Tinh thần trường tồn & sáng tạo của cà phê

Cách đây ba năm, năm 2006, Hội đồng châu Âu, thuộc phiên chủ trì của nước Áo, đã khởi xướng Dự án Café châu Âu (Cafes d’Europe), mở 27 quán cà phê tại thủ đô của 27 quốc gia thuộc châu Âu nhân Ngày châu Âu (ngày 9 tháng 5).  Hôm ấy, tại 27 quán cà phê trên toàn châu Âu, công chúng và nhất là giới thanh niên đã sôi nổi thảo luận, đề xuất nhiều quan điểm, hướng tiếp cận và ý tưởng sáng tạo và tầm nhìn xa. Đề tài trọng tâm hôm đó cho đến nay vẫn còn mang tính thời sự, chính là tính đa dạng và phong phú của Cộng đồng châu Âu. Trong những quán cà phê châu Âu này, các nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, giới chính khách gặp nhau và sáng tác “Câu chuyện châu Âu”. George Steiner phát biểu: “Quán cà phê này là nơi hội họp và sáng tác, viết lách, là nơi tranh luận và đàm đạo đầy trí tuệ. Nếu ai đó làm một bản đồ quán cà phê, người ấy sẽ có được bản phác họa tổng thể những ý tưởng châu Âu…”.

Quả là một ý tưởng lớn! Chúng ta sẽ không thể tưởng tượng nổi Câu chuyện châu Âu nếu không biết quá trình phát triển của văn hóa Cà phê trong bốn, năm thế kỷ qua. Từ thế kỷ 16, đích thân Đức Giáo Hoàng Clement VIII – là người đóng vai trò quan trọng trong việc phổ cập hóa các quán cà phê. Ông nói “hương vị cà phê dịu dàng đến thế thì không thể nào là sản phẩm do Quỷ dữ làm ra được. Thứ thức uống này thơm ngon đến vậy mà chỉ để cho mỗi mình giáo dân Hồi giáo thưởng thức thôi thì thật đáng tiếc. Quỷ Sa-tăng phát điên lên vì chúng ta sẽ làm lễ rửa tội cho cà phê và biến cà phê thành thứ thức uống chính thức của Cơ Đốc giáo.” Chúng ta sẽ không thể tưởng tượng nổi Câu chuyện châu Âu nếu thế giới không có những quán cà phê như Florian và Quadri tại Quảng trường Saint Mark thành phố Venice, hay quán Procope, quán Café de Foy tại khu Hoàng Cung mới, thành phố Paris, nơi Camille Desmoulins đã đọc bài diễn văn sôi sục lòng người dân Paris, khởi đầu cuộc Cách mạng Pháp. Chúng ta sẽ không thể tưởng tượng nổi cuộc Cách mạng Bôn-sê-vich nếu không có quán Café Landolt tại Geneva, nơi Lenin viết luận cương Đảng cách mạng, với câu nói bất hủ “có quyết tâm tất có con đường” nêu trong phần “Đường lối”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới thăm Hội quán Sáng tạo

Có một danh nhân mà tôi không nhớ tên có lần phát biểu “Cà phê là di sản văn hóa châu Âu”. Cho phép tôi xin được phản đối. Theo lịch sử, trước khi trở thành một trào lưu xã hội tại châu Âu, quán cà phê đã có mặt tại Trung Đông từ năm 1555, lúc ấy có hai người Syria đến từ Damascus và Aleppo đã mở hai quán cà phê đầu tiên tại khu Tachtakala thuộc Istanbul. Khách hàng của họ là các nhà thơ, học giả, nhà vận động tuyên truyền từ khắp mọi miền của Trung Đông. Các quán cà phê đã nhanh chóng trở thành một văn hóa liên quốc gia với nội hàm hết sức đa dạng phong phú. Ngay cả một quán cà phê như Café Flore, xưa nay vẫn là một địa điểm hội họp nổi tiếng của giới nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, hội họa, và những ai theo trường phái Hiện sinh.  Chúng ta sẽ không thể tưởng tượng nổi Paris, thành phố của nghệ thuật, mà lại thiếu vắng những Jean Paul Sartre của Pháp, Ernest Hemingway của Mỹ, Pablo Picasso của Tây Ban Nha, mỗi ngày uống đến 50 tách cà phê, hay nhà thiết kế Kenzo của Nhật. Trường phái Hiện sinh, trường phái Lập thể, thời trang Đông Tây Hội Ngộ đều khởi nguồn từ những quán cà phê giống như chính nơi này. Nếu Benjamin Franklin không gặp Marquis de LaFayette tại quán cà phê Regence tại khu Hoàng Cung Palais Royal và kết tình bằng hữu thì liệu có cuộc Cách mạng Mỹ? Chắc có lẽ là không.
Điều tuyệt vời nhất của cây cà phê nằm ở chỗ nó phản ánh vừa tinh thần trường tồn vừa tinh thần sáng tạo. Người Việt Nam trân trọng sự du nhập của cây cà phê vào Việt Nam cách đây độ 100 năm, và nhờ thiên nhiên ban tặng cho một vùng đất đỏ Bazan với 160 triệu năm tích tụ hình thành, hạt cà phê Việt Nam có được hương vị hết sức đặc biệt, không những có thể làm cho tinh thần mạnh mẽ hơn, mà còn góp phần vào truyền thuyết dựng nước và giữ nước của cha ông. Có lẽ vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào năm 1958, trong lúc đích thân pha chế và mời cà phê các chính khách của Nga, Người đã nói “Tôi đảm bảo với quý vị rằng cà phê Việt Nam là ngon nhất thế giới.” Cây cà phê nơi đây quả thật đã mang những thông điệp đặc biệt về sự phát triển bền vững của đất đai và con người Việt Nam. Chính tại vùng đất này, vào thời hậu kỷ nguyên Pleitoxen và tiền kỷ nguyên Holoxen (giai đoạn năm 9800 đến năm 8500 TCN), nền văn minh Hòa Bình đã sản sinh cho nhân loại văn hóa lúa nước. Các bằng chứng khảo cổ học đang đặt nghi vấn về nguồn gốc văn hóa nông nghiệp liệu có thật sự là vùng Lưỡng Hà cách đây 6.000 năm hay không. Chính tại vùng đất này Việt Nam đã nổi lên thành quốc gia đứng đầu về cà phê Robusta trên thế giới, với sản lượng hằng năm đạt một triệu tấn trong vòng chưa đầy 15 năm phát triển (1990-2005).
Sau cuộc hành trình xuyên không gian và thời gian, ngày nay cây cà phê đã là một di sản của thế giới. Trên hai tỉ người uống cà phê mỗi ngày, để thức tỉnh, trong buổi ăn sáng, trong lúc nghỉ giải lao, sau buổi ăn trưa, cuối buổi ăn tối v.v. Hiện tượng này mang tính rộng khắp và phổ biến đến mức tôi xin mạo muội tuyên bố rằng “cà phê là nguồn năng lượng của nền kinh tế tri thức, giống như xăng dầu là nguồn năng lượng của nền kinh tế công nghiệp.” Nhận định này là đúng đắn, bởi lẽ chúng ta sẽ không thể nào hình dung được giới sáng tạo khắp nơi trên thế giới sẽ làm việc như thế nào nếu không có cà phê. Cái tuyệt đẹp của hạt cà phê cũng giống như nhà kinh tế học người Anh E.F. Schumacher đã nói “nhỏ là đẹp” (“small is beautiful”), và câu nói này đã trở thành phương châm của Câu lạc bộ Roma, câu lạc bộ đầu tiên về bền vững với tầm nhìn xa và đầy nhân bản. Nếu nhìn sâu vào bên trong hạt cà phê, bạn có thể đi thêm một bước nữa và thấy rằng “nhỏ là mạnh” (“small is powerful.”)
Sự hình thành những không gian cà phê như một không gian sáng tạo của Trung Nguyên ở một số địa phương, đặc biệt là Hội quán Sáng tạo tại Hà Nội, chính là nhằm kích khởi sự hợp lực hướng đến những giá trị tinh thần, trường tồn và sáng tạo của cà phê.

Tác giả