Bước ngoặt mới của Thành Tây

Mô hình tới đây Đại học Thành Tây theo đuổi sẽ rất mới mẻ, từ cách thức tổ chức các khoa tối ưu cho hoạt động nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt cho đến tài trợ cho viện nghiên cứu trực thuộc trường theo cơ chế quỹ. Còn đội ngũ nòng cốt xây dựng đại học hầu hết là những nhà khoa học trẻ, nhiệt thành và có khả năng hợp tác quốc tế cao.


Phòng thí nghiệm của Đại học Thành Tây.

Tập trung vào các nhóm nghiên cứu thay vì các bộ môn

“Quan điểm của tôi, cốt lõi của đại học là phải nghiên cứu, chứ không phải là dạy nghề. Nếu định hướng đi dạy nghề thì tôi và các anh em đã không về đây làm gì. Tôi đã trao đổi với anh Hồ Xuân Năng (chủ tịch tập đoàn Phenikaa – chủ đầu tư của Trường Đại học Thành Tây-PV) rất kỹ và thống nhất quan điểm thì mới bắt tay vào làm”, GS.TS Nguyễn Văn Hiếu, người đã cùng các đồng sự tự gom góp tiền công từ các đề tài nghiên cứu để xây dựng Phòng Thí nghiệm nghiên cứu phát triển và ứng dụng cảm biến nano thuộc Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (ITIMS), Đại học Bách khoa HN từ năm 2007 giờ trở thành Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, khẳng định.

Nhưng đây không phải là câu chuyện xây dựng một trường đại học từ một nền móng mới. Đây là câu chuyện bẻ lái một cơ sở đào tạo đã hoạt động gần một thập kỉ, với nhân sự và cách thức vận hành theo hướng dạy nghề để trở thành một đại học nghiên cứu, tiến tới đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Ngay cả với nguồn lực dồi dào của một tập đoàn lớn đằng sau, trường đại học này vẫn không khỏi đối mặt với sự nghi ngờ từ phía cộng đồng khoa học với tên tuổi hiện nay của nó.

Vì vậy, “bước ngoặt” của Trường Đại học Thành Tây sẽ khởi đầu bằng việc lập ra một viện nghiên cứu khoa học cơ bản – TIAS (Thanh Tay Institute for Advanced Study) hoàn toàn mới. TIAS sẽ không chịu ảnh hưởng từ con đường cũ mà Thành Tây theo đuổi. “Làm từ con số 0 nó có vất vả của con số 0 nhưng cũng có sự thuận lợi của con số 0 […] Nó cho phép mình được lựa chọn” – PGS.TS Đỗ Vân Nam, Viện trưởng TIAS cho biết. TIAS là nơi tập hợp một nhóm nòng cốt ban đầu, gồm những nhà khoa học có năng lực, họ thảo luận và vạch ra những định hướng nghiên cứu sẽ trở thành trọng tâm của Viện trong tương lai; hoàn thiện cơ sở vật chất và hình thành văn hóa làm việc. Anh Nam nhấn mạnh nhiều lần rằng, Viện của anh trong giai đoạn trước mắt sẽ đóng vai trò như một hạt giống để lan tỏa những giá trị mới và xây dựng một đội ngũ mới cho Trường Đại học Thành Tây. Lí do là bởi, từ nhóm nhân sự ban đầu của TIAS sẽ tạo ra những nhóm nghiên cứu mạnh, đóng vai trò là nền tảng cho các khoa của trường về sau.

Trường Đại học Thành Tây sẽ có một mô hình tổ chức mới, mà điểm cốt lõi là thay vì phân chia thành các bộ môn theo truyền thống ở hầu hết các đại học ở Việt Nam hiện nay, các khoa được tổ chức theo các nhóm nghiên cứu -“phù hợp với xu thế đã phổ biến ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới và cả trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc”, GS.TS Nguyễn Văn Hiếu cho biết. Cụ thể, trong một khoa, tùy theo chỉ tiêu tuyển sinh, sẽ có số lượng giảng viên khác nhau, trong số đó sẽ có các vị trí giáo sư (khoảng 5-7 vị trí giáo sư trong một khoa). Mỗi vị trí giáo sư sẽ đảm nhiệm một hướng nghiên cứu và có nhóm nghiên cứu riêng bao gồm các tiến sĩ, nghiên cứu sinh và sinh viên. Mô hình ở nước ngoài có thêm các nghiên cứu sinh post-doc nhưng điều này khó mà thực hiện ở Việt Nam vì rất khó tuyển các post-doc một cách thường xuyên để đảm bảo tính liên tục trong định hướng nghiên cứu của phòng thí nghiệm.

Mô hình tập trung vào các nhóm nghiên cứu không chỉ giúp tăng cường chất lượng công bố quốc tế, đào tạo chuyên sâu hơn cho sinh viên mà còn khắc phục được một tồn tại cố hữu của cách tổ chức các khoa phân chia theo từng bộ môn. Đó là tình trạng bộ môn nào cũng muốn giữ môn học, thời lượng tiết học của bộ môn mình tối đa, đã khiến cho chương trình giảng dạy trở nên cứng nhắc khó thay đổi. Cách tổ chức mới này còn cho phép nhóm nghiên cứu mạnh cập nhật chương trình đào tạo chuẩn đầu ra quốc tế và tùy biến theo sự thay đổi định hướng của các ngành công nghiệp một cách nhanh chóng, tăng cơ hội tìm việc làm và thích nghi với yêu cầu thực tiễn cho sinh viên.

Đặt cược vào nhau bằng sự tin tưởng

Tập hợp các nhà khoa học về làm việc thường không bao giờ chỉ là “phép cộng” đơn thuần giữa những nhà khoa học hay một giao kèo sòng phẳng với cam kết có bao nhiêu sản phẩm. Việc đặt ra thước đo cho công việc như đánh giá cơ sở vật chất, số lượng công bố quốc tế ISI, các mối quan hệ đối tác quốc tế… là đương nhiên, nhưng đó không phải là đích đến. Theo PGS.TS Đỗ Vân Nam, tầm nhìn lớn hơn ở đây là cùng nhau kiến tạo môi trường làm việc cho phép các nhà khoa học có được sự tự do tối đa trong phát triển, sáng tạo khoa học. Chính vì vậy, Trường Đại học Thành Tây và TIAS chú trọng tìm đến các nhà khoa học trẻ ở trong và ngoài nước, cũng như GS.TS. Nguyễn Văn Hiếu hay PGS.TS Đỗ Vân Nam, đang có sức trẻ, năng lượng để làm việc, “rất active” và có nhu cầu chia sẻ, gắn bó cơ hữu với nhau, với công việc.

Anh Đỗ Vân Nam trước đây là phó phòng KH&CN nano, Viện Tiên tiến về KH&CN (AIST) tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trẻ và chưa từng có kinh nghiệm quản lý một viện nghiên cứu, điểm nổi bật của anh, theo PGS.TS Phạm Thành Huy, viện trưởng AIST, là sự quyết tâm xây dựng một nhóm nghiên cứu mạnh, xác định một mục tiêu và định hướng nghiên cứu rõ ràng và theo đuổi nó đến cùng. Và sự thực là anh đã làm được việc đó ở AIST trong hơn 10 năm qua. Có lẽ, đó là lí do mà Phenikaa mạnh dạn trao cho anh chức viện trưởng Viện TIAS.

Với tinh thần như vậy, Trường Đại học Thành Tây sẽ trao cho các trưởng nhóm nghiên cứu toàn quyền quyết định từ nội dung, định hướng nghiên cứu cho đến đề xuất xây dựng cơ sở vật chất. “Hiện nay trường đang xây dựng tám tòa nhà, mỗi tòa nhà tám tầng dành cho các khoa. Nhưng việc mua sắm trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm cho các nhóm nghiên cứu sẽ phải đợi trưởng các nhóm nghiên cứu quyết định chứ nhà trường không thể quyết định thay hoặc quyết định trước”, GS.TS Nguyễn Văn Hiếu nói. Đồng thời, các nhóm nghiên cứu cũng sẽ tham gia vào quy trình xây dựng kế hoạch đầu tư và sử dụng các phòng thí nghiệm dùng chung trong trường và các viện trực thuộc trường hoặc Phenikaa: các nhóm nghiên cứu sẽ phải cùng thảo luận hiệu quả sử dụng trang thiết bị đó tới đâu, có bao nhiêu nhóm, bao nhiêu người cam kết sử dụng các trang thiết bị đó thì trường mới quyết định đầu tư.

Để vận hành các nhóm nghiên cứu, quan điểm đầu tư cho con người ở đây không chỉ dừng lại ở việc tập trung đầu tư cho các nhà nghiên cứu đã có trình độ chuyên môn cao và đóng góp nhiều cho khoa học (Tập đoàn Phenikaa cam kết trả lương cao để các nhà nghiên cứu trong nước hoặc từ nước ngoài trở về yên tâm làm việc, hỗ trợ chỗ ở, đi lại, báo cáo hội thảo hội nghị ở nước ngoài, cam kết trả lương cao cho các giáo sư mời ở nước ngoài…), mà còn trả lương đủ sống hoặc cấp học bổng cho nghiên cứu sinh tiến sĩ và nghiên cứu sinh post doc khi họ thực hiện các nghiên cứu phục vụ cho định hướng của các nhóm hoặc theo đặt hàng của tập đoàn.

Cách làm này nếu được thực hiện bài bản sẽ có thể khắc phục được hiện trạng bấy lâu nay ở Việt Nam thường “bỏ lơ” các nghiên cứu sinh, để họ tự bơi hoặc có cấp học bổng nhưng không đủ sống và nghiên cứu toàn thời gian. “Bài học của các nước như Singapore là các đại học thường cấp học bổng rất cao để thu hút nghiên cứu sinh, nhất là nghiên cứu sinh post doc giỏi từ các nước khác về, còn điểm yếu của các đại học Việt Nam là không đủ tiền để thu hút tinh hoa như vậy”, theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Khoa Nhân học, ĐH KHXH&NV Hà Nội. “Bởi vì nghiên cứu sinh tiến sĩ và post doc có thể coi là giai đoạn nhà nghiên cứu tập trung, hăng say làm việc nhất trong quãng đời nghiên cứu, những tư tưởng, định hướng nghiên cứu của cả cuộc đời người ta có thể đều bắt nguồn từ giai đoạn này,” PGS.TS Nguyễn Văn Chính nói.

“Mong muốn, khát vọng của nhà khoa học là làm được một ‘cái gì đó’ cho khoa học. Do đó cần những chiến lược phát huy được yêu cầu tự nhiên về nghề nghiệp-nhu cầu sản xuất ra tri thức khoa học của các nhà khoa học”, PGS.TS Đỗ Vân Nam nói. Để thực hiện được điều này, việc  phân bổ kinh phí cho nghiên cứu khoa học sẽ căn cứ vào năng lực của các nhóm nghiên cứu với thủ tục linh hoạt và thời gian nhanh chóng. Ngoài việc tiếp tục xin tài trợ nghiên cứu cơ bản từ các nguồn trong và ngoài nước để thực hiện các định hướng nghiên cứu của mình, các nhà khoa học ở Trường Đại học Thành Tây có thể xin tài trợ từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ mà Phenikaa rót vốn với số tiền 100 tỉ ngay trong năm đầu tiên (mỗi năm rót thêm 100 tỉ trong 4 năm tiếp theo). Trong trao đổi với chúng tôi, TS. Hồ Xuân Năng nhấn mạnh cam kết về việc đầu tư tài chính cho các nhóm nghiên cứu hoạt động ngay trong giai đoạn đầu khi chưa xin được tài trợ từ các nguồn khác. Cơ chế cấp tài chính cho các nghiên cứu cơ bản ở Quỹ này cũng tương tự cơ chế Quỹ Nafosted: xét duyệt đề tài bởi một hội đồng ngành độc lập, có các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng tham gia hội đồng. Quỹ cũng có một hội đồng quản lý quỹ độc lập hoàn toàn với Trường Đại học Thành Tây và TIAS.

Dự định của Trường Đại học Thành Tây là tìm kiếm khoảng 30 – 40 nhà khoa học trẻ xuất sắc để từ đó thu hút, tập hợp lực lượng là thành viên của các khoa, các nhóm nghiên cứu vẫn là khá khó khăn. “Tìm giảng viên chỉ để giảng dạy thì đơn giản, nhưng tìm được nhà khoa học thực sự vừa làm giảng viên, vừa chăm chú vào nghiên cứu lại rất khó. Ví dụ, tuyển một người nghiên cứu về công nghệ thông tin và tự động hóa ngày đêm, rồi hướng dẫn sinh viên nữa là rất khó, bởi vì làm doanh nghiệp bên ngoài kiếm được rất nhiều tiền. Giảng dạy và nghiên cứu ở đại học sẽ không thể bằng”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu nói. Hiện nay Viện TIAS mới thu hút được hơn 10 nhà khoa học trẻ về làm việc và có nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ, post doc đã cam kết sẽ trở về làm việc tại Thành Tây, nhưng việc tìm kiếm, thuyết phục các nhà khoa học sẽ vẫn cần nhiều thời gian, mà chính TS. Hồ Xuân Năng và ban giám hiệu nhà trường sẽ phải tỉ mỉ, trao đổi với từng nhà khoa học để tìm tiếng nói chung. Ở đó có sự đồng cảm, nhìn thấy ở nhau sự cam kết giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, sự dũng cảm của đôi bên, “là cả hai đều đặt cược vào nhau bởi sự tin tưởng”, như PGS.TS Đỗ Vân Nam trao đổi.

 

 

Tác giả