Nông nghiệp CNC: Cơ hội nào cho công nghệ VN?

Bắt đầu sau thế giới hàng trăm năm, liệu viện, trường, doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo ra được những công nghệ và dịch vụ kèm theo chuyên nghiệp như các công ty nước ngoài ?

Chuyên gia của TAP đang hướng dẫn nhân viên của VinEco trong nông trường Tam Đảo.

Mặc dù là một trong công ty nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu Israel được truyền thông Việt Nam nhắc đến như một trong ba “đại gia” giúp Vingroup “thống lĩnh thị trường rau sạch”, nhưng TAP (Teshuva Agriculture Projects) có xuất thân rất “bình dị”. Đi lên từ một trang trại gia đình với khoảng 3 ha đất chuyên trồng hoa hồng để xuất khẩu, những người sáng lập TAP đều là nông dân. Vào đầu những năm 2000, họ tự nghiên cứu và phát triển các phương thức trồng rau tối ưu dựa trên việc kết hợp các công nghệ, thiết bị tiên tiến với kỹ thuật trồng trọt truyền thống và xuất khẩu quy trình này ra khắp thế giới. Với mỗi quy trình bao trùm từ sản xuất đến sau thu hoạch (làm lạnh và đóng gói), họ mất khoảng ba – bốn năm thử nghiệm trên chính trang trại của mình trước khi thương mại hóa. Đến bất kì thị trường nào, họ chỉ cần dành một tháng đến sáu tuần để khảo sát trước khi chuyển giao quy trình (bao gồm từ thiết kế, lắp đặt – thi công đến đào tạo và hỗ trợ).     

Vì vậy, đến trang trại ở Tam Đảo của VinEco, không ngạc nhiên khi thấy logo của TAP được dán khắp nơi mặc dù không một thiết bị nào được sử dụng trong trang trại là sản phẩm của công ty này. Avner Shohet, CEO của TAP nói với phóng viên Tia Sáng rằng “Cái chúng tôi cung cấp cho khách hàng là know-how, nếu chỉ bán thiết bị thì người nông dân sẽ không “tận hưởng” được ích lợi mà công nghệ mang lại. Thực chất, điều chúng tôi làm là đào tạo họ, giúp đỡ họ”.

Cách làm của TAP gợi ý cho Việt Nam một cái nhìn vượt ra ngoài quan điểm gắn liền nông nghiệp công nghệ cao chỉ với sự hiện diện của cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại. “Nếu xây dựng được một quy trình quản lý sản xuất đúng và chú trọng khâu sau thu hoạch thì ngay cả với một hệ thống nhà kính và tưới đơn giản cũng có sản phẩm chất lượng. Nên nhớ, công nghệ chỉ là yếu tố quan trọng thứ nhì”- Avner nhấn mạnh nhiều lần.

Tại sao các công ty Việt Nam không làm được như TAP?

Ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều công ty cung cấp dịch vụ cho nông nghiệp công nghệ cao trong vòng 10 năm trở lại đây, chủ yếu là tư vấn, thiết kế và xây dựng nhà kính cùng một số hệ thống tưới và nuôi trồng rau, thủy sản. Rất khác với TAP, các công ty này phần lớn là những “tay ngang” bước vào lĩnh vực nông nghiệp. Họ xuất thân từ một ngành khác mà vì nhạy bén với nhu cầu thị trường hoặc yêu thích mà rẽ vào lĩnh vực nông nghiệp. Ban đầu, thi công nhà kính chỉ được coi như một trong những dịch vụ kinh doanh của họ. Trong số đó, một số công ty tranh thủ được thêm ưu đãi của chính phủ trong việc cấp quỹ đất để phát triển nông nghiệp cao đã tham gia đầu tư và sản xuất bằng chính công nghệ nhà kính của mình. Khi thành công, họ sẽ bán lại quy trình của mình cho những người có nhu cầu.  

“Việt Nam luôn là như vậy, khi có nhu cầu thì họ sẽ đầu tư” – anh Lại Văn Song, giảng viên khoa Cơ điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, từng có nhiều năm làm việc với các công ty cung cấp dịch vụ cho nông nghiệp công nghệ cao cho biết. Mặc dù hình thành một cách có phần tự phát, các công ty này cũng có những giải pháp rất thành công. Nhà Nguyễn, công ty chuyên cung cấp dịch vụ xây dựng và thiết kế một số ít giải pháp nuôi trồng trong nhà màng, nhà kính là một ví dụ. Theo anh Song, thiết kế nhà kính của công ty này phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam tới mức “các công ty Israel còn phải học hỏi họ”.

Tuy nhiên, anh Song cho biết, các công ty này ra đời theo kiểu “họ thấy thời cơ thì chớp lấy chứ không có nền tảng” dẫn đến việc các nhà kính được xây dựng xong đều bỏ xó “vô cùng nhiều”. Không ít người đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, đó là họ đặt hàng các công ty cung cấp dịch vụ làm nhà kính với niềm tin chắc chắn rằng các công ty này rất hiểu về khí hậu, loại cây, phương thức canh tác của khách hàng để đưa ra một giải pháp phù hợp; trong khi đó, các công ty này lại cho rằng, nhiệm vụ của họ chỉ là xây dựng nhà kính bền, chắc, chịu được điều kiện thời tiết cực đoan theo mẫu có sẵn (mà rất có thể họ lấy các nhà kính ở Đà Lạt để làm mẫu cho Hà Nội). Cuối cùng, dễ hiểu là sản phẩm đưa ra không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, quy trình nuôi trồng mà các công ty xây dựng nhà kính chuyển giao cho người dân hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm của họ với một vài loại cây nhất định. Việc cải tiến quy trình đã có hoặc mở rộng sang nhiều loại cây khác phụ thuộc vào quyết định chủ quan của họ chứ không phải từ yêu cầu, đòi hỏi của thị trường rộng lớn nên rất manh mún.

Để giải quyết những khúc mắc trên, các công ty này thường thuê các nhà khoa học tư vấn ngắn hạn. Nhưng như vậy chưa đủ, nếu không xây dựng bộ phận R&D, họ không thể đo được mức độ chính xác của các quy trình hiện tại, đồng thời cũng không có điều kiện hoặc rất chậm trễ trong việc phát triển và khảo nghiệm những quy trình áp dụng công nghệ mới hoặc cho nhiều loại cây mới – điều không chỉ luôn đẩy rủi ro cho các khách hàng sử dụng dịch vụ mà theo anh Song, còn là lí do quan trọng khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh với những công ty nước ngoài như TAP.

Điều kiện lý tưởng cho bộ phận R&D (nếu có) của những công ty cung cấp dịch vụ phát triển nông nghiệp đó là họ có thể tiếp nhận các nghiên cứu từ các trường đại học. Nhưng theo PGS. Nguyễn Việt Long, Giám đốc Trung tâm ươm tạo công nghệ nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, từ trước đến nay, các nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp thường phân mảnh, không thành các gói giải pháp; các nhà khoa học trong một lĩnh vực chuyên môn tự nghiên cứu công nghệ rồi tự chuyển giao (thường là trực tiếp cho các đơn vị sản xuất thay vì cho đơn vị cung cấp dịch vụ) nên các công nghệ này không được chuẩn hóa và nhân rộng. Thông qua việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và dịch vụ trong trường, PGS. Long hi vọng không chỉ tập hợp các nghiên cứu thành các gói giải pháp hoàn chỉnh mà còn thương mại hóa đúng địa chỉ. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức lại cách thức nghiên cứu, tăng tính liên kết giữa các nhà khoa học thuộc các ngành khác nhau. Từng học tiến sĩ ở Đại học Wageningen, Hà Lan, PGS. Long chia sẻ: “Ở Đại học Wagenigen có hàng trăm nhóm nghiên cứu nhưng không nhóm nào làm việc một mình, đặc biệt là khi cần đưa ra một sản phẩm cụ thể. Những nhóm nghiên cứu chuyên về nông nghiệp liên kết với những nhóm nghiên cứu về kinh tế, xã hội.”

Việt Nam có thể làm gì?

Có hai hướng cho việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao vào canh tác sản xuất hiện nay tại Việt Nam. Thứ nhất là điều chỉnh những hệ thống, quy trình có sẵn của nước ngoài sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Thứ hai là dựa trên những xu hướng mới của thế giới tạo ra những quy trình sản xuất nông nghiệp mới hoàn toàn.

Cách thức thứ nhất thực ra đã được thực hiện ở Việt Nam trên một số công nghệ đơn lẻ. Netafim, công ty cung cấp giải pháp và các thiết bị tưới nhỏ giọt tại Israel mặc dù có phòng R&D với những nhà nông học nghiên cứu thiết kế hệ thống và giải pháp tưới nhỏ giọt cho rất nhiều loại cây trồng trên thế giới nhưng khi vào Việt Nam, công ty này vẫn phải đặt hàng nhiều viện, trường các nghiên cứu điều chỉnh để các giải pháp phù hợp với điều kiện khí hậu, các loại cây đặc thù và trình độ canh tác của người nông dân nước ta.“Hệ thống tưới chỉ là thiết bị thủy lợi cung cấp nước cho cây nhưng “phần mềm” là kỹ thuật sử dụng, kỹ thuật nông học mới là chìa khóa thành công” – Anh Vũ Kiên Trung, CEO công ty Khang Thịnh, đại diện Netafim tại Việt Nam cho biết.

Cách thức thứ hai gắn liền với việc nghiên cứu và phát triển những quy trình sản xuất nông nghiệp sáng tạo để đáp ứng những yêu cầu về canh tác bền vững, thân thiện với môi trường, xây dựng cộng đồng và các xu hướng mới trong kinh tế và công nghệ. Những quy trình này sẽ đòi hỏi cách thức mới trong việc đưa công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin vào sản xuất. Ở Việt Nam, Fargreen là một công ty đi theo hướng như vậy. Fargreen cùng ngồi lại với các chuyên gia trong lĩnh vực điện tử, nông nghiệp, Bộ môn Trồng nấm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và những người nông dân để đưa ra một quy trình trồng nấm hoàn toàn bền vững và thân thiện với môi trường, mở rộng cho nhiều hộ nông dân cùng tham gia. Một trong những cách đầu tiên để họ có thể liên kết các bên lại với nhau là xây dựng hệ thống cảm biến thông báo và điều khiển điều kiện khí hậu của mạng lưới trồng nấm bao gồm trang trại của công ty và các nông hộ thông qua điện thoại di động. Đại diện của Fujitsu, một trong những công ty nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu Nhật Bản chia sẻ với Tia Sáng rằng, nông nghiệp của tương lai là mô hình “sáng tạo mở”. Theo đó, phải tạo ra nền tảng để tất cả những bên tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp từ doanh nghiệp, viện trường, người nông dân cho đến khách hàng chia sẻ know-how với nhau liên tục để hiểu rõ và nhìn ra các cơ hội mới của thị trường.

Tận dụng hay bỏ lỡ cơ hội?

Các công ty nước ngoài trong thị trường nông nghiệp công nghệ cao như Netafim và TAP bước vào thị trường Việt Nam không nhắm đến những trang trại với diện tích hàng trăm, hàng nghìn ha như VinEco mà tới những nông trại nhỏ và vừa, chiếm chủ yếu số nông hộ của Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước. Ngoại trừ các hộ có diện tích nhỏ hơn 1000 m2, còn lại đều có thể là khách hàng của các công ty cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao. Theo Avner, phần lớn các công nghệ trong nông nghiệp tiên tiến nhất hiện nay đều phù hợp với diện tích 5000 m2. Với đầu tư ban đầu vài trăm ngàn USD, các nông trại với diện tích này có thể có lãi sau ba năm.  

Tuy nhiên, nhìn một cách công bằng, chính nhờ những doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mà thị trường nông nghiệp công nghệ cao mới trở nên hấp dẫn. Khúc mắc lớn nhất của việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là thuyết phục người nông dân thì những doanh nghiệp nước ngoài đã đảm nhận phần phát triển cộng đồng đầy gian nan này. Chẳng hạn như Netafim vào Việt Nam từ năm 1998, công ty này đã thay đổi hoàn toàn phương thức canh tác lạc hậu của người nông dân, đưa công nghệ này tưới nhỏ giọt phổ biến ở Đà Lạt tới mức “Họ tự mua về dùng giống như họ mua phân bón vậy đó” – Anh Trung nói. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong nước với nguồn lực nhỏ không mất công đào tạo lại thị trường.

Sự xuất hiện của những doanh nghiệp nước ngoài là một niềm vui hay nỗi sợ phụ thuộc vào tốc độ chuyên nghiệp hóa của doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác với nhau, với viện-trường và với người nông dân để có thể tạo ra những giải pháp có độ chính xác và hiệu quả tương đương như các doanh nghiệp nước ngoài. Bởi vì mức độ tiếp nhận công nghệ của những người nông dân cũng đang thay đổi nhanh chóng mà như anh Trung gọi là “hiệu ứng vết dầu loang”: “Nó đã loang được rồi thì loang nhanh lắm”. 

Tác giả