Bàn lại vấn đề học vị Tiến sĩ

Trong bối cảnh dư luận hết sức quan tâm về vấn đề chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước, Tia Sáng xin chia sẻ lại với bạn đọc một bài viết cũ của GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo, từng đăng trên tạp chí Tia Sáng, số 9 năm 2003, bởi tính thời sự của nó đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Năm 1996, nhân dịp về giảng dạy trong nước, tôi đã tham dự 8 buổi bảo vệ luận án phó tiến sĩ (sau đó văn bằng này được tự động chuyển thành tiến sĩ). Thấy rõ nguy cơ của việc đánh giá văn bằng này ở Việt Nam, tôi đã nêu ý kiến và đưa kiến nghị cụ thể về vấn đề này trên mục Ý kiến nhà khoa học của báo Nhân Dân số ra ngày 17/7/1997. Theo yêu cầu của Vụ trưởng Vụ đào tạo sau đại hoc (Bộ Giáo dục và đào tạo), tôi cũng có dịp thuyết trình về đề tài này tại Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 6/3/2000. Thế nhưng tình hình sau đó không những không được cải thiện mà có vẻ còn trầm trọng hơn. Vì vậy, Tôi xin phát biểu thêm một số ý kiến (chủ yếu về lãnh vực kinh tế học) về bản chất của vấn đề là gì và làm sao để chấm dứt tình trạng hiện nay?

Theo tôi, việc văn bằng tiến sĩ ở Việt Nam tiếp tục là đối tượng bị chế giễu trong thiên hạ nhưng người ta vẫn tiếp tục đổ xô vào việc lấy  bằng và nhà nước vẫn tiếp tục cho đào tạo và cấp bằng này là do chúng ta hiểu chưa đúng về chuẩn mực của luận án tiến sĩ nói riêng và trình độ của người được cấp bằng tiến sĩ nói chung, cơ chế đào tạo quá lỏng lẻo, tiêu chuẩn của giáo sư hướng dẫn không được quy định nghiêm túc, chưa xác lập được cơ chế đánh giá khách quan về luận án tiến sĩ và suy nghĩ sai về ý nghĩa của văn bằng này.

Thế nào là một luận án tiến sĩ?


Trình độ của người được cấp bằng và chuẩn mực khách quan của luận án tiến sĩ là gì? Tiến sĩ là học vị cao nhất trong khoa học. Người được cấp bằng tiến sĩ do đó phải am hiểu các lý luận cơ bản, các khung phân tích trong ngành mình (trong kinh tế học đó là kinh tế học vĩ mô và kinh tế học vi mô), và nắm vững các khái niệm, các khung phân tích, các lý luận và những tiến triển nghiên cứu mới trong ngành chuyên môn hẹp của mình (chẳng hạn kinh tế phát triển, kinh tế quốc tế, kinh tế lao động…). Những kiến thức cơ bản này được trang bị từ bậc đại hoc và thạc sĩ nhưng ở bậc tiến sĩ phải được tiếp tuc ở trình độ cao hơn và nhất là phải có cơ chế kiểm tra nghiêm túc để bảo đảm cho ứng cử viên học vị này hội đủ các điều kiện đó.

Trình độ của ứng cử viên tiến sĩ được thử thách và được nhân lên trong quá trình nghiên cứu để hoàn thành luận án tiến sĩ. Ngoài tính khoa học, logic tất nhiên phải có, một luận án tiến sĩ phải có hai tính chất quan trọng. Thứ nhất là tính học thuật (academic) trong đó vấn đề phải được triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả các lý luận, các kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình. Thứ hai là tính độc sáng (originality), luận án phải đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thiết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới.

Cần nói thêm rằng đòi hỏi chính của luận án tiến sĩ là sự đóng góp về mặt lý luận, và luận án là bằng chứng cho thấy ứng cử viên tiến sĩ có trình độ nghiên cứu độc lập, chứ không đòi hỏi phải giải quyết một vấn đề thực tế (dĩ nhiên nếu kết quả nghiên cứu góp phần giải quyết một vấn đề thực tiễn thì càng tốt nhưng đó là thứ yếu). Sau khi lấy bằng tiến sĩ, tuỳ theo nhu cầu công tác lúc đó mới cần nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tại Việt Nam, chí ít là trong lĩnh vực kinh tế, hình như đa số hiểu sai về ý nghĩa của luận án tiến sĩ. Các đề tài của một luận án tiến sĩ kinh tế học ở Việt Nam thường là “Những giải pháp để…” (chẳng hạn, những giải pháp để huy động vốn trong dân, những giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ chiến lược công nghiệp hoá…). Dĩ nhiên có thể được chọn là đối tượng nghiên cứu nhưng đó chỉ là trường hợp được chọn để kiểm chứng một vấn đề có tính lý luận chứ không phải nhằm để giải quyết một vấn đề thực tế. Ở Việt Nam, được biết nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ tốn hàng tỉ đồng và huy động hàng chục nhà nghiên cứu nhưng ít có công trình trực tiếp giải quyết vấn đề thực tiễn mà tại sao lại kỳ vọng ở công trình của một người với phí tổn đào tạo chưa tới 3 triệu đồng 1 năm1?

Cách suy nghĩ về việc chọn đề tài ở VN chỉ làm cho luận án tiến sĩ thiếu tính học thuật và phần lớn thiếu tính độc sáng. Trình độ của luận án do đó còn rất xa mới đạt được tiêu chuẩn tối thiểu của thế giới và người được cấp bằng trong trường hợp đó khó có thể thảo luận khoa học với chuyên gia nước ngoài trong cùng ngành.

Học và nghiên cứu như thế nào để viết được luận án tiến sĩ?


Ở nước ngoài, để có đủ kiến thức nhận tư cách ứng viên và để viết được luận án tiến sĩ có đủ tính học thuật và tính độc sáng, nghiên cứu sinh phải tập trung học liên tục và rất vất vả trong nhiều năm. Tôi xin kể trường hợp của 2 sinh viên mà tôi đã hướng dẫn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ 2 năm qua. Sinh viên Trung Quốc lấy tiến sĩ năm 2002, là sinh viên du học tự túc nên phải làm thêm mỗi tuần 2 ngày nhưng 5 ngày còn lại tập trung học, nghiên cứu và đã mất tất cả 5 năm sau khi lấy bằng thạc sĩ và thi đỗ vào bậc tiến sĩ. Sinh viên Việt Nam bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đầu năm 2003, có học bổng của chính phủ Nhật nên chuyên tâm vào việc học và làm luận án, nhưng cũng mất 4 năm. Trừ những kỳ nghỉ hè, nghỉ Tết, hằng tuần tôi có trách nhiệm mở lớp hướng dẫn nghiên cứu gọi là seminar và tất cả các nghiên cứu sinh học với tôi (thuộc nhiều năm học khác nhau trong hai bậc thạc sĩ và tiến sĩ.) đều phải tham dự. Mỗi tuần có 1 hoặc 2 nghiên cứu sinh báo cáo về sự tiến triển của đề tài nghiên cứu của mình, các nghiên cứu sinh khác tham gia thảo luận để vừa giúp bạn gợi mở các ý tưởng mới vừa tham khảo phuơng pháp luận nghiên cứu và thông tin về động hướng nghiên cứu của từng đề tài mà giáo sư hướng dẫn chỉ ra cho người báo cáo. Nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ trong năm đầu phải theo học nhiều môn cơ bản và chuyên môn liên hệ với nhiều giáo sư khác, song song với việc tham gia seminar của giáo sư hướng dẫn mình để từng bước xây dựng đề cương nghiên cứu. Việc xây dựng đề cương là quá trình lao động vất vả nhất vì đề cương phải cho thấy luận án khi hoàn thành sẽ có đủ 2 tính chất học thuật và độc sáng nói trên. Các nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ cứ độ vài ba tháng báo cáo trong seminar một lần và khi cần thiết đến phòng nghiên cứu của giáo sư để được hướng dẫn thêm. Nhiều sinh viên không xây dựng được đề cương, cuối cùng phải bỏ cuộc.

Ở Việt Nam, việc học ở bậc tiến sĩ quá đơn giản. Tại một cơ sở đào tạo nọ, nghiên cứu sinh chỉ phải học 3 chuyên đề và được biết trong mỗi chuyên đề thầy giáo chỉ giảng 1 ngày sau đó nghiên cứu sinh tự làm các tiểu luận liên hệ (các chuyên đề nhiều khi cũng chỉ là những vấn đề thực tế, không nhất thiết là chuyên đề giúp cho nghiên cứu sinh nắm vững hơn về mặt lý luận và phương pháp luận nghiên cứu. Đây cũng là hệ quả tất yếu khi luận án tiến sĩ không đòi hỏi phải có tính học thuật). Quan hệ với giáo sư hướng dẫn cũng lỏng lẻo (vấn đề giáo sư hướng dẫn sẽ nói thêm sau). Cũng vì việc học không đòi hỏi sâu về mặt lý luận và luận án không đòi hỏi có tính học thuật và độc sáng nên nhiều người học tại chức cũng có thể bảo vệ “thành công” luận án trong 3-4 năm. Ở nước ngoài khó có thể tưởng tượng được là một người đương phải đảm trách công việc quản lý xí nghiệp hay quản lý nhà nước mà chỉ trong 3-4 năm có thể lấy được bằng tiến sĩ! (trừ trường hợp người đó được biệt phái 3-4 năm để đi học). Ở Nhật thỉnh thoảng có trường hợp một quan chức ở một bộ kinh tế hay ngân hàng nhà nước bảo vệ thành công luận án tíến sĩ nhưng đó là trường hợp rất đặc biệt của những người có khả năng nghiên cứu ký luận và công việc hằng ngày của họ cũng liên quan đến nghiên cứu, và nhất là có công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín (cũng cần nói thêm là những quan chức ấy muốn lấy bằng tiến sĩ là để trong tương lai chuyển sang nghề dạy học hoặc nghiên cứu ở các viện, chứ văn bằng không liên quan gì đến việc đề bạt ở các cơ quan quản lý).

Về giáo sư hướng dẫn viết luận án tiến sĩ


Để cho dễ hiểu tôi mạn phép bắt đầu bằng trường hợp cụ thể của tôi. Tôi phụ trách dạy môn kinh tế ngoại thương và môn kinh tế chuyển đổi (từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị truờng) cho sinh viên bậc đại học và phụ trách dạy môn kinh tế phát triển cho sinh viên (nghiên cứu sinh) sau đại học. Nói chung phạm vi chuyên môn của tôi về mặt lý thuyết là kinh tế phát triển và kinh tế quốc tế, và về mặt thực tiễn là kinh tế châu Á. Để cập nhật nội dung các bài giảng, để hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án, và để tiến hành các đề tài nghiên cứu của riêng mình, dĩ nhiên tôi phải theo dõi thường xuyên động hướng nghiên cứu trên thế giới liên quan đến chuyên môn của mình. Ngoài việc theo dõi trên sách và tạp chí chuyên môn, phải thường xuyên tham gia báo cáo, thảo luận tại các hội thảo khoa học, nhất là tham gia các hoạt động của hội khoa học chuyên ngành. Các hội này tổ chức báo cáo khoa học hàng tháng tại vùng mình sinh sống và hằng năm tổ chức đại hội toàn quốc để hội viên (đã được chọn) báo cáo thành quả nghiên cứu của mình.

Nói chung đây là hoạt động thông thường của một giáo sư ở đại học Nhật nhưng mới chỉ là điều kiện cần của một ngưòi có tư cách hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ. Điều kiện đủ là công trình, thành quả nghiên cứu của giáo sư đã được đánh giá trong giới khoa học. Ở các đại học lớn mỗi khoa thường có độ 50 giáo sư nhưng chỉ có độ 20 ngưòi có tư cách dạy ở bậc tiến sĩ . Tóm lại, điều kiện tối thiểu của một ngưới có tư cách hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án phải là một giáo sư đương nhiệm mà công việc chính là giảng dạy và nghiên cứu tại một đại học hay một viện nghiên cứu. Nếu không là đương nhiệm thì về mặt cơ chế không có tư cách hướng dẫn hay phản biện luận án tiến sĩ, và về mặt thực tế không thể giúp sinh viên chọn một đề tài có tính độc sáng vì người đó không có điều kiện theo dõi những nghiên cứu mới trên thế giới về ngành của mình.

Một điều rất lạ với thế giới nhưng rất phổ biến ở Việt Nam là có nhiều vị có học hàm, học vị nhưng đã chuyển sang làm quản lý và các công việc khác không liên quan đến nghiên cứu và giảng dạy lại được mời làm thành viên hội đồng chấm luận án, thậm chí được mời làm giáo sư hướng dẫn cho nghiên cứu sinh. Dĩ nhiên có thể có truờng hợp ngoại lệ là các vị đó vẫn tiếp tục phát biểu các công trình nghiên cứu về học thuật trên các tạp chí khoa học, được giới khoa học trong ngành đánh giá cao, nhưng truờng hợp này rất hiếm và và khó thấy ở các nước khác.

Cơ chế phương pháp đánh giá luận án tiến sĩ

Khi các vấn đề về chuẩn mực của luận án, về cơ chế nghiên cứu học tập của sinh viên và về tư cách giáo sư thành viên chấm luận án nói ở trên được giải quyết đúng đắn thì việc đánh giá luận án không còn là vấn đề khó khăn. Hơn nữa, giáo sư hướng dẫn là người chịu trách nhiệm đầu tiên về việc đánh giá. Không một giáo sư nào thấy luận án của học trò mình chưa đạt tiêu chuẩn khách quan về học thuật và độc sáng mà dám đưa ra hội đồng bảo vệ. Có thể còn nhiều dư địa để cải thiện hơn nữa mà giáo sư hướng dẫn không thấy hết nhưng ít nhất 2 tiêu chí nói trên của luận án tiến sĩ được xem là đạt rồi mới cho bảo vệ. Trên cơ sở đó, các giáo sư khác trong hội đồng, cũng trên uy tín của mình, phải đánh giá thẳng thắn. Ở đây không cần bảo vệ kín mà vẫn giữ được sự khách quan là vì vậy. Cần nói thêm nữa là trong quá trình chuẩn bị luận án, nghiên cứu sinh được báo cáo trước hội đồng chấm luận án một hoặc hai lần trước khi bảo vệ cuối cùng ít nhất là 1 năm để nhận các ý kiến hướng dẫn cho giai đoạn tới.

Ngoài ra, để bảo đảm tối đa sự khách quan của việc đánh giá, ở Nhật và các nước tiên tiến khác đặt cơ chế xã hội hoá việc đánh giá trước khi cho nghiên cứu sinh bảo vệ. Có hai hình thức xã hội hoá. Một là để được bảo vệ cuối cùng, nghiên cứu sinh phải có ít nhất 2 hoặc 3 (tuỳ trường đại học) công trình liên quan đến luận án đăng ở các tạp chí có thẩm định (referee). Tạp chí có thẩm định là tạp chí khi ban biên tập nhận bài xin gửi đăng sẽ gửi bài đó (thừờng là sau khi che dấu tên người viết) đến ít nhất 2 nhà nghiên cứu cùng ngành để nhờ thẩm định. Tên tuổi của những người thẩm định dĩ nhiên không được công bố. Người thẩm định sẽ dựa trên tiêu chuẩn học thuật và tính độc sáng của bài viết khi đưa ra quyết định đăng hay không. Các bài viết đăng ở các tạp chí không có chế độ thẩm định khách quan này không được xem là công trình nghiên cứu.
Một hình thức nữa là cho nghiên cứu sinh báo cáo trước đại hội toàn quốc hàng năm của ngành chuyên môn (Tôi đã cho sinh viên Trung Quốc và sinh viên Việt Nam nói trên ra báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội nghiên cứu chính trị và kinh tế châu Á). Ở Nhật, nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ có thể trở thành thành viên của các hội khoa học. Để được báo cáo, nội dung tóm tắt của luận án phải được thông qua ở ban tổ chức đại hội. Điều quan trọng là trước mặt các nhà khoa học trên toàn quốc, luận án của học trò mình bị chê là không độc sáng hoặc thiếu sót lớn về mặt khoa học thì người chịu tai tiếng đầu tiên là giáo sư hướng dẫn. Trong trường hợp đó, về mặt khách quan, xem như nghiên cứu sinh ấy không thể bảo vệ ngay ở đại học được nữa mà phải nghiên cứu thêm.

Dưới cơ chế đào tạo nói trên và sau khi đã xã hội hoá việc đánh giá, cuộc bảo vệ cuối cùng đương nhiên sẽ đưa lại kết quả tốt. Cần nói thêm rằng trong khi nêu ý kiến đánh giá của mình trong hội đồng, không có giáo sư nào phát biểu những câu như “luận án này văn phong sáng sủa, bố cục chặt chẽ…”, mà chỉ xoay quanh tính học thuật và tính độc sáng của luận án. Ngay cả trường hợp nghiên cứu sinh người Trung Quốc và người Việt Nam của tôi viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Nhật cũng không có ai khen theo kiểu như vậy. Có dịp tham dự mấy buổi bảo vệ tại Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên khi nghe những câu đánh giá như vậy và có cảm tưởng như người phát ngôn đương nói về một luận án tốt nghiệp đại học.

Vài lời kết và kiến nghị

Việt Nam phải đứng trước một sư chọn lựa giữa hai con đường: (1) Duy trì cơ chế hiện tại, tiếp tục sản xuất bằng tiến sĩ theo tiêu chuẩn của riêng mình, và văn bằng này xem như hàng nội địa chỉ tiêu thụ tại nước mình. (2) Xem học vị tiến sĩ sản xuất trong nước phải tương đương hoặc gần như tương đương với văn bằng ở nước ngoài.

Nếu chọn con đường thứ hai thì tôi đề nghị như sau:

Thứ nhất, cần đặt lại vấn đề chuẩn mực của luận án tiến sĩ, nhấn mạnh tính học thuật và tính độc sáng phải có của một luận án tiến sĩ.

Thứ hai, tham khảo các truờng hợp điển hình ở nước ngoài, rà soát lại các tiêu chuẩn của giáo sư hướng dẫn làm luận án và các cơ sở được phép đào tạo tiến sĩ theo hướng nâng cao hẳn các tiêu chuẩn để theo gần với nước ngoài.

Thứ ba, người có học hàm học vị cao nhưng không phải là giáo sư đương nhiệm ở đại học hoặc cơ quan nghiên cứu thì không được phép tham gia hội đồng đánh giá luận án.

Thứ tư, 3 điểm nói trên thực hiện triệt để sẽ thấy rằng Việt Nam hiện nay chưa đủ điều kiện để đào tạo và cấp hàng loạt văn bằng tiến sĩ, do đó vấn đề tiếp theo là chuẩn bị cơ chế và nhân tài để 10 năm tới có thể đào tạo nhiều hơn văn bằng nầy.

Thứ năm, không xem văn bằng tiến sĩ là một trong những tiêu chuẩn để đề bạt ở các cơ quan quản lý của nhà nước hoặc các cơ quan khác. Không cấp kinh phí và không tạo các điều kiện khác cho cán bộ đi học tại chức bậc tiến sĩ.

Ta có thể tự hào rằng giới trẻ Việt Nam rất thông minh. Nhiều nghiên cứu sinh người Việt Nam thành công xuất sắc trong việc bảo vệ luận án tiến sĩ tại Nhật. Tôi cũng đã gặp nhiều bạn trẻ lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ, Úc, …về đang làm việc tại Hà Nội , Thành phố Hồ Chí Minh,.. tất cả đều rất giỏi. Nếu ta có cơ chế, chính sách đúng đắn, trong tương lai tại Việt Nam cũng sẽ có nhiều tiến sĩ tài giỏi.


—-
Chú thích:
1Theo Lưu Quang, Tiến sĩ giá rẻ, Báo Lao động cuối tuần, ngày 03/11/2002, chi phí này khoảng 2,77 triệu đồng/ năm.

Tác giả