã được tính cho nhà nước. Suy rộng ra, mỗi một cá nhân cũng cần có một cơ chế “mã vạch” để theo dõi việc nộp thuế thu nhập. Như đã biết, có một vài công ty nhà nước đang sản xuất chíp điện tử cho các nhà khai thác viễn thông. Đối với họ, việc lập trình để biến các con chíp này thêm chức năng CMT ND cũng như có thể gộp cả mã thuế thu nhập, thậm chí cả bằng lái xe trong một tấm thẻ là điều không phải quá khó.
***
Rõ ràng, một chính sách TTNCN hợp lý sẽ như một công cụ hữu hiệu không chỉ làm cho người dân yêu nước hơn mà còn là một liệu pháp giúp cho xã hội phát triển lành mạnh hơn, thể  hiện tính công bằng và nhân văn của xã hội đó một cách tích cực và thiết thực nhất.

Phạm Côn

Tác giả