Trầm cảm sau sinh phổ biến tới mức nào?

Có tới 12% đến 20% phụ nữ có triệu chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc kết hợp các rối loạn này trong hoặc sau thai kỳ. Điều đó ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ và trẻ như thế nào? Có thang đo sàng lọc nào? Dưới đây là hỏi đáp ngắn về sàng lọc trầm cảm trong thai kỳ và bệnh tâm lý của bà mẹ.

Có tới 12% đến 20% phụ nữ gặp phải các triệu chứng trầm cảm sau sinh. Ảnh: CNN.

Bệnh tâm lý bà mẹ là gì?

Bệnh tâm lý bà mẹ (maternal mental illness) có thể bao gồm loại bệnh được biết đến rộng rãi với tên gọi trầm cảm sau sinh (post-partum depression), nhưng cũng có thể mang hình thức lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, và trong những ca hiếm gặp hơn là loạn thần. Một số rối loạn trong số này có thể diễn ra đồng thời và các triệu chứng có thể khác nhau từ trầm cảm trung bình đến ý nghĩ tự sát; hay từ lo lắng căng thẳng đến những viễn cảnh đáng sợ là làm hại đứa trẻ. Phần lớn phụ nữ không bao giờ làm hại con mình, nhưng sự căng thẳng của họ có thể làm giảm khả năng chăm sóc trẻ, và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cảm xúc (emotional well-being), hành vi xã hội và các kỹ năng nhận thức của trẻ.

Bệnh tâm lý bà mẹ xảy ra khi nào?

Trước đây, các bác sĩ thường cho rằng những rối loạn này bắt đầu trong vòng vài tuần sau khi sinh, nhưng những nghiên cứu mới cho thấy có đến một nửa số ca có triệu chứng bệnh tâm lý bà mẹ bắt đầu trong thai kỳ và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian một năm sau khi sinh. Một số phụ nữ chỉ xuất hiện triệu chứng khi sinh con đầu, một số chỉ xuất hiện triệu chứng ở lần sinh tiếp theo, và một số xuất hiện triệu chứng trong mỗi lần mang thai.

Bệnh tâm lý bà mẹ có phổ biến?

Các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy có tới 12% đến 20% phụ nữ gặp phải các triệu chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc kết hợp các rối loạn này trong hoặc sau thai kỳ. Còn ở Việt Nam, một nghiên cứu được công bố từ năm 2015, khảo sát trên 600 phụ nữ có chồng sau sinh tại TP. Đà Nẵng, cho thấy tỷ lệ trầm cảm sau sinh là 19,3%.[1]

Nguyên nhân gây ra bệnh tâm lý bà mẹ là gì?

Các nhà khoa học cho rằng rất có thể nguyên nhân là sự tương tác giữa các gene, căng thẳng, và những hormone tăng lên trong thai kỳ và giảm đột ngột sau khi sinh. Một số phụ nữ có xu hướng di truyền phản ứng mạnh hơn với các biến động hormone, có người nhạy cảm hơn với căng thẳng liên quan đến gia đình, tài chính, công việc và các tình huống khác. Phụ nữ có tiền sử gia đình hoặc bản thân từng mắc trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác được xem là có nguy cơ mắc bệnh tâm lý bà mẹ cao hơn.

Ai có thể sàng lọc trầm cảm cho phụ nữ mang thai?

Sàng lọc trầm cảm có thể được thực hiện bởi bất cứ cơ sở y tế nào có đội ngũ bác sĩ được đào tạo có chuyên môn, bao gồm bác sĩ sản khoa và bác sĩ nhi khoa – các bác sĩ có cơ hội gặp phụ nữ thường xuyên trong và sau thai kỳ. Các bác sĩ trên có khả năng sàng lọc, đưa ra chẩn đoán và điều trị cho phụ nữ, hoặc giới thiệu phụ nữ đến nơi họ có thể được chẩn đoán và điều trị.

Quá trình sàng lọc trầm cảm được thực hiện như thế nào?

Phương pháp sàng lọc phổ biến nhất là Thang Trầm cảm Hậu sản Edinburgh (Edinburgh Postnatal Depression Scale) gồm 10 câu hỏi về các cảm giác buồn bã, lo lắng, hoảng loạn và sợ hãi, cũng như hỏi xem họ có khóc thường xuyên không, có vấn đề về giấc ngủ hay có ý nghĩ tự làm hại mình không. Sau khi sàng lọc, những người có điểm bằng hoặc trên 10 (thang 30 điểm) được xem là có nguy cơ trầm cảm, có điểm bằng hoặc hơn 13 điểm thường được xem là có nguy cơ trầm cảm nặng.

Bệnh tâm lý bà mẹ có chữa được không?

Có thể chữa được trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác. Việc điều trị với mỗi người mỗi khác và nên được điều chỉnh cho phù hợp với từng bệnh nhân. Báo cáo của Cơ quan Công tác Dịch vụ Dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF) cho thấy liệu pháp hành vi nhận thức – một hình thức trò chuyện trị liệu – có hiệu quả trong điều trị, nhưng có bệnh nhân thấy thuốc hoặc các hình thức trò chuyện trị liệu khác cũng đem lại hiệu quả. Đối với vấn đề còn gây tranh cãi là phụ nữ có nên uống thuốc chống trầm cảm trong thai kỳ hay không, USPSTF cho rằng thuốc chống trầm cảm có thể “tiềm ẩn những tác hại nghiêm trọng đối với thai nhi,” nhưng “khả năng xảy ra những tác hại này là thấp.”

Nguyễn Huy Hoàng lược dịch.

Nguồn:

Pam Belluck, “Short Answers to Hard Questions About Postpartum Depression,” The New York Times, Jan. 26, 2016. Link: https://www.nytimes.com/interactive/2016/01/26/health/what-is-postpartum-depression-test.html
[1] Dương Thị Kim Hoa, Võ Văn Thắng, Trầm cảm sau sinh và các yếu tố liên quan ở phụ nữ có chồng tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, Tạp chí Y học dự phòng, số 8/2015.

Tác giả