Xóa dần chữ “phụ” trong môn học Lịch sử

Về Lịch sử, đã có nhiều bài viết xoay quanh chủ đề này, tuy nhiên ở những góc nhìn rất nhỏ cũng có thêm nhiều điều mà dư luận cũng như giới khoa học cần quan tâm. Vẫn thường thấy người ta gọi môn học nào đó là môn “phụ”, một môn học không quan trọng theo đúng nghĩa gốc mà phụ huynh, học sinh, thầy cô và toàn xã hội vẫn quan niệm thì Lịch sử nghiễm nhiên nằm trong số những môn học “phụ” đó.

Cứ quen dần không biết từ lúc nào đã ra đời sự phân biệt môn “phụ” và môn “chính” ấy? Mà cho tới tận bây giờ nó vẫn không thoát khỏi sự kén chọn môn học ưu tiên trong toàn bộ các môn học của học sinh. Ngay đến cả các bậc phụ huynh cũng nghĩ đó là môn không quan trọng chỉ học qua loa là được.
Còn trong trường học thì các thầy cô giáo dạy môn phụ không được ưu ái, thậm chí còn bị “lép vế” hơn so với các thầy cô dạy môn chính.
Chính rào cản của xã hội không công nhận vai trò thực sự quan trọng của môn học này khiến cho không ít giáo viên dạy môn “phụ” ít có cơ hội phát triển để có thể thật sự tậm huyết với nghề. Cho nên không chỉ riêng môn Lịch sử, các môn Địa lý, Giáo dục công dân, Kĩ thuật… cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Tại sao các môn học này lại bị phân biệt và đối xử như vậy? Phải chăng chúng được coi là môn phụ từ khi ngành giáo dục Việt Nam ra đời?
Và rồi muốn học tốt môn lịch sử thì việc hiểu địa lý nước Việt lại là điều cốt lõi căn bản, nhưng số phận của nó cũng như môn lịch sử cũng chẳng hơn gì các môn học “phụ” khác, cũng vẫn chỉ nhận được từ phía học sinh, thầy cô, và các bậc phụ huynh sự thờ ơ và thiếu coi trọng.
Những địa danh nổi tiếng của đất nước nằm ở đâu? Những khu rừng, những mảnh đồi, những căn cứ bí mật trong chiến tranh… trên mọi miền của đất nước có mang dấu ấn của những người chiến sĩ đã hi sinh. Những chiến trường đầy ác liệt và đẫm máu ấy ở nơi nào nếu học tốt môn địa lý chẳng phải là cơ sở học tốt môn học gọi là khô khan khó vào này hay sao?
Chưa hết, đã là môn học có tính chất khô khan khó học khó tiếp thu rồi nó còn được những thầy cô chưa có ngọn lửa nhiệt tình (hoặc có cũng rất ít) khơi lên sự đam mê trong lòng học sinh.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó, nội dung và cách trình bày, hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa gần đây cũng được không ít báo chí nhắc tới.
Có không ít tờ báo phản ánh thực trạng những bài viết trong sách giáo khoa sử ở một số nội dung còn chưa mang tính khoa học trung thực (như phiến diện về các trận thắng).
Rồi thêm vào đó những câu truyện lịch sử rất ít (hiếm) thấy để minh họa sống động những trận chiến ác liệt hay những hồi kí, những tâm tư của người lính sau chiến tranh.
Lối trình bày theo dạng đề mục I, II, III… của sách giáo khoa lịch sử hiện nay giống như một công trình khoa học nhiều hơn là sách nhằm truyền thụ kiến thức lịch sử. Cách viết này nếu nhìn ở khía khoa học sẽ thấy nội dung rất cô đọng, dễ hiểu nhưng về cách truyền  tải thông điệp lịch sử như thế sẽ khó tạo ra sức hút đối với học sinh.
Việc khơi dậy lòng tự hào và ý thức dân tộc trong mỗi trang sử không phải chỉ có học thuộc lòng cái có sẵn, đúc kết sẵn là có thể rút ra ngay bài học kinh nghiệm, ý nghĩa của lịch sử. Cái mà học sinh có thể học được ở đây là làm sao có thể cảm nhận những mất mát hi sinh to lớn của những người đi trước, là xương máu là mồ hôi công sức của biết bao con người, những chuyển biến về nhiều lĩnh vực xã hội như kinh tế chính trị văn hóa… trong các giai đoạn lịch sử khác nhau để từ đó ý thức được việc giữ gìn thành quả của cha ông trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Khơi lên trong tâm hồn học sinh lòng biết ơn sâu sắc, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, thêm yêu những trang sử hào hùng của dân tộc.
Những cái đó không đâu ngoài những câu chuyện người thật việc thật, những hình ảnh sinh động, những câu chuyện mang tính thông tin mang hơi thở của thời cuộc, những lời văn giầu cảm xúc gần gũi dễ đọc chắc sẽ dễ truyền vào tâm trí người đọc.
Nhà giáo dục Nguyễn Ngọc Đại từng phát biểu: “Có thể ví Sách giáo khoa và sách bài tập như một bộ tiểu thuyết hấp dẫn người đọc trên từng trang sách mà cái đọng lại là tư tưởng chủ đạo của sách (cả nội dung lẫn phương pháp)”.
Sau sách giáo khoa phải kể đến sách tham khảo lịch sử hiện nay, có quá ít những cuốn sách lịch sử hấp dẫn người đọc. Ngay trẻ em cũng chỉ thích truyện tranh của nước ngoài, người lớn thì thích đọc sách của các nhà văn nổi tiếng theo trào lưu chung của xã hội.
Chưa thấy xuất hiện một vài tiểu thuyết hay truyện tranh nào về lịch sử gây tiếng vang trong dư luận chứ chưa dám nói là gây “sốt”.
Trong văn học, phim ảnh, kịch… còn thiếu quá nhiều những câu chuyện lịch sử chứa đựng những giai thoại bất hủ về tình yêu để tăng thêm tính nhân văn cũng như sự lôi cuốn của tác phẩm.
Cứ thử hình dung trên một trang nhất báo nào đó có đề cập đến một điểm khai quật lịch sử có những di tích có nói đến dấu chân người vượn cổ hay những con vật hóa thạch có hình thù kì dị, những địa chỉ có cả một quần thể kiến trúc cổ như đình đền, thành phố… đều được dư luận và công chúng háo hức chờ đợi, thậm chí còn bàn tán xôn  xao.
Thành cổ Hà nội là minh chứng điển hình đó thôi! Khi được mở cửa công trình lịch sử này đã đón chào biết bao lượt khách thăm quan.
Mà ngay cả đến những vụ mất tượng phật cổ ở các đình, chùa đều được lên án mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận…
Điều này cho thấy công chúng (tất cả các tầng lớp) đều không có ý quay lưng lại với lịch sử mà ngược lại họ luôn sẵn sàng đón chờ những sự kiện lịch sử điều đó nói lên tình yêu đối với lịch sử có sẵn trong trái tim của biết bao con người.
Nhưng cho đến nay, những tài liệu vô cùng phong phú và hấp dẫn ấy lại ít được đưa vào sách đưới dạng truyện kể, hoặc có được đưa vào sách thì nó trở nên khô khan khó học và khó nhớ: lý do đó là tại sao? Liệu một phần có phải nguyên nhân do cách viết sách của ta? Lịch sử không chỉ có chiến tranh, không chỉ có sự thay đổi các tầng lớp thống trị, mà lịch sử là một diễn trình của cả xã hội, kinh tế, khoa học.
Xóa dần chữ  “phụ” đang tồn tại trong lòng của phụ huynh, của học sinh, của các giáo viên chính là nhiệm vụ của toàn xã hội. Tìm đúng vị trí, xác định đúng vai trò và nhấn mạnh tầm quan trọng của môn học Lịch sử là môn học “chính” sẽ thu hút được sự quan tâm của học sinh, từ đó khơi gợi trong tâm trí các em sự say mê, yêu thích và cảm hứng bất tận về một lĩnh vực văn hóa xã hội đầy ý nghĩa.

Trần Ngọc Tú

Tác giả