Kinh tế đi lên, đại học đi xuống

Giáo dục đại học của Ấn Độ không "bắt kịp" với sự phát triển của nền kinh tế khiến các trường đại học bị "lép vế" so với các doanh nghiệp trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các trường ĐH ở Ấn Độ , từ ở Học viện Công nghệ IIT Ấn Độ (Indian Institutes of Technology) tinh hoa đến các trường cao đẳng kỹ thuật của địa phương, đang thiếu giáo viên nghiêm trọng. Nhiều trường chỉ có được 35% số giảng viên cần thiết, sinh viên phải học trong các giảng đường chật kín.
Nguyên nhân tình trạng này một phần do sự thành công của nền kinh tế. Từ khi Ấn Độ bỏ các chính sách bảo hộ công nghiệp, hàng triệu cơ hội việc làm đã được tạo ra. Không chỉ  lĩnh vực công nghệ thông tin, mà các ngành truyền thông, giải trí, thời trang, quảng cáo, du lịch và đầu tư tài chính cũng hút rất nhiều người giỏi mới ra trường. Lương giáo sư hàng đầu của IIT cũng không quá 15.000 USD/năm, trong khi một kĩ sư sau vài năm làm cho doanh nghiệp có thể có thu nhập gấp đôi số đó.
 Do học phí của ĐH công lập Ấn Độ rất thấp và các trường này chỉ dựa vào nguồn tài chính của nhà nước nên mức lương của giảng viên chỉ tăng với tốc độ “rùa bò”. Thiếu người, giờ dạy phải tăng lên, giảng viên ĐH khó lòng theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu. Nghiên cứu giảm, công việc ở các trường ĐH, thậm chí cả ở các trường ĐH hàng đầu, càng trở nên kém sức hút. Kết quả là nhiều trường ĐH phải bằng lòng với đội ngũ giảng viên thiếu đào tạo. Một báo cáo của chính phủ gần đây cho biết, 57% giáo sư ở các trường ĐH của Ấn Độ không có bằng thạc sĩ khoa học (M.Phil), chưa nói gì đến tiến sĩ. Tình hình tồi tệ đến mức, tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã chỉ trích hệ thống đào tạo ĐH của Ấn Độ là “trục trặc”.
Chính phủ Ấn Độ từ lâu đã lo lắng về vấn đề chỉ có hơn 10% thanh niên Ấn Độ theo học ĐH; còn giảng viên ĐH thì nói học không hiểu các trường ĐH mới hoạt động thế nào khi mà 350 trường ĐH hiện có của Ấn Độ còn đang thiếu người.
“Tình hình trong tương lai sẽ còn tệ hơn nữa”- B.B. Bhattacharya, Hiệu phó trường ĐH Jawaharlal Nehru ở New Delhi nói – “Sinh viên giỏi thậm chí không thèm làm tiến sĩ các ngành kinh tế, luật, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật lý mà vào thẳng các tập đoàn.

“Thảm họa đang tới”

Một báo cáo của UB Quốc hội đã phác họa mức độ nghiêm trọng của sự khủng hoảng. 16 trường ĐH của liên bang – tức các trường tinh hoa – đang có gần 2.000 chỗ trống. Báo cáo nói rằng vấn đề của các trường ĐH lớn sẽ càng trở nên tồi tệ và “cần những bước chuyển mạnh mẽ để sinh viên không còn bị hổng kiến thức”.
Từ đó đến nay tình hình vẫn không thay đổi bao nhiêu. Ví dụ, tại trung tâm IIT ở New Delhi, vị trí giảng viên còn khuyết tới 29%. Trong một Lễ tốt nghiệp gần đây, Giám đốc IIT Ramamurthy đã phát biểu rằng đây là một “thảm họa đang tới” và”cần dốc lực lượng để giải quyết”.
Các trường ĐH nhỏ hơn là nơi phải chịu tình trạng thiếu hụt giảng viên nghiêm trọng nhất. Nhiều khoá trình bị dạy dở hoặc không được dạy. Tháng 6 vừa qua, một nhóm sinh viên năm thứ ba ở ĐH kỹ thuật Jalpaiguri ở Tây Bengal đã biểu tình tuyệt thực, tuyên bố họ không được chuẩn bị cho kỳ thi vì không có lớp cho họ trong suốt 6 tháng. Đáng lẽ nhóm sính viên này phải được 20 giáo sư dạy, song họ chỉ được một. Các nhà quản lý cố tuyển thêm, song nhận ra rằng không có đủ người đáp ứng được yêu cầu.
Để đối phó với tình trạng này, một vài trường ĐH đã sử dụng cử nhân trong các phòng thí nghiệm và giảng dạy. Đó là việc bình thường ở Mỹ, nhưng lại bị phản đối ở Ấn Độ. Một giáo sư cho biết, năm nay IIT, không chính thức, đã dùng cử nhân để giảng dạy. Nỗ lực chính thức hóa việc này đã thất bại vì bị các giáo sư khác phản đối. Họ cho rằng chỉ có những người làm tiến sĩ mới có thể giảng dạy. Cả giới giảng dạy và quản lý để nói rằng chế độ trả lương linh hoạt sẽ giải quyết được tình trạng trên. Hệ thống sau ĐH nổi tiếng quan liêu ở Ấn Độ xem các giáo sư, bất kể thiên tài ra sao, đều là những người “phục vụ dân”.
“Dù có đoạt 5 giải Nobel thì lương anh cũng không thể hơn một thư ký, khoảng 45.000 rupee/tháng (tương đương 1.120USD)” – CNR Rao, cố vấn khoa học của Thủ tướng nói. Nhưng một quan chức lại còn “oai” và có nhiều quyền lực hơn.
Vì hiệu quả làm việc không được coi trọng nên tất cả phó giáo sư, bất kể công bố bao nhiêu, đều có lương như nhau. “Phải có cách để đánh giá hiệu quả làm việc, và cơ chế này phải đổi mới” – T.A. Abinandanan, GS có 14 năm làm việc IIT ở Bangalore phát biểu.Giới quan chức nói chính và phương thức quản lý cho nghiên cứu cần phải cải thiện.
“ĐH của chúng tôi không có cái gì là “ngân sách nghiên cứu”, và tình trạng này cần phải thay đổi” – Rao phát biểu trong một hội thảo về KHCN, nơi ông chỉ trích mạnh mẽ mức chi của chính phủ cho hệ thống ĐH. Ủy ban Tri thức Quốc gia Ấn Độ, một cơ quan chuyên tư vấn, đã đề ra một số cải cách, trong đó có cả về việc tăng số giảng viên ĐH. Các khuyến nghị có thể là khích lệ các công ty tham gia vào hệ thống ĐH hay tăng học phí. Nếu có thêm nguồn thu nhập, các trường có thể tăng lương cho giảng viên.
Thủ tướng Ấn Độ  Singh đã phát biểu rằng ông ủng hộ cả việc doanh nghiệp tham gia đào tạo và tăng học phí, song vấn đề là chính phủ có dám thực hiện chính sách không có lợi về chính trị đó hay không. Báo cáo của Ủy ban Quốc hội thì gợi ý giữ chân giảng viên bằng “phụ cấp hấp dẫn và hỗ trợ các hoạt động học thuật” cho những ai có thành tích xuất sắc. Song tất cả những hỗ trợ đó sẽ do chính phủ thực hiện bởi các trường ĐH không được phép làm việc đó.

Thiếu hành động
Các biện pháp của chính phủ Ấn Độ để giảm bớt sự thiếu hụt trên hiện chỉ là kéo dài tuổi hưu cho giảng viên và cho phép một số ĐH hàng đầu tuyển giáo sư nước ngoài. Song trong khi nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu muốn ra nước ngoài làm việc để có lương cao hơn thì không hiểu biện pháp thuê giáo sư nước ngoài của Ấn Độ có thành hiện thực? Ông Misra ở IIT Bombay cho biết, một số giáo sư Ấn Độ định cư ở nước ngoài tỏ ra quan tâm, song không rõ sẽ có bao nhiêu người về mà chấp nhận mức lương hiện nay.
Ủy ban Kinh phí Đại học của Ấn Độ gần đây đã đề nghị tăng học bổng tiến sĩ để giữ họ lại trường. IIT cũng tăng tỷ lệ thù lao cho giáo sư khi họ tư vấn cho doanh nghiệp. Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp và hội cựu sinh đã tài trợ cho các nghiên cứu của trường ĐH, khiến công việc trong trường hấp dẫn hơn. Song các trường ĐH cấp nhà nước và bang lại lo ngại sẽ bị chính phủ cắt tài trợ nếu tự gây quỹ riêng. “Nếu tôi gây quỹ tài trợ từ doanh nghiệp, giả sử là 100.000 rupee, chính phủ sẽ cắt một số khoản kinh phí hỗ trợ”- Deepak Pental, hiệu phó ĐH Delhi phát biểu. Ông cho rằng vấn đề thiếu hụt giảng viên là do các trường ĐH là do cơ chế quan liêu. “Chúng tôi không đến mức quá thiếu tiền, mà phần lớn do sự ỳ ạch của chúng tôi”.

TRẦN ANH (theo The Chronicle of Higher Education)

————
CHÚ THÍCH ẢNH: Khối kinh tế hút hết người giỏi của khối đại học Ấn Độ

Tác giả