Gần 1/3 dân số thế giới thừa cân và béo phì

Theo một nghiên cứu bao quát và có căn cứ nhất về tình trạng thừa cân và béo phì toàn cầu trên tạp chí New England journal of medicine mới đây, gần 1/3 dân số thế giới đang gặp các vấn đề về sức khỏe do thừa cân và béo phì. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong hai nước có tỷ lệ béo phì thấp nhất, mới chỉ ở mức 1% dân số.

Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm chuyên gia gồm 2.300 người do Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) tại ĐH Washington, Seattle, đứng đầu, và sử dụng số liệu của 195 nước thu thập trong khoảng từ năm 1980 đến năm 2015.

TS. Ashkan Afshin (IHME), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, tình trạng thừa cân và béo phì đang ảnh hưởng đến sức khỏe của gần 1/3 dân số thế giới, tức hơn 2 tỷ người. Điều này dẫn đến “một cuộc khủng hoảng y tế công cộng ngày quy mô và đáng lo ngại” trên toàn cầu, như nghiên cứu mô tả.

Năm 2015, gần bốn triệu người tử vong vì những căn bệnh liên quan đến cân nặng, phổ biến nhất do bệnh tim. Nhưng trong số đó, chỉ có 60% người được tính là béo phì, tức những người có chỉ số BMI (body mass index) trên 30; 40% còn lại, tương đương 1,6 triệu người, bị thừa cân (tức những người có BMI từ 25 đến 29) nhưng chưa đến mức béo phì.

Được tính dựa trên tỷ lệ giữa cân nặng và chiều cao, BMI không phải lúc nào cũng cho đánh giá chính xác đối với từng cá nhân (do không tính đến tương quan giữa cơ và mỡ), nhưng nó vẫn cho đánh giá chính xác về nguy cơ của cộng đồng dân cư.

Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho biết có quá nhiều người vẫn tin mình sẽ ổn trừ khi họ đã rõ ràng là béo phì. Azeem Majeed (trường Đại học Hoàng gia London), một trong số các tác giả của nghiên cứu, cho biết, “nguy cơ tử vong và mắc bệnh tăng lên theo cân nặng. Người thừa cân cũng có nguy cơ tử vong và mắc bệnh cao [vượt qua cả người béo phì]. Người ta thường cho rằng rất béo mới thực sự nguy hiểm. Nhưng một khi chạm tới chỉ số BMI 25, nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, bệnh tim, ung thư của bạn tất cả đều bắt đầu tăng lên.”

Nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng thừa cân hay béo phì liên quan đến các bệnh ung thư thực quản, đại tràng, trực tràng, gan, túi mật, ống mật, tuyến tụy, vú, thận, tử cung, tuyến giáp, bệnh bạch cầu, bên cạnh bệnh tim và đột quỵ. Nó cũng lưu ý rằng, cân nặng là yếu tố quan trọng dẫn đến khả năng khuyết tật vận động bởi các rối loạn cơ xương.

Số người béo phì đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 1980 ở hơn 70 nước và tăng lên đều đặn ở nhiều nước khác. Mặc dù tỷ lệ béo phì ở trẻ em thấp hơn nhiều so với người trưởng thành nhưng ở nhiều nước, tỷ lệ trẻ béo phì lại có xu hướng tăng nhanh hơn so với người trưởng thành.

Trong số 20 nước đông dân nhất trong cuộc khảo sát này, Mỹ là nước có tỷ lệ trẻ em và thanh niên béo phì cao nhất, gần 13%. Ai Cập là nước có tỷ lệ người trưởng thành béo phì cao nhất, 35%. Trung Quốc và Ấn Độ có số trẻ em béo phì đông nhất, lần lượt là 15,3 triệu người và 14,4 triệu người. Trong khi đó, Việt Nam và Bangladesh có tỷ lệ béo phì thấp nhất – chỉ tương đương 1% dân số.

Hiện IHME đang trao đổi dữ liệu với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) để tìm hiểu nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thừa cân và béo phì.   

Anh Vũ lược dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/society/2017/jun/12/being-overweight-not-just-obese-kills-millions-a-year-say-experts

Tác giả