Ngoại giao khoa học và sự phát triển của quốc gia

LTS: Là một hoạt động nâng cao vị thế của một quốc gia cũng như giải quyết những mâu thuẫn phức tạp giữa các nước, nhưng khái niệm ngoại giao khoa học, cho đến một thập kỉ vừa qua mới trở thành một lĩnh vực chuyên môn và nhận được sự chú ý.


Cuộc họp kỉ niệm 50 năm hiệp định Nam Cực. Nguồn: Antaretica.gov.au

Khái niệm ngoại giao khoa học trở nên phổ biến từ một hội nghị được tổ chức dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Hoàng gia Anh (Royal Society) và Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ (AAAS) năm 2009 tại Lâu đài Wilton, Vương Quốc Anh. Kết quả có tác động lớn nhất từ sự kiện này là cách phân loại những hình thức ngoại giao khoa học mà đến bây giờ vẫn được sử dụng rộng rãi:   

• Khoa học trong ngoại giao: Khoa học cung cấp lời khuyên và hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại

• Ngoại giao vì khoa học: Ngoại giao tạo điều kiện cho hợp tác khoa học quốc tế

• Khoa học vì ngoại giao: Hợp tác khoa học cải thiện quan hệ quốc tế

Mặc dù cách phân loại này tỏ ra hữu ích trong các cuộc thảo luận học thuật, trên thực tế, hợp tác quốc tế về khoa học thường phục vụ nhiều mục đích khác nhau và có thể bao gồm cả ba hình thức ngoại giao nói trên. Giờ đây, khi lý giải khái niệm ngoại giao khoa học, theo chúng tôi, cần tập trung vào khía cạnh tại sao một quốc gia phải cố gắng và đầu tư nhiều nguồn lực cho hợp tác quốc tế trong khoa học. Đây mới là cách nhìn thực tế và có ý nghĩa hơn đối với các cơ quan của chính phủ. Theo đó, ba hình thức ngoại giao khoa học sẽ là:

• Những hoạt động đáp ứng trực tiếp nhu cầu của một quốc gia

• Những hoạt động giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp khu vực

• Những hoạt động đáp ứng nhu cầu và thách thức toàn cầu

Để một quốc gia đầu tư vào ngoại giao khoa học, thì mọi hành động đều phải trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho lợi ích quốc gia của họ. Cách phân loại mới này giúp cho việc xác định các hoạt động hợp tác được cụ thể và chính xác hơn vì nó dựa trên các ưu tiên chính sách và chính trị chung của các quốc gia, đồng thời cho thấy những hoạt động nào sẽ cần sự hợp tác của nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau trong chính phủ.

Cách phân loại này cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc các cơ quan chính phủ phải được trang bị và được tiếp cận với chuyên môn khoa học. Trên thực tế có rất ít những cơ quan phụ trách ngoại giao quan tâm đúng mức tới cơ chế cố vấn khoa học. Gần đây, ngày càng có nhiều nỗ lực thúc đẩy một cơ chế cố vấn khoa học trong nhiều chính phủ. Chẳng hạn, vào năm 2016, Mỹ, New Zealand, Anh và Nhật Bản cùng nhau thiết lập Mạng lưới cố vấn Khoa học và Công nghệ cho Bộ Ngoại giao nhằm mục đích cung cấp những chứng cứ khoa học tốt hơn cho những hoạt động ngoại giao.

Những hoạt động đáp ứng nhu cầu trong nước

Ảnh hưởng mềm

Khái niệm “ngoại giao khoa học” vốn được dùng để chỉ khát vọng gây ảnh hưởng quốc tế của một quốc gia. Mục đích đằng sau cuộc hội nghị năm 2009 của Hiệp hội Hoàng gia và AAAS về ngoại giao khoa học là tìm ra khả năng sử dụng khoa học để giảm căng thẳng giữa các nước phương Tây và các nước Hồi giáo, đặc biệt sau vụ tấn công ngày 11/9 và cuộc chiến chống khủng bố. Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Cairo ngày 4/6/2009 nhằm định hình lại mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và cộng đồng Hồi giáo quốc tế, đã tập trung vào hợp tác về khoa học và công nghệ và nhấn mạnh những nỗ lực ngoại giao khoa học của Mỹ một cách chính thức.

Gần đây, các quốc gia nhỏ hơn đã phát hiện ra giá trị của khoa học trong việc khẳng định vị thế của mình trên diễn đàn toàn cầu và tăng cường tiếng nói trong các cuộc thảo luận chính sách quốc tế. Israel là một ví dụ – quốc gia này đã sử dụng các thế mạnh khoa học và công nghệ để xây dựng nền kinh tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và nhờ đó tạo dựng được mối quan hệ với các nước láng giềng Trung Đông, vượt lên trên những mâu thuẫn lâu dài trong lịch sử.

Các quốc gia đang hành động ngày một chiến lược hơn trong những hợp tác về khoa học, để thúc đẩy các hoạt động thương mại cũng như đạt được những mục tiêu ngoại giao to lớn hơn. Họ bắt đầu nhận ra khía cạnh khoa học trong các hoạt động hỗ trợ phát triển. Trọng tâm trong sự phát triển của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC) là nâng cao kiến ​​thức và năng lực khoa học của người dân thông qua việc thúc đẩy giáo dục STEM. Thật vậy, thúc đẩy chuyên môn khoa học trong khuyến nghị chính sách, giải quyết khủng hoảng và phát triển kinh tế là cần thiết kể cả đối với các nước thu nhập thấp nhất. Với nhận thức này, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế của Canada gần đây đã hợp tác với Mạng lưới quốc tế về cố vấn khoa học cho Chính phủ (INSAGA) để xây dựng cơ chế cố vấn khoa học tại các LMIC ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.

Quốc phòng an ninh và ứng phó với tình huống khẩn cấp

Phần lớn nhu cầu về an ninh quốc gia đều ít nhiều liên quan đến khoa học. Ví dụ, sau một thảm họa nào đó, việc cứu hộ thường đến dưới hình thức tư vấn khoa học giữa hai nước. Để đối phó với một trường hợp nghi nhiễm Ebola năm 2014, New Zealand đã nhờ sự giúp đỡ chuyên môn và năng lực xét nghiệm của Úc. Quan hệ hợp tác khoa học giữa Anh và Nhật Bản đóng vai trò trung tâm giải quyết các rủi ro an ninh và sức khỏe sau trận động đất ở Nhật Bản và sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.

Việc thiết lập và duy trì lòng tin cho nhiều hiệp ước kiểm soát vũ khí phụ thuộc vào các bằng chứng khoa học. Và vì vậy, những quyết định về quốc phòng an ninh của một nước cũng dựa trên năng lực khoa học trong việc xác minh những tuyên bố của đối phương. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp an ninh mạng vừa là mối lo toàn cầu, nhưng cũng vừa là sự nghi ngại giữa các quốc gia với nhau trong việc sử dụng gián điệp và tổ chức các cuộc tấn công mạng. Cũng tương tự như vậy, sự phát triển nhanh chóng các công nghệ như chỉnh sửa gene, trí tuệ nhân tạo và học máy mang lại thách thức cho chính sách đối ngoại và hệ thống an ninh trên phạm vi quốc gia và toàn cầu.

Khía cạnh kinh tế

Trong thế kỷ 21, thương mại và ngoại giao có mối quan hệ mật thiết với nhau và ở nhiều quốc gia, hai hoạt động này được thực hiện bởi cùng một bộ. Hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp và thực phẩm – phụ thuộc rất lớn vào khoa học. Ví dụ, quan hệ thương mại quốc tế được điều chỉnh bởi một loạt các thỏa thuận về kiểm dịch thực vật và các vấn đề tương tự. Nhiều tranh chấp được xử lý thông qua WTO có liên quan đến các tranh luận khoa học, tập trung vào việc liệu khoa học có được áp dụng đúng đắn hay đang bị lạm dụng để tạo ra các hàng rào phi thuế quan.

Hoạt động thương mại trong lĩnh vực sản phẩm công nghệ hiện đại và dịch vụ công nghệ ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Chuỗi giá trị toàn cầu trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ, tạo ra và sử dụng dữ liệu, sản xuất hàng hóa cho thấy, nhiều quốc gia thường tham gia cùng phát triển một sản phẩm. Trong đó, các quốc gia đổi mới sáng tạo vừa muốn hợp tác với nước khác để tối ưu hóa các sản phẩm như vậy nhưng cũng vừa muốn tăng cường doanh số và sở hữu trí tuệ cho những linh kiện của mình sản xuất trong các sản phẩm đó. Do vậy, các cuộc đàm phán thương mại gần đây tập trung rất nhiều vào sở hữu trí tuệ, bản quyền, phần mềm và sinh phẩm tiên tiến. Các bằng chứng khoa học làm đầu vào cho các cuộc đàm phán như vậy đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ vị thế quốc gia.

Khi một loạt công nghệ phát triển cùng lúc trên toàn thế giới, việc xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi phụ thuộc vào các tiêu chuẩn và định nghĩa kỹ thuật chung. Trong một số trường hợp, các tiêu chuẩn được xác lập bởi những công ty đang thống lĩnh thị trường nhưng với các trường hợp còn lại, vai trò chủ động của các cơ quan nhà nước là cần thiết. Nếu không, việc tồn tại những cách hiểu khác nhau về một định nghĩa sẽ tạo ra những hàng rào phi thuế quan. Chẳng hạn, khái niệm “biến đổi gene” lúc thì không tính những sản phẩm chỉnh sửa gene nhưng lúc khác thì lại tính là điều rất dễ xảy ra khi kỹ thuật này đang ngày càng được sử dụng phổ biến trong nông nghiệp và y dược. Ví dụ này cho thấy tại sao những lập luận khoa học không thể thiếu trong rất nhiều thảo luận thương mại.  

Nền khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia

Trong nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhiều quốc gia sử dụng kênh ngoại giao để tiếp cận chuyên môn ở các nước khác, để thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác ở cấp quốc gia, trường đại học hoặc doanh nghiệp, hoặc để tiếp cận cộng đồng khoa học ở hải ngoại. Ireland, New Zealand và ngày càng nhiều quốc gia châu Phi đang đầu tư mạnh mẽ vào việc tiếp cận cộng đồng hải ngoại thông qua các cơ quan chuyên biệt. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Viện Hàn lâm Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ và AAAS đã khởi động Mạng lưới hải ngoại về Kỹ thuật và Khoa học (NODES), với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước, bao gồm các quốc gia bản xứ và quốc gia lưu trú của một cộng đồng hải ngoại nhất định.

Đối với nhiều nước, việc tham gia các siêu dự án khoa học xuyên quốc gia có mục tiêu chính là hỗ trợ phát triển quốc gia. Ví dụ, một số quốc gia đầu tư vào dự án Kính thiên văn (Square Kilometer Array) chủ yếu vì tiềm năng của nó đối với sự phát triển đất nước (như Nam Phi), trong khi những quốc gia khác (như New Zealand) tham gia phần lớn vì tác động của nó vào ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

Ngoại giao khoa học và ranh giới quốc gia

Một quốc gia còn có thể theo đuổi lợi ích của mình bằng cách sử dụng khoa học để giải quyết các vấn đề song phương hoặc xuyên biên giới cụ thể. Việc quản lý các hệ sinh thái và tài nguyên trải dài xuyên biên giới là một ví dụ điển hình. Trong trường hợp thung lũng Great Rift với các đoạn chạy qua Jordan và Israel, hai nước đã vượt qua những căng thẳng nhất định để tạo điều kiện cho những nghiên cứu khoa học cần thiết nhằm duy trì tiềm năng nông nghiệp của khu vực.

Rõ ràng, các vấn đề liên quan đến việc dùng chung tài nguyên giữa các quốc gia như các mỏ khí, thủy sản và lưu vực sông đều có các nội hàm khoa học lớn, nghĩa là, nếu không những có căn cứ khoa học đầy đủ hỗ trợ, những nỗ lực ngoại giao sẽ trở nên lạc hướng. Trong nhiều trường hợp khác, bản thân khoa học cũng khởi sinh những hoạt động ngoại giao để giải quyết vấn đề mở rộng biên giới, vốn thường xảy ra với các hệ thống sông. Trên sông Danube đoạn giữa Tiệp Khắc cũ và Hungary, căng thẳng qua nhiều năm liên quan đến tác động môi trường của đập Gabcikovo-Nagymaros được giải quyết bởi những nỗ lực khoa học song phương: thực tế đây là vụ kiện đầu tiên về môi trường được giải quyết từ trước khi đưa ra Tòa án Quốc tế.

Các quốc gia cũng có thể chia sẻ với nhau nhiều dịch vụ kĩ thuật, như đánh giá an toàn thực phẩm, quy định dược phẩm hoặc tiêu chuẩn công nghiệp. Điều này được chứng minh ở châu Âu, với các trung tâm hợp tác nghiên cứu và rất nhiều tổ chức khác như Cơ quan An ninh Lương thực châu Âu, cho thấy những dịch vụ khoa học hợp tác song phương hay đa phương có thể diễn ra như thế nào dưới lớp áo “ngoại giao chính thức”. Liên kết khu vực cũng đóng vai trò trong thúc đẩy thương mại và các thỏa thuận về tiêu chuẩn hay định nghĩa, khái niệm chung, cùng lên kế hoạch quản lý khủng hoảng và đối phó với các tình huống nguy cấp. Và đó cũng chính là các nhiệm vụ trọng tâm của nhóm cố vấn khoa học APEC.

Thúc đẩy lợi ích toàn cầu

Khi mở rộng mối quan tâm xa hơn, mỗi nước đều đối mặt với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ôzôn, đa dạng sinh học và ô nhiễm biển. Tuy nhiên, với những chủ đề này, các nước lại thường chỉ tập trung thỏa mãn những lợi ích ngắn hạn hơn là triển khai những hoạt động dài hạn mà rất có thể những ảnh hưởng tích cực của nó chỉ có thể thấy được sau nhiều nhiệm kì chính trị. Ví dụ, rất khó khăn để thuyết phục các nước cam kết giảm thiểu khí thải nhà kính bởi các chính trị gia lo sợ nếu đẩy mạnh những chính sách “xanh” sẽ gây ra căng thẳng với những đối tượng đang làm việc trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và vì thế sẽ mất đi sự ủng hộ của nhiều cử tri.  

Thách thức chung xuyên biên giới

Những vấn đề được đề cập ở trên là trọng tâm của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), và chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc (LHQ) đến năm 2030, một bộ tiêu chuẩn để đạt được những kết quả đầy tham vọng về phát triển bền vững. Tất cả điều này đều đòi hỏi những dữ liệu khoa học phức tạp và nhiều vấn đề trong đó còn cần sự trợ giúp của khoa học và những công nghệ mới.

Trong những trường hợp liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia, những quyết định sẽ được thông qua các bộ, ngành dưới sự hỗ trợ của hệ thống cố vấn khoa học. Tuy nhiên, việc đưa ra quyết định ở tầm quốc tế cùng với những chứng cứ khoa học hỗ trợ cho nó mơ hồ hơn. Bản thân LHQ không có tính tự chủ mà phải phụ thuộc vào lá phiếu của các nước thành viên để ban hành các quyết định. Việc bỏ phiếu này thường được thực hiện thông qua các Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, các chứng cứ khoa học hỗ trợ cho các cơ quan LHQ thường đến từ các nhân viên hoặc các ủy ban cố vấn của LHQ và phần lớn không có sự kết nối với các cố vấn khoa học đại diện mỗi quốc gia. Về vấn đề này, cần có mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các hệ thống tư vấn khoa học trong nước và các tổ chức quốc tế, cũng như gắn kết các hệ thống tư vấn khoa học trong nước và các Bộ Ngoại giao.

Những không gian phi lãnh thổ

Khoảng 70% bề mặt của hành tinh không thuộc về một nhà nước nào, bao gồm các đại dương bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế và các vùng cực. Nam Cực có thể xem là đại diện đỉnh cao của ngoại giao khoa học sau Thế chiến thứ hai. Năm 1959, các bên tham gia Hiệp ước Nam Cực đã đồng ý đình chỉ các yêu sách lãnh thổ, bác bỏ việc khai thác tài nguyên và nhất trí sử dụng Nam Cực cho mục đích nghiên cứu khoa học. Hiệp ước hiện nay có 53 đối tác, và Nam Cực thực sự bị chi phối bởi một loạt các ủy ban khoa học làm việc chặt chẽ với các đối tác ngoại giao. Khoa học ngày càng quan trọng trong việc quản lý các không gian phi lãnh thổ khác, bao gồm cả đại dương và không gian vũ trụ. Mặc dù khoa học đã đóng một vai trò quan trọng trong quản trị không gian vũ trụ, nó vẫn cần được thúc đẩy trong việc giải quyết các nguy cơ đang ngày một dâng cao đối với vấn đề nước trên toàn cầu.

Tương lai của ngoại giao khoa học

Để ngoại giao khoa học phát triển, tất cả các cơ quan có liên quan đến ngoại giao, thương mại, hỗ trợ phát triển và an ninh phải coi đó là một công cụ chính. Thông qua hệ thống phân loại được đề xuất ở đây, các cơ quan có thể tự đánh giá liệu họ có chuyên môn nội bộ để giải quyết một vấn đề cụ thể hay phải tìm kiếm sự trợ giúp từ cộng đồng khoa học rộng hơn.

Ngoại giao khoa học nên là một phần nghiêm túc trong bộ công cụ của mọi quốc gia, cho dù đất nước đó lớn hay nhỏ, đang phát triển hay đã giàu có. Nhưng nó không thể được thiết lập một cách vội vã và thiếu cẩn trọng. Ngoại giao khoa học đòi hỏi một cái nhìn mang tính cấu trúc không chỉ hướng đến thúc đẩy nền khoa học toàn cầu, vốn đã là nhiệm vụ của rất nhiều tổ chức khoa học mà còn chú trọng đến việc giải quyết những vấn đề xã hội trải dài từ cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Các bộ chuyên ngành và Bộ Ngoại giao có lý do để hợp tác với nhau chặt chẽ hơn để từ đó nhận ra nhu cầu cần có một lĩnh vực riêng biệt – ngoại giao khoa học – vì lợi ích của hành tinh và giảm xung đột xuyên quốc gia.

Phan Liên Hương lược dịch
http://www.sciencediplomacy.org/article/2018/pragmatic-perspective
—–
Các tác giả:
Peter D. Gluckman: Cố vấn khoa học của Thủ tướng New Zealand và Chủ tịch Mạng lưới quốc tế về cố vấn khoa học cho Chính phủ.
Vaughan Turekian: Nguyên cố vấn khoa học Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, trưởng nhóm Ngoại giao khoa học, Mạng lưới quốc tế về cố vấn khoa học cho Chính phủ.
Teruo Kishi: cố vấn khoa học Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Robin W. Grimes: Nguyên cố vấn khoa học Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh.

 

Tác giả