Kỷ nguyên “Internet of things” và sự cáo chung của KHXH&NV?

Chúng ta đang trong một thế giới hỗn loạn. Cách mạng kỹ thuật, công nghệ diễn ra nhanh trong hai thập kỷ qua đã đảo lộn cách thức con người sống, tư duy, làm việc: từ liên lạc, thảo luận chính trị, họp Quốc hội, ra chính sách, cho đến cách tổ chức biểu tình; thay đổi từ cách vận hành trật tự thế giới cho đến cách thức bán bưởi Diễn. Chúng đặt ra thách thức mới ở tất cả mọi phương diện, sâu rộng đến mức đã đến lúc con người phải tái định nghĩa lại và tái tổ chức lại xã hội của mình, trong đó có số phận của giáo dục, khoa học, và sự lan truyền tri thức. Theo cách mô tả của GS. Schwab, người sáng lập Diễn đàn kinh tế Davos thì đó là kỷ nguyên “internet of things”, internet của mọi thứ, kết nối mọi thứ từ các hệ thống thật và ảo, cho đến cuộc cách mạng vật chất-công nghệ-sinh học chưa từng có. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là bắt đầu!


Alpha Go, chương trình máy tính chơi cờ đã thắng rất nhiều kỳ thủ cờ vây, trong đó có Lee Sedol, người từng 18 lần vô địch thế giới. Ảnh: MIT Review. 


Dù là fan của công nghệ, tín đồ của các mẫu Iphone mới nhất hay là một người bảo thủ thì đối với chúng ta, cuộc cách mạng công nghệ này là không thể đảo ngược. Nó sẽ thống trị cách thức con người vận hành xã hội, tổ chức hệ thống giáo dục đào tạo thế hệ tương lai, nghiên cứu khoa học, và sáng tạo tri thức. Và trong lĩnh vực này thì đây là lúc tất cả mọi người nói đến trí tuệ nhân tạo-AI, dữ liệu lớn-big data, và “cách mạng 4.0”. Họ hy vọng các phần mềm, ứng dụng và hệ thống máy tính sẽ giải phóng con người, giúp vận hành thế giới tốt hơn, thuật toán sẽ giúp con người ra các quyết định chính xác hơn. 
Những người lạc quan cho đây là cơ hội quý giá để mang lại sự thịnh vượng cho nhân loại. “Đừng lo, công nghệ sẽ giải quyết tất cả các vấn đề của bạn. Tất cả những gì bạn cần làm là sở hữu ngay chiếc điện thoại Samsung mới nhất”. Mark Zuckerberg tuyên bố rằng Facebook sẽ tạo ra một cộng đồng toàn cầu, và bằng cách kết nối này, nhân loại sẽ được sống trong hòa bình, thông tin được chia sẻ, tài nguyên được tái phân phối, dân chủ sẽ thắng thế, và con người sẽ mở lòng với nhau. Tuy nhiên, bức tranh ‘thế giới đại đồng’ có vẻ không hoàn hảo như Zuckerberg dự báo.
Trước khi nói về lợi và hại, hãy xem xu thế này đang làm gì đối với xã hội của chúng ta. 

Hướng tới một nền giáo dục “độc canh”?

Cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra hối thúc các xã hội chạy theo giáo dục STEM (Science/ khoa học, technology/công nghệ, engineering/kỹ thuật, và mathematics/toán). Hệ quả của nó là một số người coi nhẹ, thậm chí là bỏ qua ngôn ngữ, văn hóa, triết học, mỹ học… Không cần học ngoại ngữ, đã có Google translate và các thiết bị dịch cầm tay. Việc luyện viết chữ trở thành một kỹ năng ‘thừa’ vì ngày nay đâu cần viết tay! Quá nhiều thứ để xem và nghe, không có thời gian cho đọc sách. Tri thức và kỹ năng học khoa học xã hội: chẳng ai cần chúng nữa vì thế giới này đang trở nên thực dụng, được vận hành bởi công nghệ. Công nghệ này yêu cầu kỹ năng IT, toán học, khả năng lập trình, thiết kế đồ họa… chứ không phải ngôn ngữ, văn chương, thi ca, các phân tích khoa học xã hội, hay những bàn tay tài hoa.
Theo xu thế này, thời của các nhà nhân học, xã hội học đã hết. Việc đến từng nhà phỏng vấn, hay điều tra, phát phiếu thăm dò trở nên lỗi thời bởi vì các công ty công nghệ và chính phủ đã có đủ dữ liệu và có khả năng phân tích chúng. Dự án mới nhất của chính quyền Bắc Kinh cho phép dùng camera an ninh nhận diện khuôn mặt ‘đánh dấu’ và chấm điểm từng cá nhân trong số 1,5 tỉ người Trung Quốc. Bằng cách đó, giám sát từng người, ở bất cứ đâu, từ việc ngồi quán café nào cho đến mua bao thuốc lá hiệu gì ở cửa hàng tạp hóa. 

Nhân loại cũng không cần đến các sử gia và việc học sử nữa, vì người ta nghĩ rằng lịch sử đơn giản là ghi nhớ các sự kiện, và chúng có thể được tìm kiếm trên internet bất cứ lúc nào. Kế tiếp trong danh sách này có lẽ là các nhà kinh tế. Những người này đã gây ra quá nhiều quyết định ‘sai lầm’ trong lịch sử, tạo ra nhiều cuộc khủng hoảng vì ‘không có đủ dữ liệu’. Giờ đây big data sẽ làm thay vai trò của họ, tính toán và đưa ra các giải pháp từ vi mô đến vĩ mô. 
Xu thế này có những biểu hiện rõ ràng. 
Khoa học xã hội đang “đi xuống” ở khắp mọi nơi, dù nước phát triển hay đang phát triển. Ở bất cứ quốc gia nào, nếu phải cắt giảm ngân sách đầu tư cho khoa học thì ‘nạn nhân’ đầu tiên hiện ra trong đầu các chính trị gia là giới khoa học xã hội và nhân văn. Với các nhà kỹ trị công nghệ số thì “lịch sử”, “địa lý”, “triết học”, “nghệ thuật” đã là ngôn từ của quá khứ. Đây là lúc để chào đón những từ khóa ‘con cưng’ của thời đại mới: 4.0, big data, AI, STEM, cách mạng công nghiệp lần thứ tư…  
Năm 2015, College of Asia and the Pacific – trường nghiên cứu về châu Á và Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Australia (ANU, Canberra) đã cắt giảm ½ nhân sự của Khoa Văn hóa, Lịch sử và Ngôn ngữ vì khoản lỗ 1,5 triệu dollar do không có ai theo học. Từ 2011 đến 2014, sinh viên đăng ký vào khoa giảm từ 42% xuống còn 28% so với số đăng ký vào trường châu Á – Thái Bình Dương. Năm đó, khoa cung cấp 167 khóa học, nhưng chỉ có 434 sinh viên. Hơn 120 khóa có số sinh viên thấp hơn 20 người. 
Nhớ rằng, College of Asia and the Pacific là một trong những trường danh tiếng nhất trên thế giới về nghiên cứu châu Á, và là niềm tự hào trong nhiều thập kỷ của ANU và hệ thống đại học của Australia. Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu của một làn sóng toàn cầu. Làn sóng công nghệ này đang tạo ra một nền giáo dục “độc canh” vì nó đánh giá các ngành xã hội nhân văn bằng thước đo kỹ nghệ và lợi nhuận. Nó yêu cầu lịch sử, triết học, mỹ học, văn hóa học… cũng phải làm ra lợi nhuận trực tiếp và bán sản phẩm cho người dùng giống như khoa các ngành công nghệ. Nếu không, hãy giải tán đi thôi!


College of Asia and the Pacific – trường nghiên cứu về châu Á và Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Australia đã phải cắt giảm ½ nhân sự của Khoa Văn hóa, Lịch sử và Ngôn ngữ. Ảnh: Sinh viên College of Asia and Pacific trong chương trình nghiên cứu văn hóa tại Myanmar. Nguồn: http://www.anu.edu.au.

“Quá nhiều toán học, quá ít lịch sử”

Nhân loại đang lạc lối? hoặc ít nhất là chạy theo các chỉ số tăng trưởng thực dụng mà chưa thấy hết hệ quả lâu dài của các quyết định chính sách mà họ đang mải miết theo đuổi. 

Đặc trưng của con người là tính xã hội. Tuy nhiên, tương tác xã hội đang nhường chỗ cho giao tiếp với máy móc và con người đang trao vận mệnh của mình cho máy tính. Các ngân hàng và thị trường chứng khoán hoạt động dựa trên thuật toán, và các quyết định kinh tế của chính phủ cũng thế. Điều đó không có nghĩa là xấu. Nhiều lĩnh vực, các máy tính không bị ngủ gật và không bao giờ quên, có thể nhanh chóng đưa ra giải pháp tối ưu. Chúng ưu thế hơn con người trong việc xử lí các vấn đề kỹ thuật. Điều này là không thể tranh luận. 
Tuy nhiên, khi đối mặt với nhân tố xã hội phi-kỹ thuật như địa chính trị, tư tưởng, truyền thống, tôn giáo, các làn sóng văn hóa, hệ thống tổ chức nhà nước, quan hệ quyền lực, khả năng thích ứng của con người, xung đột xã hội, thực hành tín ngưỡng… thì đó là câu chuyện khác (Schwab 2016: 44-47).
Sự phức tạp, đan xen, nhiều khi là tập hợp của các mảng đối lập, phi kỹ thuật này chắc chắn không phải là địa hạt lí tưởng cho các thuật toán vì các mảng này gắn liền với đặc trưng riêng có của con người và hành vi xã hội loài người, trong địa hạt của cảm xúc, tham vọng, niềm tin, sự sùng kính, xả thân, ngưỡng vọng, tâm lí, quan hệ mạng lưới… Đây chắc chắn là nơi để khoa học xã hội và nhân văn lên tiếng. Các máy tính sẽ chỉ sử dụng trí thông minh của mình để hiểu được logic chứ không thể phân tích và đưa ra các quy luật phổ quát cũng như tập trung tìm hiểu con người như những cá thể riêng, độc nhất, hoạt động trong khung cảnh đặc thù. Những tri thức này vốn được tạo ra dựa vào tư duy phê phán, so sánh, lập luận, dựa trên ngôn ngữ, phân tích ngôn từ, quan sát sắc thái biểu đạt, đặt trong khuôn khổ của kinh nghiệm, thói quen, phong tục tập quán…

Phần lớn các tri thức này, được tạo ra bởi khoa học xã hội và nhân văn là dựa trên các yếu tố mà không phải lúc nào cũng có thể định lượng được để nhập vào các phần mềm. Tri thức này dựa trên ngôn ngữ, thông qua việc hiểu và diễn dịch ngôn ngữ trong khung cảnh lịch sử, văn hóa, tôn giáo… mà không thể thuần túy dùng các tiêu chí của khoa học tự nhiên hay kỹ thuật để đánh giá. Vì thế, việc biến các vấn đề đa dạng, phức tạp và nhiều màu sắc của thế giới loài người thành việc đơn thuần giải một bài toán có thể gây ra những rủi ro do không thể lường trước đối với tương lai của nhân loại. Đơn giản vì sự đa dạng của thế giới không thể và không bao giờ có thể được mô tả bằng một thuật toán. 

Đó là lí do cho “sức sống” của khoa học xã hội nhân văn. Mục tiêu của ngành không chỉ tìm kiếm các quy luật chung của sự vận hành thế giới mà còn phản ánh sự đa dạng, những ngã rẽ, khúc quanh, sự riêng biệt của mỗi cá nhân, mỗi xã hội vốn phức tạp và chứa đầy các mâu thuẫn mà không một mô hình, đồ thị, hay lí thuyết nào có thể bao quát. Nhà kinh tế Ha-Joon Chang đưa ra ví dụ về Singapore, một quốc gia được mô tả ‘tư bản tự do’, thịnh vượng, vận hành theo kinh tế thị trường. Tuy nhiên ở đó 90% đất đai thuộc sở hữu nhà nước, 85% nhà ở được cung cấp bởi chính phủ, và 24% GDP được tạo ra bởi các tập đoàn nhà nước. Bây giờ, theo bạn nó là “tư bản” hay “cộng sản”, hay…? 


Lễ hội chém lợn của làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh. Đây là một trong những lễ hội gây tranh cãi, tốn nhiều giấy mực của báo giới. Nguồn: Internet.

Tất cả sự đa dạng này của thế giới chỉ có thể được phản ánh bởi khoa học xã hội và nhân văn, nơi nó tìm kiếm ở con người và xã hội loài người các câu trả lời cho chính các vấn đề của nhân loại. Vì thế, điều chúng ta có thể làm không phải là dẹp bỏ các ngành xã hội nhân văn, hay nhìn nó như một món đồ cũ kỹ, bụi bặm, vô dụng, mà là tận dụng chính thành quả của công nghệ để thúc đẩy ngành này lên một bước mới nhằm gia tăng vai trò và tính ứng dụng. Tích hợp khoa học xã hội nhân văn vào các ngành kinh tế, kỹ thuật, tự nhiên đang bắt đầu trở thành một xu thế tại nhiều trường đại học phương Tây. Việc các kỹ sư thiết kế xe hơi hay kiến trúc sư đăng ký khóa học lịch sử triết học Trung Quốc hay những người học về thiết kế ở Singapore học về Nghiên cứu Đông Nam Á không còn là chuyện xa lạ. 
Bản thân AI và big data cũng cần tư duy của khoa học xã hội và nhân văn vì mục đích của các phần mềm hay siêu máy tính là nhằm giải quyết các vấn đề của con người và xã hội loài người. Vì thế, ngay cả trong thời đại công nghệ, con người cần được dạy suy nghĩ phản biện, kỹ năng thích ứng, hay khả năng phân tích các vấn đề kỹ thuật công nghệ trong khung cảnh xã hội và nhu cầu của con người, văn hóa, phong tục, tập quán, quan hệ chính trị, thói quen… Những kỹ năng này chính là thuộc lãnh địa của khoa học xã hội nhân văn. 
Dĩ nhiên, điều đó thúc đẩy những người làm khoa học xã hội nhân văn chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự thay đổi để có đủ kỹ năng và tri thức nhằm vận hành các công cụ mới mà công nghệ đem lại, chứ không chỉ ‘than vãn’ cho sự ‘chậm chân’, hay mất đi ảnh hưởng chính trị – xã hội của mình. Hơn ai, chính họ hiểu rõ sức mạnh của công nghệ và kỹ thuật. Từ lưỡi cày đến máy tính, trong hàng nghìn năm qua, chúng làm cho các nghề nghiệp đến rồi đi, các giai tầng thịnh rồi suy, các học thuyết ‘tung rồi hoành’, các đế chế tan rồi hợp… Nghề nghiệp và vai trò xã hội của họ cũng vậy. Vì thế, thay vì ‘khóc than’, hãy tìm kiếm một vai trò mới trong thế giới công nghệ số. 
Cuối cùng, câu chuyện về sự tương tác phức tạp giữa công nghệ, kỹ thuật với tri thức khoa học và biến đổi xã hội này không phải là một nỗ lực nhằm ‘cứu vớt’ tương lai của các ngành ngành khoa học xã hội và nhân văn. Cách mạng công nghệ, AI… là xu thế không thể đảo ngược, và không khó để chỉ ra lợi ích của khoa học công nghệ, internet, Facebook hay Google. Bài viết này hoàn toàn không có ý định khuyên độc giả thay Iphone X bằng Nokia 3310; từ bỏ MacBook Pro 2018 để quay về với máy chữ, lại càng không phải thuyết phục độc giả nộp hồ sơ học ngành Lịch sử hay văn hóa học. Nó đơn giản tìm kiếm một góc nhìn hài hòa và tỉnh táo hơn trong một thế giới đang quay cuồng với cuộc cạnh tranh các chỉ số tăng trưởng và các dòng điện thoại mới nhất, ở đó, bạn không chỉ cần một chiếc máy tính đời chót mà quan trọng hơn là sở hữu một tâm hồn có “cấu hình” mạnh, với bản sắc, bản lĩnh và các giá trị nhân văn. 
——–
Tham khảo

David Armitage and Jo Guldi. 2013. The history manifesto, Cambridge Univerity Press.
Emma Macdonald. 2015. Staff and budget cuts at esteemed ANU College of Asia and the Pacific, https://www.canberratimes.com.au/national/act/staff-and-budget-cuts-at-esteemed-anu-college-of-asia-and-the-pacific-20151102-gkojpp.html (accessed on January 4, 2019). 
Klaus Schwab. 2016. The Fourth Industrial Revolution. Geneva, Switzerland: World Economic Forum. 
Robert Skidelsky, Ha-Joon Chang, Steve Pisckhe, and Francesco Caselli. LSE debate, “Too much Maths, too little History: The problem of Economics”,  2015, https://www.youtube.com/watch?v=6rXBBqMmIP8  (accessed on December 15th, 2018). 
Thongchai Winichakul. 2018. Southeast Asian Studies in the Age of Disruption, STEM and Hyper-utilitarianism, speech at the 100th Conference Japan Society for Southeast Asian Studies (University of Tokyo: December 1-2, 2018).
Vu Duc Liem. 2018. Vietnam at the Crossroads of Area and Global Studies: Changing Landscape of Knowledge Production on Southeast Asia. speech at the 100th Conference Japan Society for Southeast Asian Studies (University of Tokyo: December 1-2, 2018).

Tác giả