Vườn ươm nhỏ từ tầm nhìn của các tập đoàn lớn

Là “đứa con” của ngành công nghiệp Đài Loan và kết quả của nhiều chương trình đào tạo về khởi nghiệp, Garage+ là mô hình vườn ươm/trung tâm tăng tốc khởi nghiệp tại Đài Loan thu hút những công ty spin-off từ các trường đại học và tập đoàn lớn.

Garage+, một Accelerator/Incubator Đài Loan đang lên ở châu Á, được điều hành bởi một nhóm những người trẻ khởi nghiệp U30 với tầm nhìn toàn cầu, là sự kết hợp giữa tham vọng tái thiết nền kinh tế Đài Loan của những tập đoàn lớn và tinh thần đổi mới sáng tạo của những người trẻ tài năng của lãnh thổ này. Garage+ là kết quả từ một chuỗi các chương trình đổi mới sáng tạo của Epoch Foundation – một tổ chức bao gồm hơn 20 tập đoàn lớn nhất Đài Loan.

Xuất phát từ một tầm nhìn lớn hơn: Truyền lửa cho thế hệ kế tiếp

Hai người sáng lập Epoch: Paul Hsu, chuyên gia kinh tế của Đại học Quốc gia Đài Bắc và Lester. C Thurow, trưởng khoa Quản trị kinh doanh của MIT Sloan, đã tập hợp giới doanh nhân và khởi nghiệp Đài Loan vào đầu những năm 1990 nhằm định hướng nền kinh tế Đài Loan trong tương lai và đóng góp vào sự thịnh vượng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, Epoch có 26 thành viên là những tập đoàn hàng đầu trong nhiều lĩnh vực của Đài Loan, từ công nghệ bán dẫn (TSMC, MediaTek, Foxconn…) đến điện tử (Acer, Philips Đài Loan), tài chính – bảo hiểm. Những hoạt động của Epoch tập trung vào hai nội dung: 1) Liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu, think tank hàng đầu trên thế giới như MIT, UC Berkerly (Mỹ), Chatham House (Anh) nhằm được chia sẻ cơ sở vật chất hiện đại và các nghiên cứu về những lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ đóng vai trò chủ chốt trong tương lai (khoa học máy tính, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học) và tiếp cận những kết quả phân tích và dự báo về những xu hướng kinh tế, tài chính thế giới; 2) Đào tạo những tài năng trẻ, trang bị cho họ một tác phong làm việc chuyên nghiệp trong các tập đoàn lớn trên thế giới, tầm nhìn toàn cầu và kĩ năng khởi nghiệp.

Những thành viên trong Epoch Foundation nhận ra rằng vị thế của một tập đoàn lớn (phải đảm bảo việc làm và lương cho người lao động, chịu ảnh hưởng lớn của tình hình kinh tế – tài chính trong nước và thế giới,…) khiến họ khó linh hoạt trong đổi mới sáng tạo theo những xu hướng mới. Chính vì vậy, họ xây dựng những chương trình diễn ra bên ngoài hoạt động của tập đoàn nhằm thúc đẩy thế hệ trẻ tạo ra những công ty và công nghệ đột phá có tiềm năng thay đổi ngành công nghiệp Đài Loan trong tương lai. 

Ra đời từ năm 2003, “Những nhà khởi nghiệp trẻ cho tương lai” (Young Entrepreneurs for the Future – YEF) là chương trình quan trọng nhất của Epoch nhằm đào tạo những người trẻ tài năng thành những con người chính trực, có kỷ luật, luôn vươn lên và có tầm nhìn toàn cầu. Chương trình này mỗi năm lựa chọn 200 sinh viên để đào tạo trong một môi trường “mô phỏng” thực tế khởi nghiệp.

YEF được chia làm bốn giai đoạn: 1) Trang bị cho các sinh viên cách tiếp cận thị trường và soi chiếu những vấn đề trong xã hội dưới nhiều góc độ; 2) Các sinh viên sẽ học cách nghiên cứu, viết kế hoạch kinh doanh để giải quyết vấn đề mà họ cho rằng khả thi; 3) Ra đề bài cho các sinh viên dưới dạng những vấn đề cần giải quyết trong lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, công nghệ sinh học… để họ học cách tư duy rộng mở, đưa ra những giải pháp và trình bày trước toàn bộ ban giám khảo và 200 người tham dự hoàn toàn bằng tiếng Anh;  4) Lựa chọn 17 người đến thăm các trường đại học, các startup, những tập đoàn lâu năm trên thế giới và trao đổi với những nhà lãnh đạo tại đây.

Trong quá trình tham gia chương trình, ở giai đoạn một và hai, 200 người tham dự sẽ được chia thành 20 nhóm và mỗi nhóm được “kèm cặp” bởi hai huấn luyện viên: một người là sáng lập viên công ty khởi nghiệp và người còn lại là trưởng dự án nghiên cứu trong một tập đoàn lớn. Hiện nay, YEF có hơn 100 mentors và giám khảo không chỉ đến từ khối doanh nghiệp Đài Loan mà còn từ hai khu vực khởi nghiệp nổi tiếng của Mỹ là Silicon Valley và Boston.

Với chương trình YEF, các sinh viên không chỉ được tiếp xúc với môi trường khởi nghiệp mà còn cả phương thức làm việc trong các tập đoàn lâu đời; được trao đổi và làm việc với những nhà khoa học, nhà khởi nghiệp và lãnh đạo tập đoàn của Đài Loan và trên thế giới. “Chúng tôi giúp họ có một tầm nhìn rộng mở với vấn đề của Đài Loan, của thế giới và nghĩ về những giải pháp của tương lai. Chúng tôi giúp họ lựa chọn con đường của mình. Họ không chỉ học cách startup một công ty mà còn học cách startup chính mình”,  Jason Lu, quản lí của Garage+ nói. 

“Chúng tôi giúp họ có một tầm nhìn rộng mở với vấn đề của Đài Loan, của thế giới và nghĩ về những giải pháp của tương lai. Chúng tôi giúp họ lựa chọn con đường của mình. Họ không chỉ học cách startup một công ty mà còn học cách startup chính mình.” – Jason Lu. 

Không phải tất cả những người bước ra từ YEF đều khởi nghiệp, nhiều người trở thành  quản lí dự án trong các tập đoàn hàng đầu thế giới hoặc nhà khoa học trong các viện nghiên cứu và trường đại học liên kết với Epoch như MIT, UC Berkerly với hi vọng tạo ra những giá trị mới cho ngành công nghiệp của Đài Loan. 

Vườn ươm “đáng đặt chân tới” nhất Châu Á

Nhiều học viên sau khi kết thúc chương trình YEF đã quay trở lại Epoch để xin tư vấn về ý tưởng khởi nghiệp của mình, đó là lí do mà Garage+ ra đời vào năm 2012. Hiện nay, trung tâm này là chỗ làm việc của những công ty giàu sức đổi mới sáng tạo như GAIUS (công ty sản xuất ô tô điện) và Aidmics (công ty sản xuất kính hiển vi siêu nhỏ gắn vào điện thoại để phân tích và xét nghiệm đối tượng quan sát).

Khác với đa số các vườn ươm của thế giới hoạt động theo mô hình của một quỹ đầu tư mạo hiểm, tức là hỗ trợ các startup, đầu tư và lấy cổ phần từ đó, Garage+ hoạt động phi lợi nhuận và hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho các startup được lựa chọn. Họ không giới hạn số lượng số startup được nhận hỗ trợ mỗi năm. Vì được hỗ trợ toàn bộ tài chính bởi tám tập đoàn hàng đầu Đài Loan, trong đó có TSMC, MediaTek (hai tập đoàn lớn nhất thế giới trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn); và các công ty điện tử như Phison, Delta Electronics, Quanta Computer… nên Garage+ thiên về hỗ trợ các startup trong lĩnh vực lợi thế của những tập đoàn trên như khoa học – kỹ thuật máy tính, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học, điện tử…

Garage+ trước tháng 12/2014 chỉ là vườn ươm ảo và hiện nay văn phòng Garage+ cũng chỉ vỏn vẹn 100m2 cho khoảng 63 startups làm việc nhưng đây được coi là một trong những trung tâm ươm tạo/tăng tốc khởi nghiệp “đáng tới” nhất Châu Á. 73% số startups làm việc tại Garage+ đều gọi vốn thành công. Trong số 74 công ty Garage+ ươm tạo, có tới 27 công ty (tương đương 36%) đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, trong khi con số này ở các cơ sở ươm tạo nổi tiếng nhất trên thế giới chỉ dừng lại ở 0,5-0,6%.

Xuất phát từ những trải nghiệm về thị trường của các tập đoàn lớn và chương trình đào tạo khởi nghiệp của Epoch Foundation, Garage+ không nhận những startup của sinh viên, lứa tuổi của người sáng lập phải trong khoảng 27-43 bởi đó là lứa tuổi khởi nghiệp có tỉ lệ thành công cao nhất. Các nhóm khởi nghiệp tới Garage+ phải đáp ứng được ba yếu tố: 1) Phải có sản phẩm (prototype) vì theo Jason Lu, “nó thể hiện người sáng lập cam kết và theo đuổi mục tiêu khởi nghiệp của mình. Chúng tôi không nhận những người chỉ có ý tưởng vì ý tưởng thì đổi thay hằng ngày, chúng tôi không biết làm thế nào để giúp họ cả”; 2) Có công nghệ đột phá và mang đến lợi ích to lớn cho cộng đồng, thậm chí có tiềm năng định hướng xã hội trong tương lai; 3) Có khả năng mở rộng quy mô toàn cầu.

Garage+ là một dự án của Epoch Foundation nên được thừa hưởng giá trị, nguồn lực và mạng lưới cơ sở vật chất của tổ chức này. Với tư tưởng chỉ cung cấp những giá trị bên ngoài trường đại học, toàn bộ huấn luyện viên khởi nghiệp của Garage+ đều đến từ nền công nghiệp và các quỹ đầu tư. Các startup làm việc tại Garage+ được phép sử dụng các phòng thí nghiệm, máy móc và thiết bị thuộc các tập đoàn lớn. Nhiều dự án khởi nghiệp tại các trường đại học liên kết với Epoch Foundation như MIT và UC Berkerly cũng tới Garage+ làm việc, trong đó có công ty spin-off  Rethink của MIT – sản xuất robot hợp tác với con người thực hiện những nhiệm vụ phức tạp trong công nghiệp. Bên cạnh đó, Garage+ cũng hỗ trợ các startup “chiêu mộ” nhân lực thông qua mạng lưới cựu học viên của YEF. 

Jason Lu mô tả Garage+ không đơn thuần là một vườn ươm mà là một Hub (tổ) cho những người muốn khởi nghiệp. Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” so với những vườn ươm trong trường đại học nhiều năm nhưng Garage+ lại có nhiều kinh nghiệm về thị trường và việc khởi nghiệp, đồng thời  là nơi ghé thăm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài Đài Loan. Chính vì vậy, những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới và cần nhiều vốn thường đến Garage+. Jason Lu cho biết, 40% startups tại đây xuất phát từ các trường đại học và các dự án nghiên cứu trong tập đoàn lớn.

Tác giả