Phân bổ ngân sách NCKH tại các trường đại học Na Uy: Công bằng và minh bạch

Na Uy đã xây dựng mô hình phân bổ tài trợ nghiên cứu công của các trường đại học rất hiệu quả dựa trên đánh giá số lượng và chất lượng công bố , đảm bảo công bằng với tất cả các lĩnh vực và được hỗ trợ bởi hệ thống dữ liệu công khai và đầy đủ.


Hoạt động NCKH ở các trường ĐH danh tiếng đã tăng đáng kể. Ảnh: Phòng thực hành nha khoa ĐH Olso. Nguồn: enkus-heinz.com.

Hiện nay một số quốc gia trên thế giới đã chuyển sang mô hình phân bổ ngân sách NCKH cho các trường đại học dựa vào đánh giá hiệu quả (Performance-based research Funding System – PRFS) đầu ra thay vì quy mô (đầu vào) – vốn có các hạn chế là số lượng sinh viên trong trường không có mối tương quan với nỗ lực nghiên cứu của giảng viên, ít khuyến khích nâng cao hiệu suất nghiên cứu tạo ra xu hướng nghiên cứu “tháp ngà” hay tiêu cực – chạy chọt để nhận được nhiều kinh phí hơn. PRFS xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1986 tại Anh và tới nay đã có 14 quốc gia/vùng lãnh thổ áp dụng.

Là nước đến năm 2006 mới thực hiện mô hình này nhưng PRFS tại Na Uy lại rất hiệu quả và đã truyền cảm hứng cho nhiều nước như Đan Mạch, Phần Lan,… học hỏi. Vì Na Uy đã khắc phục được các khuyết điểm chính của các mô hình đi trước bằng việc xây dựng phương pháp định lượng mới đơn giản, dễ hiểu và mang tính phổ quát cho tất cả các lĩnh vực. Kết quả là sau khi áp dụng, số lượng và chất lượng các công bố khoa học của Na Uy đã tăng đáng kể, từ khoảng 9.000 bài (2006) lên mức hơn 15.000 bài (2012); đồng thời tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường đại học trong nước khi ngày càng nhiều các trường ít nổi tiếng công bố nhiều hơn.

Công bằng với tất cả các lĩnh vực

PRFS mà Anh áp dụng từ 1986 đến nay chủ yếu dựa vào bình duyệt – không đủ khách quan do bị ảnh hưởng bởi tính cách, quan điểm và thành kiến của người đánh giá. Một mô hình khác cũng được nhiều nước áp dụng (Thụy Điển, Ba Lan, Slovakia) là mô hình dựa vào số trích dẫn, nhưng có hạn chế là số lượng trích dẫn giữa ngành tự nhiên và xã hội rất chênh lệch.

Mô hình PRFS mà Na Uy lựa chọn là dựa trên công bố, trong đó điểm công bố chiếm trọng số 30% còn lại là chỉ số về NCS Tiến sĩ đã tốt nghiệp (30%), tài trợ từ Hội đồng Nghiên cứu Na Uy (20%) và từ Khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu EU (20%). Mô hình này dựa trên phương pháp thống kê tổng số lượng các công bố (có điều chỉnh độ dài và chất lượng) của trường đại học làm cơ sở tính điểm công bố.

Mô hình Na Uy bảo đảm hạn chế rủi ro chủ quan từ người bình duyệt, đồng thời công bằng hơn với tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, đặc biệt là đã tăng cường khả năng hiện diện của khoa học nhân văn và xã hội hơn so với cách tiếp cận trích dẫn.

Chú trọng cả số lượng và chất lượng công bố

Úc cũng từng là quốc gia áp dụng PRFS dựa vào công bố, trong đó tính số lượng các công bố là một trong bốn chỉ số giám sát. Vấn đề là mô hình của Úc chỉ tính số lượng và đánh đồng chất lượng các công bố, từ đó đã dẫn đến vấn nạn các nhà khoa học đua nhau công bố ở các tạp chí khoa học kém uy tín, lượng bài tăng nhưng chất lượng lại giảm. Chưa kể bởi vì tính theo số lượng, các tác giả thường lựa chọn công bố các nghiên cứu khoa học ngắn hạn.

Tại Na Uy, điểm công bố được điều chỉnh theo tỷ trọng thể loại, cấp độ và tỷ phần đóng góp của tác giả. Theo thể loại, PRFS Na Uy chia các công bố thành ba loại: Bài trong tạp chí hoặc loạt bài viết, bài trong sách và chuyên khảo. Theo cấp độ, PRFS Na Uy phân loại công bố thành Cấp 1 – Các kênh công bố đủ tiêu chuẩn thông thường và Cấp 2 – chiếm tối đa 20% tổng số bài công bố của một trường, gồm các bài trên các kênh công bố danh tiếng hàng đầu. Ví dụ như bài báo đăng tạp chí ở Cấp 1 chỉ nhận được 1 điểm nhưng Cấp 2 sẽ nhận 3 điểm, bài chuyên khảo cấp 1 nhận 5 điểm nhưng cấp 2 nhận 8 điểm, và bài trong sách cấp 1 nhận 0,7 điểm còn cấp 2 là 1 điểm. Cách tính điểm này khuyến khích các nhà nghiên cứu viết các công trình dài hơn, chất lượng hơn chứ không đơn thuần là chạy theo số lượng.

Để phân loại các kênh công bố, các tổ chức và cá nhân sẽ đề cử các kênh sau đó các đề xuất này được thảo luận và phê duyệt (hoặc từ chối) ở Ủy ban thiết kế chỉ số công bố quốc gia – gồm các nhà nghiên cứu nổi bật trong các lĩnh vực, đại diện cho các khoa, trường.

Ngoài ra, điểm xuất bản còn phân chia theo số tác giả, ví dụ như một bài nghiên cứu với bốn tác giả, đăng tạp chí Cấp 1 nhận được 1 điểm, từng tác giả nhận được 0,25 điểm. Điều này hạn chế tình trạng các nhà khoa học không thực hiện nghiên cứu nhưng vẫn đứng tên trên công trình. Số lượng các nhà nghiên cứu thuộc bốn trường đại học chính (ĐH Oslo, ĐH Bergen, ĐH Tromsø, ĐH Khoa học và Công nghệ Na Uy) có một công bố đã tăng thêm 116% từ năm 2004 đến 2012, so sánh với số lượng nhân viên R&D chỉ tăng 5% từ năm 2003 đến 2012. Như vậy, chính sách này không chỉ khuyến khích các nhà nghiên cứu đã có nhiều công bố tăng năng suất, còn thúc đẩy các nhà khoa học mới tham gia vào cuộc đua công bố.

Hệ dữ liệu quốc gia đầy đủ và công khai

Xuất phát từ yêu cầu của mô hình là phải đại diện cho tất cả các lĩnh vực nghiên cứu một cách đầy đủ và có thể so sánh được, trong khi thời điểm đó trên thế giới chưa có một nguồn dữ liệu toàn cầu nào như vậy, Na Uy đã thiết kế Hệ thống Thông tin Nghiên cứu Hiện hành (Current Research Information System – CRIS). CRIS lưu trữ tất cả các xuất bản phẩm được dùng để tính điểm công bố, ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội.

Tuy nhiên để các công bố được đưa vào CRIS là không dễ dàng, nó đòi hỏi phải cung cấp cái nhìn mới, trình bày theo định dạng học thuật, viết bằng ngôn ngữ đảm bảo công bố có thể tiếp cận các độc giả và nhà nghiên cứu liên quan, đồng thời phải được bình duyệt độc lập. Những yêu cầu này sàng lọc các nghiên cứu kém chất lượng – không theo mẫu, không tìm ra cái mới, hay sự xuất hiện của các tạp chí địa phương, tạp chí dởm – nơi không thể trông đợi các bình duyệt độc lập đáng tin cậy.

Dữ liệu trên CRIS được thiết kế theo dạng thư mục, có liên kết tới cá nhân và viện nghiên cứu. Các dữ liệu được cấu trúc tốt đủ để so sánh và đo lường, đồng thời có thể so sánh, đối chiếu tính chính xác với các nguồn dữ liệu bên ngoài CRIS (ví dụ kiểm tra sự tồn tại của tạp chí tại thư viện trường) và xác nhận được. Hệ thống CRIS của Na Uy hoàn toàn phi thương mại và chia sẻ tự do với các tổ chức nghiên cứu công. Mọi tổ chức có thể xem và kiểm tra dữ liệu của các tổ chức khác, điều này đảm bảo tính minh bạch giữa các tổ chức và tăng cường chất lượng dữ liệu.

Những tồn tại

Bản thân PRFS của Na Uy cũng chỉ có ý nghĩa là một đánh giá tổng quát, việc xuất hiện trên các kênh công bố uy tín cũng không thể nói hết về chất lượng của công bố – đôi lúc các công bố chất lượng cao lại đăng trên các tạp chí ít tên tuổi. Những người thiết kế Mô hình Na Uy cũng nhận thức rõ rằng kênh công bố không thể dùng để kết luận về bản thân bài công bố cũng như cá nhân tác giả, đấy không phải mục đích của hệ thống điểm công bố.

Một trong những hạn chế khác là PRFS Na Uy tập trung hoàn toàn vào công bố và nơi công bố mà quên đi các tác động của số trích dẫn. Mặc dù ở góc độ tổng quát, chất lượng kênh xuất bản sẽ tương quan với số trích dẫn và bản thân việc đánh giá dựa vào trích dẫn cũng còn gây tranh cãi, thì không thể phủ nhận rằng nhiều khi các công bố ở tạp chí danh tiếng có ít ảnh hưởng – trích dẫn hơn ở tạp chí bình thường. Việc chỉ dựa hoàn toàn vào độ dài và kênh công bố sẽ dẫn tới việc đánh giá không đầy đủ về chất lượng của công bố.

Mô hình của Na Uy đã tạo ra những thay đổi tích cực trong môi trường học thuật nhưng không thể trở thành một cú hích thay đổi hoàn toàn bộ mặt giáo dục như Sáng kiến Xuất sắc của Đức đã làm. Bởi so sánh với các mô hình PRFS tại các quốc gia khác, tỷ lệ tái phân bổ 2% tổng kinh phí cho các trường đại học của Na Uy là quá nhỏ, hiện nay phân bổ trợ cấp dựa trên hiệu quả của Úc chiếm 10,5%; tại New Zealand là 60% và tại Anh là khoảng 25 – 36%.
***
Mặc dù còn tồn tại một số thiếu sót nhưng nỗ lực xây dựng một hệ thống đánh giá toàn diện, minh bạch và đơn giản của Chính phủ Na Uy vẫn xứng đáng để Việt Nam tham khảo bởi đã giải quyết được một số vấn đề còn tồn tại hiện nay – các nhà nghiên cứu ít công bố quốc tế và cơ chế phân bổ ngân sách còn nặng xin – cho, kém hiệu quả. Cùng với đó, mô hình được thiết kế khá tốt để phòng ngừa các tiêu cực có thể xảy ra khi các nhà nghiên cứu chạy theo số công bố không thực chất.

Thanh Trúc tổng hợp

Nguồn: Gunnar Sivertsen (2016), Publication-based Funding: The Norwegian Model, Research Assessment in the Humanities, p.79 -90
K.Aagaard, C.Bloch and J.W.Schneider (2015), Impacts of performance-based research funding systems: The case of the Norwegian Publication Indicator, Research Evaluation Vol 24, p.106 – 117

 

Tác giả