Vấn đề căn bản là đổi mới chuyên Toán theo hướng nào?

Từ những tranh luận được khởi xướng cách đây chưa lâu và đến nay vẫn còn chưa dứt về việc liệu có hay không nên duy trì hệ thống giáo dục chuyên toán ở cấp phổ thông của Việt Nam, có thể thấy những ý kiến phê phán thường chỉ ra những khiếm khuyết, hạn chế của hệ thống này, trong khi những ý kiến bảo vệ cho việc duy trì hệ thống chuyên toán thường viện dẫn tới vẻ đẹp của toán học và giá trị giáo dục mà nó mang lại.

Thực ra cả hai luồng quan điểm đó cùng song song có lý, không hề mâu thuẫn nhau. Hệ thống chuyên toán là cần thiết, trước hết bởi toán học có vẻ đẹp và giá trị đáng quý, hết sức quan trọng với con người; đồng thời việc chú trọng bồi dưỡng cho những trẻ em có sở thích và năng lực thiên phú về toán cũng là điều hợp lý, bởi giáo dục cũng giống như thể thao ở điểm không thể cào bằng mọi đối tượng, mà trong điều kiện hữu hạn cho phép của xã hội cần ưu tiên để những người có năng lực nhất được phát huy phát triển tối đa tiềm năng của mình. Nhưng như vậy không có nghĩa là hệ thống giáo dục chuyên toán như hiện nay của chúng ta là hoàn hảo, mà trái lại, cần có những thay đổi để đảm bảo học sinh được tiếp thu những giá trị tốt nhất, lành mạnh và phù hợp nhất mà toán học có thể mang lại cho các em trong điều kiện cho phép hiện nay và các giai đoạn tới đây.

Trước hết, phải khẳng định với nhau toán học về bản chất không phải là một hệ thống các bài toán. Toán học là một hệ thống các lý thuyết và ngôn ngữ, mà giá trị của chúng là giúp con người thấu hiểu thế giới tự nhiên một cách sâu sắc hơn, đúng bản chất hơn, và là một trong những kênh không thể thiếu để con người phát huy trí tưởng tượng, năng lực sáng tạo phong phú của mình. Các bài toán chỉ là một phần của toán học, là bước trung gian để hiểu, chứng minh, tạo sức thuyết phục, và là công cụ để giải quyết các vấn đề ứng dụng từ lý thuyết.

Khi đã thống nhất với nhau ở điểm này, chúng ta thấy rằng nhiệm vụ hàng đầu của một nền giáo dục toán học là góp phần tạo ra những nhà lý thuyết. Ở cấp ứng dụng, đó là những người có khả năng chuyển hóa các vấn đề thực tiễn thành những vấn đề lý thuyết, từ đó xây dựng bài toán, giải bài toán, rồi chuyển hóa thành giải pháp hữu ích phục vụ đời sống – đó có thể là một người thợ mộc, người nông dân, một thương gia, hay bất kỳ ngành nghề nào. Ở mức độ cao cấp, đó là những người xây dựng được những con đường tri thức mới có tính nền tảng, đủ sức thuyết phục nhiều người khác cùng khai thác, mở mang, nối dài thêm cho những con đường ấy – chúng ta hi vọng một ngày nào đó sẽ có những tri thức lý thuyết lớn của toán học mang tên người Việt.

Đó có thể là giấc mơ còn xa, nhưng nếu thực sự yêu quý toán học vì những giá trị tốt đẹp của nó thì chúng ta cần tham vọng, từ đó mới có định hướng cho những nỗ lực thay đổi thiết thực. Bởi nếu không như vậy thì hệ thống giáo dục chuyên toán của chúng ta sẽ mãi mãi duy trì như hiện nay: Thực chất đó là những câu lạc bộ giải toán, những cuộc thi giải toán khó, mà sản phẩm mang lại đa phần là những con người ghi nhớ/bị đóng khung trong một số dạng bài toán nhất định nhưng không hề thấu hiểu giá trị và vẻ đẹp của các lý thuyết toán, chỉ biết giải bài toán cho sẵn chứ không hề có tinh thần tự lập ra đề toán có ích cho cuộc sống hoặc theo nhu cầu sáng tạo tự thân. Và như vậy những tranh cãi về giá trị được/mất cho xã hội sẽ vẫn tiếp tục không có hồi kết.

Tác giả