Vì sao học sinh ghét môn lịch sử?

Học sinh chán ghét môn sử không phải là hiện tượng chỉ có ở Việt Nam. Bài viết của thầy giáo người Mỹ Greg Milo phân tích nguyên nhân của hiện tượng phổ biến này và đề xuất một số biện pháp khắc phục trong tầm tay.

Học lịch sử ích gì?

Tôi mở sách giáo khoa môn lịch sử thế giới và thở dài.

Cuốn sách mở đầu với bài học về nguồn gốc của các nền văn minh, và, kết thúc bằng bức ảnh thời nay được chụp vội vã. Tổng cộng là 5.000 năm lịch sử.

“Thế đấy”. Ngay từ hồi mới đi dạy, tôi đã tự đặt cho mình câu hỏi: “Thế ra giáo viên dạy lịch sử chúng tôi phải dạy tất tần tật mọi thứ đã xảy ra ở khắp mọi nơi trên trái đất này ư?”

“Thì đúng vậy chứ còn gì nữa (giọng mỉa mai).”

Khi đi dạy đến năm thứ bảy, tôi bắt đầu tự hỏi: “Sự kiện đó tóm lại là sao? Ai thèm quan tâm đến Da Vinci cơ chứ? Ai cần biết về thập niên hai mươi vui vẻ trẻ trung của nước Mỹ? Ai thèm quan tâm Tôn Tử? Ai cần biết quái gì về môn lịch sử? Vấn đề mấu chốt là gì?” Mãi đến năm thứ năm vào nghề, tôi mới bắt đầu lựa chọn một số bài giảng để lướt qua và một số bài để giảng sâu hơn, nhưng đối với một môn học dựa trên trình tự thời gian thì điều đó có lẽ rất khó cho học sinh theo dõi. Tôi chẳng thích thú gì đào sâu vào thời Trung Cổ, nhưng nếu chỉ giảng lướt qua thì cũng không thể mong học sinh hiểu được tại sao lại có phong trào Phục hưng tại châu Âu.

Tôi muốn nói, không phải tôi không quan tâm, vì tôi là dân mọt sách về môn học này mà. Tôi đoán hầu hết các nhà sử học đều như vậy. Nhưng tôi cũng đoán biết nhiều học sinh không mê gì môn lịch sử.

Tôi đã từng nghe rất nhiều người nói, “Hồi nhỏ đi học tôi ghét môn lịch sử lắm, nhưng giờ thì thích rồi”. Họ cũng chẳng còn nhớ gì về thứ lịch sử mà họ đã học trong lớp, ngoại trừ việc giáo viên dạy rất chán, nhưng họ có thể kể cho tôi biết bao điều về các sự kiện lịch sử mà hiện nay họ quan tâm. Tại sao điều đó xảy ra?

Tại sao học sinh ghét môn lịch sử?

Tôi chắc chắn có rất nhiều lý do có thể kể ra, nhưng một lý do mà các học sinh của tôi – những đứa ghét môn lịch sử – luôn kể ra, đó là: môn học này thật nhàm chán.
“Tại sao lại nhàm chán?” tôi hỏi.

Học sinh thường trả lời đại khái như: “Hiệp ước Versaille có giúp được gì cho em trong cuộc sống hay không ạ?”

Câu hỏi rất hay.

Nó khiến tôi tự hỏi liệu có nên chú trọng vào nội dung của môn lịch sử hay không.

Điều gì trong môn nghiên cứu xã hội1 là quan trọng nhất đối với học sinh?

Câu trả lời của tôi: Tăng cường kỹ năng tư duy cho các em.

Tôi muốn học sinh của mình biết suy nghĩ. Tôi muốn chúng có thể đưa ra những quyết định có lý lẽ sau khi đã xem xét những khả năng khác nhau của cùng một sự kiện. Tôi muốn chúng hiểu những hậu quả khi đưa ra một quyết định, trong dài hạn cũng như ngắn hạn. Tôi muốn chúng hiểu mỗi quyết định sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Và tôi muốn chúng có hành động phù hợp.

Nếu mục tiêu của tôi là, giống như Bộ Giáo dục của bang Ohio đã đề ra, “chuẩn bị cho học sinh tham gia vào xã hội với tư cách một công dân”, thì hẳn tôi phải muốn thử thách khả năng ra quyết định của học sinh, và tạo cơ hội cho các em hành động.

Và điều này có nghĩa là học sinh có thể thực hành kỹ năng ra quyết định thông qua bất kỳ đề tài nào – chứ không nhất thiết phải là một đề tài nhàm chán.

Sao phải chết cứng vào trình tự thời gian

Nhưng tại sao môn lịch sử lại cần phải được dạy thông qua những chủ đề sắp xếp theo trình tự thời gian?

Tại sao học sinh của tôi phải học về sự sụp đổ của đế chế La Mã hay về Công ty thương mại Đông Ấn? Biết đâu có đứa lại muốn học về các cuộc bầu cử ở Burundi thì sao?

Sách giáo khoa thường được viết với các chi tiết thật ngắn gọn và không đầy đủ, lướt qua các chi tiết độc đáo, rất giống một ông thầy không thực sự rành về môn học nhưng vẫn phải dạy. Phương pháp này bỏ qua nhiều biến số quan trọng giúp ta hiểu các mối quan hệ nhân quả.

Sách giáo khoa cũng có khuynh hướng bỏ qua tính nhân văn của môn học – hơi giống với kiểu kể một câu chuyện không có nhân vật chính.

Nếu chúng ta muốn học sinh của mình có thể đưa ra những quyết định hợp lý, thì chúng ta cần phải hiểu được sự pha trộn phức tạp của các nhân vật, địa danh và các sự kiện lịch sử đã tạo ra những hệ quả nào đó.

Hãy để học sinh tự lựa chọn chủ đề

Học sinh của tôi thường đặt những câu hỏi cho thấy các em nhạy bén như thế nào. Các em nhận ra là bài học còn những khoảng trống chưa được giải quyết, hoặc có những nội dung mà tôi đã lướt qua quá nhanh trong khi giảng. Tôi có thể tận dụng sự sắc sảo này của các em, giải đáp những câu hỏi mà các em đặt ra, chớp lấy những khoảnh khắc tâm trí các em khai mở như vậy để truyền thụ kiến thức. Tuy nhiên, thay vì làm điều ấy, tại sao lại không để các em tự khám phá ra câu trả lời cho chính mình nhỉ?

Rất tiếc là các môn học của chúng ta lại không được thiết kế theo kiểu như vậy. Đây không phải là bữa ăn được chọn món. Thực đơn đã được thiết lập, và các món ăn sẽ luôn được lần lượt được mang ra theo thứ tự. Và bởi vì cấu trúc của môn học đã được quy định, một học sinh có thể mở sách xem bài và tự nhủ: “Ồ, không thấy câu hỏi ở đây, tức là sẽ không có trong bài thi, vậy thì lướt qua luôn đi. Ở trang kế sẽ học gì thế nhỉ? Ô, quá trình ‘lưu hóa’2, cứ tưởng là lưu manh hóa chứ, buồn cười quá đi mất!”

Tôi có thể xây dựng một bài học trong đó có những khoảng trống để mọi học sinh của tôi thực hành kỹ năng quan sát tìm tòi và đưa ra kết luận – và tôi vẫn thường làm vậy. Nhưng cũng có thể có những lựa chọn khác làm cho học sinh thích học – chẳng hạn như cho phép các em quyết định chọn chủ đề để học, thay vì tôi luôn luôn là người quyết định.

Tại sao ta không cho phép học sinh quyết định chọn những chủ đề vẫn còn chưa được giải quyết mà chúng muốn nghiên cứu và góp phần giải quyết, thay vì đòi hỏi tất cả học sinh đều có cùng một trải nghiệm giống nhau trên cùng một chủ đề như nhau?

Thay vì đưa ra một niên đại chuẩn các sự kiện đã chọn sẵn, sao ta không chọn một chủ đề để đào sâu suốt cả một học kỳ, cho phép học sinh xé nhỏ đề tài ấy thành nhiều mảng, và cung cấp cho các những chi tiết cần thiết để các em có thể đưa ra những tranh luận có giá trị?

Nếu việc mỗi học kỳ chỉ chọn một chủ đề nghe có vẻ cực đoan, thì hãy chọn bốn chủ đề. Điều tôi muốn nói là chọn ít chủ đề đi nhưng tập trung vào chiều sâu để thấy được sự phong phú của môn lịch sử và thu hút học sinh nhiều hơn.

Cách thiết kế môn lịch sử hiện nay quá nhấn mạnh vào thời gian. “Làm sao tôi có thể đi qua được đến 5.000 năm lịch sử chỉ trong một học kỳ cơ chứ?”

Giáo viên chỉ chăm chăm tập trung vào yếu tố thời gian trong môn lịch sử, và điều này có lý do chính đáng.

“Tôi không thể bỏ thêm thời gian giải thích về cuộc chiến tranh Triều Tiên bởi tôi còn phải giảng về vụ xì-căng-đan Watergate vào tuần tới, rồi còn phải trình bày về phong trào dân quyền để chuẩn bị đầy đủ kiến thức cho học sinh làm bài kiểm tra.”

Quả là vớ vẩn. Để thực hành kỹ năng nghiên cứu xã hội thì chỉ cần một trong các đề tài nói trên là đủ. Tất cả những đề tài trên đều thú vị. Hãy chọn lấy một thôi.

Nội dung giảng dạy cho một học kỳ có thể dựa trên các năng lực Tìm tòi, Phân tích, và Nêu giải pháp, và giáo viên có thể dựa trên việc phát triển các năng lực nói trên để dẫn dắt chương trình học, thay vì dựa vào cái nhãn môn học là Văn minh phương Tây. Một môn học tập trung vào các phương pháp có thể chọn năm sự kiện hay nhân vật thú vị và không liên quan đến nhau để nghiên cứu sâu.

Nghiên cứu xã hội chính là như thế: tìm hiểu về xã hội. Chúng ta thích tạo ra các công thức để khái quát hóa về việc xã hội và con người trong xã hội đó vận hành như thế nào. Các nhà kinh tế luôn cố gắng đưa ra dự đoán về các khuynh hướng, nhưng thực sự không có cách nào để tiên đoán một cách nhất quán rằng mỗi cá nhân sẽ hành động như thế nào. Vì hành vi của con người luôn có yếu tố bất ngờ nên chúng ta cố phân loại và làm cho nó có ý nghĩa. Chúng ta gắn tên gọi vào các thời đại, dùng chúng để đặt nhan đề cho các chương, rồi dán nó vào một cuốn sách và gọi nó môn lịch sử.

“Đây là những gì đã xảy ra trong quá khứ,” chúng ta nói với học sinh. “Phù, thế là xong, chúng tôi đã trình bày xong những vấn đề lịch sử rồi.”

Rồi tự nhiên một học sinh đặt câu hỏi: “Vì sao ở Mỹ có nhiều nhà tù đến thế ạ?”

Và chúng ta sẽ trả lời lấp liếm “Ồ, câu ấy không có trong bài kiểm tra, hãy trở lại với các niên đại lịch sử kẻo hết giờ mất” và thế là sự tò mò của đứa trẻ bị dập tắt hoàn toàn. Và chúng tiếp tục nghĩ: “Ôi, môn sử thật là nhàm chán”.

Hồng Hiếu dịch,
Phương Anh hiệu đính

Nguồn:
http://www.edweek.org/ew/articles/2015/09/23/why-do-students-hate-history.html
Các tiêu đề phụ do Tia Sáng đặt


——-

* Trưởng bộ môn Nghiên cứu xã hội tại trường trung học Archbishop Hoban, Akron, Ohio. Email: [email protected]; Twitter: @Mr_Greg_Milo.

1 Ở nhiều bang của Mỹ, môn lịch sử thuộc nhóm môn học tích hợp gọi là Nghiên cứu xã hội (Social Studies). Bang Ohio, nơi tác giả bài viết này đang giảng dạy, là một ví dụ. http://education.ohio.gov/Topics/Ohios-Learning-Standards/Social-Studies

2 Từ trong bản gốc là vulcanization, tức “lưu huỳnh hóa”. Từ này nghe hao hao giống như từ vulva nghĩa là “cửa mình” của phụ nữ, nên học sinh thấy buồn cười. Tạm dịch ra như trên.

Tác giả