Xây dựng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới với quan điểm Phát triển và Thích nghi

Những thành tựu to lớn đạt được trong hơn hai mươi năm đổi mới và cục diện quốc tế mới – đặc biệt từ khi nước ta gia nhập WTO – đã đặt ra yêu cầu bách phải đưa nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới. Trước hết thực tiễn cho thấy: Bản thân những thành tựu xây dựng đất nước mọi mặt trong hòa bình, tự nó đã đặt ra những yêu cầu cao hơn về phát triển; đồng thời phương thức phát triển đã thực hiện trong những thập kỷ này chủ yếu dựa trên lợi thế so sánh về lao động rẻ và khai thác tài nguyên – tạm gọi là phát triển theo chiều rộng (extensive development) - phương thức này đã đi tới cái ngưỡng không thể vượt qua. Sự nghiệp xây dựng đất nước đòi hỏi phải chuyển hướng sang phương thức phát triển theo chiều sâu (intensive development) – chủ yếu dựa trên lợi thế phát huy nguồn lực con người và hội nhập.

Các số liệu thống kê cho thấy: Trong khoảng 10 năm nay, chí ít là 5 năm nay, kinh tế nước ta có tăng trưởng mạnh – trước hết nhờ tăng đầu tư, nhưng phát triển rất chậm – vì hiệu quả kinh tế thấp: không có chuyển biến đáng kể nào về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Tình hình cho thấy: kết cấu hạ tầng các mặt tiếp tục bất cập, hiệu quả đầu tư từ nhiều năm nay thuộc loại thấp nhất trong khu vực (chỉ số ICOR là từ 4,5 – 5); tài nguyên quý nhất là nguồn nhân lực không phát huy được, tiếp đến là tài nguyên đất đai bị sử dụng manh mún và hủy hoại trầm trọng. Nhìn chung, cơ cấu kinh tế nước ta còn lạc hậu, lãng phí lớn và chất lượng thấp. Xung kích của nền kinh tế là khu vực tư nhân còn đang bị nhiều lực cản, trong khi đó hầu như chưa tạo ra được những điều kiện thỏa đáng cho phép thu hút FDI có hàm lượng công nghệ cao để đổi mới cơ cấu kinh tế.
Nhìn chung nước ta chưa hình thành được một nền kinh tế mạnh, cái đích hoàn thành CNH theo hướng hiện đại vào năm 2020 còn khá xa mà thời gian không còn nhiều. Nét nổi bật trong bức tranh chung lúc này của nền kinh tế nước ta là sự tăng trưởng và phát triển của các nền kinh tế GDP Tỉnh nhân với Tư tưởng nhiệm kỳ (GDP tỉnh x tư tưởng nhiệm kỳ)! Sau 32 năm xây dựng, GDP theo đầu người của nước ta hiện nay (tính theo sức mua – PPP) mới chỉ bằng 2/3 của Indonesia, 1/3 Thái Lan… – nghĩa là chậm và có khoảng cách khá xa. Đứng trước thách thức của hội nhập “cả thế giới thách thức một người, một người có thể coi cả thế giới là đối tác của mình, tuổi thọ của sản phẩm ngày một ngắn”, việc chuyển sang phương thức phát triển theo chiều sâu càng trở nên bức xúc. Càng trì hoãn việc chuyển giai đoạn, sẽ càng tụt hậu thêm, thậm chí có thể nguy hiểm.
Xin hãy nhìn lại, chỉ trong khoảng thời gian từ quý IV – 2007 đến hết quý II – 2008 lạm phát vọt lên 2 con số, thị trường chứng khoán đột nhiên sụt mất khoảng 50% giá trị với những gánh nặng lớn cho nền kinh tế nói chung và đặc biệt cho nguồn vốn của Nhà nước nói riêng. Tệ nạn tham nhũng, sự tha hóa trong hàng ngũ cán bộ đảng viên ngày càng nặng nề hơn; cải cách hành chính hầu như giẫm chân tại chỗ, có những nơi và những vấn đề còn tệ hại hơn trước. Hệ thống luật pháp và chính sách mới được phát triển mạnh, song khả năng thực thi rất kém, gần như trong tình trạng nói được mà không làm được.
Nói một cách hình ảnh: Lạm phát 2 con số, hiện tượng Vedan và hiện tượng khủng khoảng tài chính Mỹ hiện nay – đấy là 3 loại vấn đề lớn đòi hỏi nước ta phải rà soát lại chiến lược phát triển kinh tế của mình trên cả hai phương diện đối nội và đối ngoại, phải quan tâm hơn nữa đến phát triển bền vững, phải tận dụng tốt hơn nữa yếu tố Việt Nam là một nền kinh tế lớn, là một thị trường lớn – đừng vì quá thiên về hướng ngoại mà coi nhẹ những điều này. Gần đây tình hình được cải thiện đôi chút trong việc chống lạm phát, song nguy cơ lớn đối với nền kinh tế nước ta còn nguyên vẹn và vẫn đang ở phía trước. Tất cả nói lên: yêu cầu chuyển sang giai đoạn phát triển mới càng bức xúc.
Ngay trước mắt, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ của quốc gia của nước ta trước mọi nguy cơ hiểm nghèo hiện nay không có sức mạnh hay phép mầu nào, không có ý thức hệ hay liên minh xã hội chủ nghĩa nào có thể thay thế sức mạnh của chính tự thân nước ta được phát huy theo tinh thần dân tộc và dân chủ. Bảo vệ quốc gia trước mọi sự can thiệp của các loại “quyền lực mềm” lại càng đòi hỏi như vậy.
Trên thế giới chỉ trong vòng vài tuần lễ cục diện chiến tranh lạnh đã xảy ra ở vùng Caucase và lan ngay sang Nam Mỹ. Thực tế này gián tiếp tăng thêm những mối nguy tiềm tàng từ mọi hình thức uy hiếp đến sự thâm nhập của quyền lực mềm vốn có ở khu vực Biển Đông… Rồi đến khủng hoảng tài chính tiền tệ của Mỹ hiện nay (được coi là 100 năm mới xảy ra một lần – Alan Greenspan, nguyên Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ, FED)1 đang loang rộng không chừa khu vực nào, đe dọa làm sụp đổ bất kỳ nền kinh tế nào.., nhiều quốc gia phải tính đến thay đổi chiến lược kinh tế của mình2. Thực tế này đang làm gay gắt thêm những thách thức từ bên ngoài đối với nước ta.
Có thể nói cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ hiện nay sẽ làm gay gắt thêm mọi vấn đề nước Mỹ vốn có, nổi lên là chiến tranh (cam kết) + nợ + suy thoái kinh tế; đồng thời với sự suy sụp của đồng USD cuộc khủng hoảng này sẽ có nhiều tác động tàn phá đối với kinh tế thế giới.
Về dài hạn, cuộc khủng hoảng này đánh dấu thêm một báo hiệu xa về sự ra đi không thể cưỡng nổi của siêu cường Mỹ, thế giới chuyển sang cục diện đa cực với tốc độ nhanh hơn sự ứng phó của các quốc gia, mặc dù Mỹ vẫn sẽ giữ vị trí đi đầu trong một thời gian dài nữa, song không thể duy trì vị thế độc tôn.
Về ngắn hạn, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ có nguy cơ biến thành khủng hoảng kinh tế, sẽ đẩy kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế vào nhiều biến động mới khó lường. Kinh tế mỹ phải vài ba năm nữa mới có thể ổn định trở lại. Hơn bao giờ hết, cuộc khủng khoảng này đòi hỏi mọi quốc gia, trước hết là các nước nhỏ yếu, phải có khả năng thích nghi để tồn tại và phát triển. Ở vào vị thế địa chính trị và địa kinh tế rất nhạy cảm, đòi hỏi này đối với Việt Nam càng bức thiết.
Phát triển mà không thích nghi được thì cầm chắc thất bại, bởi vì so sánh lực lượng mọi mặt sẽ quyết định kết cục như vậy. Thích nghi mà không phát triển thì trở thành đất nước đi làm thuê, đất nước cho thuê và cuối cùng là một đất nước vong nô thời hiện đại!
Vì vậy, nhất thiết cần tạo ra cho nước ta có đủ cả hai khả năng phát triển và thích nghi – nhưng bằng cách nào?
Có con đường nào khác ngoài khơi dậy tinh thần tự cường của dân tộc và mở rộng dân chủ để phát huy nghị lực sáng tạo của từng cá nhân thành viên của cộng đồng dân tộc Việt Nam để tạo ra khả năng thích nghi và phát triển?
Chỉ có chủ nghĩa yêu nước, dân chủ và tự do mới có khả năng tìm ra những câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi nêu trên.
Tất cả những điều vừa trình bày trên đang cho thấy giữa nhận thức chủ quan và đòi hỏi khách quan của cuộc sống đang có khoảng cách lơn. Mặt khác thực tế cuộc sống, nhất là trong vòng một năm nay, cũng cho thấy khả năng ứng phó của nước ta mong manh như thế nào đối với những thách thức mới bên trong và bên ngoài. Mọi thành tựu đạt được trong hơn hai mươi năm đổi mới dù lớn thế nào cũng không cho phép làm ngơ thực trạng này.

Vậy cần làm gì cho thời kỳ 2011-2020?
Hiện nay một số cơ quan đã bắt tay vào việc soạn thảo tiếp kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho thời kỳ 2010-2020 như là một bước đi tiếp theo bình thường của chiến lược CNH-HĐH đang tiến hành. Cách tiếp cận này không xử lý đòi hỏi phải chuyển đất nước đi vào một thời kỳ phát triển mới.
Xuất phát từ thực của đất nước như đã nêu, nay kiến nghị một cách tiếp cận khác:
(1) Nên tổng kết tình hình phát triển kinh tế 32 năm đầu tiên trong hòa bình, – trong đó có 22 năm đổi mới, nhăm làm rõ các mặt mạnh, yếu, những mất cân đối cần khắc phục, để có cơ sở xác định việc chuyển giai đoạn và dự định chương trình phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2011-2020.
(2) Trong 2 năm còn lại của kế hoạch 5 năm hiện nay (2009-2010) cần hoạch định xong chính sách và các bước đi khắc phục 3 thắt cổ chai (sự hẫng hụt về nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, năng lực quản trị quốc gia) đang kìm hãm gay gắt sự phát triển kinh tế – xã hội.
(3) Trên cơ sở các vấn đề đã được làm rõ trong các điểm (1) và (2), xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2010-2020 với quan điểm phát triển và thích nghi, nhằm vào mục tiêu chiến lược trở thành một nền kinh tế cầu nối giữa các quốc gia trong khu vực và với các khu vực khác.

Về đại thể, nên xác lập một lộ trình:
–  2009-2010: Khắc phục xong khủng hoảng hiện nay, khôi phục sự phát triển ổn định (cũng phải đề phòng kịch bản xấu từ hoàn cảnh kinh tế nước ta hoặc từ ngoại cảnh khu vực và quốc tế), tổng kết 32 năm và làm xong việc hoạch định chiến lược 2011-2020.
–  2011-2015: Khắc phục một bước cơ bản tình trạng của 3 thắt cổ chai, hoàn thành việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh cải cách khu vực kinh tế quốc doanh; tạo ra sự phát triển đột phá của khu vực tư nhân; tranh thủ FDI có chọn lọc theo yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế. Nếu cần thiết, phải tạm thời giảm bớt tăng trưởng, hoặc thậm chí có lúc phải hy sinh tăng trưởng để tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới cơ cáu kinh tế. Đây cũng là những năm chuẩn bị cho một hướng phát triển mới. Cải cách chính trị phải tiến lên đi trước và trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế
–  2016-2020: Bắt đầu thời kỳ phát triển năng động mới của giai đoạn phát triển mới, nhằm vào mục tiêu phát triển và thích nghi để trở thành nền kinh tế cầu nối trong khu vực. Vấn đề phát huy dân chủ để thực hiện đoàn kết dân tộc, xây dựng đồng thuận xã hội và tranh thủ được hậu thuẫn quốc tế trở thành đòi hỏi sống còn.

Tóm lại, đề nghị nên tập trung sức lực làm tốt các việc trong điểm (1) và (2) trước khi bàn đến chiến lược đột phá mới. Chúng ta không thể xây dựng chiến lược trên cơ sở chưa đánh giá xác đáng tình hình hiện tại và thiếu hẳn kế hoạch khắc phục khủng hoảng đang diễn ra, nhất là vấn đề chuyển giai đoạn phát triển đã trở nên chín muồi./.

Hà Nội 10-2008

Ý kiến của bạn?

——————–

1 Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ phức tạp đến mức Giulio Tremonti, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ý, cho rằng: Đây là sự sụp đổ của hệ thống chứ không phải là sự sụp đổ của các ngân hàng, Alan Greenspan có lẽ không phải là ông thầy về tài chính tiền tệ, mà là người phá hoại nước Mỹ chỉ sau Osama bin Laden! Các ngân hàng Tây Âu toàn mua phải sản phẩm (tài chính tiền tệ) độc hại của Mỹ!.. (xem Los Angeles Times ngày 20-09-2008). Sự việc còn quá nóng bỏng, tuy nhiên có thể sơ bộ kết luận: Sau hơn một nửa thế kỷ vận hành, học thuyết tân tự do và hệ thống kinh tế do nó dẫn dắt – thể hiện tập trung nhất trong hệ thống tài chính – đã đem lại cho kinh tế của chủ nghĩa tư bản sự phát triển bột phá cùng với nhiều sự tàn phá ghê gớm đối với thế giới; tới mức độ vượt khỏi tầm kiểm soát, hệ thống và lý thuyết tân tự do đã đi tới sự sụp đổ như chúng ta đang thấy.

2 Đối với nước ta, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Mỹ sẽ có nhiều tác động lớn, vì kinh tế nước ta gắn khá mật thiết với đồng USD và Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chính của ta. Cuộc khủng hoảng này còn gây ra những tác động chính trị toàn cầu bất lợi cho nước ta. Phát triển kinh tế thị trường đi đôi với nâng cao năng lực quản trị quốc gia là câu trả lời nước ta cần lựa chọn để đối mặt với tình hình mới này.

Tác giả