Việt Nam ở đâu trong hệ thống trích dẫn của khu vực?

Trong đợt xét duyệt tháng 12/2016, Việt Nam có ba tạp chí tham gia và chỉ một trong số đó được cơ sở dữ liệu khoa học Trung tâm Trích dẫn ASEAN (ASEAN Citation Index) chấp nhận với điểm số vừa đủ đạt chuẩn. Để so sánh, trong cùng đợt xét duyệt, Thái Lan có 32 tạp chí đạt chuẩn, Malaysia có 50, Indonesia có 25 (đều đã có mặt trong hệ thống Scopus), Singapore có năm (cũng đều đạt chuẩn Scopus).


Giáo sư Narongrit Sombatsompop, Chủ tịch TCI và ACI, thuyết trình tại hội thảo “Hệ thống trích dẫn khoa học ASEAN và cách thức gia nhập mạng lưới hệ thống dữ liệu trích dẫn quốc tế” tại Hà Nội, tháng 6/2015. (Ảnh: ĐH Kinh tế Quốc dân)

Trung tâm Trích dẫn Thái Lan TCI (Thai Citation Index) được Giáo sư Narongrit Sombatsompop đề xuất năm 2001 trong một dự án nghiên cứu của Đại học Công nghệ Thonburi (KMUTT) nhằm đánh giá hệ số ảnh hưởng (impact factor) của các tạp chí khoa học Thái Lan. Ông nghiên cứu 68 tạp chí và kết luận rằng hầu hết tạp chí Thái Lan còn cách rất xa các tiêu chuẩn quốc tế. Hệ quả tất yếu là trên bình diện quốc tế không mấy ai biết người Thái đang nghiên cứu những gì, với chất lượng đến đâu – một tình trạng rất giống với Việt Nam hiện nay. TCI được kỳ vọng là giải pháp thay đổi điều đó.

Không được biết đến nghĩa là không tồn tại

Năm 2004, Quỹ Nghiên cứu khoa học Thái Lan (Thailand Research Fund – TRF) và KMUTT bắt đầu cung cấp tài chính để thành lập và vận hành TCI. Cơ sở dữ liệu này giúp cộng đồng khoa học dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận các công trình khoa học đã được công bố trên tạp chí của Thái Lan, đồng thời qua các thông số về trích dẫn, đánh giá được chất lượng của các công trình cũng như các tạp chí được lưu trữ trong kho dữ liệu.

Nhờ có cơ sở dữ liệu này mà các hệ thống tạp chí khoa học Thái Lan bắt đầu được đánh giá và phân loại một cách khoa học và minh bạch. Những tạp chí hoạt động tốt, được trích dẫn thường xuyên, nhanh chóng thu hút thêm độc giả, có thêm bài viết tốt và tiếp tục cải thiện chất lượng. Số lượng tạp chí Thái Lan đạt chuẩn quốc tế vì vậy cũng tăng lên.

Thành công của TCI khiến các nước láng giềng phải quan tâm và đến năm 2011, Malaysia và Indonesia lần lượt khởi động các dự án trung tâm trích dẫn quốc gia (National Citation Index – NCI) của riêng mình. Trong khi đó, Philippines chờ đợi để chọn áp dụng nguyên mẫu mô hình TCI hoặc MCC (Malaysian Citation Center).

Cơ sở dữ liệu cấp khu vực

Ban điều hành ACI và đại diện các nước thành viên tại Hội nghị ACI lần thứ tư, tổ chức tại Bangkok ngày 15/12/2016, diễn ra song song với Hội thảo chuyên đề Tạp chí khoa học Thái Lan lần thứ 11. (Ảnh: BTC)

Với 440 tạp chí khoa học và 200 trong số đó xuất bản trực tuyến chính thức, TCI hoạt động ổn định và hiệu quả. Và Giáo sư Sombatsompop tiếp tục đưa ra một sáng kiến táo bạo hơn: xây dựng một cơ sở dữ liệu chung cho toàn bộ khu vực ASEAN (ASEAN Citation Index – ACI), làm cầu nối giữa các NCI của các nước thành viên với các cơ sở dữ liệu quốc tế như ISI hay Scopus.

ACI vẫn có chức năng lưu trữ, tìm kiếm bài báo và trích dẫn, giúp phân loại và đánh giá chất lượng tạp chí khoa học của các nước ASEAN tương tự như TCI hay các NCI khác, nhưng để có mặt trong cơ sở dữ liệu này, các tạp chí khoa học cần phải đạt những tiêu chuẩn cao hơn về hình thức và nội dung, tiệm cận tiêu chuẩn của Scopus.

Mục tiêu của ACI là sớm có được 500 tạp chí khoa học đạt chuẩn, trở thành một cơ sở dữ liệu đủ lớn để liên kết với Scopus. Được biết, đến cuối năm 2016, ACI đã đạt được hơn một nửa số con số đó.

Nhưng hành trình của ACI không phải chỉ toàn hoa hồng. Thậm chí ý tưởng của Giáo sư Sombatsompop ban đầu còn bị phản đối. Các quốc gia như Singapore hoàn toàn không quan tâm vì họ đã vượt xa tầm ASEAN trong lĩnh vực tạp chí khoa học. Scopus thì không muốn hỗ trợ vì cơ sở dữ liệu còn quá nhỏ.

Chỉ đến khi NCI của Malaysia, Indonesia và Philippines hoạt động hiệu quả thì ACI mới thực sự được quan tâm. Ngay cả Singapore cũng quyết định không thể đứng ngoài lâu hơn và đã bắt đầu tuyển chọn những tạp chí thuộc các cơ sở dữ liệu như Scopus và ISI để gia nhập ACI. ACI không chỉ là một cơ sở dữ liệu đơn thuần nữa mà trở thành cơ hội tuyệt vời cho việc hợp tác nghiên cứu ở tầm khu vực.

Việt Nam ở đâu


Mới đây, ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng thử nghiệm cơ sở dữ liệu chỉ số trích dẫn Việt Nam (Vietnam Citation Index – VIC) ở phạm vi hẹp.

Trong đợt xét duyệt tháng 12/2016, Việt Nam có ba tạp chí tham gia và chỉ một trong số đó được chấp nhận với điểm số vừa đủ đạt chuẩn (15/20). Hai tạp chí còn lại lần lượt đạt 11/20 và 12/20, không khác nhiều so với đánh giá sơ bộ của Giáo sư Sombatsompop tại Hội thảo “Hệ thống trích dẫn khoa học ASEAN và cách thức gia nhập mạng lưới hệ thống dữ liệu trích dẫn quốc tế” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức tại Hà Nội trước đó nửa năm.

Cả hai tạp chí Việt Nam bị loại đều mất điểm nặng ở hạng mục website (không cung cấp đủ thông tin, không có chức năng gửi bài trực tuyến), chính sách tạp chí (thiếu nhất quán, không rõ ràng) và trích dẫn tài liệu tham khảo (thiếu nhất quán và không theo chuẩn mực nào). Đây cũng là những điểm hạn chế chính được chỉ ra tại hội thảo.

Để so sánh, trong cùng đợt xét duyệt, Thái Lan có 32 tạp chí đạt chuẩn, Malaysia có 50, Indonesia có 25 (đều đã có mặt trong hệ thống Scopus), Singapore có năm (cũng đều đạt chuẩn Scopus).

Tính đến nay, Việt Nam có ba tạp chí được ACI chấp nhận, chỉ hơn Lào, Campuchia, Myanmar và Brunei.

So với các quốc gia phát triển hơn trong khu vực, Việt Nam không chỉ thua xa về sử dụng tiếng Anh trong nghiên cứu khoa học mà còn thiếu hệ thống xuất bản trực tuyến1. Trong khi Thái Lan có ThaiJO, Malaysia có My Jurnal, Philippines có E-Journal thì Việt Nam chưa có một nền tảng nào, dù chỉ là mã nguồn mở. Điều này khiến cho số đông tạp chí khoa học Việt Nam vẫn làm việc rất thủ công và tùy tiện, mà tình trạng trích dẫn không theo chuẩn mực và phát hành chậm phổ biến là những bằng chứng rõ nhất.

Trong khi đó, Trung tâm Trích dẫn Việt Nam (VCI) cũng mới chỉ dừng lại ở cam kết “sẽ xây dựng đề án trong thời gian tới” của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đi tìm chất lượng

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam lại phải đối mặt với một thách thức không kém phần phức tạp: các nhà xuất bản / tạp chí giả mạo trên internet.

Các tạp chí này thường quảng cáo là thuộc một cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế nào đó, có hệ số ảnh hưởng (impact factor) rất cao. Họ cho phép truy cập miễn phí (open access) nhưng thu tiền của tác giả để đăng bài với lời hứa hẹn sẽ phản biện nhanh, công bố sớm. Mức phí thường là vài trăm đô-la Mỹ. Dĩ nhiên là không có quy trình phản biện nào cả, hoặc nếu có thì rất sơ sài.

Các tạp chí này phổ biến đóng ở Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước châu Phi (dù họ quảng cáo là đặt trụ sở ở một nước phát triển nào đó) khiến cho việc can thiệp pháp lý rất khó khăn, gần như là không thể vì chi phí lớn và thời gian quá dài.

Nhưng vấn đề là, dù không ít nhà khoa học thiếu kinh nghiệm công bố quốc tế đã bị lừa, có nhiều người lại coi đây là cơ hội khi họ không thể đăng bài ở các tạp chí thực sự có chất lượng.

Với việc nâng dần các tiêu chí về công bố quốc tế trong các chương trình đào tạo bậc tiến sĩ cũng như trong đấu thầu đề tài hoặc xét học hàm giáo sư – phó giáo sư, Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong khâu kiểm soát chất lượng.

Một trong những giải pháp quan trọng và khả thi nhất là Việt Nam phải xây dựng được danh sách những tạp chí đảm bảo chất lượng (tương tự như các danh mục mà quỹ NAFOSTED đã công bố) và chỉ chấp nhận các công trình công bố trên tạp chí thuộc danh sách ấy.

Các tác giả khi có ý định công bố công trình của mình cũng nên tham khảo kỹ “Danh sách Beall”, danh sách các tạp chí khoa học “đáng ngờ” do Jeffrey Beall, một chuyên gia thông tin thư viện thuộc Đại học Colorado, Denver công bố và vẫn đang cập nhật thường xuyên.

Với 334 tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đưa vào danh sách xem xét, tính điểm, Việt Nam không hề thua kém các nước láng giềng về quy mô hệ thống tạp chí khoa học.

Ngoại trừ vấn đề ngôn ngữ (xuất bản bằng tiếng Anh), các tạp chí Việt Nam hoàn toàn có thể cải thiện mạnh mẽ chất lượng và hình thức để đạt điểm chuẩn của ACI trong vòng một vài năm. Quan điểm này được chính Giáo sư Sombatsompop đồng tình.

Với ba tạp chí khoa học đã được ACI chấp nhận và hai đại diện chính thức tại Ban điều hành ACI, không thể nói rằng các tạp chí trong nước thiếu thông tin và kinh nghiệm nữa.
Vấn đề có lẽ lại xoay quanh câu hỏi quen thuộc: Các tạp chí khoa học Việt Nam có thực sự muốn thay đổi hay không?
——
 1Bên cạnh đó, Luật Báo chí của Việt Nam cũng không cho phép các tạp chí xuất bản hoàn toàn bằng tiếng Anh mà bắt buộc phải xuất bản tiếng Việt rồi mới được dịch sang tiếng Anh. Đây cũng là một rào cản lớn đối với các tạp chí khoa học.

Trung tâm Trích dẫn ASEAN (ACI) được thành lập và có ban điều hành từ năm 2013, chính thức xét duyệt tạp chí từ năm 2014, do Quỹ Nghiên cứu khoa học Thái Lan tài trợ đến hết năm 2016; từ năm 2017, kinh phí sẽ do các nước thành viên đóng góp dựa trên số tạp chí tham gia kho dữ liệu này. Chủ tịch ACI là Giáo sư Narongrit Sombatsompop; ban điều hành gồm thành viên các nước ASEAN, mỗi nước được cử hai người do Bộ Giáo dục của nước đó giới thiệu. Mỗi năm ACI mở một đợt xét duyệt với hạn chót là ngày 15/11. Những tạp chí có trong danh mục Scopus hay ISI đương nhiên được chấp nhận, những tạp chí khác sẽ được xét duyệt theo các tiêu chí của ACI.

Tác giả