Tự do hóa thương mại và hiện tượng chảy máu tài chính

Ở giai đoạn hiện nay, toàn cầu hóa được xem là quá trình hình thành một không gian kinh tế, tài chính và thông tin toàn cầu thống nhất. Mục đích của toàn cầu hóa là xóa dần các rào cản quốc gia trước hết là về kinh tế, tạo sự chuyển động tự do cho các dòng chảy thông tin, vốn, hàng hóa và dịch vụ. Do đó, có thể thấy một trong những trụ cột cơ bản của toàn cầu hóa là tiến trình tự do hóa thương mại.

Đây chính là điểm mấu chốt gây nhiều tranh cãi nhất trong nội bộ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vòng đàm phán Doha bị gián đoạn, chưa biết đến bao giờ khởi động lại được cũng chính vì nguyên nhân này. Các nước phát triển, đại diện là Mỹ và EU cương quyết không chịu cắt giảm trợ cấp nông nghiệp. Các nước đang phát triển cũng quyết không nhân nhượng, không mở rộng thêm nữa thị trường nhập khẩu hàng công nghiệp. Rõ ràng, để thực hiện được các tôn chỉ WTO về một môi trường kinh doanh toàn cầu bình đẳng, công khai và minh bạch – thật sự không dễ chút nào. Là một thành viên mới, chúng ta sẽ làm gì để nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình mở cửa thị trường? Để tìm câu trả lời, thiết nghĩ, chúng ta phải nhìn nhận lại đôi chút về bức tranh kinh tế toàn cầu hiện nay.
 
Toàn cầu hóa và trật tự thế giới mới
Làn sóng toàn cầu hóa hiện nay khởi động cách đây chừng 30 năm. Dĩ nhiên, người khởi xướng và dẫn dắt là các nước phát triển. Vào thời điểm đó, nền kinh tế công nghiệp ở các nước này đã phát triển đến đỉnh điểm, xuất hiện nhu cầu tất yếu, cần phải dịch chuyển nền kinh tế sang một tầng phát triển mới – kinh tế hậu công nghiệp. Nòng cốt cơ bản tạo động lực cho sự dịch chuyển này chính là cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Từ đó đến nay, vòng xoáy toàn cầu hóa đã dần dần hình thành rõ nét.
Tâm của nó chính là các nước phát triển, đại diện là G7 và các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Họ nắm giữ trong tay hầu hết các thị trường béo bở, siêu lợi nhuận. đặc biệt là thị trường công nghệ cao. Chỉ tính riêng 500 Tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới đã chiếm tới 1/3 thị trường công nghiệp khai thác, 3/4 thị trường nguyên liệu, 4/5 thị trường công nghệ cao toàn cầu1. Các nước còn lại, nếu không lọt vào được trung tâm thì phải tự nguyện làm vệ tinh. Và một trong những chức năng cơ bản của vệ tinh là “hỗ trợ” trung tâm phát triển. Là vệ tinh có nghĩa phải chấp nhận bán rẻ sức lao động, bán rẻ tài nguyên thiên nhiên cùng những mặt hàng sản xuất bằng công nghệ thô sơ để đổi về những sản phẩm công nghệ cao có giá trị gia tăng ngất ngưỡng. Trung tâm, với sức mạnh tài chính, chính trị, sẽ tìm mọi cách thu hút chất xám từ vệ tinh, mua hoặc tìm cách kiểm soát bằng hết các lĩnh vực kinh tế tiềm năng nhất của vệ tinh đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Với vệ tinh họ khuyên nên hạn chế tối đa sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động kinh tế (bạn có thể xem lại tư tưởng chủ đạo của “Liệu pháp Washington” (Washington consensus) được các nhà kinh tế phương Tây đưa ra vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước nhằm giúp các nước, trước hết là ở châu Mỹ- Latinh phát triển kinh tế. Tư tưởng này về sau đã được một số nước trong cộng đồng SNG thực hiện, tiêu biểu là Nga, và kết quả thế nào chắc các bạn đã biết2). Nhưng phần mình, chính phủ các nước trung tâm chủ động lập kế hoạch dài hạn bảo hộ các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, đặc biệt là thị trường công nghệ cao. Họ có rất nhiều công cụ để thực hiện: thông qua ảnh hưởng ở các tổ chức quốc tế như IMF, WB, WTO, UNO; thiết lập các rào cản về tiêu chuẩn; điều khiển các tập đoàn xuyên quốc gia… Nhưng một trong những công cụ hữu hiệu nhất chính là tự do hóa thương mại.

Hiện tượng chảy máu tài chính

Hãy tưởng tượng, ở địa phương bạn, có một lò gạch và một lò gốm đang hoạt động. Lò gốm có công nghệ sản xuất cao hơn, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn lò gạch. Là nhà đầu tư nhỏ, hiện tại bạn đang đầu tư cho lò gạch, nhưng bạn luôn “liếc nhìn” sang lò gốm với mong ước làm thế nào để đồng vốn của mình phải sinh lời ít nhất là ngang bằng với đồng vốn đầu tư bên đó. Và rất nhiều khả năng khi gặp thời cơ bạn sẽ lấy tiền từ lò gạch đầu tư sang cho lò gốm. Đúng như dân gian ta thường nói “nước chảy chỗ trũng”, vốn đầu tư sẽ đổ vào những khu vực nào có khả năng sinh lời nhiều nhất. Vậy, khi các rào cản thương mại được tháo dỡ, thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn, các bạn nghĩ sao, vốn đầu tư sẽ đổ về đâu? Dĩ nhiên sẽ từ vệ tinh đổ về trung tâm. Bởi vì trung tâm đang nắm giữ những khu vực kinh tế có khả năng sinh lời nhiều nhất. Như vậy, nếu thị trường càng tự do, đặc biệt là thị trường tài chính, thì nguồn vốn ít ỏi mà vệ tinh gom góp được sẽ từ từ nhưng đều đặn đổ dồn hết về trung tâm. Mất vốn đầu tư, đồng nghĩa với giảm cơ hội tăng trưởng, có nghĩa là vệ tinh ngày một “gắn bó” hơn trung tâm. Đây chính là ảnh hưởng tiêu cực sâu xa của tiến trình tự do hóa thương mại đến các nền kinh tế đang phát triển. Ảnh hưởng này nhìn bề nổi không có gì, nhưng thực sự bên trong nó đang gây nên sự chảy máu tài chính ngấm ngầm, nguy hại không kém gì chảy máu chất xám và chảy máu tài nguyên.

Kịch bản nào đang chờ chúng ta?

Với một bức tranh kinh tế toàn cầu như thế, thật sự lựa chọn con đường hội nhập cho các nước vệ tinh, đặc biệt là các nước có nền kinh tế chuyển đổi như nước ta quả không nhiều. Nổi bật hơn cả có ba con đường.
Một. Tự nguyện để trung tâm “thôn tính”. Kịch bản này đã được các nước Đông Âu và Baltic lựa chọn và thực hiện: gia nhập vào Cộng đồng chung châu Âu. Tuy nhiện, nền kinh tế của họ khó có thể gọi là độc lập và cơ hội phát triển để đuổi kịp mặt bằng các nước trung tâm EU thật mong manh, tính sơ sơ cũng phải mất 25-30 năm (năm 2000 GDP đầu người của Bulgari chỉ bằng 23% GDP trung bình của EU, Hungari– 47%, Latvia– 27%, Litva– 31%, Ba lan– 40%, Rumani– 31%, Slovakia– 47%, Slovenia– 68%, Chez– 63%, Estonia– 37%)3.
Hai. Chuẩn bị tinh thần làm “thuộc địa”. Đây là kịch bản mà trung tâm rất muốn viết riêng cho các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Bởi nơi đây có một nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có. Và thật tuyệt vời nếu các vệ tinh này sẵn sàng trở thành nơi khai thác và cung cấp nguyên liệu cho cỗ máy toàn cầu hóa. Dĩ nhiên, khi đã thành thuộc địa, dù là dưới bất cứ hình thức nào thì các nước vệ tinh sẽ phải quên dần đi tính độc lập của một quốc gia có chủ quyền thật sự.
Ba. Bứt lên làm trung tâm. Nếu không muốn làm “thuộc địa”, không muốn bị trung tâm thôn tính chỉ còn một cách phải bứt lên làm trung tâm. Khó khăn, rất khó khăn, nhưng vẫn có thể làm được. Muốn bứt lên dứt khoát phải có chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế, bằng mọi cách phải xây dựng được những ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, mạnh dạn tấn công và từng bước làm chủ thị trường công nghệ cao, ngăn chặn hiện tượng chảy máu chất xám, chảy máu tài chính và tài nguyên thiên nhiên. Chính Trung Quốc đã chọn kịch bản này và đang rất thành công? Thế còn chúng ta? Chúng ta sẽ phải làm gì đây?

Những việc cần làm ngay
Chúng ta đã biết, lợi thế cạnh tranh của một quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu hóa được xác định bởi một số yếu tố cơ bản: chất lượng giáo dục và sức khỏe cộng đồng; sự phát triển khoa học – công nghệ; hệ thống thông tin và khả năng tiếp cận thông tin; điều kiện để phát triển khả năng sáng tạo; môi trường sinh thái và sự phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với tầng công nghệ mới.
Công việc mà chúng ta cần làm không phải là nhiều và hoàn toàn không hề mới, nhưng lại hết sức khó khăn.
1. Phát triển giáo dục, lấy chất lượng làm trọng. Hãy nhanh chóng bỏ qua những yêu cầu, định hướng phát triển hình thức, giáo điều. Cái chúng ta cần là một nền giáo dục lành mạnh, chất lượng, góp phần nâng cao dân trí của người dân, xây dựng và củng cố nền tảng văn hóa Việt, tiến tới hình thành và phát triển nền tảng khoa học Việt, đặc biệt là khoa học quản lý.
2. Xây dựng một xã hội thông tin, đặc biệt chú trọng khả năng tiếp cận, trao đổi thông tin của mọi người dân. Giáo dục, dân trí, xã hội học tập, khả năng sáng tạo sẽ không thể phát huy tác dụng, không được nâng cấp nếu chúng ta không có một xã hội thông tin.
3. Ngăn chặn chảy máu chất xám. Và biện pháp đơn giản nhất là học được cách nhận biết, tôn trọng và dám sử dụng người tài. “Khoa học không có Tổ quốc, nhưng nhà khoa học lúc nào cũng có một Tổ quốc”. Vấn đề mấu chốt là Tổ quốc có tiếp nhận, ủng hộ và tạo điều kiện thực (về hình thức thì chúng ta có quá thừa các chủ trương, chính sách đãi ngộ người tài) để nhà khoa học phát triển.
4. Ngăn chặn chảy máu tài nguyên. Đơn giản là làm thế nào chúng ta bán tài nguyên thiên nhiên hạn hữu của mình một cách hiệu quả nhất, với giá cao nhất. Muốn vậy thì phải tìm cách bán sản phẩm tinh thay vì sản phẩm thô như hiện nay và điều quan trọng hơn cả là biết sử dụng hiệu quả nguồn lợi tức thiên nhiên quí giá để đầu tư phát triển các ngành kinh tế trọng điểm.
5. Ngăn chặn chảy máu vốn. Cách làm đơn giản nhất là tập trung nâng cao khả năng sinh lời của các ngành sản xuất trong nước. Muốn như thế thì phải nhanh chóng chuyển dịch từ “quảng canh” sang “thâm canh”, chuyển từ tăng trưởng nhờ số lượng sang chất lượng, cái mà chúng ta hiện nay chỉ mới nói nhưng chưa có làm. Tập trung đổi mới công nghệ sản xuất, cương quyết không phát triển sản xuất thô sơ, và quan tâm đặc biệt đến khả năng tạo giá trị gia tăng của cả nền kinh tế.
6. Lựa chọn và tập trung sức đột phá vào một số ngành công nghiệp mũi nhọn của thế kỷ 21 như: công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, công nghệ mạng thông tin toàn cầu, công nghệ giao thông vận tải siêu tốc toàn cầu, công nghệ siêu nhỏ, hoặc hệ thống sản xuất tự động linh hoạt, công nghệ vũ trụ, điện nguyên tử, nhiên liệu mới. Theo dự báo, đây sẽ là nền tảng của tầng công nghệ trong tương lai. Và lịch sử đã chứng minh, cơ hội gần như là duy nhất giúp các nước vệ tinh có thể bứt phá lên làm trung tâm chính là ở sự lựa chọn đúng đắn trong việc đầu tư vào tầng công nghệ của tương lai. 30 năm trước Korea, Singapore, Malaysia, Taiwan đã chọn công nghệ thông tin làm mũi nhọn tiến công và họ đã làm nên điều kỳ diệu. Thế còn chúng ta thì sao?
———
* Tiến sĩ Kinh tế, Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngoại thưong Hà Nội.
1 UNCTAD. Statistics Yearbooks, 2005; WTO. Annual report 2005.
2 Колодко Г. От шока к терапии. Политическая экономия постсоциалистических преобразований. М.: Эксперт, 2000. стр.122-128.

Stiglitz J. More Instruments and Broader Goals: Moving Toward the Post – Washington Consensus. WIDER Annual Lecture. WINDER/UNU, 1998.
3 IMF: World Economic Outlook.Oct.2001, May 2002.

——–
CHÚ THÍCH ẢNH: Là vệ tinh có  nghĩa phải chấp nhận bán rẻ sức lao động

Nguyễn Văn Minh*

Tác giả