Tiềm năng văn hóa và con người – yếu tố hàng đầu trong hội nhập

Chương trình đánh bắt xa bờ ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không hiếm chuyện có người cả đời chỉ biết trồng tỏi trên ruộng cạn, chẳng có chút kinh nghiệm đi biển nào cũng được vay tiền đóng tàu, làm sao tính toán với biển để thắng được. Thêm nữa, người có tiền, có kinh nghiệm đi biển nhưng không biết tính cũng thất bại. Có thể liên tưởng chuyện này với việc VN gia nhập WTO được không?

Một trong những cái được lớn nhất và dễ thấy nhất ở thời điểm trước và sau khi VN gia nhập WTO là đã có một làn sóng nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào VN làm ăn. Đã có rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về  Phát biểu trên báo Tuổi Trẻ ngày 5.11.2007 nhân kỷ niệm một năm VN gia nhập WTO, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhắc nhở rằng vốn vào nhiều nhưng VN hấp thu chưa tốt. Năm 2000 vốn đầu tư nước ngoài cam kết là 2,6 tỷ USD và đã đưa vào triển khai được 2,4 tỷ USD. Đến năm 2006, đầu tư nước ngoài cam kết trên 10 tỷ USD nhưng chỉ triển khai được 4,1 tỷ USD, nghĩa là tụt từ 92% xuống còn 40%. Điều đó rất đáng suy nghĩ.
Tuy nhiên Tiến sĩ Doanh chưa lưu ý đến một khía cạnh khác cũng đáng suy nghĩ không kém: trong 10 tháng đầu năm nay, đầu tư của nước ngoài tiếp tục tăng hơn một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái, vượt quá 11 tỷ USD. Nhưng đến 90% lượng đầu tư này là các dự án mới, nghĩa là lượng vốn thực sự được đưa vào sản xuất trong thời gian vừa qua vẫn rất thấp. Thứ nữa, hầu hết lượng vốn lớn nhất tập trung vào hai lãnh vực mang lại lợi ích kinh tế và xã hội tương đối giới hạn là công nghiệp nặng và địa ốc. Đây là một trong những nguyên nhân tiềm tàng của nạn đầu cơ bất động sản trên diện rộng ở cả giai đoạn trước và sau khi các dự án đi vào hoạt động.
Cũng cần phải nói thêm là trong năm 2007 này, VN đạt một tốc độ tăng trưởng sản xuất rất cao, có lẽ còn cao hơn dự kiến của các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên đó không hẳn là kết quả của làn sóng đầu tư nước ngoài sau khi VN vào WTO. Bởi vì môi trường đầu tư của VN thật ra vẫn còn thiếu lành mạnh, doanh trường trong nước vẫn thiếu minh bạch, thông tin thị trường thì đơn giản và thiếu tính khả tín. Chính vì lẽ đó mà môi trường kinh doanh trong nước thời gian qua đã không bắt được những tín hiệu trung thực về giá cả lẫn cơ chế, hậu quả là dễ làm nảy sinh phản ứng đầu cơ nhất thời và thổi lên nhiều trái bóng rủi ro mà hiện tượng giá đất là một dẫn chứng sinh động.
Mặt khác, giá trị thật sự của nguồn vốn đầu tư nước ngoài không thể xem xét trên những dãy số cứ tuần tự tăng lên hằng năm. Nó phải được xét trên một khía cạnh khác mà thông qua đó mới thấy hết được khả năng hội nhập của VN có thể sâu rộng đến mức nào trong tương lai. Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam của Nhật Bản (VERI), ông Teruyoshi Kubota, một cựu chính khách ngoại giao Nhật đồng thời là một chuyên gia với 15 năm làm công việc nghiên cứu kinh tế VN, nói rằng người Nhật sợ nhất câu nói “không có vấn đề gì” của người VN. Ông T. Kubota nhấn mạnh rằng cũng tương tự như thế, rất nhiều doanh nhân Nhật sợ nụ cười nửa miệng hoặc cười không thành tiếng của người VN. Bởi vì khi hiểu hay không hiểu rõ vấn đề cần giải quyết, các đối tác VN chỉ cười mà không trả lời, và điều này làm cho người Nhật thấy lo lắng hơn là dễ chịu. Ông nói thêm, Người VN hay phản ứng trước các rắc rối lớn nhỏ bằng câu nói cửa miệng  “không có vấn đề gì” rồi sau đó giải quyết đủng đỉnh thay vì phải hết sức quan tâm đến vấn đề đó để giải quyết dứt điểm, nhanh chóng. Một cách rành mạch và đơn giản, doanh nhân Nhật mong muốn nhìn thấy đối tác làm việc dốc lòng, dốc hết tâm tư tình cảm vào công việc chứ đừng xem nhẹ.
Lâu nay lãnh đạo các tỉnh, thành đã làm nhiều cách để đưa những thông tin tốt nhất, cần thiết nhất về địa phương đến với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó luôn luôn nhấn mạnh những lợi thế cạnh tranh về hạ tầng, vị trí địa lý, môi trường hành chính, nguồn lao động… Tuy nhiên trên thực tế những thông tin đó đối với những doanh nhân đi tìm kiếm thị trường hoặc cơ hội đầu tư thường không được đánh giá cao nếu không muốn nói là không gây được sự chú ý cần thiết trong những cuộc tiếp xúc bởi đó là việc của các bộ phận chuyên môn trong doanh nghiệp. Bằng kinh nghiệm gần 20 năm tổ chức thị trường ở nước ngoài, cố vấn của Tập đoàn sản xuất điện tử Toshiba (Nhật), ông Hiroshi Nishioka nói rằng đối với một doanh nhân nước ngoài, khi xem xét quyết định đầu tư vào một nơi nào đó việc đầu tiên thường là xem về trình độ giáo dục ở đó trước. Tiếp sau là các vấn đề mang tính xã hội, chẳng hạn tỷ lệ lao động nữ trong các nhà máy sử dụng lao động phổ thông có được giám sát chặt chẽ không, tuổi đời trung bình là bao nhiêu, đang cần giải quyết vấn đề vướng mắc gì? Cá biệt như câu chuyện về một nhà đầu tư Hàn Quốc sau khi mục sở thị vị trí thực tế của dự án xây dựng sân gold, đã tỏ ra băn khoăn là với dự án của mình sẽ “bứng” hàng trăm hộ nông dân ra khỏi mảnh đất của họ, rời xa môi trường sống, những kỷ niệm về gia đình, họ hàng, tổ tiên… thì liệu việc kinh doanh sau này có được trọn vẹn không. Còn một nhà đầu tư Nhật, theo lời ông T.Kubota thì rất quan tâm và đã hỏi rất kỹ về khả năng hòa nhập với người địa phương thuận lợi đến mức độ nào trước khi quyết định đặt nhà máy ở đó.
Tóm lại tiềm năng về văn hóa và con người lâu nay vẫn bị bỏ sót trong các chương trình tiếp thị kêu gọi đầu tư. Trong khi đó lại là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với những người từ phương xa đến VN làm ăn và là điều kiện cơ bản nhất để VN tham dự vào sân chơi WTO một cách suôn sẽ, dễ dàng và không bị phân biệt đối xử trước những bất đồng trong quan hệ làm ăn. Những nhà đầu tư nước ngoài sống và làm việc trong môi trường văn hóa xã hội như thế nào, họ có chí thú làm ăn ở VN không, điều đó sẽ được phản ảnh qua khả năng hấp thu đồng vốn đầu tư nước ngoài.

Hải Văn

Tác giả