Đưa người lên Mặt trăng: Vẻ đẹp và sự điên rồ

Kennedy quảng cáo Apollo “vừa là thước đo, vừa là nơi huấn luyện kĩ năng tốt nhất của nước Mĩ

Vào một buổi sáng đẹp trời ở Florida, một lớp băng mỏng hình trụ với kích thước như một kho silo trữ nông sản[i] treo lơ lửng cách mặt đất 15 mét. Sương giá bắt đầu hình thành vào đúng thời khắc chuyển giao sang ngày mới của một đêm tràn ánh sáng đèn chiếu, khi các nhân viên kĩ thuật tại Trung tâm vũ trụ Kennedy bắt đầu bơm oxy lỏng vào khoang chứa lớn đặt trên đỉnh nóc tầng thứ nhất của hệ thống tên lửa Saturn V – phải đến hơn 1 triệu lít oxy, ở nhiệt độ -183°C. Thành khoang chứa cũng chính là lớp vỏ tên lửa, và nhiệt độ quá thấp bên trong khiến hơi nước từ bầu khí quyển ẩm ướt vùng Đại Tây Dương lập tức bị đóng băng trên bề mặt kim loại giá buốt đến nhức nhối.

Khí oxy được bơm vào, một phần sôi lên trong bể chứa; qua các cửa thông hơi trên nóc bể, hơi oxy phun ra để áp lực bên trong không bị lên quá cao. Đúng 9h30, các cửa thông hơi đồng loạt được đóng kín. Ngay sau đó, heli lỏng được bơm vào khoảng trống nhỏ còn chừa lại trên chóp bể. Áp lực lại bắt đầu tăng lên.

Vào ngày 16/7/1969, tên lửa Saturn V thực hiện nhiệm vụ Apollo 11 phóng lên từ Pad A, Tổ hợp phóng 39 (Launch Complex 39), Trung tâm vũ trụ Kenedy

Bên dưới bể oxy là một bể nhỏ hơn chứa đầy dầu hỏa tinh luyện. Bên dưới nữa, xếp theo hình năm chấm tròn trên mặt xúc xắc, là hệ thống động cơ F-1 – yếu tố quyết định đem lại thành công cho toàn bộ dự án lên mặt trăng: một cỗ máy được thiết kế tinh xảo, được chế tác tinh vi và có sức mạnh dữ dội không tưởng.

Hai phút sau khi các cửa thông khí được đóng chặt, van dưới đáy bể trên được mở ra, và oxy bắt đầu chảy xuống các động cơ F-1. Ở đây có hai đường dẫn khác nhau. Một phần oxy được dẫn vào các bộ tạo khí ga và quay tua-bin điều khiển máy bơm. Ở đây, oxy được trộn với dầu hỏa và được đốt lên.

Phần oxy còn lại được dẫn vào buồng đốt nhiên liệu. Ở đó, oxy gặp luồng khí xả với hàm lượng dầu hỏa cao được thải ra từ các tua-bin. Hỗn hợp này được đốt cháy một lần nữa. Khói đen bắt đầu cuồn cuộn xả ra từ những cửa thoát khí trên các động cơ F-1. Tên lửa bắt đầu rung chuyển. Các máy bơm tăng lưu lượng nhiên liệu và oxy tiếp tục được dẫn xuống các buồng đốt bên dưới.

Chúng ta đang chứng kiến một vũ điệu được biên đạo kĩ lưỡng của nhiệt độ và năng lượng. Các máy bơm sử dụng năng lượng từ các bộ tạo khí ga dùng nhiên liệu đốt để tiếp thêm nhiều nhiên liệu hơn nữa vào các buồng đốt, lượng nhiên liệu này lại được truyền theo đường xoắn ốc qua các ống dẫn quấn quanh hệ thống cửa thoát khí của động cơ. Quá trình này làm mát các cửa thoát khí vốn phải chịu một sức nóng khủng khiếp. Nó đồng thời cũng làm nóng nhiên liệu, khiến tốc độ đốt được duy trì ở mức tốt nhất tại khâu cuối cùng trong khoang đốt.      

Hệ thống máy bơm quay nhanh dần lên; vũ điệu trở nên gấp gáp. Năm giây sau khi lửa bùng lên, các van nhiên liệu được mở hết cỡ, và chỉ trong vòng vỏn vẹn một giây, các động cơ đã đạt gần đến mức đẩy tối đa. Đầu tiên, động cơ trung tâm đạt mức công suất tối đa, sau đó đến bốn động cơ vòng ngoài. Hỗn hợp nhiên liệu lúc này đã giàu oxy hơn, quá trình đốt nhiên liệu diễn ra sạch hơn, sản sinh ít muội than hơn, và cũng mạnh mẽ hơn. Trong vòng một hai giây sau khi động cơ cuối cùng khởi động, tên lửa vẫn được giữ chặt trên mặt đất bằng bộ kẹp lực lưỡng. Liền sau đó nó được thả ra và phóng lên.

Luồng lửa phun ra từ bên dưới tên lửa đang lao vút vào không trung không phải là thứ lửa nhảy nhót, liếm láp hay bỡn cợt; đó là thứ lửa của lò nung và nồi nấu. Đó là thứ lửa tập trung như từ mỏ hàn của thợ hàn kim loại, ở quy mô có thể cắt lìa hay gắn hàn thế giới. Nhiệt độ trong khoang đốt lên tới hơn 3000°C. Áp suất lên tới hơn 60 atm. Vẫn những chiếc máy bơm tốc lực 90 lần/giây, đủ mạnh để bơm mỗi lúc một nhiều oxy và nhiên liệu vào lò lửa. Sóng lửa phun ra với tốc độ nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh. Chỉ trong hai phút, năm động cơ F-1 sinh ra tới 60 gigawatt năng lượng, tương đương với hiệu suất phát điện của tất cả các nhà máy điện trên khắp nước Anh.

Chỉ mất 10 giây để tên lửa bay lên vượt cao hơn tháp đỡ. Rồi mất tới hơn 10 giây để tiếng gầm dữ dội của động cơ – thứ âm thanh to hơn bất cứ một tiếng ồn nào con người có khả năng tạo ra trước đây – truyền đến khán đài khách VIP cách điểm phóng tầm 6 km. 60 đại sứ, phân nửa thành viên Quốc hội, và khoảng một phần tư các thống đốc bang, đã chứng kiến cảnh tượng này với đầy kính nể, rung lên trước “một âm thanh choáng ngợp muốn nhập làm một vào cơ thể bạn”, như trong miêu tả của họa sĩ Robert Rauscgenberg.

Cựu Tổng thống Lyndon B. Johnson và phó Tổng thống Spiro Agnew là một trong những khán giả chứng kiến Apollo 11 được phóng trên bầu trời bởi Saturn V. 

Tiếng gầm kéo dài chưa đầy ba phút. Nhưng đến khi các động cơ F-1 tắt, tên lửa đã đạt tới gần 8000 km/giờ. Apollo 11 chính thức lên đường tới mặt trăng.

Khả năng chế tạo một lên lửa hạng nặng như Saturn V không chỉ đóng vai trò trọng yếu đưa đến thành công của Apollo; mà còn là ý tưởng nền tảng của toàn bộ dự án. Vào năm 1961, khi tổng thống Kennedy tuyên bố nước Mĩ sẽ là quốc gia tiên phong đưa người mặt trăng, Liên Xô đã tiến xa hơn trong cuộc đua vũ trụ, thể hiện qua việc phóng thành công vệ tinh đầu tiên trong lịch sử và đưa con người đầu tiên vào quỹ đạo. Nhưng những tên lửa Liên Xô sử dụng lúc bấy giờ không khác lắm với kiểu tên lửa của Mĩ hồi đó, về cơ bản chỉ là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dạng cải tiến. Mặc dù có khả năng thích nghi không gian vũ trụ tốt hơn và đạt tốc độ cao hơn hẳn tên lửa Mĩ, chưa một tên lửa nào do Liên Xô sản xuất đủ tiêu chuẩn thực thi sứ mệnh lên mặt trăng. Tình thế này đòi hỏi phải cho ra đời một tên lửa được thiết kế sao cho đủ sức phóng vào quỹ đạo một trọng lượng nặng hơn nhiều so với vài đầu khí cụ hay đầu đạn hạt nhân. Nếu thước đo nhuệ khí siêu cường là phải có được một thế hệ tên lửa hoàn toàn mới, thì lợi thế của Liên Xô đang đứng trước nguy cơ giảm sút.

Mĩ đặt cược vào động cơ F-1 hùng mạnh. Saturn V đòi hỏi một kiến trúc tinh tế hơn nhiều so với các tên lửa trước đó để thực thi sứ mệnh. Có hai khả năng được đưa ra cân nhắc: khả năng thứ nhất là phóng một phi thuyền đủ sức đáp xuống mặt trăng, tháo rời các phần, quay về riêng rẽ rồi ghép nối lại với nhau trên quỹ đạo. Khả năng thứ hai là có hai tàu vũ trụ, một sẽ hạ cánh và ở lại trên mặt trăng, một quay trở về, được phóng từ trái đất cùng một lúc. Phương án này sẽ giảm bớt trọng tải đáp xuống mặt trăng, và quan trọng hơn, giảm bớt trọng tải đưa trở lại trở vào không gian.

Cuối cùng, mô hình ghép nối trên quỹ đạo mặt trăng đã chiếm ưu thế. Ưu điểm của nó là mỗi nhiệm vụ sẽ được hoàn thành chỉ bằng một lần phóng Saturn V. Nhược điểm là nó không thiết kế một quy trình hay bất cứ một cơ sở hạ tầng nào cho việc ghép nối trên quỹ đạo. Trước khi Apollo trình làng, mọi dự đồ gắn với khát vọng “chinh phục không gian” đều được hình dung với bước đầu tiên cần tiến hành là phải xây dựng một trạm không gian làm nơi dừng đỗ và tái lắp ráp phi thuyền để từ đó, tiếp tục tiến xa hơn vào vũ trụ. Phiên bản ghép nối trên quỹ đạo Trái đất của Apollo không đặt ra yêu cầu này. Tuy nhiên, nó đã bước đầu thiết lập các quy trình và cơ sở hạ tầng làm tiền đề để xây dựng một trạm không gian như thế trong tương lai. Còn cách ghép nối trên quỹ đạo mặt trăng của Apollo lại chỉ được thực hiện bằng một lần phóng duy nhất. Điều ấy khiến cho sau khi hoàn tất, trên phương diện cấu trúc phần cứng – hay ở một mức độ nào đó, về mặt chuyên môn – gần như chưa hề một sự thay đổi nào diễn ra.

Vào thời điểm đó, chẳng ai bận tâm đến vấn đề này. Họ đang thực thi một sứ mệnh gần như không tưởng – đến mức chẳng còn thời gian mà lo nghĩ tới những khâu sau đó. Chỉ cần một khi đã chứng minh cho cả thế giới thấy được điều mình có thể làm, họ mới đặt ra khả năng hoàn thiện những bước tiếp theo. Đương nhiên điều ấy nằm trong tầm tay của họ. Tại sao không? Họ sẽ một lần nữa, thực hiện bước nhảy lên sao Hỏa. Thay vì xây dựng các trạm không gian trước khi lên mặt trăng, họ sẽ xây dựng chúng sau khi đã thành công trong việc lên mặt trăng – những trung tâm được xây dựng nơi miệng núi lửa, hàng loạt tên lửa tối tân được tiếp nhiên liệu từ các lò phản ứng hạt nhân, những trang bị thiết yếu nhất cho buổi bình minh của Kỷ Nguyên Không Gian – tất cả đều được từng bước hoàn thiện. Rõ ràng, con người sẽ không chỉ lên mặt trăng, nhìn ngắm xung quanh, cảm thán một chút về vẻ đẹp của Trái đất, nhặt vài mẩu thiên thạch, trở về nhà rồi cất những kỉ vật không gian ấy vào góc tủ. Nếu chỉ vậy thôi thì quả thực hết sức điên rồ.

Kennedy quảng cáo Apollo “vừa là thước đo, vừa là nơi huấn luyện kĩ năng tốt nhất của nước Mĩ”. Tính đến năm 1976, Apollo đã sử dụng khoảng 400000 nhân công làm việc trong các cơ sở thương mại cũng như trong cơ quan nhà nước, chiếm tới 4% ngân sách chi tiêu của chính phủ Mỹ (dù đây cũng chính là giai đoạn đang diễn ra chiến tranh). Apollo đã kích thích tối đa những trí tuệ xuất chúng nhất trong ngành hành không vũ trụ Mĩ, và khai mở những lối suy nghĩ và hành động mới trên toàn lục địa – khi công dân toàn cầu theo dõi hành trình của tàu không gian qua các thiết bị truyền thông.

Tổng thống Richard M. Nixon và các phi hành gia của tàu Apollo 11

Nhưng Apollo cũng rất nhỏ bé. Một phần hành trình là phải làm sao để tàu vũ trụ thực sự chạm xuống được mặt trăng. LM (lunar module, phần phi thuyền hạ cánh xuống mặt trăng) bởi vậy, phải nhẹ nhất có thể. Trong thiết kế ban đầu, tổng khối lượng phi thuyền chỉ lên đến 11 tấn. Nhưng trong quá trình phát triển, trọng lượng tăng dần. Dù vậy, LM vẫn là một vật thể nhỏ xinh. Nhỏ gọn, nhưng là cả thế giới. Hay ít nhất, đó là một phiên bản thế giới gói gọn trọn vẹn các chức năng với đầy đủ nhiên liệu, khí đốt, oxy, thiết bị suy trì sự sống, pin, máy tính… LM cung cấp cho các phi hành gia thức ăn và nước uống; duy trì nhiệt độ ổn định; bảo vệ họ khỏi các mảnh thiên thạch. Máy tính dẫn đường cho họ. Và một khi LM đã tách rời khỏi mô-đun chỉ huy, nó trở thành phần còn lại duy nhất Mẹ Trái Đất trao tặng cho những đứa con xa nhà lao mình vào vũ trụ. Nói cách khác, đó là một hành tinh vi mô chỉ của hai người.

LM, không chỉ thế, là hiện thân cho chủ nghĩa hiện đại phi truyền thống – là cách thiết kế đề cao công năng lên trên hết, mặc cho hình thức có thể trông kệch cỡm và phi lí thế nào. Chính vì vậy mà nửa dưới của LM, công bằng mà nói, khá là thô kệch. Đó là một bệ đỡ được gắn động cơ và chân tàu – ba chân trong bản thiết kế đầu tiên, rồi tăng lên năm, và cuối cùng là bốn. Hình bát giác, bề mặt phẳng, hai bình nhiên liệu và hai bình chứa oxy được đặt đối xứng quanh trục trung tâm với chức năng chính là giảm tốc độ LM khi trên quỹ đạo mặt trăng, hạn chế độ rơi và điều chỉnh hướng đáp sao cho khớp với vị trí được chỉ định trước. Bên trong, không có ghế ngồi. Một căn buồng chỉ đủ chỗ cho hai người đứng, gần bên nhau, cùng nhìn ra bên ngoài những ô cửa sổ dốc đứng một cách lạ thường. Bộ điều chỉnh và cần điều khiển trước mặt. Một giếng trời được bố trí ngay trên đầu thuyền trưởng – một chức vụ cao quý – cùng một kính thiên văn loại nhỏ. Cửa dẫn xuống mặt trăng đặt giữa hai người, cao tới đầu gối. Phía trên cửa dẫn là bàn phím và màn hình chỉ dẫn. Trên nữa là 3 bảng điều khiển. Cùng hàng tá bảng điều khiển khác được đặt khắp nơi trên thân tàu.

Cửa sổ có ý nghĩa trọng yếu. Nhiều người kể lại rằng trong thiết kế đầu tiên của đầu tên lửa Mercury không hề có cửa sổ: các kĩ sư thiết kế nghĩ rằng việc để cho các phi hành gia nhìn ra bên ngoài là không cần thiết, bởi về cơ bản họ cũng chỉ là một dạng trọng tải được chở trên tàu. Dù vậy, hạ cánh xuống mặt trăng không phải là một việc có thể chỉ dựa hoàn toàn vào sự điều khiển nơi mặt đất – dù với sóng radio, mất tới 1 giây để truyền đến mặt trăng và cũng từng đấy để nhận hồi đáp trở lại.

Nói như Jack Myers, nhà nghiên cứu thiết bị hỗ trợ sự sống tại Đại học Texas vào thời điểm đó: “Con người bay vào vũ trụ, không phải như một hành khách, mà trong tư cách một bộ phận thiết yếu của một bộ máy đang cố hoàn thành nhiệm vụ.” Những ô cửa sổ cho phép cả thuyền trưởng và phi công LM hạ cánh chính xác, cho phép họ quan sát được công việc mình đang tiến hành, cho phép họ kết nối những gì đang thấy trước mắt với mô hình hiển thị trên máy tính, từ đó, có những điều chỉnh phù hợp nhất. Ra đời như một bằng chứng vững chắc cho những đam mê khoa học viễn tưởng về du hành vũ trụ, Apollo giống như một tuyên ngôn mới cho sự thông minh và quyền năng thống trị của con người trong một thế giới của những cỗ máy biết tư duy.

Apollo 11 Lunar Module Eagle (đơn vị mặt trăng) đang chuẩn bị hạ cánh được chụp trong quỹ đạo mặt trăng từ Đơn vị chỉ huy (Command and Service Module). Trong đơn vị mặt trăng có chỉ huy Neil Amstrong và phi công điều khiển Buzz Aldrin.  

Tất cả các chi tiết phức tạp của LM đều được thiết kế bằng tay, rất nhiều trong số đó cũng được chế tác bằng tay. Nhôm mỏng tới mức không thể dập tạo hình, mà phải nhờ đến bàn tay người chế tác. Nhưng máy tính vẫn đóng một vai trò cực kì quan trọng, không chỉ bên trong LM, mà còn trong quá trình chế tạo LM.

Máy tính là biểu thị cho một tương lai khiến tương lai trở nên khả thi. Máy tính cũng khiến tương lai khả thị, tổng kết kinh nghiệm cho những thứ tưởng như chưa từng có kinh nghiệm nào trước đó. Chưa từng có bất cứ một dự án nào được tập dượt trước một cách triệt để thông qua các phiên bản mô phỏng như dự án Apollo. Nhu cầu cần có vô số những mô phỏng trước này đưa máy tính vào một địa hạt ảo mới. Cảnh quan ảo được kiến tạo, máy tính hiển thị trước hình ảnh dự phóng về mặt trăng cho những người vẫn còn đang chuẩn bị đặt những bước chân đầu tiên.

Dù vậy, giữa chỉ dẫn trừu tượng lạ lẫm này, sự thân thuộc vẫn không mất đi – cảm giác ấy được đưa lại qua bộ đồ dành cho phi hành gia. Định kiến thông thường cho rằng đó là một bộ đồ được làm từ vật liệu cứng, bó chặt lấy thân thể cùng những khớp nối ở khuỷu tay khiến người mặc chẳng khác gì robot. Sự thật không phải như vậy. Bộ đồ của các phi hành gia được làm từ những vóc vải mềm mại, được may bởi bàn tay của những nữ nhân công làm việc ở nhà máy may Singer. Đồng phục phi hành gia là một thế giới được tiếp tục thu nhỏ hơn nữa sau ba lần rút giảm, tiếp xúc trực tiếp và ôm lấy da thịt. Từ bầu không khí ấm áp của bang Florida đến mô-đun chỉ huy; từ mô-đun chỉ huy đến LM; từ LM đến bộ phục trang. Sau mỗi lần rút giảm, không khí lại được khóa kín thêm một lần; cho đến vòng cuối cùng, toàn bộ thế giới cho phép sự thở đã thu hẹp lại tối đa chỉ còn một vòng mũ ôm quanh đầu cùng balo sau lưng. Đó là những bộ đồ đem lại cảm giác thoải mái cho người mặc hơn bất cứ một phục trang nào, được may với độ chính xác cao gồm tổng cộng 21 lớp xếp chồng, không cho phép xuất hiện bất kì một nếp nhăn dù lớp bên ngoài luôn phải đảm bảo rộng hơn so với lớp bên trong. Mỗi lớp vải lại được lót bằng các ống dẫn nước có chức năng làm mát da, bởi khi tiếp xúc quá gần với luồng ánh sáng mặt trời trong khi việc trao đổi khí với khí quyển bên ngoài là bất khả, con người phải đối mặt với nguy cơ bị thiêu đốt. Nhưng bộ đồ ấy đồng thời cũng có chức năng. Có thể nói, đó là những bộ đồ dành cho những người đàn ông, được làm từ bàn tay của những người phụ nữ. Tất cả những phi công thử nghiệm của NASA khi đó đều là đàn ông.

Dẫu không nhiều, nhưng đã có một số ý kiến chất vấn lại điều này. Khi Kennedy tuyên bố “con người đã đặt chân lên mặt trăng”, điều đó không đồng nghĩa với một tuyên ngôn dành cho cả hai giới. Nói đúng hơn, phát biểu thực chất nghĩa là: người đàn ông đầu tiên đã đặt chân lên mặt trăng. Không những là nam giới, các phi hành gia khi ấy còn phải đảm bảo tiêu chuẩn có màu da trắng, trắng như màu của bộ trang phục phi hành gia vậy. Tuy nhiên, định kiến này sớm bị xóa bỏ. Nhà Trắng nhận thức được rằng sự xuất hiện của một phi hành gia da màu sẽ dễ dàng đưa lại cho họ một chiến thắng lớn, và chiến lược tuyển dụng sau đó của NASA đã được tiến hành theo định hướng này. Dù vậy, vấp phải sự phản đối của nhiều chính trị gia, phải đợi đến năm 1983, mới có phi hành gia Mĩ gốc Phi đầu tiên bay vào vũ trụ, cùng thời điểm với nữ phi hành gia Mĩ đầu tiên bay vào không gian trên tàu con thoi, đúng 20 năm 2 ngày sau khi Valentina Tereshkova[ii] cất cánh trên tàu Vostok 6.

Ra khỏi cửa hầm sinh tử, bước xuống thang, với vô số thiết bị đảm bảo cho sự sống quấn chằng chịt quanh mình, những người đàn ông từ LM đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng. Theo một cách họ chưa từng làm trước đó. Được bảo bọc, giữ cho khô ráo, thậm chí được quấn tã, họ được giữ vẹn nguyên trong cái thế giới từ đó họ đã sinh ra và rồi sẽ trở về. Họ không cảm nhận được nhiệt độ mặt trăng, thứ nhiệt độ họ đang cảm thấy chỉ là nhiệt độ thân thể mình. Họ không hít thở bầu khí quyển trên mặt trăng, không cả để lại nổi trên đó một bãi nước tiểu, thậm chí không thực sự chạm vào bề mặt nó; mang trên mình chiếc găng tay – một kì quan của sự khéo léo và tinh xảo tới mức đảm bảo được cho họ khả năng cảm nhận độ dày vật thể, nhưng một cảm giác xúc giác thực sự là hoàn toàn không thể có. Tất cả những âm thanh họ nghe được chỉ là tiếng nói của chính mình, cùng những thanh âm đưa lại từ sóng radio, vọng từ một nơi nào đó quá đỗi xa xăm.

Nhưng trong vài giờ, hay vài ngày, tùy theo nhiệm vụ được giao, họ đã cư trú ở nơi chốn đó. Trên đó, họ đã đi lại, đã nhảy lên thật cao để cảm nhận một cú sốc nhẹ nơi đầu gối khi hệ cơ bắp hấp thu vận động của toàn thân thể. Trên đó, họ cảm nhận thời gian trôi. Dù từ điểm nhìn ấy, mặt trời hầu như không dịch chuyển, nhưng thời gian được họ đong đếm bằng từng nhịp đập trái tim, bằng cả nguồn dự trữ sự sống đang dần cạn kiệt. Họ nhìn bề mặt của mặt trăng bị xuyên thủng thế nào khi cố công đào xới tìm nguồn nước, và bằng toàn bộ hệ cơ bắp của mình, họ cảm nhận được bề mặt ấy đang phải chịu những lực tác động nào. Họ ngắm nhìn những đường viền mềm mại, những khoảng cách khó đoán định, những đường chân trời gần ngay trước mắt mà bất khả viếng thăm. Có điều, họ không trông thấy nhau, hay nói đúng hơn, không nhìn thấy mặt nhau. Ánh mặt trời vàng ruộm chiếu lên khung kính của chiếc mũ bảo hiểm không phản chiếu bất cứ một đường nét nào trên gương mặt để những người đi cùng nhận diện. Khi nhìn nhau, tất cả những gì họ trông thấy trên tấm kính chắn là hình ảnh của mặt trăng. Hệt như khi chúng ta cố nhìn gương mặt họ qua những bức ảnh họ chụp cho nhau rồi mang về trái đất. Nhìn nhau, họ thấy những khung hình mà những người quan sát mặt trăng thường hay thấy. Họ thấy chính mình.


Phi hành gia Buzz Aldrin bước trên bề mặt mặt trăng. Người chụp bức ảnh này là chỉ huy trưởng của nhiệm vụ Apollo 11 Neil Amstrong. 

Họ chỉ trải nghiệm mặt trăng bằng toàn bộ da thịt sau khi đã quay về LM, mang theo bụi và mạt đá trên những bộ đồ. Họ ngửi thấy mùi hăng nồng như mùi thuốc súng lan tỏa trong bầu không khí nhỏ hẹp của LM khi mũ bảo hiểm bật mở. Cảm giác điện từ bị xóa bỏ hoàn toàn khi ở trong môi trường chân không dần xuất hiện trở lại.

Thứ vật chất đẹp đẽ trên bề mặt mặt trăng vụt trở thành bụi khi bám phủ lên những nội thất trong khoang tàu. Đây cũng chính là cách nhà nhân học Mary Douglas định nghĩa từ “ô nhiễm”: ô nhiễm, đó là những vật chất được đặt không đúng chỗ. Trong trường hợp này, đó là những vật chất thuộc nơi chốn phi-thế giới vừa bị đưa vào thế giới mới.

Trong LM, trước khi bước chân vào làn bụi mịt mờ, Buzz Aldrin đã cử hành một buổi lễ ban thánh thể, lấy bánh mì và rượu vang làm thức đồ dâng cúng trên một hành tinh khác. “Ta là rượu,” anh nói, “Các người là những nhánh cây. Bất cứ ai trung thành với ta, ta sẽ ban cho nhiều hoa thơm trái ngọt. Thiếu ta người không thể làm nổi bất cứ điều gì.” Đó không chỉ là bí tích duy nhất về mặt trăng. Trong cuốn Những hành tinh (The Planets, 2005), Dava Sobel kể lại câu chuyện về cô bạn Carolyn của mình, khi được cậu bạn trai trong ngành nghiên cứu khoa học hành tinh tặng một nhúm bụi mặt trăng, như có một lực cám dỗ bên trong thúc đẩy, cô đã ăn hết nó.

Dù không chủ đích, nhưng tất cả các phi hành gia tàu Apollo đều đã tiêu hóa chính thứ bụi mặt trăng ấy. Trong chiếc LM đầy bụi, những hạt vi bụi thẩm thấu qua phế nang phổi, ngấm qua thành ruột rồi đi vào máu, xâm nhập vào từng mô tế bào. Họ đưa mặt trăng về nhà bằng cách hợp nhất nó với thân thể mình. Họ đưa chính mình về nhà trong sự thay da đổi thịt.

Thái Hà lược dịch
Theo Mặt trăng: Một Lịch sử dành cho Tương lai (The Moon: A History for the Future) của Oliver Morton, Econimist Books & PublicAffairs xuất bản, tháng 6, 2019.   
Nguồn ảnh trong bài: Kho lưu trữ của NASA

 


Bản dịch này đã có sự thay đổi so với bản đăng trên báo giấy ra ngày 20/7/2019. 

[i] Silo là một dạng kết cấu bằng thép, bê tông hoặc vật liệu tổng hợp. Thông thường silo có dạng hình chữ nhật hay hình tròn thường được sử dụng để bảo quản nguyên vật liệu dạng sá (dạng hạt rời) như xi măng, lúa, ngô ,…

[ii] Valentina Tereshkova tên đầy đủ là Valentina Vladimirovna Tereshkova là một nhà du hành vũ trụ Liên Xô và là nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên trong lịch sử thám hiểm vũ trụ của loài người, trong chuyến bay Chayka trên tàu Vostok 6 vào ngày 16 tháng 6 năm 1963.

Tác giả