Trung Quốc: Từ tăng trưởng bằng mọi giá tới phát triển hài hòa*

Gần 30 năm cải cách đã đưa Trung Quốc từ một nước rất nghèo trở thành một nước có thu nhập trung bình, từ một nền kinh tế với quy mô không thể so sánh với các nước phát triển trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới, từ một nền sản xuất lạc hậu trở thành “công xưởng của thế giới”, từ một nền kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp trở thành nền kinh tế chiếm 10% kim ngạch ngoại thương của thế giới trong năm 2007. Trong khi tập trung cao độ cho các mục tiêu phát triển kinh tế, Trung Quốc đã có phần xem nhẹ các mục tiêu phát triển xã hội. Hệ quả là kể từ những năm 1990 trở đi, tiến bộ về phát triển xã hội của Trung Quốc đã chậm lại một cách đáng kể so với thời kỳ trước đó, và trên thực tế, nhiều thách thức mới đã xuất hiện cùng với quá trình cải cách.

Sự phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng ở các tỉnh ven biển miền Đông, cùng với tình trạng bất bình đẳng về thu nhập giữa miền Đông và miền Tây của Trung Quốc đã thu hút một lực lượng lao động di cư (dân số “trôi nổi”) khổng lồ, ước chừng lên tới 120-140 triệu, từ nông thôn ra thành phố để tìm việc và cũng để tìm một tương lai sán lạn hơn cho bản thân và gia đình. Lượng lao động di cư “không hợp pháp” khổng lồ này một mặt đáp ứng nhu cầu lao động tiếp tục gia tăng của các thành phố và làm giảm chi phí tiền công ở các nơi này, nhưng đồng thời cũng tạo ra vô vàn những thách thức to lớn về mặt xã hội. Bản thân những công nhân này có thể bị bóc lột sức lao động, con cái họ không được học hành đầy đủ, và gia đình họ chuyển từ mác “nghèo nông thôn” sang “nghèo thành thị”. Đồng thời, các dịch vụ công như giáo dục, y tế, hành chính và các cơ sở hạ tầng (CSHT) và dịch vụ công cộng đã trở nên quá tải. Không những thế, dịch bệnh, tội phạm và các tệ nạn xã hội cũng có đầy đủ điều kiện để phát triển.
 

Ở các thành phố, quá trình cải cách DNNN đã buộc rất nhiều công nhân phải nghỉ việc. Theo số liệu thống kê chính thức thì số lao động trong các DNNN ở Trung Quốc giảm từ 31 triệu năm 1996 xuống còn 19 triệu năm 2002, tức là giảm đi 12 triệu. Nhưng theo một số nghiên cứu khác thì con số này trên thực tế còn cao hơn nhiều. Chẳng hạn như Hu Angang cho rằng từ năm 1995 cho tới giữa năm 2002, có tới 55 triệu công nhân trong các DNNN phải nghỉ việc. Do vậy, chúng ta không hề ngạc nhiên khi thấy tỷ lệ thất nghiệp thực tế cao hơn gấp 3 lần so với số liệu công bố chính thức là 4,3% vào cuối năm 2003. Trong khi tình trạng này tạo ra một gánh nặng to lớn cho quỹ phúc lợi của các đô thị thì thành tích vượt bậc của Trung Quốc trong việc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn lại chậm lại một cách đáng kể so với trước. Trong khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc luôn đứng đầu thế giới nhưng “quả ngọt” của tăng trưởng dường như còn nằm quá cao so với tầm với của 28 triệu dân nghèo ở nông thôn(2).
Ở cực kia của phân phối thu nhập, quá trình cổ phần hóa DNNN mang nặng tính nội bộ và kém minh bạch đã làm cho một số người, trong đó hầu hết là quan chức chính phủ, ban giám đốc của doanh nghiệp và những người thân cận với những đối tượng này, trở nên giàu có một cách nhanh chóng. Sự giàu lên của các nhóm đặc quyền, đặc lợi này không chỉ có tính bất thường đối với người Trung Quốc, mà nó còn chưa từng xảy ra ở bất kỳ một nước Châu Á nào khác. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 65% trong số 1.500 tỷ USD tài sản thanh khoản ở Trung Quốc nằm trong tay của 0,16% dân số(3). Không có gì đáng ngạc nhiên khi vào năm 1995, Trung Quốc còn là một trong những nước bình đẳng nhất ở Châu Á thì đến năm 2002 quốc gia này đã trở thành một trong những nước bất bình đẳng nhất.
Tình trạng công nhân bị sa thải hàng loạt, khan hiếm việc làm ở nông thôn, mức bất bình đẳng tăng nhanh, chiếm đoạt đất đai trắng trợn của quan chức nhà nước, nhũng nhiễu cửa quyền của hệ thống hành chính quan liêu – tất cả những căn bệnh của hệ thống này đã làm đời sống xã hội và chính trị của Trung Quốc trở nên ngày càng căng thẳng ở cả nông thôn và thành thị. Sự căng thẳng này đã bộc phát thành các vụ biểu tình của người dân với số lượng tăng rất nhanh, từ 8.700 vụ năm 1993 lên tới 74,000 vụ năm 2004, tức là tăng với tốc độ 21,5%/năm – cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, và trung bình mỗi ngày có 203 vụ biểu tình(4). Về số lượng người tham gia biểu tình, theo nhà báo Will Hutton, con số này đã tăng từ 740.000 năm 1994 lên 3,7 triệu người năm 2004. Đáng lưu ý là không những số vụ và số người tham gia biểu tình ngày càng đông, mà quy mô trung bình của mỗi vụ biểu tình và tính bạo động của chúng cũng ngày càng tăng. Mối quan hệ giữa giới chủ và công nhân cũng ngày một xấu đi. Nếu như vào năm 1994, ở Trung Quốc chỉ xảy ra 1.909 vụ đình công, thì vào năm 2003, con số này đã tăng lên thành 22.600 vụ. Mặc dù những con số chính thức này có thể chưa phản ảnh hết mức độ căng thẳng trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của Trung Quốc nhưng chúng đã chứng tỏ một sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trong xã hội(5).
 

Nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn của tình trạng này, đồng thời phê phán quan điểm tuyệt đối hóa tăng trưởng kinh tế của những năm 1990, các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong một số năm gần đây đã nhấn mạnh tới chủ trương phát triển một xã hội “hài hòa” một cách “khoa học”. Quán triệt phương châm xây dựng “CNXH mang đặc sắc Trung Quốc”, đại hội toàn quốc lần thứ XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra mục tiêu xây dựng một xã hội “tiểu khang” (tạm dịch nghĩa là “khá giả”) vào năm 2020. Xã hội “tiểu khang” là một xã hội trong đó sự thịnh vượng kinh tế được chia sẻ tương đối đồng đều cho mọi người dân Trung Quốc sao cho hầu hết mọi người đều trở nên khá giả (thuộc tầng lớp trung lưu) và xã hội ngày một công bằng hơn.
Cùng với sự cải thiện về mức sống thì giờ đây người Trung Quốc đã có nhiều lựa chọn hơn về giáo dục và y tế. Tuy nhiên điều này chỉ đúng cho tầng lớp khá giả vì khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục và y tế ở Trung Quốc ngày càng trở nên phụ thuộc vào thu nhập, và trên thực tế, một phần không nhỏ chi phí giáo dục và y tế đã được chuyển sang vai của người sử dụng dịch vụ(6). Tỉ lệ ngân sách dành cho giáo dục và y tế của Trung Quốc thấp hơn các nước có mức thu nhập tương đương. Không những thế, đầu tư cho các lĩnh vực xã hội của Trung Quốc không bắt kịp với nhịp độ tăng của tổng ngân sách nhà nước. Trong khi nguồn thu ngân sách của Trung Quốc tăng khoảng 17,5% thì đầu tư cho giáo dục và y tế chỉ tăng 14,2%. Hệ quả là một bộ phận không nhỏ người Trung Quốc không thể kham nổi mức chi phí giáo dục và y tế ngày một tăng cao, và những người nghèo tuyệt đối (chủ yếu ở nông thôn) thậm chí không được hưởng sự chăm sóc y tế và giáo dục tối thiểu. Với những chính sách thiếu nhạy bén về mặt xã hội trong những năm 1990, xếp hạng về chỉ số phát triển con người (HDI) của Trung Quốc đã giảm từ thứ 87 năm 1999 xuống 104 năm 2001(7). Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy xếp hạng kinh tế của Trung Quốc tiến bộ nhanh hơn hẳn so với xếp hạng về HDI. Nếu như vào năm 1993, xếp hạng HDI của Trung Quốc còn cao hơn xếp hạng GNP trên đầu người tới 41 bậc, thì đến năm 2001, mức chênh lệch này đã trở thành âm hai (- 2) bậc. Cũng cần lưu ý rằng mức độ phát triển cả về kinh tế và xã hội của các vùng miền ở Trung Quốc có sự chênh lệch rất lớn. Mặc dù về phương diện phát triển con người, Trung Quốc nằm trong nhóm trung có chỉ số HDI trung bình/cao, nhưng chỉ số HDI của năm tỉnh miền Tây chỉ ở mức trung bình (thậm chí Tây Tạng còn thuộc nhóm có HDI thấp). Ngược lại, ba đô thị lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân có chỉ số HDI trên 0,8, tức là thuộc nhóm có chỉ số HDI cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
 

Chạy theo tăng trưởng, xem nhẹ phát triển bền vững về mặt xã hội và môi trường, Trung Quốc không phải là mô hình tốt cho Việt Nam học tập. Nhưng ngay cả sau khi phải trả những cái giá nhất định về xã hội và môi trường để đạt cho kỳ được mục tiêu tăng trưởng trong ba thập kỷ liên tục thì quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc vẫn còn khá “nông”. Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới nhưng nó chỉ có 22 công ty trong danh sách Top 500 của Fortune’s Global. Không những thế, những công ty này đều thuộc những ngành được bảo hộ cao và thiếu tính cạnh tranh (dầu khí, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, đường sắt, truyền tải điện). Trung Quốc cũng không có doanh nghiệp nào nằm trong Top 100 của Business Week, đồng thời cũng chỉ có 2 doanh nghiệp đa quốc gia thực sự là Lenovo và Huawei. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc hầu như vẫn dựa vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và vào các doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tới 55% kim ngạch xuất khẩu). Cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa thành công trong việc thu hẹp khoảng cách về công nghệ giữa các DNNN của mình với những công ty hàng đầu của thế giới. Trung Quốc vẫn chưa có công ty nào nằm trong Top 250 công ty toàn cầu về đầu tư cho R&D, và không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc chỉ đứng thứ 74 trong bản xếp hạng của UNCTAD về “Chỉ số Năng lực Sáng tạo”, đứng sau cả Tajikistan(8).
Nói tóm lại, trong ba thập kỷ qua, nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng vượt bậc, nhưng về mặt xã hội và môi trường, cũng đã thấy xuất hiện nhiều nguy cơ không bền vững và bất ổn tiềm tàng. Nhiều thay đổi quan trọng trong chính sách và cơ chế cung ứng dịch vụ và phúc lợi xã hội theo hướng giảm dần vai trò của nhà nước, tăng dần vai trò của khu vực dân sự và tư nhân. Những cải cách thể chế và cơ chế “ngân sách cứng” áp dụng cho các DNNN của Trung Quốc đã dần thu hẹp một cách đáng kể khu vực kinh tế nhà nước và tập thể – những khu vực từng chịu trách nhiệm chính về phúc lợi cho người lao động ở thành thị và nông thôn. Những thay đổi to lớn này, cùng với những vấn đề cố hữu như tham nhũng tràn lan, môi trường suy thoái, dịch vụ y tế và giáo dục chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế thì những thách thức mới về thành thị – nông thôn, trung ương – địa phương, và bất công bằng là những vấn đề mà Trung Quốc buộc phải giải quyết. Suy đến cùng, đây không chỉ là những thách thức kinh tế, mà quan trọng hơn, là những thách thức về mặt xã hội và chính trị. Tùy thuộc vào mức độ khẩn trương và hiệu quả của chính phủ Trung Quốc trong việc giải quyết những vấn đề này mà quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ có thể được duy trì hay sẽ bị suy giảm.
————
1.Tôi xin chân thành cảm ơn GS. Dwight Perkins, GS. Tony Saich, TS. Jonathan Pincus và Ông Ben Wilkinson đã giúp cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho bài viết này. Tuy nhiên, mọi thiếu sót nếu có hoàn toàn thuộc trách nhiệm của người viết.
2.Tiêu chuẩn nghèo của Trung Quốc (0,66 USD/ngày) đã “giúp” giảm tỷ lệ nghèo một cách đáng kể. Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển Châu Á, nếu sử dụng tiêu chuẩn 1 USD/ngày thì số lượng người nghèo của Trung Quốc lên tới 230 triệu (ADB, 2003). Đến năm 2003, khoảng gần 50% dân Trung Quốc có mức thu nhập dưới 2 USD/ngày, tương đương với In-đô-nê-xia (55,4%) nhưng vẫn khả quan hơn Ấn-độ (79,9%). (Ngân hàng Thế giới, 2003).
3.Peter Nolan, Trung Quốc trước ngã ba đường (China at the Crossroads), Cambridge: Polity Press, 2004.
4.Murray Scot Tanner, Wall Street Journal số 2/2/2006
5.Will Hutton (2007) The Writing on the Wall: China and the West in the 21st Century, London: Little, Brown.
6.Tỉ lệ ngân sách dành cho y tế của Trung Quốc hiện nay là 1,8%, thấp hơn mức 2% năm 1990. Điều này khiến mục tiêu tăng tỉ lệ chi tiêu cho y tế lên 4,0% vào năm 2010 trở nên không hiện thực.
7.Xếp hạng HDI của Trung Quốc năm 2007 đã tăng lên lại và đứng ở vị trí thứ 81.
8.UNCTAD (2005). World Investment Report.

Vũ Thành Tự Anh

Tác giả