Đổi mới tiêu chí và thủ tục xét, bổ nhiệm GS, PGS

Hầu hết ý kiến tranh luận trong cộng đồng khoa học, giáo dục về việc Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) ra qui chế bổ nhiệm GS, PGS cho thấy cần phải đổi mới tiêu chí và thủ tục xét bổ nhiệm GS, PGS theo thông lệ quốc tế và đã đến lúc Nhà nước cần giao quyền cho cơ sở giáo dục trong việc xét bổ nhiệm GS, PGS. Nhưng thay đổi như thế nào là bài toán không đơn giản.

Bài viết này trao đổi một số vấn đề về nguyên tắc, tiêu chí và thủ tục xét, bổ nhiệm GS, PGS trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Bất cập từ quan niệm và cách làm

Ở các nước có nền KH&CN, GD&ĐT phát triển, việc xét chức danh GS, PGS là việc tuyển chọn các ứng viên xứng đáng vào một vị trí nghiên cứu, giảng dạy của một trường đại học. Theo đó các bộ môn khoa học mới thành lập hoặc các vị trí nghiên cứu giảng dạy có nhân sự nghỉ hưu mới tuyển dụng GS, PGS cho các vị trí đó, thì ở ta việc xét bổ nhiệm GS, PGS từ trước tới nay hầu như xa rời các tiêu chí quốc tế, trong đó xét, bổ nhiệm để vinh danh hơn là để đảm nhận vị trí nghiên cứu, giảng dạy của cơ sở giáo dục.
 

Qui trình xem xét phong PGS/GS của Việt Nam quá phức tạp, cân đo đong đếm một cách máy móc thậm chí nhiêu khê qua ba cấp hội đồng, trong đó cấp Hội đồng ngành là thừa và lãng phí thời gian, công sức của cả ứng viên và hội đồng.

Trên thế giới, việc xét bổ nhiệm GS, PGS mặc dù có đôi chút khác nhau ở mỗi nước nhưng đều hầu như đều tuân thủ ba nguyên tắc chung: GS, PGS là một chức danh nghiên cứu và giảng dạy trình độ cao trong trường đại học; số lượng GS, PGS của mỗi trường đại học được xác định theo yêu cầu nghiên cứu và đào tạo cụ thể của trường; việc xem xét và bổ nhiệm chức danh GS, PGS là công việc của trường đại học. Trong khi đó ở ta, từ quan niệm đến cách làm đều ngược với nguyên lý phổ quát của thế giới, như: Coi GS, PGS là chức danh thay cho chức vụ, chức danh GS, PGS có hiệu lực cả đời thay vì chức vụ có thời hạn đảm nhiệm tại trường đại học, Viện nghiên cứu; bổ nhiệm GS, PGS không gắn với nhu cầu và vị trí cụ thể của cơ sở giáo dục; tiêu chuẩn nhiều nhưng không chú trọng đến thành tích công bố quốc tế; nhiều tiêu chí được quốc tế đánh giá cao như: phục vụ khoa học – tham gia các hội đồng xét duyệt đề tài, hội đồng biên tập tạp chí, chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học, khách mời báo cáo hội nghị khoa học, tham gia các hiệp hội chuyên ngành v.v. lại không được xem xét ở Việt Nam; qui trình xem xét của Việt Nam quá phức tạp, cân đo đong đếm một cách máy móc thậm chí nhiêu khê qua ba cấp hội đồng, trong đó cấp Hội đồng ngành là thừa và lãng phí thời gian, công sức của cả ứng viên và Hội đồng; thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và yêu cầu tỷ lệ “phiếu tín nhiệm” ở ba cấp – có tính chất quyết định chung cuộc là hoàn toàn vô lý và không cần thiết.

Rõ ràng cách làm không giống ai như hiện nay đã và đang gây ra nhưng hậu quả không hề nhỏ, như: Gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của ứng viên và cả của nhà nước, vì muốn được xét phải trải qua nhiều thủ tục và nhiều minh chứng, phải tổ chức các hội đồng thẩm định, đánh giá ở ba cấp; tạo ra một môi trường phát sinh tiêu cực; Phần lớn GS, PGS không đạt chuẩn quốc tế, trong khi có nhiều người tài, trình độ quốc tế nhưng vì thiếu một vài điểm hoặc một vài giờ giảng dạy, hoặc vì không đủ số phiếu “tín nhiệm” nên bị loại; các vị trí cần người dạy (ở các trường đại học) thì không có đủ GS, PGS, chỗ không cần chức danh GS, PGS (cơ quan quản lý) thì lại thừa chức danh này; gây khó cho hội nhập quốc tế của đội ngũ khoa bảng mang danh GS, PGS cũng như cơ sở giáo dục đại học.

Đổi mới tiêu chí đánh giá và thủ tục bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư

1. Các nguyên tắc chung
 

Tổ chức hội đồng tuyển chọn GS, PGS theo hai cấp: Cấp cơ sở GD&ĐT và cấp Nhà nước, bỏ cấp trung gian là Hội đồng GS ngành.

Đổi mới việc xét, bổ nhiệm GS, PGS, trước hết cần giao quyền cho các cơ sở giáo dục, các trường đại học tự làm theo các tiêu chí, quy trình đánh giá chung, do Nhà nước ban hành và chịu trách nhiệm kiểm định thống nhất đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Các trường đại học cần có đề cương chi tiết về cơ cấu chuyên ngành đào tạo/nghiên cứu từ nhóm nghiên cứu/bộ môn/phòng (ban)/khoa (viện). Từ đó qui hoạch bao nhiêu nhóm nghiên cứu ứng với bao nhiêu vị trí GS/PGS. Với các đại học hoặc cơ sở giáo dục đại học không hội đủ chuẩn về chuyên ngành đào tao, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu cần được tái cấu trúc, sáp nhập hoặc giải thể.

Giao quyền cho cơ sở giáo dục đại học: Mỗi cơ sở giáo dục cần xác định sơ đồ đào tạo và nhu cầu bổ nhiệm GS, PGS: Trước hết, Nhà nước (Bộ GD&ĐT) xây dựng qui chế chung về khung thang bậc của nhà giáo/nhà nghiên cứu trong các trường đại học, số lượng và tiêu chuẩn của mỗi vị trí trong đó có tiêu chuẩn GS, PGS. Qua đó mỗi cơ sở giáo dục cần xây dựng bộ máy đào tạo chi tiết đến từng chuyên ngành đào tạo và đội ngũ giảng viên cho mỗi chuyên ngành, trong đó mỗi chuyên ngành cần hai-ba GS, PGS chịu trách nhiệm chính.

Vai trò của nhà nước: Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) chỉ đóng vai trò thẩm định và giám sát việc xét và bổ nhiệm GS, PGS của các các cơ sở giáo dục đại học đại học.

2. Tiêu chuẩn đánh giá bổ nhiệm GS, PGS

Chức danh GS, PGS là vị trí nghiên cứu giảng dạy gắn với cơ sở giáo dục đại học: Những người không tham gia giảng dạy hoặc thôi giảng dạy đại học thì không mang chức danh GS, PGS. Đối với những người đã nghỉ hưu mà vẫn được mời tham gia giảng dạy, đào tạo thì được bổ nhiệm là GS danh dự (eremitus professor). Do đó điều kiện quan trọng nhất để lựa chọn và bổ nhiệm được GS, PGS là những người có kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu và đào tạo quốc tế, dẫn đến tiêu chí để xét chọn GS, PGS phải là:

Thành tích công bố quốc tế: Đối với chức danh GS cần phải có ít nhất 10 công bố trên tạp chí thuộc danh sách ISI. Đối với chức danh PGS cần có ít nhất năm công bố trên tạp chí thuộc danh sách ISI. (Thật ra, định lượng công bố này cũng chỉ bằng 1/5 so với yêu cầu quốc tế thường được áp dụng ở các nước phát triển). Đối với các ngành khoa học xã hội có thể yêu cầu số công bố quốc tế ít hơn nhưng cũng là điều kiện bắt buộc.

Kinh nghiệm nghiên cứu: Ứng viên GS, PGS đã chủ trì thành công từ ba đến năm đề tài nghiên cứu với tài trợ quốc tế hoặc tài trợ của Quỹ NAFOSTED.

Giảng dạy: Đang tham gia giảng dạy đại học, sau đại học cho các cơ sở GD&ĐT trong nước và quốc tế, có giáo trình phục vụ giảng dạy.

Hướng dẫn NCS, Cao học: đã và đang tham gia hướng dẫn hoặc đồng hướng dẫn NCS và Cao học cho các cơ sở GD&ĐT trong nước và đại học quốc tế.

Phục vụ cộng đồng KH&CN: Ứng viên được mời tham gia ban biên tập các tạp chí trong nước, quốc tế, chủ trì hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tế, tham gia các hội đồng xét duyệt đề tài quốc gia, quốc tế.

Ngoại ngữ: Tiếng Anh thành thạo đủ trình độ giao tiếp, giảng dạy, viết bài công bố khoa học.

3. Hồ sơ của ứng viên

Đăng ký hồ sơ online: HĐCDGSNN cần bản đăng ký chức danh GS, PGS online để ứng viên khai trực tiếp các mục, tiêu chuẩn theo yêu cầu kèm theo các minh chứng về thành tích nghiên cứu, giảng dạy (bài báo, sách, bằng cấp…) được upload lên mạng của HĐCDGSNN.

Biên bản xác nhận và giới thiệu của đơn vị cơ sở: Hồ sơ đăng ký chức danh cần được đánh giá sơ bộ thông qua ở cấp (Phòng/Ban/Khoa) gồm năm-bảy thành viên, có trình độ TS trở lên là những nhà khoa học cùng bộ môn/phòng, khoa hoặc phòng, ban gần chuyên môn với ứng viên. Trên cơ sở xem xét hồ sơ của ứng viên, đối chiếu với tiêu chuẩn của HĐCDGSNN, tiểu ban sẽ đánh giá, góp ý và bỏ phiếu xác nhận các tiêu chuẩn của ứng viên, nếu đạt với số phiếu trên 50% thì lập biên bản kiến nghị gửi lên Hội đồng Cơ sở GD&ĐT.

Nộp bản đăng ký xét chức danh GS, PGS: Sau khi hoàn thành đăng ký online ứng viên in ra một bản ký tên và xin xác nhận của cơ sở GD&ĐT để nộp chính thức.

4. Tổ chức đánh giá và bổ nhiệm GS, PGS

Tổ chức hội đồng tuyển chọn GS, PGS theo hai cấp: Cấp cơ sở GD&ĐT và cấp Nhà nước, bỏ cấp trung gian là Hội đồng GS ngành.

Hội đồng GS Cơ sở GD&ĐT. Nhiệm vụ của Hội đồng cơ sở là thẩm định hồ sơ của các ứng viên GS, PGS thuộc cơ sở GD&ĐT của mình hoặc các ứng viên khác đăng ký vị trí GS, PGS tại cơ sở GD&ĐT. Hội đồng cấp cơ sở gồm 11-13 thành viên là các GS, PGS của cơ sở GD&ĐT hoặc thành viên mời là các GS, PGS cùng chuyên ngành từ các cơ sở GD&ĐT khác.

Thẩm định hồ sơ của ứng viên. Việc thẩm định căn cứ vào hai yếu tố: ứng viên có đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của chức danh GS, PGS của HĐCDGSNN hay không; có đáp ứng vị trí GS, PGS của cơ sở GD&ĐT cần tuyển chọn không.

Phỏng vấn ứng viên: Hội đồng GS Cơ sở GD&ĐT tổ chức cuộc họp để phỏng vấn ứng viên với mục đích xác định những vấn đề thuộc tiêu chuẩn GS, PGS mà ứng viên khai báo; đánh giá năng lực giảng dạy; và trình độ tiếng Anh của ứng viên.

Nộp hồ sơ ứng viên lên HĐCDGSNN: cùng hai biên bản – biên bản thẩm định hồ sơ và biên bản phỏng vấn ứng viên (theo mẫu do HĐCDGSNN ban hành) để HĐCDGSNN tổ chức thẩm định.

HĐCDGSNN bao gồm 21-25 thành viên là giáo sư các chuyên ngành khác nhau. Nhiệm vụ của HĐCDGSNN bao gồm: thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ của các ứng viên GS, PGS ở cấp cơ sở xem có tuân thủ đúng quy trình và đáp ứng các tiêu chí GS, PGS không; bỏ phiếu xác nhận kết quả thẩm định hồ sơ GS, PGS của từng ứng viên (đạt 50% trở lên); và ban hành quyết định công nhận ứng viên đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

5. Bổ nhiệm chức danh GS, PGS

Trên cơ sở Quyết định công nhân ứng viên đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của HĐCDGSNN, cơ sở giáo dục ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho ứng viên. Trong quyết định bổ nhiệm cần ghi rõ GS, PGS của cơ sở giáo dục đại học cụ thể, nhiệm vụ nghiên cứu giảng dạy, ngạch, bậc và nhiệm kỳ của GS, PGS.

***
Hy vọng Học viện KH&CN Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học mới được thành lập, sẽ là nơi tiên phong áp dụng cách làm mới để hội nhập quốc tế.

Tác giả