10 năm xây dựng lực lượng hiến máu dự bị: Thực chất, hiệu quả và bền vững

Việc tạo nguồn máu ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo không dễ như ở các vùng đô thị, dù nhu cầu về máu ở vùng sâu vùng xa không nhiều như đô thị nhưng khi đã cần là rất cần, nếu không có máu truyền là bệnh nhân gần như chắc chắn tử vong.

Có rất nhiều khó khăn nếu tổ chức các hoạt động truyền máu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo vẫn theo như mô hình đã có của những nơi đông dân cư, thành phố lớn. Khó khăn về giao thông? Vận chuyển? điện? điều kiện bảo quản? Rồi máu chỉ giữ được với thời hạn ngắn (35-40 ngày)?… Cả nước có đến hơn 3.000 hòn đảo, giả sử mỗi đảo chỉ trang bị một tủ lạnh thôi thì số lượng kinh phí cần đã lớn bao nhiêu rồi?

Chúng tôi đã đi nhiều nơi vùng sâu, vùng biên giới và gần 10 đảo để tìm hiểu cách giải quyết, nhưng vẫn không tìm ra cách. Mãi đến hôm ra Côn Đảo, đang ngồi chủ trì cuộc họp, thì bỗng nhiên nghĩ rằng: Tại sao lại không xây dựng một lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả và bền vững; Và lực lượng đó tạo nên “ngân hàng máu sống” tại vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo? “Thực chất” là họ có đăng ký nghiêm túc, đăng ký là sẵn sàng tham gia hiến máu. “Hiệu quả” là khi họ đi hiến máu là hiến được và đó là máu “sạch”, có thể dùng ngay được cho bệnh nhân. “Bền vững” là những người đó sẵn sàng hiến máu nhiều lần, họ sống tại địa phương đấy. Phải gần 10 năm mới tìm ra được ba tính từ thực chất, hiệu quả và bền vững đó! Với ba tính từ này, chúng tôi quyết định tìm kiếm cho được cách lưu trữ máu ngay chính trong cơ thể người hiến máu có đủ sức khỏe, không bị bệnh tật, không bị nhiễm các virus lây qua đường truyền máu. Máu đó là máu “sạch”, máu tươi, máu luôn mới!

Sau đó, Viện đã bắt tay ngay vào việc xây dựng Ngân hàng máu sống. Đảo lớn là Cát Bà, Phú Quốc, Bạch Long Vĩ; đảo vừa như Lý Sơn, Côn Đảo, Bình Ba; đảo bé như Cồn Cỏ, hòn Tre… rồi cả vùng sâu, biên giới ở Đồng Văn, Điện Biên Đông, Bố Trạch, Tịnh Biên… Qua nhiều công trình nghiên cứu cấp cơ sở và một đề tài cấp Bộ, chúng tôi đã có được trong tay gần 20 ngân hàng máu sống ở các nơi trong cả nước. Hơn thế nữa là đã hoàn thành được nhiều quy trình chuẩn để từ đó đào tạo, nhân rộng cho các địa phương.

Việc quản lý “ngân hàng máu sống” được thực hiện một cách chặt chẽ bằng cách giao danh sách cho UBND huyện, cơ sở y tế huyện, trạm xá xã… và tổ chức “báo động thử”. Kết quả báo động thử thật bất ngờ, người chậm nhất 21 phút, còn người đến nhanh nhất chỉ sau 8 phút.

Máu lấy được từ lực lượng hiến máu dự bị ở các ngân hàng máu sống đó, đã nhanh chóng phục vụ được cho việc cấp cứu bệnh nhân: Tại đảo Bạch Long Vĩ, cho đến nay đã có 2 trường hợp bị tai nạn đứt cánh tay ở giữa biển đã được cứu sống, ở huyện Điện Biên Đông cứu được sản phụ băng huyết, ở Đồng Văn máu cứu được người bệnh Thalassemia…

Như vậy là từ một vấn đề thực tiễn đặt ra, Viện đã tập trung suy nghĩ, nghiên cứu và kết quả của những nghiên cứu đó nhanh chóng được đưa vào ứng dụng ngay trong thực tiễn một cách vô cùng hiệu quả.

Tác giả