Việt Nam cần chuẩn bị gì cho thời cơ
của suy thoái kinh tế

Khủng hoảng kinh tế là hiểm họa, nhưng cũng là thời cơ. Nếu nắm bắt được cốt lõi của vấn đề khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2009 thì chúng ta thấy được đây chính là thời cơ tốt nhất cho Việt Nam.

Như tôi đã nói ở kỳ I và II, đây là cuộc chiến  tiền tệ giữa các cường quốc, mà chủ yếu là giữa các nước tiên tiến và Trung Quốc. Họ đã gây áp lực đồng Nhân dân tệ (NDT) để giảm thâm thủng ngân sách thương mại. Họ đã tạo ra cuộc đánh vào hàng giá rẻ của Trung Quốc. Hai yếu tố trên là thời cơ để Việt Nam nhận các đầu tư lớn của các cường quốc, nhằm san sẻ bớt sự hùng mạnh của nền kinh tế Trung Quốc đang đe dọa vị trí các cường quốc, khi vị trí địa lý của chúng ta nằm cận kề Trung Quốc. Ta có một nền an ninh vững chắc và ổn định chính trị.. Trong vòng 1 thập niên tới, những cuộc đổ bộ đầu tư vào các nước Asean và Việt Nam sẽ diễn ra vì những lý do trên. Gần đây, người Mỹ đã ngỏ lời đầu tư lớn vào nước ta. Như vậy chúng ta cần chuẩn bị gì? Theo tôi, có 4 vấn đề lớn mà Việt Nam cần tăng tốc chuẩn bị cho cuộc di cư các đầu tư lớn sẽ đổ bộ vào nước ta trong tương lai gần.

Thay đổi tư duy: Đây là vấn đề bức thiết hàng đầu để tạo điều kiện thông thoáng trong các lĩnh vực đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam thông qua cải cách hành chính. Nạn tham nhũng cần được đẩy lùi mạnh mẽ hơn nữa, mà không làm nửa vời như lâu nay. Muốn thế phải nâng vai trò và vị trí của Quốc hội lên cao hơn và có tiếng nói quyết định về lập pháp. Quốc hội phải là đầu tàu thúc đẩy một xã hội sống và làm việc theo pháp luật thông qua tư pháp và hành pháp. Vì thế đất nước đang cần lắm một xã hội tam quyền phân lập. Và để thực hiện điều này cần thay đổi tư duy từ “tập trung dân chủ” sang quan niệm “dân chủ tập trung” và tự do học thuật. Đây là những điều kiện tiên quyết để đi đến thành công. Chúng ta cần một Quốc hội mà ở đó các ý chí chính trị không được vượt qua hiến pháp và pháp luật. Chúng ta cần một xã hội có sáng tạo và đủ tầm đáp ứng với thời đại yêu cầu. Muốn thế việc đãi ngộ nhân tài và tạo một môi trường làm việc tốt cho nhân tài nước Việt từ năm châu bốn bể hội tụ và xây dựng đất nước là điều phải làm.

Nguồn nhân lực: Có luật pháp và luật pháp ấy được thực hiện nghiêm minh rồi vẫn chưa đủ. Điều kiện cần và đủ là chúng ta phải nhanh chân đào tạo con người mới có kiến thức ngang tầm thời đại về mọi lĩnh vực từ lãnh đạo đến công nhân. Chúng ta không thể bán mãi sức lao động giản đơn cho các khu chế xuất đầu tư từ nước ngoài như lâu nay. Chúng ta cần một lực lượng lớn lao động có chất xám, những công nhân, kỹ sư, các nhân viên có khả năng lãnh đạo cho các khu chế xuất để đáp ứng thời cơ. Nếu chúng ta chậm chân, chúng ta sẽ không có nguồn nhân lực cung ứng kịp thời, các nước trong khu vực sẽ chớp mất thời cơ vàng này. Dự án Intel đầu tư vào Việt Nam rất chậm từ một thập kỷ qua, có nhiều lý do để lý giải sự chậm trễ này, trong đó nguồn nhân lực là một lý do hàng đầu. Ngoài nguồn nhân lực đào tạo tại chỗ, chúng ta cần biết mang nguồn chất xám người Việt khắp năm châu về để đáp ứng nhu cầu đất nước là không thể thiếu.

Giao thông vận tải: Một trong những vấn đề bức thiết cho xã hội chúng ta hiện nay không chỉ là giao thông vận tải ở các đô thị mà lớn hơn là vấn đề lưu thông phân phối hàng hóa trên khắp lãnh thổ và trên thế giới. Lưu thông phân phối hàng hóa sản xuất ra sẽ không thể tốt nếu ngành giao thông vận tải không đáp ứng được yêu cầu. Với vị trí địa lý rất thuận tiện, các cảng biển là huyết mạch để đưa hàng hóa ra thế giới. Chúng ta cần cải tạo những cảng biển đã có, và dần xây dựng những cảng nước sâu có vai trò lớn trong lưu thông phân phối hàng hóa đi khắp thế giới. Bên cạnh đó, một việc không kém phần quan trọng là phải cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông trên toàn quốc, để thuận tiện đưa được hàng hóa đến các cảng hàng không và cảng biển quốc tế. Đây là điều kiện cần để đi đến thành công khi thời cơ đến.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Bất kỳ một đất nước nào muốn xây dựng hệ thống hạ tầng về tất cả các ngành trong nước đều cần có một ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh. Chúng ta không thể làm ra lợi nhuận khi ta lo nhà máy đóng tàu lớn tới hàng trăm ngàn tấn, nhưng chúng ta vẫn cứ sản xuất ra thép thô cho xây dựng như mấy chục năm qua. Các tập đoàn đa quốc gia không thể xây dựng một nhà máy sản xuất ở Việt Nam, mà họ phải đi mua các phụ kiện ở nước khác nhập khẩu về Việt Nam để xây. Lúc ấy, thời gian và giá thành là hai vấn đề làm cho việc đầu tư vào Việt Nam sẽ thất thế hơn là đầu tư ở các nước khác trong khu vực. Họ sẽ bỏ ta, và ta sẽ mất thời cơ vàng sau suy thoái kinh tế. Một thời cơ mà không phải đất nước nào cũng có thể có được.

Nếu chúng ta hoàn tất tốt 4 điều kiện cần và đủ như trên đã nêu, chúng ta có thể hi vọng trong vòng vài thập kỷ tới Việt Nam có thể hãnh diện với bạn bè năm châu, mà không phải cứ đi vay vốn để phát triển. Nếu chúng ta không đáp ứng thời cơ của suy thoái kinh tế.
Người Trung Quốc đã làm được những điều trên trong 3 thập kỷ qua, sao ta không làm được?

Tác giả