Chuẩn bị cho việc du học Mỹ

Hàng năm có rất nhiều sinh viên nước ngoài tự tìm xin được học bổng đến Mỹ để học cử nhân hay Cao học- Tiến sĩ nhưng trong đó có rất ít sinh viên của nước ta, đặc biệt là ở các trường Đại học hàng đầu của Mỹ như Harvard University, Princeton University, University of Pennsylvania, Yale University, MIT, Stanford University, California Instutute of Technology... thì hầu như không có một sinh viên nào của Việt Nam. Chẳng hạn, mùa nhập học tháng 8 năm 2005 vừa qua (lớp sẽ ra cử nhân năm2009), Đại học Harvard có 175 sinh viên quốc tế trong tổng số 2074 sinh viên được nhập học; ở Đại học Princeton tỉ số này là 163/1807; ở Đại học Darmouth College là 157/2139; ở Đại học Cornell là 505/6384; ở Đại học University of Pennsylvania là 463/2455... nhưng không thấy sinh viên đến từ Việt Nam. Lý do không phải là trí tuệ của tuổi trẻ Việt Nam thua kém người ta mà do thiếu chuẩn bị trong việc đáp ứng các điều kiện tuyển sinh của họ.

Học đại học
Với những học sinh nước ta muốn xin du học tự túc, trước hết cần biết rõ trường mình sẽ đến học có phù hợp với việc chọn ngành nghề và con đường học lâu dài của mình không. Muốn thế, chỉ cần tìm qua Internet. Những học sinh xin du học tự túc, nếu không phải là học sinh xuất sắc và chưa chuẩn bị kỹ các yêu cầu của các đại học 4 năm thì tốt hơn hết là nên xin vào các Đại học cộng đồng 2 năm (2 year community college) vì các Đại học này không đòi hỏi cao về trình độ Anh ngữ, cao về bài thi SAT, đồng thời học phí tương đối thấp. Học ở đó là cơ hội vừa để trau dồi khả năng Anh ngữ, vừa làm quen phong cách học tập, thích nghi với nếp sống, học các kiến thức cơ bản, để sau 2 năm đủ sức được chuyển vào năm thứ 3 của các Đại học 4 năm mà 2 năm trước hầu như không thể xin vào được để vào học năm thứ nhất. Chính rất nhiều sinh viên Mỹ vẫn phải theo con đường này. Để có thể chọn Đại học cộng đồng thích hợp, các học sinh chỉ cần tìm qua Internet. Chẳng hạn, vào Yahoo.com rồi tìm  Universities in the USA-Directory (có khi Yahoo hỏi Did you mean Universities in the USA-Directory, hãy click chuột vào đó). Trong trang web này, bạn chỉ cần chọn 2year/community colleges thì bạn sẽ có một số Đại học cộng đồng trong từng bang ở Mỹ, theo đó bạn biết được toàn bộ thông tin của từng Đại học cộng đồng như các yêu cầu về trình độ Anh ngữ, điểm thi SAT, học phí, thời hạn nộp đơn. Thông tin quan trọng mà bạn cần phải biết là Đại học ấy có ghi là đã được công nhận giá trị (accredited) hay không và sau khi học 2 năm để có Associate Degree thì được chuyển (transfer) lên năm thứ 3 ở những trường Đại học nào. Chỉ nên theo học trường cộng đồng nào có ghi đã được accredited và được chuyển tới Đại học ở đó có ngành mà bạn muốn theo học và có những điều kiện thích hợp với yêu cầu của bạn

 
Cổng vào Đại học Stanford

Với những học sinh ưu tú, mà không có đủ tài chính du học tự túc, chỉ có thể đi học với học bổng thì cần biết rằng ở cấp Cử nhân, các Đại học công lập ở Mỹ hầu như không cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài, chỉ có thể nộp đơn xin vào các trường Đại học tư. Có thể tìm thông tin ở cùng trong màn hình với Universitues in the USA-Directory trên đây, bạn click vào Colleges and Universities in the Yahoo Directory, rồi click vào United States(1613), nghĩa là vào địa chỉ của 1613 Đại học ở Mỹ, rồi click vào Private(50) (nghĩa là địa chỉ các trường tư trong 50 bang của nước Mỹ), rồi click vào bang nào thì toàn bộ địa chỉ các Đại học tư của bang ấy hiện ra, chọn xem trường nào thì chỉ việc click vào tên của trường ấy để biết mọi thông tin về xin nhập học và học bổng ở trường ấy.
Về chuẩn bị: biết thông tin sớm mới có thể chuẩn bị đủ điều kiện xin nhập học và xin học bổng. Ngay các học sinh Mỹ vẫn thường chuẩn bị trong 3 năm hay 4 năm cuối trung học, để thi SAT ít nhất 2 lần vào năm lớp 10, 11 hay 12. Những học sinh giỏi thường hoàn tất thi SAT I và 3 bài thi SAT II trước cuối năm lớp 11 để kịp nộp đơn vào đầu năm lớp 12 (trước ngày 1 tháng 11) theo chế độ Early Decision hay Early Action tại các Đại học hàng đầu của Mỹ.Các Đại học cộng đồng và các Đại học bình thường có thể không cần thời hạn nộp đơn lâu trước ngày khai giảng; các Đại học từ hạng khá trở lên thường yêu cầu  nộp đơn trước ngày 1 tháng 2 hay 1 tháng 1 cho khóa học bắt đầu vào tháng 8. Thế thì các học sinh ưu tú của ta lại cần phải chuẩn bị sớm hơn vì mọi bài thi từ TOEFL, SAT I, SAT II đều bằng Anh ngữ. Việc này đòi hỏi sự hợp tác giữa phụ huynh, nhà trường và sở giáo dục nếu như chúng ta  muốn tạo cơ hội học tập đến nơi đến chốn cho số đông các học sinh có tiềm năng trí tuệ, đặc biệt các học sinh tại các trường chuyên. Các học sinh muốn xin học bổng cần nộp đơn sớm (khoảng giữa tháng 10 cho đến tháng 1 năm sau) khi đang học học kỳ 1 của lớp 12, và phải nộp vào nhiều trường, từ 5 đến 10 trường. Chỉ những học sinh thật xuất sắc, có vị thứ trong 10% đầu lớp, đạt các thành tích cao trong các kỳ thi địa phương, quốc gia hay quốc tế, có điểm thi TOEFL cỡ 600 trở lên, điểm  SAT I khoảng 1400(tối đa 1600) trở lên với SAT cũ (vào học từ năm 2007 về sau thì cần SAT mới với điểm khoảng 2100 (tối đa 2400) trở lên) và có điểm khá tốt trong 3 bài thi SAT II thì mới nên nộp đơn vào các trường hàng đầu của Mỹ như đã nói trên.
Tất nhiên rất khó được chọn vào các trường này vì là nơi tranh đua của những học sinh ưu tú nhất không những của nước Mỹ mà còn của cả thế giới và chi phí cho một năm học cấp cử nhân rất cao, khoảng từ 42.000 tới 45.000USD theo thời giá năm 2005 (chẳng hạn năm học 2005-2006, ở Harvard tốn 44.350USD, ở  MIT tốn 44.600USD).  Nhưng nhờ chính sách “mù tài chính” (“need – blind”) trong tuyển sinh của họ, mà các học sinh thật sự ưu tú, dù nghèo vẫn theo học được tại các trường hàng đầu này.
Điều đáng tiếc cho học sinh nước ta là hầu hết các Đại học chỉ áp dụng chế độ need blind cho người có quốc tịch Mỹ, thường trú nhân, có quốc tịch Canada hay Mexico, chỉ có 4 Đại học là Princeton, Harvard, MIT và Yale chơi đẹp nhất là áp dụng chế độ need blind cho mọi ứng viên trên thế giới. Vì vậy các học sinh xuất sắc của nước ta cứ mạnh dạn nộp đơn xin nhập học vào khoảng 10 trường Đại học tư có cho học bổng ở Mỹ trong đó có 4 trường hàng đầu thế giới nói trên. Nhưng cần lưu ý rằng, mặc dầu các trường hàng đầu này chủ yếu dựa trên thành tích trong lớp gồm điểm trung bình trong học bạ của 3 năm cuối trung học, vị thứ trong lớp, điểm thi tú tài, điểm các bài thi SAT để tuyển chọn, nhưng họ cũng rất quan tâm đến thành tích ngoài lớp học như khả năng lãnh đạo, tài hùng biện, hoạt động xã hội, đóng góp cho cộng đồng, khả năng vượt trội trong thể thao, âm nhạc, văn hóa, vượt trội trong nghiên cứu hay tranh tài về khoa học, toán, lý, hóa… và giấy giới thiệu của các thầy đã dạy hay các người có điều kiện xác nhận được khả năng và tư cách bên ngoài lớp học của ứng viên.Vì vậy các trường chuyên của ta nên góp phần tạo điều kiện cho các học sinh tham gia vào các chương trình sinh hoạt bên ngoài lớp học vừa giúp giải tỏa các căng thẳng do phải học chương trình khá nặng, vừa tạo cho học sinh có bản lĩnh, thấy được ý nghĩa của sự đóng góp phần mình vào cộng đồng xã hội và có thành tích để dễ xin vào học các trường Đại học danh tiếng.
        
Học Cao học – Tiến sĩ:
Ở Mỹ cả Đại học công lẫn tư đều cho học bổng sinh viên nước ngoài dưới nhiều hình thức và mức độ tùy theo chuơng trình học. Các trường có đào tạo cấp Tiến sĩ thường không bắt buộc sinh viên phải lấy bằng Cao học (Master) rồi mới được học và làm luận án Tiến sĩ như ở nước ta. Các sinh viên sau cử nhân sẽ được học các giáo trình cao học từ một năm rưỡi tới hai năm, sau đó sẽ dự kỳ thi hợp cách (qualifying examination), nếu vượt qua được kỳ thi này thì mới là sinh viên Tiến sĩ và bắt đầu thời kỳ làm luận án thường từ 2 tới 5 năm. Những ai muốn lấy bằng Master thì có thể hoàn tất trước khi thi hợp cách. Một trong những hình thức xin học bổng cấp Cao học – Tiến sĩ mà sinh viên nước ta, đặc biệt là các ngành khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa… có thể xin được là Trợ giảng (TA: Teaching Assistant). Hầu như gần 50% sinh viên Cao học-Tiến sĩ tại nhiều Đại học Mỹ làm trợ giảng cho các Giáo sư để được nhà trường cho miễn đóng học phí và mỗi năm nhận được khoảng 15.000USD để ăn, ở mà học tập. Rất nhiều sinh viên ngoại quốc tới học tại Mỹ dưới dạng Trợ giảng. Công việc của Trợ giảng có thể gồm giải bài tập, chấm bài cho một nhóm sinh viên của lớp do các Giáo sư dạy lý thuyết. Có những Đại học như Đại học Yale thì tất cả mọi sinh viên mà được nhận vào học chương trình Tiến sĩ đều được miễn đóng học phí và đươc cấp 15.000USD mỗi năm trong 4 năm học đầu tiên.
Điều đáng tiếc là hiện nay có quá ít sinh viên nước ta tự xin được học bổng để theo học cấp Cao học- Tiến sĩ so với sinh viên các nước khác. Nguyên do chính là không biết thông tin và thiếu chuẩn bị sớm. Các sinh viên có khả năng trí tuệ mà muốn du học cấp Cao học- Tiến sĩ ở Mỹ thì cần phải chủ động tìm thông tin về chương trình, về trường có thể xin theo học qua Internet (chẳng hạn vào trang web Colleges anh Universities in the Yahoo Directory nói trên) từ khi vào học năm thứ nhất Đại học. Lập kế hoạch học Anh ngữ, học thi GRE (Graduate Record Examinations) hay GMAT (Graduate Management Admissions Test, nếu muốn xin học MBA, có thể tìm thông tin bằng cách vào Yahoo, và tìm GRE, hay GMAT) sớm sao cho đến cuối năm thứ 3 hay thứ 4 thì thi TOEFL điểm phải trên 550 và GRE hay GMAT cũng phải có điểm tương đối cao hay khá cao, và tất nhiên học bạ Đại học phải  tốt, có vị thứ trong 10% đầu lớp. Hiện nay những người dự thi lấy học bổng của nhà nước ta để đi du học cấp Cao học- Tiến sĩ nếu không chuẩn bị để có điểm cao về GRE hay GMAT, và học bạ Đại học không tốt thì dù có được học bổng của nhà nước cũng không dễ tìm được trường tốt để theo học. Riêng đề cương nghiên cứu đã trình và bảo vệ trong nước để lấy được học bổng thì hầu như ít khi được dùng trong khi theo học ở nước ngoài bởi phải học các giáo trình cao học của họ rồi sau đó mới chọn đề tài nghiên cứu với sự chấp thuận của Giáo sư hướng dẫn tại chỗ thì đề tài được chọn trong hoàn cảnh mới này gần như là hoàn toàn không liên quan gì đến cái đã trình và bảo vệ trong nước mấy năm trước.
***
Tóm lại, biết thông tin sớm và biết cách chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu của trường muốn xin theo học là vô cùng quan trọng để xin được học bổng. Việc này đối với sinh viên thì phải tự lo lấy từ năm thứ nhất vào Đại học, còn với các học sinh thì cần phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và sở giáo dục. Đặc biệt các trường chuyên, nơi quy tụ hầu hết các học sinh ưu tú, cần nên tổ chức các chương trình học tập trong lớp và các chương trình sinh hoạt ngoài lớp từ thể thao, văn hóa, khoa học, phục vụ cộng đồng… một cách khoa học, hài hòa thì học sinh của ta mới có thể vào được các trường hàng đầu thế giới để dễ có điều kiện trở thành các nhà khoa học lớn trong tương lai.

Mỗi năm, Mỹ cấp học bổng cho khoảng 100 học sinh lớp 11 được tới Mỹ học lớp 12 ; khoảng 25 sinh viên nhận học bổng Fulbright đi học Cao học hầu hết về kinh tế, quản lý hay y tế cộng đồng, khoa học xã hội,… và khoảng vài chục tới 100 sinh viên được học bổng VEF đi học cấp Cao học-Tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên và xã hội.

Chính sách “need – blind”: Khi xét đơn xin nhập học, nhà trường không cần biết là gia đình và bản thân ứng viên có đủ tiền để trả học phí, ăn ở, sách vở,…hay không, nói cách khác là việc ứng viên có nộp đơn xin tài trợ hay không thì không ảnh hưởng gì đến việc ứng viên được chấp nhận vào học cả. Sau khi một ứng viên được chấp nhận thì nhà trường mới xem thử ứng viên ấy có nộp đơn xin tài trợ hay không. Nếu không, nghĩa là ứng viên ấy đủ tiền để trả mọi chi phí; nếu ứng viên có nộp đơn xin tài trợ thì nhà trường căn cứ thu nhập của gia đình, của bản thân ứng viên và hoàn cảnh sống của gia đình (kê khai theo các mẫu nhà trường chỉ định) để biết được phần đóng góp của gia đình và bản thân ứng viên trong năm học, thiếu bao nhiêu so với tổng chi phí thì nhà trường bảo đảm có cách tài trợ để ứng viên yên tâm học. Sự tài trợ này là dựa trên nhu cầu tài chính (need – based) để theo học chứ các trường này không cấp học bổng như là phần thưởng cho sinh viên vì học giỏi, vì các tài nghệ trong thể thao, âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa,… như ở các trường khác để thu hút các học sinh tài năng. Chỉ tại các Đại học tư và thuộc loại hàng đầu ở Mỹ mới có chính sách tuyển sinh “mù tài chính” này. Nếu bạn có giỏi, có tài năng ngất trời đi nữa mà bạn là con nhà giàu, có đủ tiền để ăn học thì bạn phải trả mọi chi phí, và nếu bạn có được các cơ quan bên ngoài thưởng tiền hay cấp học bổng thì bạn phải kê khai và đem tất cả vào trường để nhà trường tính lại phần đóng góp của bạn. Chính nhờ chính sách mù tài chính mà các Đại học hang đầu này đã tuyển chọn được rất nhiều sinh viên ưu tú của Mỹ và thế giới và đã đào tạo được rất nhiều nhân tài.

Lê Tự Hỷ (Atlanta, Hoa Kỳ)

Tác giả