Quan niệm của Einstein về đạo vũ trụ

Đạo vũ trụ (cosmic religion) theo quan điểm của Albert Einstein* được coi như “tôn giáo của tương lai”**, một thứ tôn giáo “bao trùm cả tự nhiên lẫn tâm linh”, “dựa trên một ý thức tôn giáo nảy sinh từ kinh nghiệm về vạn vật, kể cả tự nhiên lẫn tâm linh”, “một tổng thể có ý nghĩa”. Einstein cũng nhận định: “Phật giáo đáp ứng được sự mô tả này” và “nếu như tồn tại một tôn giáo có thể đồng thuận với những đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo.” Vậy đạo vũ trụ là gì và vì sao nó được Einstein coi trọng như vậy? Bài viết này chia sẻ một số suy nghĩ của tác giả về những đặc trưng cơ bản của đạo vũ trụ và ý nghĩa triết học của nó.


Albert Einstein tin rằng, tôn giáo của tương lai sẽ phải vượt lên trên ý tưởng về một đức Chúa có bản ngã và tránh xa những giáo điều cùng thần học.

Một số đặc trưng cơ bản của đạo vũ trụ

1/ Không tin vào đức Chúa có bản ngã, hoặc Chúa phỏng nhân (personal or anthropomorphic God), mà thừa nhận quan niệm của Baruch Spinoza, quan niệm phiếm thần luận về Chúa: Chúa và tự nhiên là một và giống nhau (deus sive natura).

Phiếm thần luận (phiếm nghĩa là nói chung, không cụ thể, phiếm đàm, phiếm chỉ) được định nghĩa là “một học thuyết, hoặc niềm tin rằng Chúa là vũ trụ và những hiện tượng của vũ trụ (được xem như một tổng thể), hoặc một học thuyết tôn kính vũ trụ như là sự biểu hiện của Chúa”. Vũ trụ là biểu hiện của Chúa (manifestation of God) chứ không phải là sản phẩm của Chúa. Chúa không nằm ngoài vũ trụ, không tạo ra vũ trụ. Vũ trụ tự tạo ra chính nó. Khẳng định như vậy để khỏi rơi vào vòng luẩn quẩn: Nếu Chúa tạo ra vũ trụ thì ai đã tạo ra Chúa? Chúa (Thượng đế) cũng không phải là một đấng sáng tạo toàn năng, mắt xanh mũi lõ ở châu Âu, hoặc đội mũ Bình Thiên mặc hoàng bào ở châu Á, có sức mạnh siêu nhiên chi phối cuộc sống của mọi người, ban thưởng hoặc trừng phạt mỗi người.

Quan niệm phiếm thần có thể có từ ngàn xưa, và một số tôn giáo ở phương Đông vẫn tiếp tục mang các yếu tố phiếm thần. Tuy nhiên học thuyết phiếm thần chỉ được xây dựng nên vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII ở phương Tây. Thuật ngữ “phiếm thần” bằng tiếng Anh (pantheism) lần đầu tiên được John Toland, nhà văn người Ireland, sử dụng năm 1705. Ông khẳng định: “Chúa là một khởi nguyên phi nhân tính, không nằm ngoài giới tự nhiên, mà đồng nhất với tự nhiên”. Mặc dù vậy, người đặt nền móng cho học thuyết phiếm thần chính là nhà triết học Hà Lan gốc Do Thái Baruch Spinoza (1632-1677) trong tác phẩm nổi tiếng Đạo đức học năm 1676. Trong sách này, ông đã trả lời thuyết nhị nguyên của Descartes cho rằng tinh thần và thể xác tách biệt nhau. Spinoza theo thuyết nhất nguyên (monism), xem tinh thần và thể xác là một thể thống nhất, Chúa và Tự nhiên là hai cái tên của cùng một thực tại. Spinoza là một nhân vật lịch sử quan trọng tại Hà Lan, nơi chân dung ông xuất hiện trên tờ bạc 1.000 guilder được lưu hành cho đến khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 2002. Albert Einstein gọi Spinoza là nhà triết học có ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới quan của mình.

2/ Đạo vũ trụ bao quát cả tự nhiên lẫn tâm linh, cả linh hồn và thể xác. Làm rõ điều này là công việc khó khăn, đầy thách thức đối với nhà phiếm thần. Trả lời câu hỏi: liệu ông có thể tự xác định mình là một nhà phiếm thần hay không, Einstein nói: “Câu hỏi của bạn là khó nhất trên thế giới. Nó không phải là một câu hỏi mà tôi có thể trả lời đơn giản là có hay không. Tôi không phải là người vô thần (atheist), và tôi không nghĩ mình có thể tự coi mình là một nhà phiếm thần (pantheist). Chúng ta đang ở vị trí của một đứa trẻ nhỏ đi vào một thư viện khổng lồ với nhiều sách bằng nhiều thứ tiếng. Trẻ biết ai đó đã viết những quyển sách này. Nhưng nó không biết họ đã làm như thế nào. Nó không hiểu các ngôn ngữ mà chúng được viết. Đứa trẻ mơ hồ nghi ngờ một trật tự bí ẩn trong việc sắp xếp các quyển sách, nhưng không biết nó là gì. Điều đó, dường như với tôi, là thái độ của con người thông minh nhất đối với Chúa. Chúng ta thấy vũ trụ được sắp xếp một cách kỳ diệu và tuân theo một số định luật nhất định, nhưng chỉ lờ mờ hiểu được những định luật này. Tâm trí hạn chế của chúng ta nắm bắt được lực lượng huyền bí di chuyển các chòm sao. Tôi mê thuyết phiếm thần luận của Spinoza, nhưng ngưỡng mộ hơn nữa sự đóng góp của ông đối với tư tưởng hiện đại, vì ông là triết gia đầu tiên xem linh hồn và thể xác như là một, chứ không phải là hai thứ riêng biệt”.

3/ Là tôn giáo của tương lai, đạo vũ trụ phải tương thích với khoa học hiện đại, có quan niệm mới về sáng tạo. Nói theo Trịnh Xuân Thuận, phải “đặt cược cho một vũ trụ duy nhất và sự tồn tại của một nguyên lý sáng tạo chịu trách nhiệm cho việc điều chỉnh vũ trụ một cách vô cùng chính xác… Nguyên lý này không đại diện bởi một vị Chúa rậm râu; đó là một nguyên lý phiếm thần biểu hiện qua các định luật của tự nhiên.” Nguyên lý này có nét giống với những gì Spinoza miêu tả và Albert Einstein khẳng định: “Chắc chắn rằng, tựa như tình cảm tôn giáo, niềm tin rằng thế giới là lý tính, hay ít nhất là có thể hiểu được, chính là cơ sở của mọi công trình khoa học. Niềm tin này tạo nên quan niệm của tôi về Chúa. Đó là quan niệm của Spinoza”.

Sức sống của đạo vũ trụ

Ở Việt Nam, mọi người được dạy về chủ nghĩa duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng cách tiếp cận của chúng ta với bản thân chủ nghĩa này cũng còn hết sức thô sơ và chưa đầy đủ, dẫn tới cách hiểu rằng tất cả các nhà triết học, nhà tư tưởng từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều được dàn thành hai trận tuyến đấu tranh sống mái: Duy vật với Duy tâm, Khoa học với Tôn giáo, Tự nhiên với Tâm linh v.v… Tuy nhiên, trên thế giới có những người và ngày càng nhiều người như Spinoza, như Einstein, chẳng đối lập khoa học với tôn giáo, tự nhiên với tâm linh, chẳng duy tâm cũng không duy vật, kể cả duy vật biện chứng, những người đó chẳng lẽ không có chỗ đứng nào trong đời sống tư tưởng của nhân loại sao? Phải chăng đây cũng là một loại giáo điều và thần học mà đạo vũ trụ cần phải tránh xa?

“Mọi chia rẽ con người đều nguy hiểm”, Đức Dalai Lama từng nói. Theo sáng kiến của Ngài cùng các nhà tư tưởng Phật giáo khác, một cuộc đối thoại giữa khoa học và Phật giáo đã được mở ra suốt 20 năm nay. Nhiều cuộc gặp gỡ giữa Dalai Lama với các nhà khoa học lỗi lạc (gồm các nhà thần kinh học, sinh học, tâm lý học, vật lý học và triết học) đã được tổ chức thường xuyên. Những cuộc trao đổi này tạo nên sự hiểu biết về bản chất của các hiện tượng và của ý thức, tâm linh.

Ngày nay đối thoại đã trở thành một nét đặc trưng, một đòi hỏi ngày càng cấp bách. Werner Heisenberg, một trong những cha đẻ của vật lý lượng tử đã viết: “Tôi cho rằng khát vọng vượt qua những điều đối lập, bao gồm sự tổng hợp cả hiểu biết duy lý và trải nghiệm tâm linh về tính thống nhất, là một nét đặc trưng nhất, dù được thể hiện ra hay không được nói ra, của thời đại chúng ta”.

Trong cuộc đối thoại với Matthieu Ricard, một nhà khoa học phương Tây trở thành nhà sư, Trịnh Xuân Thuận nhà vật lý thiên văn, một trong những chuyên gia lớn nghiên cứu sự hình thành của các thiên hà, đã đề cập nguyên lý sáng thế, được hiểu theo cách hiểu của Spinoza và của Einstein. Đó là “nguyên lý vị nhân” (anthropic principle), theo đó, “có một sự điều chỉnh cực kỳ chính xác các hằng số vật lý và các điều kiện ban đầu của vũ trụ để cho nó có thể cưu mang được sự sống và ý thức”.

Theo Trịnh Xuân Thuận, nghiên cứu khoa học không những không đối lập với tâm linh, mà còn phải coi tâm linh như người bạn đường. Có như vậy chúng ta mới không quên mất tính nhân văn của mình. Tâm linh nhằm cải thiện sự sung túc nội tâm của chúng ta để chúng ta có khả năng cải thiện sự sung túc nội tâm của tất cả mọi người. Trong thực tế, khoa học có thể hoạt động không cần tới tâm linh. Tâm linh có thể tồn tại không cần tới khoa học. “Nhưng con người, để trở nên toàn thiện, thì cần phải có cả hai”.

Đáp ứng nhu cầu thiêng liêng đó của con người, đạo vũ trụ sẽ có sức sống lâu bền.
———-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Albert Einstein (2005), Thế giới như tôi thấy. Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hào, Trần Tiễn Cao Đăng dịch. Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. H.: Tri thức.
2- Albert Einstein, Leopold Infeld (2005). Sự tiến triển của vật lý học. Lê Minh Triết dịch. H.: Khoa học và Kỹ thuật.
3- Matthieu Ricard, Trịnh Xuân Thuận (2005). Cái vô hạn trong lòng bàn tay. Từ Big Bang đến Giác ngộ. Phạm Văn Thiều, Ngô Vũ dịch. TP.HCM.: Trẻ.
4- Trịnh Xuân Thuận(2014). Khát vọng tới cái vô hạn. Những con số-các vũ trụ-và con người. Phạm Văn Thiều, Phạm Nguyễn Việt Hưng dịch. H.: Trẻ-Tri Thức.
5- Stephen Hawking và Leonard Mlodinow (2013). Bản thiết kế vĩ đại. Phạm Văn Thiều-Tô Bá Hạ dịch. TP.HCM.: Trẻ.
6- Đức Dalai Lama và Jean-Claude Crrière (2008). Sức mạnh của đạo Phật. Để sống tốt hơn trong thế giới ngày nay. Lê Việt Liên dịch, Nguyễn Quang Chiến hiệu đính. H.: Phương Đông.
 ——
* Bài viết chia sẻ cảm nghĩ của tác giả về đạo vũ trụ nhân sự kiện ngày 17-6-2017 tại Diễn đàn Lý luận phát triển do Viện VIDS và Viện SENA tổ chức, TS Nguyễn Thế Hùng, Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đề cập quan niệm của Albert Einstein về ba loại tín ngưỡng: Tín ngưỡng siêu nhiên; tín ngưỡng các nhân tượng, nhân hình cụ thể; và đạo vũ trụ.
** “Tôn giáo của tương lai sẽ là một đạo vũ trụ. Nó sẽ phải vượt lên trên ý tưởng về một đức Chúa có bản ngã và tránh xa những giáo điều cùng thần học. Có khả năng bao trùm cả tự nhiên lẫn tâm linh, đạo vũ trụ sẽ phải dựa trên một ý thức tôn giáo nảy sinh từ kinh nghiệm về vạn vật, kể cả tự nhiên lẫn tâm linh, được coi là một tổng thể có ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng được sự mô tả này. Nếu như tồn tại một tôn giáo có thể đồng thuận với những đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo.” (“The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend personal God and avoid dogma and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things natural and spiritual as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that could cope with modern scientific needs it would be Buddhism.”)

 

Tác giả