Dạy thêm: Không thể lấy cái sai này để chữa một cái sai khác

Dạy thêm học thêm là hệ quả trực tiếp của đồng lương giáo viên quá thấp, và là hệ quả gián tiếp của lối dạy, học, và thi cử nhằm vào kiến thức thay vì nhằm vào phát triển năng lực và nhân cách.

Học thêm gây ra những hậu quả tiêu cực: việc ép học thêm khiến cha mẹ học sinh phải tốn kém, khiến thầy cô giáo bị xã hội xem thường, và hậu quả xấu nhất, là tước đoạt thời gian của học sinh, khiến học sinh không còn khả năng và động cơ tự học, hủy hoại hứng thú học tập của học sinh và biến việc học thành thứ lao động khổ sai, biến điểm số và bằng cấp thành mục đích của việc học.

Những người bảo vệ cho quyền được dạy thêm của giáo viên đang bảo vệ cho việc dùng một việc sai (dạy thêm) để chữa một cái sai khác (lương thấp). Những người cấm dạy thêm đang dùng một việc sai (hạn chế việc kiếm sống của giáo viên) để chữa một cái sai khác (hủy hoại hứng thú học tập của học sinh, tăng gánh nặng cho phụ huynh, làm mất sự tôn trọng của xã hội).

Chấm dứt dạy thêm học thêm là đúng! Vấn đề là bằng cách nào.

Như đã nói, dạy thêm học thêm là một mắt xích trong một chuỗi các hành động và kết quả. Chặt đứt một mắt xích mà không xử lý những mắt xích khác không giải quyết được vấn đề, mà chỉ gây ra đứt gãy có thể sẽ dẫn đến một tình trạng còn tệ hại hơn. Đó là cái chúng ta đang làm: cấm giáo viên dạy thêm, nhưng cho phép các trung tâm được tổ chức dạy thêm; cấm giáo viên dạy cho học sinh của mình, nhưng được phép dạy thêm cho học sinh lớp khác. Những giải pháp chắp vá như vậy không giải quyết được vấn đề, vì nó không chạm tới nguyên nhân đã nói trên.

Giải quyết tận gốc

Ai cũng nói rằng nếu đồng lương đủ sống thì chẳng giáo viên nào muốn dạy thêm. Thật ra ở nước nào thì giáo viên cũng không phải là một nghề làm giàu. Lương chính thức của giáo viên các nước cũng chỉ ở mức sống trung bình của xã hội mà thôi. Nhưng có lẽ không ở nước nào mà thu nhập chính thức của giáo viên lại thấp như ở Việt Nam.

Tăng lương giáo viên là giải pháp ai cũng biết, nhưng để thực hiện được nó cần phải bịt những lỗ rò tham nhũng của công, là việc dĩ nhiên không dễ dàng và khó có kết quả ngày một ngày hai. Vậy có giải pháp tạm thời nào không?

Trong gia đình tôi có người vì biết rõ tác hại của việc học thêm, đã tự cứu mình bằng cách vẫn đóng tiền học thêm cho cô giáo nhưng xin cô cho con không đến lớp học thêm. Kết quả là con có thì giờ tự học, và bài làm kiểu gì cũng được điểm tốt!

Dĩ nhiên cách đó cũng chỉ như tấm băng dính dán lên vết thương, không giải quyết được vấn đề. Nó chỉ làm giảm tí chút tác hại của hiện trạng. Nhưng nó đã nhằm vào bản chất vấn đề: thu nhập thấp của giáo viên, và tác hại đối với học sinh. Nó chỉ là cách vùng vẫy của một cá nhân nhằm đáp ứng với một thực tế không lành mạnh và vượt ra ngoài khả năng giải quyết của cá nhân.

Nhưng nó gợi ý cho một giải pháp thực tế: đàng nào thì hiện nay nhà nước cũng không đủ sức bao cấp cho giáo dục phổ thông đúng nghĩa, để nhà giáo yên tâm làm việc giảng dạy và để phụ huynh không phải chạy tiền học. Vậy thì phải tìm giải pháp trong phạm vi cái thực tế ấy thay vì kêu gọi tăng lương (một giải pháp khó lòng khả thi trong ngắn hạn) hay cấm dạy thêm (sẽ đẻ ra những tệ nạn khác).

Thay vì đóng tiền học thêm, thực chất là để nuôi thầy cô giáo, và chấp nhận để trẻ học mụ cả người, hãy chấp nhận rằng chúng ta trả tiền để con cái chúng ta được thụ hưởng một môi trường giáo dục tối thiểu có thể chấp nhận được, nghĩa là giúp phát triển năng lực và nhân cách, thay vì bị nhồi nhét.

Thay vì bao cấp cho các trường công ở mức thấp khiến giáo viên ở tất cả các trường đều phải tìm thêm nguồn thu nhập, nên chăng chúng ta biến một số trường thành bán công, nghĩa là trường công có thu học phí đủ để trang trải hoạt động, chỉ còn một số ít trường công thực sự được trả lương đầy đủ. Trường công thi tuyển giáo viên công khai để chọn người giỏi. Học sinh được nhận vào gồm hai loại: có thành tích xuất sắc (qua thi tuyển) và có nhu cầu cần được hỗ trợ về tài chính (qua hồ sơ).

Dĩ nhiên lối “xã hội hóa” này cũng có thể nảy sinh nhiều tác dụng tiêu cực, đặc biệt là nếu các trường công và bán công không được kiểm soát về trách nhiệm giải trình, nó có thể là cơ hội kiếm tiền của một số người với cái giá phải trả của xã hội.

Tiền có giải quyết được vấn đề?

Giải pháp trên đây có thể đúng nhưng chưa đủ. Vì đồng lương giáo viên chỉ là một nửa của vấn đề. Nếu cách dạy, cách học, và cách thi hiện nay không thay đổi, thì sẽ vẫn có nhu cầu học thêm, và có cầu ắt sẽ có cung.

Gốc của vấn đề vẫn là triệt tiêu nhu cầu học thêm. Muốn vậy phải thay đổi cách tiếp cận giáo dục từ chỗ truyền đạt kiến thức đến chỗ hình thành năng lực và kỹ năng.

Thay đổi một cách dạy, cách học, cách đánh giá đã có truyền thống cả ngàn năm không phải là một việc dễ dàng. Vì thế, rất cần sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình. Không chỉ giáo viên, mà cả phụ huynh cũng phải được thông tin đầy đủ để hiểu rõ tại sao chúng ta cần phải thay đổi.

Việc thay đổi cách tiếp cận giáo dục này liên quan tới tất cả mọi yếu tố: chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, đào tạo giáo viên, cách đánh giá kết quả học tập và thi cử, cách thức quản lý nhà trường, cách lựa chọn và đánh giá hiệu trưởng, cách phân bổ ngân sách, cách thức ban hành chính sách.

Rõ ràng là cần một chặng đường dài để sửa chữa những vấn nạn hiện nay của giáo dục phổ thông. Những hệ quả tiêu cực của dạy thêm và học thêm đối với tất cả các bên (giáo viên, học sinh, phụ huynh) về tất cả các mặt (kinh tế, giáo dục và xã hội) có thể là giọt nước tràn ly để chúng ta xem xét lại những vấn đề nền tảng của giáo dục phổ thông, thay vì loay hoay với những giải pháp chắp vá.

Tác giả