GS. Phan Hữu Dật: Đường đến với dân tộc học

LTS: GS Phan Hữu Dật (1928-2019) [1] là nhà dân tộc học đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám được đào tạo bài bản ở Liên Xô cũ, đã qua đời ngày 18/4/2019. Bài viết dưới đây của học trò là PGS.TS Nguyễn Văn Chính và TS. Đinh Thị Thanh Huyền (Khoa Nhân học, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) sẽ cung cấp thêm một góc nhìn để giúp hiểu rõ hơn nền tảng văn hóa đã tạo nên nhân cách và sự nghiệp của một nhà khoa học mà tên tuổi gắn liền với sự hình thành và phát triển của nền dân tộc học cách mạng ở Việt Nam.


GS Phan Hữu Dật (1928-2019). Ảnh: Thành Long

Ra đi từ bến sông Bồ

Trong hầu hết các câu chuyện GS Phan Hữu Dật nói với chúng tôi về cuộc đời mình, ông thường bắt đầu từ một ngôi làng nhỏ nơi ông sinh ra, có tên gọi Thiên Lương, bên bến sông Bồ, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Có lẽ những năm tháng ấu thơ bên dòng sông Bồ và những cuộc tiếp xúc ban đầu với các nhóm thiểu số qua những phiên chợ làng nơi quê hương đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc đầu đời về các tộc người ở quê ông như Vân Kiều và Tà Ôi. Đây cũng có thể là lý do tại sao ông chọn “Các tộc người nói tiếng Mon-Khmer ở miền Bắc Việt Nam”, làm đề tài nghiên cứu viết luận án phó tiến sỹ của mình, trong đó ông chỉ tập trung vào các nhóm Vân Kiều, Trì, Măng Coong. Ông kể, có lần trong một kỳ thi tốt nghiệp hồi còn học ở trường làng, thầy giáo ra câu hỏi: “Theo em, loại người nào có ích nhất?”. Ông đã đáp lại không do dự: “Thưa thầy, là người Mọi ạ”2. Ông bảo không hiểu sao lúc ấy lại trả lời như vậy, nhưng giải thích thêm: Có lẽ vì rất ấn tượng với những người “Mọi” do nhiều lần được tiếp xúc với họ khi thồ hàng về bán ở chợ làng. 

Học xong diplome năm 1946, ông rời làng và vào làm việc cho Sở Tuyên truyền Trung Bộ và Ty Thông tin Tuyên truyền Quảng trị trên chiến khu Ba Lòng. Tại đây, ông lại được cùng ăn, ở, làm việc và trải nghiệm cuộc sống hằng ngày với người dân Vân Kiều, được họ che chở và chỉ dẫn kinh nghiệm sống. Ông kể: “Ở Ba Lòng hồi ấy voi rừng hoành hành dữ lắm. Nếu trong đàn có một hai con bị bắt thì cả đàn voi sẽ tức giận, kéo vào làng phá nát mọi thứ. Tôi còn nhớ vào một đêm trăng sáng, dân làng kéo tôi chạy lên núi cao tránh voi về làng. Ngồi trên núi cao nhìn xuống, tôi thấy cả một đàn voi hàng chục con tràn vào làng, phá nhà, đạp nát cây cối, hoa màu, dùng vòi hút nước phun lên trời, đập phá cho đến khi chán mới bỏ đi…”3

Những ký ức đó là hành trang không thể thiếu nâng bước ông đi qua những năm tháng gian khó của cuộc kháng chiến 9 năm và cả khi đã đứng trên vị thế của một người dẫn dắt nhiều thế hệ học trò đi vào khám phá những đặc trưng văn hóa các tộc người ở Việt Nam.  

Tiếp thu trường phái dân tộc học Nga Xô-viết

Từ chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị), ông đã đến với nghề dạy học, và đến nước Nga Xô-viết, bước lên giảng đường Đại học Lomonosov danh tiếng. Ông tốt nghiệp đại học loại xuất sắc năm 1959 tại bộ môn dân tộc học thuộc Khoa Sử và được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh – trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên nhận bằng phó tiến sỹ (Кандидат наук) chuyên ngành dân tộc học vào năm 1963. 

Dân tộc học là ngành có truyền thống lâu đời ở nước Nga. Bộ môn Địa lý-Dân tộc học ở ĐH Lomonosov được lập ra ngay từ cuối thế kỷ 19. Dân tộc học Xô viết thực ra đã được khởi nguồn từ các nghiên cứu của nhà khoa học Nga Nicholas Miklouho-Maclay (1846–1888), người đã dành phần lớn đời mình thực hiện các cuộc điền dã ở Trung Đông, Úc châu, New Guinea, Melanesia, Polynesia và Seberia. Từ sau Cách mạng tháng Mười 1917 thì ngành này càng có vị trí quan trọng, trở thành một trường phái riêng, thường được gọi là dân tộc học Xô viết, gắn với những tên tuổi nổi tiếng như các Viện sỹ S.P. Tolxtop, N.N. Cheboksarov, S.A. Tocarev. Những năm GS Phan Hữu Dật học tại đây là thời kỳ hoàng kim của dân tộc học Xô viết (1950 – 1970). Trong thời kỳ này, các nhà dân tộc học thuộc Viện Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và Bộ môn Dân tộc học thuộc Đại học Lomonosov đã hợp tác công bố những công trình khoa học đồ sộ như “Các dân tộc trên thế giới” và “Dân tộc học thế giới”. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng khoa học của ông sau này. 

Ông chịu ảnh hưởng lớn từ các nghiên cứu của Cosven về văn hóa và xã hội nguyên thủy, nghiên cứu của Treboksarov về các chủng tộc và các khu vực lịch sử-dân tộc học, của Tocarev về các dân tộc ở nước Nga, và đặc biệt là học thuyết hình thái kinh tế-xã hội về những quy luật phát triển của xã hội loài người. Tuy nhiên, hai tác giả được ông đọc và vận dụng vào luận án nhiều nhất là Zolotarev với nghiên cứu về một thiết chế xã hội “thị tộc ngoại hôn”, và Cosven với nghiên cứu “tục trở về”. Ông cho biết: “Tôi đã vận dụng cách tiếp cận của Cosven trong “Tục trở về” để nghiên cứu tục lại mặt trong đám cưới của các dân tộc ở Việt Nam”.  Ngoài ra, ông cũng đọc rất kỹ những nghiên cứu của Tocarev về các dân tộc ở nước Nga. Duyên cớ là vào năm 1959, khi ông là một sinh viên đã tốt nghiệp xuất sắc tại bộ môn dân tộc học tại Đại học Lomonosov, GS Tocarev đã mang tặng ông bộ sách đồ sộ của mình về các dân tộc ở nước Nga, và sau này ông đã mang về tặng lại cho Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. 


Việc xác định thành phần dân tộc Việt Nam hiện nay chịu ảnh hưởng bởi khái niệm và các tiêu chí này của dân tộc học xô viết. Ảnh: Đoàn diễu hành của đại diện các dân tộc thiểu số. Tạp chí Tuyên giáo.

Tham gia đắp móng xây nền dân tộc học mới

Nhìn lại những công trình khoa học mà GS Phan Hữu Dật đã công bố, có thể nhận thấy nghiên cứu của ông có xu hướng tập trung vào ba vấn đề chính: (1) Các tập tục và dấu vết cổ sơ của các nguyên tắc trong hôn nhân và gia đình của các dân tộc; (2) Quá trình tộc người và các quan hệ dân tộc ở Việt Nam; (3) Chính sách dân tộc ở Việt Nam và tính Đảng trong dân tộc học. 

Trong số các công trình khoa học ấy, chúng tôi đặc biệt đánh giá cao vai trò quan trọng của giáo trình “Cơ sở Dân tộc tộc học”, xuất bản lần đầu năm 1973. Cuốn sách không phải là một khám phá mới của dân tộc học, nhưng là một tài liệu có ảnh hưởng sâu rộng ở hầu hết các cơ sở đào tạo nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, nó đã đứng vững trong chương trình giảng dạy chuyên ngành suốt ba thập kỷ.

Cần phải đặt Giáo trình Cơ sở Dân tộc học vào trong bối cảnh những năm đầu 1960 mới có thể hiểu được vị trí của nó. Năm 1964 GS Phan Hữu Dật về nước và làm việc tại Bộ môn Dân tộc học, khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp trong bối cảnh dân tộc học non trẻ của Việt Nam vẫn đang mày mò những bước đi đầu tiên. Bộ môn Dân tộc học vừa mới thành lập do GS Vương Hoàng Tuyên làm chủ nhiệm. Tài liệu về lý thuyết dân tộc học được dịch ra tiếng Việt và xuất bản chủ yếu xoay quanh khái niệm “dân tộc học là gì?”. GS Trần Văn Giàu mời các chuyên gia dân tộc học Xô-viết sang hướng dẫn các giảng viên trẻ phương pháp nghiên cứu dân tộc học. Trong đó giáo sư E.P. Buxưghin trực tiếp đứng lớp giảng dạy và viết giáo trình Dân tộc học đại cương (1961)4. Cuốn giáo trình dân tộc học đầu tiên này còn hạn chế vì mới chỉ tập trung vào những vấn đề dân tộc trên thế giới mà ít liên hệ các vấn đề học thuật với bối cảnh xã hội Việt Nam. Trong bối cảnh nguồn tài liệu đọc hạn hẹp ấy, GS Phan Hữu Dật đã bắt tay vào viết cuốn giáo trình dân tộc học mới nhằm liên hệ chặt chẽ hơn với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đây là cuốn giáo trình dân tộc học đầu tiên do một người Việt Nam biên soạn, và nó đã đem lại cho sinh viên các ngành sử học và dân tộc học những kiến thức mang tính cơ sở để đi vào thế giới văn hóa tộc người và chính sách dân tộc của nhà nước. 

Ưu điểm nổi trội của Cơ sở Dân tộc học là nó thừa kế được những thành tựu cơ bản của dân tộc học Nga Xô-viết và đề xuất những ngụ ý thực tiễn cho đường lối chính sách dân tộc ở Việt Nam. Giáo trình này lần đầu tiên tóm tắt và đánh giá các trường phái lý thuyết của dân tộc học thế giới theo tinh thần phê phán khoa học. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng của trường phái dân tộc học Xô-viết, giáo trình cơ sở dân tộc học đại cương chủ yếu nhấn mạnh vào các vấn đề văn hóa và xã hội nguyên thủy, vấn đề chủng tộc và ngôn ngữ trên thế giới trong khi các vấn đề tộc người, ngôn ngữ và quốc gia dân tộc ở Việt Nam mới chỉ được đề cập một cách sơ lược. Mặt khác, tác giả có xu hướng phân biệt hai nền dân tộc học tư sản và cách mạng, trong đó chỉ có dân tộc học cách mạng là đúng đắn và khoa học, đối lập với dân tộc học tư sản duy tâm và phản động. Mặc dù còn có những khiếm khuyết đó, giáo trình Cơ sở Dân tộc học cho đến nay vẫn được xem là cuốn sách công phu và mang tính nền tảng. Những giáo trình dân tộc học được biên soạn sau này về cơ bản vẫn dựa vào cơ cấu các đơn vị tri thức mà Cơ sở Dân tộc học tạo ra, có khác chăng chỉ là ở chỗ đơn giản hóa các nội dung học thuật để phù hợp với chương trình của một môn học cơ sở mà thôi.        

Trong một lần trò chuyện thân mật, chúng tôi đã hỏi ông điều quan trọng nhất mà ông học được từ dân tộc học Xô-viết là gì. Không chút đắn đo, ông trả lời: “Đó chính là sự kiên định học thuyết Mác-Lê nin, kiên định quan điểm về các hình thái kinh tế xã hội, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tôn trọng quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc.” 

Trong suốt cuộc đời 60 năm làm nghiên cứu, đào tạo và quản lý khoa học, ông luôn thể hiện tinh thần của một người lính đang canh giữ cho ngôi đền ý thức hệ và xem đây là những điều then chốt nhất của khoa học dân tộc học. Ông đã đem tinh thần ấy vào trong giảng đường, hướng dẫn sinh viên và nghiên cứu sinh ở nhiều bậc học làm nghiên cứu khoa học. Trong khoảng hơn 10 năm được Bộ Giáo dục giao cho trách nhiệm làm trưởng ban đào tạo nhằm chuẩn bị cho nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài, ông tập trung cho họ nghiên cứu kỹ ba tài liệu mà ông đã soạn: (1) Ăng-ghen và dân tộc học ( Đã in trong Nghiên cứu Lịch sử, số 140 (1971); (2) Các nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc của Đảng (đã in trong Dân tộc học số 4 (1988); (3) Về chức năng nhiệm vụ của dân tộc học ở nước ta (Đã in trong Thông báo Dân tộc học, số 2/1973). Khi hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận văn, luận án khoa học, điều ông quan tâm đầu tiên là xem xét liệu họ có đọc, vận dụng và trích dẫn các tài liệu kinh điển của chủ nghĩa Mác Lê-nin hay không, có đề xuất kiến nghị gì với Đảng và Nhà nước hay không. Nếu chưa có hai điều ấy, ông đều yêu cầu họ làm lại hoặc bổ sung.    

Ông kiên định lập luận rằng dân tộc học có chức năng “nghiên cứu các dân tộc để thay đổi nó”. Vậy nên khoa học này nếu nằm trong tay giai cấp tư sản thì “đều cực kỳ duy tâm và phản động”, vì “mục đích của nó là phục vụ cho giai cấp thống trị và phương pháp luận của nó là dựa trên cơ sở chủ nghĩa duy tâm”, còn các lý thuyết khoa học của dân tộc học tư sản nảy sinh sau khi chủ nghĩa thực dân cũ kết thúc thì không thể chấp nhận được vì “chúng gắn liền với chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” (Phan Hữu Dật, 1973:1). Trong khi thể hiện thái độ dứt khoát phải đoạn tuyệt với lý luận dân tộc học phương Tây nặng mùi thực dân – tư sản, các nhà dân tộc học có ảnh hưởng của Việt Nam cũng xác định nhiệm vụ của dân tộc học mac-xít là phải tích cực phục vụ chính trị, phục vụ chính sách dân tộc của Đảng, góp phần đấu tranh chống lại nền dân tộc học thực dân trước đây và tư sản hiện nay (Phan Hữu Dật 1973:3).5

        ***

Cách đây vài năm, trong một lần trò chuyện với chúng tôi khi thầy vẫn đang trên giường bệnh, ông đã thổ lộ một tâm nguyện gan ruột, đó là mong muốn được sống thêm 30 tháng nữa để hoàn thành bộ ba chuyên khảo khoa học. Ở tuổi U90, ông đã viết và cho xuất bản hai cuốn (Dân tộc học và Nhân học ở Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2015; và Mấy tiếp cận về văn hóa Việt Nam, NXB Tri thức, Hà Nội, 2016). Cuốn sách thứ ba, “Tục trở về”, một ấp ủ khoa học cả đời, và là một mong muốn tiếp nối nghiên cứu tiến sỹ còn dang dở do công tác quản lý lấy đi hết thời gian. Cầm trên tay bản thảo chưa hoàn thành, chúng tôi hiểu được nỗi buồn tâm nguyện chưa trọn của thầy. 

Vài tháng trước khi từ biệt thế giới này, ông đã gửi tới các nhà  dân tộc học trẻ Việt Nam những lời tâm huyết: “Đi vào dân tộc học và nhân học phải là người có tâm huyết, có khát vọng. Không có một khoa học nào đòi hỏi nhiều kiến thức như khoa học này. Biết càng nhiều càng tốt, không bao giờ thừa. Còn ai nhát thì thôi, đừng có vào ngành này.” Tinh thần dấn thân cho khoa học ấy đã được ông viết trong bài thơ Bài ca dân tộc học (in trong Một Nhành Mai, TP Hồ Chí Minh 1996):

Ba lô lên vai

Chiếc gậy cầm tay

Lên đường điền dã!

Nào anh em ơi

Ta lên Tây Bắc

Ta vào Tây Nguyên

Đồng bào dân tộc 

Gọi ta trăm miền…” 

GS Phan Hữu Dật thuộc thế hệ những người đặt nền móng cho dân tộc học Việt Nam hiện đại và có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ nhà nghiên cứu dân tộc học kể từ năm 1963 tới hiện nay. Ông vẫn tham gia giảng dạy sinh viên, nghiên cứu sinh cho tới tận trước khi mất một thời gian. Ngoài ra, ông đã đóng góp thư viện sách của mình cho Khoa Nhân học và bỏ tiền tạo lập Quỹ Phan Hữu Dật để trao thưởng khuyến khích những sinh viên có nỗ lực trong học tập và nghiên cứu khoa học.
Dưới đây là một số giáo trình, chuyên khảo và tuyển tập do GS Phan Hữu Dật là tác giả hoặc chủ biên:
-Cơ sở Dân tộc học, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1973.
– Văn hóa – Lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á (chủ biên). NXB Văn hoá Dân tộc, 1992.
– Lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam (viết chung). NXB Văn hoá Dân tộc, 1993
– Phương sách dùng người của ông cha ta trong lịch sử(chủ biên) NXB Chính trị Quốc gia, 1994
– Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam (tuyển tập), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1998.
– Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quân đến mối quan hệ dân tộc hiện nay. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
– Góp phần nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam,(tuyển tập). NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004.
– Dân tộc học và Nhân học ở Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2015
– Mấy tiếp cận về văn hóa Việt Nam, NXB Tri thức, Hà Nội, 2016.

——

Chú thích: 

1GS Phan Hữu Dật, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam.
2Theo GS Phan Hữu Dật, “Mọi” là tên gọi thông dụng ở địa phương để chỉ người thiểu số, và hồi đó nó chưa có ý nghĩa miệt thị như sau này.
3Trong bài viết này, những trích đoạn để trong ngoặc kép “…” là nguyên văn trả lời phỏng vấn của GS Phan Hữu Dật, được rã băng và ông đã đọc duyệt văn bản.
4Nguyễn Văn Chính, (2007). Một thế kỷ dân tộc học Việt Nam, và những thách thức trên con đường đổi mới và hội nhập. Văn hoá Dân gian, Số 5(113), tr. 47-67.
Phan Hữu Dật (1973). Bàn thêm về nhiệm vụ và chức năng của dân tộc học ở nước ta, Thông báo Dân tộc học số 2 (1973).

Tác giả