Trung Quốc đang lao đến thảm họa trên chiếc tàu cao tốc

Tàu cao tốc đã trở thành biểu tượng của nạn cắt xén chi phí sản xuất và tham nhũng đang hoành hành tại Trung Quốc.

Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc tưởng chừng đã trở thành biểu tượng của quốc gia đang vươn lên không ngừng này. Tính từ khi tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên được mở ra vào năm 2007, TQ đã xây dựng thêm gần 7.000 km đường sắt mới. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng tỏ ra hoàn toàn sẵn sàng để chuyển giao kỳ tích ấy vào thị trường nước ngoài. Trung Quốc đã hăng hái giành giựt các gói thầu đấu từ tay những công ty nước ngoài có kinh nghiệm hơn TQ rất nhiều. Thế nhưng ngay lúc này đây tại Trung Quốc, gia đình các nạn nhân vừa phải lo ma chay cho 39 người bị tử nạn, vừa phải lo chăm sóc cho 200 người bị thương trong vụ tai nạn tàu cao tốc hôm thứ Bảy vừa qua. Tai nạn lần này có thể được xem là tập phim mới nhất và tồi tệ nhất về sự thất bại của dự án đường sắt cao tốc tại TQ. Một dự án được cho rằng đã chứng tỏ một Trung Quốc sẵn sàng với vai trò lãnh đạo công nghệ tiên tiến, nay đã hoàn toàn sụp đổ trước những cái chết thương tâm, trong sự phẫn nộ của công chúng và sự bối rối của chính quyền.
 
Sự cố đường sắt cao tốc đã đem lại những bài học đau đớn cho TQ. Đó là bài học về sự tham nhũng, về thói đi ngang về tắt, và đùn đẩy trách nhiệm trong một hệ thống quan liêu thiếu minh bạch nhưng quyền lực tuyệt đối và không ai có thể chạm tới được. Nó còn là bài học về thói quen của dân tộc TQ là “tiêu hóa” công nghệ nước ngoài, nói theo lời của một viên chức trong ngành đường sắt, rồi sau đó thay đổi đi một chút để có thể tuyên bố đó là phát minh Trung Quốc.

Các tuyến đường sắt này thực ra đã bị trục trặc nhiều lần; theo các chuyên gia nước ngoài, các đường ray không đạt tiêu chuẩn và có khả năng bị nứt. Bộ trưởng Bộ đường sắt đã bị sa thải và bị điều tra tham nhũng, còn chi phí cho dự án thì đã tăng gấp ba lần. Các blogger ở TQ tuyên bố rằng chính phủ nước này đang cố gắng bao che vụ việc hơn là thực sự điều tra.

Đây không phải vụ việc duy nhất làm lộ ra những nhược điểm chết người của TQ. Một loạt các vụ tai tiếng khác đã khiến các cổ phiếu của các công ty TQ bị sụt giá và mất hàng triệu đô la Mỹ. Những tiết lộ về việc gian lận kế toán ở Trung Quốc đã làm sụp đổ niềm tin của các nhà đầu tư. Cũng tương tự như vụ đường sắt cao tốc, điều này khiến ta phải đặt ra những câu hỏi: nếu TQ vẫn không gia tăng trách nhiệm giải trình và tính minh bạch, thì liệu quốc gia này có thực sự sẵn sàng để đạt được các bước phát triển tiếp theo vốn khó khăn hơn hay chăng? Làm thế nào để một hệ thống hầu như không bao giờ cho phép những lời phân tích khách quan có thể đạt được trách nhiệm giải trình đó?

Những câu hỏi nêu trên cũng quan trọng đối với các đối tác của Trung Quốc như đối với chính phủ của nước này. Tham nhũng đã hủy hoại lòng tin vào các dự án có uy tín của Trung Quốc. Tham nhũng cũng có thể làm chết người: nhiều trẻ em ở Tứ Xuyên đã chết vào năm 2008 khi các trường học bị sụp, các lao động nhập cư ở Thượng Hải đã chết năm ngoái khi tòa nhà chung cư căn hộ của họ bỗng trở thành một hỏa ngục chết người; trẻ sơ sinh chết vì sữa bẩn; tài xế chết vì sập cầu và hàng ngàn người chết mỗi năm vì nước tưới rau bị ô nhiễm.

Tham nhũng là một chủ đề nổi bật trong bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của lễ kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập Đảng Cộng sản TQ, và cũng đã được trong đề cập đến trong nhiều bài phát biểu của hầu hết mọi nhà lãnh đạoTQ trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, những điều kiện khiến cho nạn tham nhũng hoành hành như vậy vẫn được giữ nguyên, đó là sự độc quyền về quyền lực trong tay của một tổ chức bất khả xâm phạm. Việc trừng trị một số cá nhân, kể cả những người có chức vụ cao, cũng chẳng thể nào thay đổi điều đó.

Sự tăng trưởng kinh tế trong 30 năm vừa qua Trung Quốc quả là ấn tượng, nhưng những nghi ngờ về các số liệu cơ bản khiến người ta không thể nào xác định được mức độ bền vững của sự tăng trưởng này. Sự khoe khoang về tốc độ xây dựng đường sắt nhắc ta nhớ lại thời kỳ Đại nhảy vọt vào cuối những năm 50, khi các quan chức đã đặt ra các mục tiêu vô lý cho việc sản xuất lương thực và báo cáo rằng các chỉ tiêu này đều đã đạt. Khoảng 30 triệu người đã bị chết đói vào thời gian này. Phản ứng của giới lãnh đạo đối với những thảm họa luôn luôn là như thế: họ ngăn chặn những cuộc thảo luận, buộc các nạn nhân phải im lặng, và xem đó như là giải pháp chứ không phải là vấn đề. Tuần trước, khi các nhân chứng địa phương phản đối việc các quan chức đường sắt vội vàng chôn những toa xe bị hỏng nặng, họ tỏ ra phẫn nộ nhưng chẳng mấy bất ngờ. Tờ China Digital Times cho biết Ban Tuyên huấn Trung ương đã chỉ thị cho các phương tiện truyền thông rằng họ “phải nhanh chóng đưa bất cứ thông tin gì do Bộ Đường sắt cung cấp”.

Trừ phi TQ học được điều gì từ những bài học mang tính hệ thống này, sẽ vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại. Quốc gia này đang bắt tay vào việc mở rộng điện hạt nhân lớn nhất và nhanh nhất thế giới. Và thế giới sẽ phải cầu nguyện để bằng cách nào đó ngành công nghiệp này phải được miễn dịch với những thói đi ngang về tắt, thiếu minh bạch và tham nhũng. Bằng không những hậu quả của chúng sẽ khiến chúng ta rùng mình kinh hãi.

Tác giả