Vai trò giáo dục của bảo tàng: Chấm dứt những bài thuyết minh “một chiều”

Bảo tàng, với tư cách là một thiết chế văn hóa và giáo dục, không thể chỉ đơn thuần cung cấp cho xã hội những bài “thuyết minh” như hơn bốn mươi năm về trước mà phải có sự thay đổi trong nhận thức và hành động nhằm đảm bảo chức năng giáo dục, mang lại lợi ích cho cộng đồng và phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Thực trạng của công tác giáo dục ở bảo tàng hiện nay

Ngay từ khi mới ra đời vào những năm cuối của thập kỷ 50 của thế kỷ 20, bên cạnh những chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản…, các bảo tàng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là giáo dục công chúng về tư tưởng chính trị, về những truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông thông qua các bộ sưu tập  bảo tàng. Chính vì lẽ đó, bảo tàng nào cũng có người/bộ phận được gọi là “tuyên truyền”, thường đặt trong Phòng Trưng bày – Tuyên truyền. Với nhiệm vụ chính là “tuyên truyền”, tức là truyền bá một chiều những nội dung được chuẩn bị trước của bảo tàng tới công chúng, các “thuyết minh viên” trong bảo tàng trở thành những người “thầy” giảng cho “học sinh”- những khách tham quan, và “học sinh” nghe và ghi chép, nhập tâm những thông tin do người thuyết minh viên cung cấp. Nếu được hỏi, “học sinh” sẽ nhắc lại những gì đã được “thầy” giảng mà không cần suy nghĩ gì thêm. Điều này phản ánh cách học tập truyền thống trong môi trường nhà trường theo kiểu thầy giảng- trò nghe, ít tranh luận, chất vấn. Cách thức học tập “thụ động” như vậy làm học sinh ít cảm thụ và chóng quên. Cách học đó không đòi hỏi những “thuyết minh viên” phải động não, tìm tòi, học hỏi nhiều. Họ chỉ cần học thuộc những “bản thuyết minh” mà những nhà nghiên cứu cung cấp cho họ, hay những bài viết trên trưng bày là có thể hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ “tuyên truyền” của mình. Với phương pháp này, các bảo tàng chủ yếu thuyết minh cho các đoàn tham quan và thuyết minh theo nhu cầu. Nếu tích cực hơn nữa thì bảo tàng có thể chức các cuộc thi và tìm hiểu dưới các hình thức khác nhau (như phiếu, nói, viết…) nhân các ngày kỷ niệm hay các ngày lễ. Cũng chính vì quan niệm “tuyên truyền” chứ không phải “giáo dục”, với tính chất công việc đơn điệu, thiếu đa dạng, những nhân viên Phòng Tuyên truyền phần nhiều thiếu tính sư phạm và tính chuyên nghiệp của một người làm công tác giáo dục. Điều đó cũng khiến cho nhà trường ít gắn với bảo tàng vì ít thấy hiệu quả của mỗi chuyến tham quan, ít thấy lợi ích của việc tham quan bảo tàng đối với các chương trình vốn đã quá nặng ở nhà trường. Tuy nhiên, chúng ta không thể không ghi nhận những kết quả mang tính giáo dục mà phương pháp “kinh điển” này mang lại. Đó là những tri thức, những câu chuyện kể rất hay, rất cảm động và rất hấp dẫn mà nhiều thuyết minh viên đã để lại trong lòng công chúng.


Nhân viên của bảo tàng hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm khoa học

Nhưng như vậy chưa đủ. Trong giai đoạn mới này, công chúng không còn hoàn toàn “thụ động” nữa. Họ muốn được trải nghiệm, được giao tiếp, được đối thoại… Nhu cầu đó đòi hỏi các cán bộ làm công tác giáo dục ở bảo tàng phải đổi mới phương pháp tiếp cận, phải năng động hơn, tìm tòi và tổ chức nhiều hoạt động hơn để thu hút họ. Với xu hướng nhận thức mới, khái niệm “tuyên truyền” dần được thay thế bằng khái niệm “giáo dục”, tức là thay đổi phương pháp tiếp cận để bảo tàng có thể có nhiều hoạt động mang tính giáo dục đa dạng và chất lượng cao hơn nhằm thu hút khách đến với mình và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Nhận thức đúng hơn về vai trò giáo dục trong bảo tàng

Kể từ khi bảo tàng được coi là dành cho công chúng từ giữa thế kỷ 19, đến khi những nhà giáo dục bảo tàng được tham gia tích cực hơn vào quá trình tổ chức trưng bày từ những năm 80 của thế kỷ 20 là cả một chặng đường dài cho thấy vai trò giáo dục trong bảo tàng ngày càng được coi trọng. Người ta không chỉ quan tâm đến việc bảo tàng “dạy” gì cho công chúng, mà quan trọng hơn là “công chúng học bằng cách trải nghiệm như thế nào”. Ở đây, công chúng là người học “chủ động” chứ không còn là người nghe “thụ động” nữa. Công chúng được tiếp cận nhiều chiều để tự rút ra những kết luận, những bài học, những kiến thức mới cho mình chứ không phải chỉ một chiều. Các trưng bày ở bảo tàng cố gắng không đưa ra những kết luận áp đặt mà thường gợi mở. Đó là sự khác nhau rất cơ bản giữa phong cách giáo dục cũ và phong cách giáo dục mới trong bảo tàng.
Từ những nghiên cứu khách tham quan về việc học tập của họ trong bảo tàng, vận dụng những lý thuyết về giáo dục, một nhà giáo dục bảo tàng ở Đại học Leicester (Anh), GS. Eilean Hooper-Greenhill đã đưa ra nhận xét tinh tế về vai trò giáo dục của bảo tàng như sau:

“Hiểu theo cách truyền thống, giáo dục bảo tàng bị bó hẹp ở việc cung cấp những thông tin cụ thể cho một nhóm người hạn chế như học sinh phổ thông hay các nhóm khách du lịch. Nhưng giờ đây vai trò giáo dục của bảo tàng được hiểu rộng rãi hơn, bao gồm trưng bày, sắp đặt, sự kiện và học tập. Vì vậy, công việc của những người làm công tác giáo dục bảo tàng cũng tăng lên theo bao gồm cả việc phát triển trưng bày, tiến hành nghiên cứu khách tham quan, tổ chức và thực hiện các hoạt động giáo dục. Nói tóm lại, sự phức hợp của vai trò giáo dục bảo tàng gói gọn lại trong 3 từ: giáo dục, diễn giải và giao tiếp.


Nghệ nhân làng gốm Phù Lãng đang hướng dẫn học sinh làm gốm

Từ nhận thức mang tính khái quát trên về vai trò giáo dục của bảo tàng cho thấy tính giáo dục không chỉ thuộc về những người làm công tác giáo dục. Để tạo được môi trường tốt cho du khách học tập, các trưng bày của bảo tàng phải hấp dẫn và có tính giáo dục, thông tin về cuộc trưng bày phải được chuyển tới du khách trước khi họ đến bảo tàng để họ có sự chuẩn bị trước về những điều họ sẽ được học, bảo tàng phải tạo cho du khách sự thuận tiện và thoải mái khi họ đi thăm bảo tàng, và các bài viết trưng bày phải ngắn gọn, dễ hiểu và khuyến khích người đọc… Như vậy, công tác giáo dục của bảo tàng không chỉ đảm nhiệm việc “tuyên truyền”, mà còn phải tổ chức các hoạt động tương tác dành cho công chúng, cho học sinh và cho trẻ em đi theo gia đình.
Trong khi cách học và cách dạy ở nhà trường đang có sự thay đổi rõ rệt cho thấy việc học tập ngày càng chủ động hơn của học sinh thì mô hình chỉ “tuyên truyền” một chiều ở bảo tàng dường như không còn phù hợp nữa. Học sinh ngày nay đã bắt đầu trở nên “đòi hỏi” hơn và muốn “đối thoại” nhiều hơn. Các em đến thăm bảo tàng không chỉ để nghe một bài được thuyết minh viên chuẩn bị sẵn, đôi khi rất buồn tẻ, mà các em còn đòi hỏi được trải nghiệm và khám phá. Điều đó đặt những người làm công tác bảo tàng phải tự đổi mới, tìm tòi, sáng tạo, trên cơ sở phương pháp khuyến khích sự tương tác và đối thoại, để đưa ra những hoạt động giáo dục bổ ích, lý thú và thiết thực cho các em.


Học sinh Việt Nam và Nhật Bản đang chơi trò chơi truyền thống

Bảo tàng có thể kết hợp với nhà trường để tổ chức tốt chuyến tham quan cho các em. Khác với nhà trường là nơi học tập chính thức, bảo tàng tạo thêm nhiều cơ hội khác nhau để các em trải nghiệm, khẳng định lại những gì đã học và học thêm những kiến thức mà nhà trường không cung cấp/ không có. John Dewey (1859-1952), người được coi là nhà triết gia giáo dục nổi tiếng nhất của Mỹ đã từng nhấn mạnh: “Giáo dục bắt đầu bằng trải nghiệm”. Bảo tàng có thể thu hút các em bằng nhiều hình thức giáo dục đa dạng qua các buổi thuyết trình liên quan đến chủ đề trưng bày, các buổi chiếu phim, các buổi trình diễn, các lớp tập làm thủ công, hoạt động của Phòng Khám phá… Ngoài ra, chúng ta còn có thể mang bảo tàng đến với các em, đến với cộng đồng (mô hình bảo tàng lưu động, “bảo tàng vali”, nói chuyện chuyên đề…). Một công cụ hữu hiệu và mạnh mẽ nữa mà các bảo tàng trên thế giới hiện đang phát triển là trang web giáo dục, ở đó công chúng từ xa có thể tìm thấy đầy đủ thông tin về các hiện vật và nội dung trưng bày. Các giáo viên có thể tìm thông tin trước rồi chuẩn bị cho học sinh trước khi đi tham quan. Như vậy, nhà trường và bảo tàng kết hợp lại sẽ cung cấp cho các em những kiến thức phong phú, đa dạng và bổ ích.
Trong bối cảnh đó, Phòng giáo dục trở thành một thành tố đương nhiên trong cơ cấu mỗi bảo tàng, không thể thiếu được như Phòng Bảo quản, Phòng, Trưng bày, Phòng Nghiên cứu, sưu tầm… Để đáp ứng nhu cầu là cầu nối giữa bảo tàng và công chúng, các cán bộ giáo dục cần tự trau dồi và nâng cao năng lực. Họ cần được đào tạo để trở nên chuyên nghiệp hơn, làm việc có tính sư phạm hơn để có thể tổ chức những chương trình giáo dục và công chúng thích hợp với từng đối tượng, trước hết là học sinh.
Tất nhiên, tổ chức được đa dạng hoạt động giáo dục trong bảo tàng là điều không đơn giản, đòi hỏi nhiều trí tuệ, công sức, thời gian, tiền bạc nhưng không phải là không thể.

——————–

Nguyễn Văn Huy*
Nguyễn Thu Hương

* Bảo tàng Dân tộc học

Tác giả