R&D: Vấn đề sống còn của Phenikaa

Giữa lúc nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn đang loay hoay giải bài toán tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm thì Phenikaa – một tập đoàn chuyên sản xuất và cung cấp đá nhân tạo, đã định vị được mình trên thị trường thế giới với thương hiệu đá thạch anh nhân tạo Vicostone thông qua việc liên tục thực hiện các dự án R&D.


TS. Phạm Anh Tuấn và các thành viên Trung tâm R&D trong phòng thí nghiệm Hóa học. Ảnh: Hảo Linh

Nhận xét về công tác R&D tại Phenikaa, GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu (Đại học Bách khoa Hà Nội), một nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm về composite và polymer – những vật liệu quan trọng trong ngành đá nhân tạo, cho rằng: “Tại Phenikaa, ngay từ đầu anh Hồ Xuân Năng (Chủ tịch HĐQT công ty) đã nhận ra giá trị của R&D và coi đó là vấn đề sống còn”. Hợp tác với tập đoàn ngay từ ngày đầu thành lập, ông đã thấy quyết tâm không chỉ của người lãnh đạo mà của cả tập thể Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới Phenikaa trong “giải quyết từ những vấn đề sản xuất đặt ra đến sáng tạo những vật liệu có thể đem lại những sản phẩm mới trong tương lai”.     

Câu nói này đã gói gọn những vấn đề mà Trung tâm thực hiện trong gần 10 năm qua, vốn “pha trộn giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng để làm sao tạo ra được các sản phẩm có những tính năng đặc biệt nhưng lại phải có giá thành thấp, đủ sức cạnh tranh trên thị trường” như quan điểm của TS. Phạm Anh Tuấn, người đảm trách vai trò giám đốc Trung tâm trong 9 năm trước khi được đề bạt lên vị trí Phó tổng giám đốc Phenikaa phụ trách công tác R&D của tập đoàn.

Tạo ra sản phẩm mới qua giải quyết vấn đề thực tiễn

Được đặt ngay trong khuôn viên công ty Vicostone tại Khu CNC Hòa Lạc, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới Phenikaa sở hữu các phòng thí nghiệm Hóa học, Cơ lý, phòng Dự án và một xưởng sản xuất quy mô pilot. “Những gì chúng tôi thực hiện ở đây sẽ được áp dụng thử nghiệm ngay ở ngoài kia trước khi đưa vào dây chuyền sản xuất”, ThS Hoàng Thu Hường – phó giám đốc Trung tâm, cho biết. Trong suy nghĩ của chị, vấn đề “ở đây” và “ngoài kia” dường như rất liền mạch. Đó cũng là cách nhìn nhận của cả Trung tâm về gốc rễ của vấn đề cần giải quyết là phải gắn bó chặt chẽ với sản xuất để “vừa nghiên cứu các vấn đề đầu vào của sản xuất, vừa nghiên cứu giải quyết các vấn đề đầu ra của sản xuất, tức là nghiên cứu để nội địa hóa các nguồn nguyên liệu và nghiên cứu tái sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất thành nguyên liệu đầu vào cho những loại vật liệu mới”, TS. Phạm Anh Tuấn chia sẻ với Tia Sáng.

Với những suy nghĩ này, khi ở giai đoạn đầu mới thành lập và chỉ có 5, 6 kỹ sư, Trung tâm đã thực hiện nghiên cứu đầu tiên nằm ở nhánh giải quyết vấn đề đầu vào của sản xuất “Nghiên cứu chế tạo chất chống dính khuôn cao su sử dụng trong công nghệ sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh”. Sản phẩm làm ra sẽ thay chế sản phẩm cùng loại phải nhập của hãng Breton (Ý) – nhà cung cấp dây chuyền công nghệ sản xuất đá nhân tạo cho Vicostone. Đây là một loại nguyên phụ liệu rất đặc thù chỉ áp dụng trong ngành đá nhân tạo với một hệ tổng hợp gồm nhiều loại polymer có tính chất lưỡng cực như vừa ưa nước, vừa kỵ nước, vừa có khả năng bám dính vào khuôn cao su nhưng có khả năng bám ngược lấy đá để tách khỏi khuôn khi kết thúc quy trình sản xuất. Dù đã “đọc hàng ngàn trang tài liệu”, TS. Phạm Anh Tuấn vẫn chưa tìm ra được đáp án. Cuối cùng, anh đã phải nhờ cậy đến sự tư vấn, hỗ trợ của thầy mình, GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu. Nhớ lại thời điểm đó, GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu cho biết: “Việc làm ra chất chống dính khá phức tạp vì liên quan đến rất nhiều vấn đề của khoa học nhưng lại không có một tạp chí hoặc tài liệu chuyên khảo nào về nó. Thực chất, nó chỉ xen vào đâu đó trong những mảng như là polymer, composite, sơn, cao su…, cứ ở chỗ này một tí, chỗ kia một tí nên đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức tổng hợp, sáng tạo trong vận dụng kiến thức vào quá trình thí nghiệm”. Nhờ có sự gợi ý của thầy, TS. Phạm Anh Tuấn không chỉ tìm được năm loại polymer có thể tạo ra được các màng có độ dai, đồ bền xé, chịu va đập mà còn tìm ra được các quy trình phối trộn bởi “nhiệm vụ của mình không chỉ là làm ra sản phẩm như của Breton mà còn phải hoàn thiện một quá trình hoàn chỉnh để bộ phận sản xuất họ có thể áp dụng được ngay”.

Dự án đã đem lại kết quả ngoài mong đợi: sau một năm làm thí nghiệm và triển khai trên dây chuyền sản xuất thử nghiệm, cuối cùng chất chống dính mà Trung tâm tạo ra có chất lượng hoàn toàn tương đương với loại nhập khẩu mà giá thành chỉ bằng 25% sản phẩm cùng loại của Breton, vì vậy giúp công ty tiết kiệm được cả 25 đến 30 tỷ đồng chi phí mỗi năm.

Thành công của dự án nghiên cứu đầu tiên đem lại sự tin tưởng của Ban giám đốc công ty với đội ngũ R&D và cả sự tự tin vào chính mình của họ. Các nghiên cứu viên của Trung tâm đã mạnh dạn đề đạt lên lãnh đạo công ty cấp kinh phí thực hiện những đề tài nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra của sản xuất như tạo tính năng chống tia tử ngoại, kháng khuẩn cho sản phẩm đá nhân tạo… “Chúng tôi tìm đề tài nghiên cứu bằng cách bám vào yêu cầu thực tế như giải quyết vấn đề môi trường hay cần thiết làm ra vật liệu mới có giá thành thấp hơn sản phẩm ngoại nhập”, ThS Hường cho biết. Đây cũng là lý do để chị và cộng sự thực hiện “Nghiên cứu sản xuất hệ keo dán đá ứng dụng trong gia công chế tạo đá nhân tạo gốc thạch anh” để cho ra đời keo Phenikaa, sản phẩm dùng để lát đá nhân tạo từ bùn đá thải từ quá trình sản xuất đá nhân tạo ở nhà máy của Vicostone. Việc tận dụng nguyên liệu có sẵn tại nhà máy là sáng kiến mang tính tiết kiệm và bảo vệ môi trường rất cao bởi mỗi ngày, nếu các dây chuyền hoạt động hết công suất sẽ thải ra khoảng 20m3 bùn đá và phải thuê một công ty môi trường xử lý chôn lấp, mỗi năm mất cả chục tỷ đồng. Cũng tương tự với chất chống dính, điều mấu chốt của đề tài là phải tìm được một hệ tổng hợp gồm các polymer có tính năng đặc biệt để khi phối trộn với bột đá thải sấy khô có thể tạo ra sản phẩm keo vừa có khả năng hút nước để vẫn không bị bong khỏi đá trong mùa nồm, vừa có khả năng nhả nước trong mùa nắng. Giải quyết vấn đề này trong vòng hơn một năm, hiệu quả mà nghiên cứu đem lại là “mình sẽ không phải thuê công ty chôn lấp nữa, một năm có thể tiết kiệm cả chục tỷ đồng, ngoài ra lại tạo được một vật liệu mới, một sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành hạ và quan trọng nhất là nó góp phần làm cho quá trình sản xuất sạch hơn và khép kín,” theo TS. Phạm Anh Tuấn.

Do tận dụng được nguyên liệu sẵn có nên giá thành keo Phenikaa chỉ bằng khoảng 70% sản phẩm cùng loại bán trên thị trường. Năm 2017, công ty đã triển khai sản xuất hơn 400 tấn, và áp dụng thử nghiệm vào việc lát toàn bộ đá nhà chung cư Phenikaa và một số công trình xây dựng khác, giúp tiết kiệm hàng tỉ đồng so với dùng sản phẩm ngoại nhập. TS. Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, do phải phụ thuộc vào hàng ngoại nhập đắt đỏ nên việc ứng dụng đá nhân tạo ốp tường, lát sàn, lát nền ở Việt Nam còn bị hạn chế. Vì thế, việc ra đời sản phẩm mới vừa chất lượng, vừa có giá thành hạ sẽ có thể góp phần làm tăng phạm vi sử dụng đá nhân tạo trong nước thời gian tới.

Gây dựng đội ngũ R&D chuyên nghiệp

Có một điều dễ nhận thấy ở Trung tâm R&D Phenikaa là sự hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành cũng như sự ngăn nắp và quy củ trong nề nếp công việc. Bất cứ ai đến làm việc với Trung tâm đều nhận thấy điều đó, đặc biệt là những người đủ tinh tế và giàu trải nghiệm như GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu, PGS. TS Phạm Thành Huy (Viện AIST, Đại học Bách khoa Hà Nội). “Trung tâm cho tôi cảm nhận rất tốt về môi trường làm việc. Các bạn ở đó nắm bắt rất rõ công việc của mình còn các thiết bị máy móc trong phòng thí nghiệm đều được xếp đặt gọn gàng, phòng thí nghiệm Hóa đạt tiêu chuẩn của phòng Hóa sạch”, PGS. TS Phạm Thành Huy nhận xét.

Đó là công sức gây dựng của Trung tâm ngay từ ngày đầu. Cần có cách thức tổ chức hợp lý và tạo được mối liên kết chặt chẽ trong công việc mới đảm bảo cho các dự án có thể “chạy” được và giải quyết sớm vấn đề đặt ra, vì thế Trung tâm tổ chức hoạt động nghiên cứu theo phương thức “cả Trung tâm cùng thực hiện một đề tài”. TS. Phạm Anh Tuấn giải thích. Do vậy, tuy cùng thực hiện một dự án nhưng công việc được phân chia rất linh hoạt, “không có chuyên một dự án là nhiệm vụ của anh, không phải nhiệm vụ của tôi, mà sẽ liên thông tất cả, là công sức của cả phòng Dự án, phòng Cơ lý và phòng Hóa”.

So với những cơ sở nghiên cứu của nhà nước thì Trung tâm ắt hẳn sẽ thuận lợi hơn ở khoản đầu tư cho nghiên cứu? TS. Phạm Anh Tuấn nhận thấy một điều là “với hoạt động nghiên cứu của Trung tâm, chưa bao giờ bị từ chối bất điều gì cho R&D cả. Bởi ngay từ đầu lãnh đạo công ty đã xác định đầu tư cho nghiên cứu là nhiệm vụ trọng yếu của Tập đoàn”.

Tuy ngân sách rót cho nghiên cứu ở thế “xông xênh” hơn những cơ sở nghiên cứu công lập nhưng việc dùng tiền đó vào đâu, mua thiết bị hay để thực hiện đề tài nghiên cứu nào cũng phải tuân theo những quy tắc tài chính rất chặt chẽ. Về kinh phí thực hiện đề tài, phòng Dự án của Trung tâm sẽ chủ động đề xuất những đề tài do các thành viên chủ động tìm hiểu và lên khung kế hoạch hoặc ban lãnh đạo chủ động giao nhiệm vụ giải quyết những vấn đề công nghệ mà sản xuất gặp phải. Việc lựa chọn đầu tư cho đề tài thường dựa trên các tiêu chí tính cấp thiết cần giải quyết về công nghệ, hiệu quả mà dự án nghiên cứu sẽ mang lại và mục tiêu phát triển sản phẩm trong từng giai đoạn của công ty… Về kinh phí mua thiết bị máy móc, quan điểm của ban lãnh đạo tập đoàn là thiết bị nào có thể sử dụng thông qua mối quan hệ hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học thì không đầu tư mà dành để đầu tư các thiết bị, máy móc chưa có hoặc thiết bị mà Trung tâm sử dụng với tần suất lớn, phục vụ công việc hàng ngày, “khi đó đề xuất mua hàng của R&D được ưu tiên hàng đầu”, TS. Phạm Anh Tuấn nói.

Sự chặt chẽ trong quan điểm đầu tư như vậy có hạn chế được tối đa rủi ro trong nghiên cứu ở Trung tâm? TS. Phạm Anh Tuấn cho rằng, với nghiên cứu ứng dụng ở Trung tâm thì rủi ro đã được hạn chế rất nhiều do vấn đề đặt ra là để phục vụ yêu cầu của thực tế sản xuất, “ngay ở bước nghiên cứu, anh đã nhìn thấy rõ sản phẩm của anh sẽ phải được thực hiện theo các bước như thế dưới nhà máy, tức nghiên cứu phải gắn liền, thiết thực với sản xuất”.


ThS Hoàng Thu Hường và thành viên phòng thí nghiệm Cơ lý kiểm tra kết quả thử nghiệm. Ảnh: Hảo Linh

Tuy nhiên, cũng như ở các nơi khác, đôi khi việc thực hiện các dự án ở Trung tâm không tránh khỏi rủi ro. “Rủi ro ở đây không có nghĩa là không làm ra được sản phẩm, lại càng không phải là sản phẩm thiếu chất lượng, mà là quá trình áp dụng nó vào thực tế gặp vấn đề”, TS. Phạm Anh Tuấn giải thích. Năm 2011, Trung tâm thực hiện dự án làm gạch không nung để tận dụng bùn đá thải của nhà máy. Dự án cho ra sản phẩm được cấp giấy chứng nhận của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)  và vượt qua cả test thử nghiệm của phòng thí nghiệm quốc tế tại Singapore. Khi sản phẩm tưởng chừng như hoàn hảo thì quá trình áp dụng lại trục trặc: khi xây lên, tường bị nứt. “Ban đầu cứ nghĩ là do gạch của mình kém chất lượng nhưng không phải, nguyên nhân là chúng ta không có loại vữa gắn phù hợp với gạch không nung. Gạch và vữa là hai loại vật liệu rất khác nhau về tính co ngót nên dẫn đến hiện tượng nứt rồi tạo ra đường xé trên tường”, anh kể.

Kinh nghiệm thu được qua những lần thành công và thất bại như vậy khiến các thành viên của Trung tâm trưởng thành lên rất nhiều. Họ vừa có thể độc lập nghiên cứu hoặc kết hợp nghiên cứu với người ở cơ sở nghiên cứu khác bằng sự chuyên nghiệp và tinh thần chủ động học hỏi. Theo quan sát của GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu, “Hường lúc còn ở trường thì chỉ chủ yếu làm về gia công chất dẻo (processing), tức là đảm trách khâu lấy chất này trộn vào chất kia, gia nhiệt hoặc ép gì đó, không thành thạo về sinh tổng hợp (synthesis). Nếu trong giai đoạn đầu tham gia làm chất chống dính, khi thực hiện tổng hợp hóa học còn lúng túng còn thì bây giờ em đã thành thạo từ cả gia công lẫn tổng hợp”.

Sự trưởng thành của các thành viên không chỉ là thành thục công việc chuyên môn mà còn là khả năng vượt qua áp lực tiến độ công việc. Trên thực tế, áp lực ở một đơn vị nghiên cứu của doanh nghiệp khác hoàn toàn so với đơn vị nghiên cứu công lập, ThS Hoàng Thu Hường – người đã từng làm việc ở cả hai môi trường này, cho biết. “Ở đây áp lực rất nhiều, kể cả thời gian lẫn tiến độ, lúc nào cũng phải nhanh. Thường thì làm đề tài trong trường mang tính học thuật, còn ở đây, sản xuất họ đang rất cần mình rồi, phải đẩy nhanh tiến độ [thực hiện đề tài], tự mình phải thúc mình”, chị so sánh.

Nhìn lại quá trình hoạt động của Trung tâm, TS. Phạm Anh Tuấn cho rằng, qua công tác R&D, công ty “có một đội ngũ tự tin và bản lĩnh đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khó khăn hơn, phức tạp hơn, phạm vi hoạt động rộng hơn… Ví dụ Wacker Chemie AG – tập đoàn hóa chất nổi tiếng của Đức ban đầu còn không tin là có thể cùng hợp tác nghiên cứu với một doanh nghiệp Việt Nam và chỉ khi sang đây làm việc, họ mới tin tưởng và đồng ý kết hợp làm một đề tài nghiên cứu chung”.

Mở rộng phạm vi ảnh hưởng

Trong cuộc tọa đàm “Đưa tri thức thành động lực phát triển bền vững: Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông” do Rạng Đông, trường đại học Ngoại thương và Tia Sáng tổ chức vào tháng 6/2016, PGS.TS Phạm Thành Huy cho rằng: “R&D đúng nghĩa trong doanh nghiệp phải tạo ra được động lực phát triển [của doanh nghiệp] trong tương lai… Do đó doanh nghiệp cần phải đầu tư cho R&D một cách dài hạn để có thể tạo ra những sản phẩm đủ sức dẫn dắt thị trường trong lĩnh vực hoạt động của mình vài năm tới”. Quan điểm về R&D của PGS.TS Phạm Thành Huy cũng là mong ước của Phenikaa hiện nay.

Đây là lý do để Phenikaa thành lập Viện nghiên cứu ứng dụng (PRATI) trên cơ sở Trung tâm R&D hiện nay. Chín năm trước họ thành lập Trung tâm R&D trên cơ sở Phòng Công nghệ cao với mong muốn tập trung vào nghiên cứu để tạo ra sản phẩm mới chứ không chỉ dừng lại ở làm chủ công nghệ, đưa ra quy trình phát triển sản phẩm mới. Lần này, PRATI muốn tạo ra đột phá với những sản phẩm có thể dẫn dắt thị trường tương lai. Khả năng làm ra sản phẩm cho tương lai đã bắt đầu nhen nhóm ở Trung tâm một vài năm nay, ví dụ “Nghiên cứu chế tạo vật liệu sinh thái từ dầu lanh epoxy hóa để gia cường tính ứng dụng trong đá thạch anh nhân tạo”, đưa Vicostone là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới làm ra loại đá nhân tạo “sinh thái” với tỷ lệ 100% là dầu hạt lanh epoxy hóa (tỷ lệ này ở nhiều công ty khác chỉ đạt 5, 10 %). Tuy chưa được sản xuất đại trà do giá thành còn cao nhưng theo đánh giá của TS. Phạm Anh Tuấn “về lâu dài, khi xu hướng sử dụng vật liệu xanh trở nên phổ biến hơn chắc chắn sản phẩm sẽ được ứng dụng rộng rãi. Lúc bấy giờ mình đã sẵn sàng có một thứ ‘vũ khí’ trong tay”.

Tuy nhiên những đề tài như vậy ở Trung tâm vẫn còn ở dạng đơn lẻ, Phenikaa cần có nhiều nghiên cứu “dự trữ” có khả năng đón đầu xu thế phát triển ở một phạm vi rộng hơn. Vì vậy, việc thành lập PRATI được kỳ vọng sẽ “mở rộng hơn những lĩnh vực khác nhưng vẫn trong lĩnh vực vật liệu và vật liệu ứng dụng, có thể là điện tử, nano, gốm… Sản phẩm nghiên cứu có thể phục vụ ngay cho nhu cầu sản xuất của Phenikaa, hoặc cho kế hoạch một vài năm tới”, TS. Phạm Anh Tuấn nêu dự định. Thậm chí nhiệm vụ của PRATI là “tập trung vào những định hướng của Phenikaa hoặc có thể là nghiên cứu để chào mời doanh nghiệp khác tham gia đầu tư, phát triển sản phẩm”, anh cho biết thêm.

Tác giả