Ngày càng ít tác giả lựa chọn bình duyệt ẩn danh

Theo những khảo sát trước đây, các tác giả thường thích được bình duyệt ẩn danh vì nghĩ rằng kết quả đánh giá sẽ công bằng hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của Tập đoàn xuất bản Nature (NPG) lại chỉ ra cứ 8 tác giả thì chỉ có 1 người lựa chọn phương án này, ngoài ra nghiên cứu còn cho thấy những bài báo trải qua bình duyệt lần hai thường ít được chấp thuận cho đăng hơn.

Theo kỳ vọng, trong bình duyệt ẩn danh thì người đánh giá sẽ không biết tác giả là ai để tránh thiên vị – như định kiến với một số quốc gia, nhóm thiểu số, phụ nữ, hay ưu ái hơn cho những người nổi tiếng, và bình duyệt lần hai là để giúp giảm thiểu những định kiến như vậy ở mức tối đa.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này hãy còn nhiều hạn chế vì rất khó để đảm bảo hoàn toàn ẩn danh trong quá trình bình duyệt. Thực tế cho thấy, những người xét duyệt đôi khi có thể nói chính xác ai viết bài báo, dựa trên kinh nghiệm từ những lần xét duyệt trước hoặc từ các thông tin khác. Chẳng hạn, trong một lần hoán đổi người xét duyệt lần hai của tạp chí Conversation Biology (2014), những người duyệt vẫn có thể phán đoán chính xác một nửa số tác giả.    

Năm 2013, Nature bắt đầu cho các tác giả lựa chọn bình duyệt ẩn danh với 2 tạp chí Nature GeoscienceNature Climate Change. Tuy nhiên, trong báo cáo 2 năm sau đó thì cứ 5 tác giả mới có 1 người lựa chọn phương án này, ít hơn nhiều so với kỳ vọng của ban biên tập. Dẫu vậy, những phản hồi của các tác giả được đánh giá là tích cực khiến NPG quyết định nhân rộng lựa chọn này tới các tạp chí khác trong cùng hệ thống. Trong 106.373 bài báo gửi tới 25 tập san thuộc Nature (từ tháng 3/2015 tới tháng 2/2017), chỉ 12% là lựa chọn bình duyệt ẩn danh lần 2, chủ yếu với những tập san nổi tiếng nhất như Nature (14%), so với 12% của những tập san liên kết với Nature và chỉ 9% cho những tập san truy cập mở như Nature Communications. Trong khi có tới 32% tác giả Ấn Độ và 22% Trung Quốc lựa chọn bình duyệt lần 2, thì con số đó với Pháp và Mỹ lần lượt chỉ là 8% và 7%. Lựa chọn bình duyệt ẩn danh lần thứ hai cũng phổ biến hơn với những nhà nghiên cứu tới từ các phân viện ít danh tiếng hơn – dựa trên bảng xếp hạng của Times Higher Education (năm 2016). Ngoài ra cũng không có nhiều khác biệt trong lựa chọn giữa các tác giả nam và nữ.   

Nhiều tác giả lo ngại rằng việc trải qua bình duyệt lần 2 có thể sẽ đem đến kết quả ngược so với mong đợi, làm giảm cơ hội được chấp thuận đăng của bài báo. Cũng theo Nature, chỉ 8% số bài báo gửi tới là được đệ trình để trải qua thêm một lần xét duyệt vòng 2, so với 23% của lần 1 (Hội đồng biên tập của Nature có quyền quyết định bài báo nào được gửi qua xét duyệt hay chỉ đơn giản là từ chối nó, và những người biên tập cũng có thể biết danh tính của tác giả). Theo đó, chỉ 25% số bài báo trải qua bình duyệt lần 2 được chấp thuận đăng, so với 44% của lần bình duyệt đầu.

Hải Đăng dịch

Nguồn: http://www.sciencemag.org/news/2017/09/few-authors-choose-anonymous-peer-review-massive-study-nature-journals-show

Tác giả