PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng: Hai điều ước của nhà khoa học

Sau khi có các công trình nghiên cứu được đông đảo đồng nghiệp quốc tế biết đến và đưa được một số kết quả nghiên cứu đó vào ứng dụng, PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng (Trung tâm nghiên cứu liên ngành, Đại học Công nghệ TPHCM) còn ấp ủ một số dự án tương lai.


PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng (đứng, ngoài cùng bên phải) và các thành viên của Trung tâm nghiên cứu liên ngành HUTECH.

Trong lĩnh vực cơ học tính toán, PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng được biết đến qua những công trình nghiên cứu liên quan đến phát triển các công thức về phần tử cấu trúc (structural element formulations). Với 120 công bố trên tạp chí ISI, trong đó chủ yếu trên tạp chí được xếp hạng Q1, PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng đã bốn lần liên tiếp lọt vào danh sách các nhà khoa học có công trình được trích dẫn cao (highly cited researchers) của Thomson Reuters và Clarivate Analytics từ năm 2014 đến 2017.

Trường đại học Bochum vùng Ruhr (Ruhr-University Bochum RUB, Đức), nơi PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng, hợp táctừ tháng 1 đến tháng 6/2016 trong dự án nghiên cứu về phát triển thiết kế cấu trúc các vật liệu mới với giáo sư Klaus Hackl – Viện trưởng Viện Cơ học RUB, và giáo sư Timon Rabzcuk, Viện trưởng Viện Cơ học tính toán (trường đại học Bauhaus ở Weimar, Đức) theo phần thưởng Georg Forster Research 2015 của Quỹ Alexander von Humboldt, nhận xét anh là “nhà nghiên cứu Việt Nam nổi bật có nhiều đóng góp to lớn trong việc truyền tải những kiến thức chuyên ngành từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại” 1.

Theo đánh giá của Hội Cơ học Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng đã lên kế hoạch nghiên cứu dài hạn một cách bài bản, đồng thời dày công, nghiêm túc trong việc thực hiện kế hoạch đó mới có thểđạt được thành công trong mô hình hóa và mô phỏng các bài toán phức tạp về kết cấu, vật liệu, đứt gãy, truyền nhiệt…, đặc biệt những vấn đề gắn liền với nhiều môi trường vật lý khác nhau. Đây cũng là cách thứcanh kiên trì thực hiện nhiều năm qua và vẫn đang theo đuổi trong thời gian tới 2

Phát triển các công cụ tính toán mô phỏng đa ngành

Trong nhóm nhà khoa học người Việt có mặt trong danh sách được trích dẫn cao, PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng là người duy nhất làm việc tại Việt Nam. Đây cũng là một điều lạ, bởi thông thường, điều kiện nghiên cứu trong nước chưa thể so sánh với những trung tâm quốc tế, nhiều nhà khoa học Việt Nam còn phải tự xoay xở tìm kinh phí thực hiện đề tài, lên kế hoạch xin đầu tư thiết bị, máy móc…, nên khó có thể dành toàn tâm, toàn ý cho nghiên cứu và xuất bản được những công trình tốt. Vậy làm thế nào anh vượt qua được những khó khăn? PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng cho rằng, mìnhcó thuận lợi là hầu hết các công đoạn tính toán mô phỏng, thiết kế tối ưugiảiquyết bài toán dựa trên máy tính.Bên cạnh đó, cơ học tính toán là một lĩnh vực nghiên cứu rộng, có tính liên ngành và đang phát triển mạnh của ngành cơ học thế giới. Do đó,số lượng tạp chí quốc tế liên quan lĩnh vực này cũng khá lớn nên như các nhà nghiên cứu của cơ học tính toán Việt Nam, anh cũng có nhiều điều kiện xuất bản công trình nghiên cứu và bắt kịp các đồng nghiệp quốc tế, cho dù“nghiên cứu của tôi cũng chỉ xuất phát từ những điều giản dị và tôi vẫn còn phải học tập nhiều lắm”.

Khi được hỏi về “bí quyết công bố”, PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng mãi mới dè dặt trả lời,“quan điểm của tôi là cần phải theo được những hướng mà các tổ chức, các nhóm nghiên cứu quốc tế đang theo đuổi, tức là phải vẽ được bản đồ mà [trên đó] người Việt Nam mình cũng có chỗ đứng và tạora cơ hội để mình ở Việt Nam nhưng vẫn có thể kết nốiđược với nhà khoa học quốc tế”.

Lập công ty spin-off từ những kết quả nghiên cứu

Nỗ lực lớn nhất mà PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng tự nhận là “thuộc tuýp người làm nghiên cứu cần cù và xông pha”, dám “vật lộn” đi xin kinh phí của các quỹ quốc tế để thực hiện những dự án nghiên cứugắn liền với những vấn đề cần thiết ởViệt Nam và không ngại tìm kiếm doanh nghiệp để mời họ cùng thực hiện.

Một trong những khách hàng đầu tiên của PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng là công ty Kềm Nghĩa, một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chăm sóc móng như kềm cắt móng, giũa móng, bấm móng… đã hợp tácvới anh. “Yêu cầu không khó nhưng mình phải cẩn trọng để giữ uy tín”, anh cho biết. Từ các công cụ sẵn có, nhóm nghiên cứu của anh đã xâ dựng mô hình tối ưu trong dập cán sản phẩmtừ phôi thép giảm chi phí sản xuất và tiết kiệmnguyên liệu hiệu quả.

Tiếp đến, anh và cộng sự quyết định thành lập công ty Kỹ thuật & Mô phỏng số (Ensco), một doanh nghiệp dạng spin-off vào năm 2013 chuyên cung cấp các dịch vụ đa ngành, trong đó chủ yếu là cơ khí và xây dựng. “Đến đây khôngcòn là chuyện đơn giản, đó là chuyện về con người và tài chính, làm sai là phải tự chịu trách nhiệm lấy tiền túi ra chỉnh sửa, mỗi lần như thế có thể phải ‘trả giá’ tới hàng trăm triệu”, PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng cho biết.

Mở công ty spin-off như thế không phải là chuyện hiếm trong cơ học tính toán Việt Nam, giữa các công ty đó, Ensco nổi bật lên về sự đa dạng trong dịch vụ. “Muốn giải được những bài toán cụ thể của doanh nghiệp như Hùng phải có kiến thức rất rộng và thông thạo nhiều phương pháp tính toán”, PGS. TS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nhận xét.

Với tầm nhìn của một nhà nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng đãthấy những vấn đề rất thời sự trên thế giới như việc sản xuất thông minh trên cơ sở xử lý các dữ liệu số hóacủa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lạinhưng đã có thểáp dụng ngay tại Việt Nam. Anh giải thích, “tôi đã bắt đầu có một số sản phẩm, trong đó có quạt không cánh, được tự động hóa theo một chu trình kín: thiết kế trên máy tính, số hóa dữ liệu, rồi tính toán mô phỏng nó để tạo mẫu gửi đi sản xuất; sản phẩm được tung ra thị trường và sensor tích hợp vào trong cấu kiện sản phẩm sẽ gửi thông tin về kho dữ liệu để lưu trữ, cập nhật. Đó là vòng đời của sản phẩm với dữ liệu nằm trong không gian số chứ không còn trong môi trường vật lý thông thường nữa”.Quy trình này có thể áp dụngtrên nhiều loại sản phẩm khác nhau, “chỉ cần thay đổi một số công đoạn cho phù hợp với tính chất sản phẩm, dù là thiết bị làm tỏi đen hay thiết kế bờ kè cũng vậy. Nếu muốn, chúng ta có thể dựa vào dữ liệu số để cải tiến sản phẩm thay vì phải thực hiện các công đoạn từ đầu”, anh cho biết thêm.

***

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tại trường đại học Bochum, PGS. TS Nguyễn Xuân Hùngbày tỏ một trong hai mơ ước lớn của mình là “có một phòng thí nghiệm hiện đại và đầy đủ thiết bị, nếu điều đó thành hiện thực, tôi có thể làm được nhiều điều hơn bây giờ”.Để theo đuổi mục tiêu, anh chọn giải pháp đi đi về về và cố gắng tìm kiếm tài trợ từ các dự án do các quỹ quốc tế để thực hiện ở Việt Nam.

Và không giới hạn ở những dự án hiện tại,anh còn điều ước khác. Vì thế, điều ước thứ hai của anh chính là “điều luôn ám ảnh tôi: sáng chế ra thiết bị thông minh tự cung cấp năng lượng cho người khuyết tật vận động hoặc người cao tuổi mà tôi vẫn gặp và cho phép họ cử động chân tay, đi lại một cách thoải mái theo ý muốn” 1

Nhưng để làm được tất cả những điều đó, ắt hẳn phải cần đến rất nhiều yếu tố? “Mình nghĩ đàng hoàng, làm việc đàng hoàng là sẽ có những con người đàng hoàng và nguồn đầu tư đàng hoàng đến với mình để cùng giải quyết vấn đề”, PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng mỉm cười tự tin.

—-
1. 3 http://www.fbi.ruhr-uni-bochum.de/aktuelles/2016/akt00194.html.de
2. http://www.cohocvietnam.org.vn/ home/detail.asp?iData=1131&iCat=547&iChannel=62
 

 

Tác giả