Đám mây trong tranh của Van Eyck

Sau bài "Khoa học & Nghệ thuật” của Cao Chi (số 2+3-2006), Tia Sáng xin giới thiệu tiếp bài báo của Luce Lebart[1], chứng minh rằng họa sĩ Jan Van Eyck[2] đã vẽ và phân biệt được các loại đám mây trước cả lúc các nhà khoa học phân loại các đám mây sau đó khoảng... 300 năm nhằm góp thêm một phần làm sáng tỏ hơn mối tương đồng giữa khoa học và nghệ thuật.

Trong bức tranh Crucifixion (Đóng đinh Chúa lên cây thập tự) của họa sĩ Jan Van Eyck[2] (1390-1441) vẽ vào năm 1430 và được giữ tại New York, chúng ta thấy Marie Madeleine[4] đang quỳ, tóc xõa rũ rượi, hai tay hướng lên trời. Bên trái là nhiều người đàn bà vây quanh Marie mà Thánh Jean[5] đang dang tay đỡ. Mặt của Marie và hai bàn tay của nàng hướng chiều nhìn của chúng ta đến phía trái của bức tranh, tại đây có một nhân vật cầm ngọn giáo đâm vào sườn phải của Jesus. Và theo chiều ngọn giáo, mắt chúng ta lại hướng về đức Christ. Đối xứng với hướng trên, những đường nét của bố cục lại xuất phát từ lưng nàng Marie dẫn nhãn quan của chúng ta đến phía phải của bức tranh, tại đây có một kỵ sĩ hai tay giơ lên trời và mặt của kỵ sĩ hướng về Christ lại tạo nên một phép phản hồi chiều nhìn chúng ta về phía  đức Jesus.
Lôi cuốn bởi chiều đứng và bố cục của bức tranh, chúng ta sẽ ngước nhìn từ mặt đất lên bầu trời. Giữa đất và trời là hình ảnh của chúa Jesus trên nền những đám mây. Nền trời sáng dần từ trái sang phải. Theo kinh Phúc âm thì trước khi Chúa trút linh hồn, mặt đất chìm trong bóng tối, như vậy bức tranh của Jan Van Eyck thuộc về giai đoạn sau đó khi mà bóng tối đang tan dần.
Màu xanh của bầu trời giảm dần theo độ cao và trở thành màu trắng ở chân trời. Hiệu ứng phối cảnh xa gần được tăng lên nhờ những dãy núi xa xếp thành lớp. Vào đầu thế kỷ thứ XV, những bầu trời có màu tăng hoặc giảm dần đã xuất hiện trong các bức tranh ở Pháp và xứ Flamăng (Flandre[3]).
Trong bức tranh của họa sĩ Jan Van Eyck, bầu trời đầy những đám mây đa dạng. Họa sĩ đã mô tả các đám mây một cách tinh tế và lúc bấy giờ không thể gán cho chúng những tên riêng để biểu diễn sự đa dạng đó.
Chỉ vào đầu thế kỷ XIX, nhờ các công trình nghiên cứu khoa học mà người ta mới phân loại được các đám mây. Sự phân loại các đám mây của Luke Howard[6] vào năm 1803 tại Anh đến nay vẫn còn giá trị. Những tên Latinh mà ông đặt cho các loại mây được các nhà khí tượng chấp nhận: Cirrus (mây ty), Cumulus (mây tích), Stratus (mây tầng)…
Trong bức tranh của họa sĩ Jan Van Eyck, người ta phân biệt được 4 loại mây và theo nhà khí tượng học Mỹ Stanley Gedzelman thì đó là: cumulus, cirrus, cirrocumulus (mây ty tích) và altocumulus (mây trung tích).
Mây cumulus thường xuất hiện trên các núi báo hiệu trời đẹp.
Mây cirrus có dạng các sợi len. Van Eyck không hề biết rằng mây cirrus được cấu tạo bởi những tinh thể băng song ông đã mô tả được hiệu ứng lấp lánh của chúng vì ánh sáng đi lọt qua.
Vào giữa bầu trời ngay trên chiếc thập tự là những cụm  mây cirrocumulus trắng.
Và cuối cùng ở góc trên trái của bức tranh là các mây altocumulus mô tả hiệu ứng của gió ở độ cao (alto-).
Kỹ thuật sơn dầu tạo ra nhiều khả năng, trong đó là kỹ năng nhiều lớp tạo ra những hiệu ứng tinh tế của bóng của ánh sáng của cường độ các màu sắc. Nhờ đó mà gây ấn tượng như là ánh sáng xuất phát từ chính bức tranh. Và các hiệu ứng ánh sáng đi qua hoặc vây bọc các đám mây đã được Jan Van Eyck diễn tả một cách chính xác trong bức tranh trên.
Luke Howard đã viết 300 năm sau: “Không kể đến vẻ đẹp mà chúng đem lại cho thiên nhiên, những đám mây cumulus có tác dụng lọc ánh sáng và từ đấy làm giảm độ sáng”. Dường như Jan Van Eyck đã biết được điều đó!
Trước các nhà khoa học khí tượng học, các họa sĩ nhờ tài năng của mình qua nhiều thế hệ đã xây dựng được một danh bạ các loại mây và danh bạ này sau nhiều thế kỷ, các nhà khoa học mới phát hiện lại được. Những công trình của Luke Howard đã làm sáng tỏ rất nhiều mối tương đồng giữa hai phạm trù khoa học và nghệ thuật.
Họa sĩ người Anh Constable cũng như Goethe là những người ngưỡng mộ Luke Howard đã nói rằng “bầu trời là nơi mà Milton[7] và Linné[8] có thể dạo chơi tay trong tay ”.

Chú thích:
[1] Luce Lebart là giảng viên tại É cole de l’Image des Gobelins, Paris.
[2] Jan Van Eyck là họa sĩ thế kỷ thứ 15, ông là người xứ Flamăng (Flandre), một trong những họa sĩ  có công lớn trong việc hoàn thiện sơn dầu.
[3] Flandre, vùng đất của Bỉ gồm một phần quận Flandre cũ và phần mở rộng về phía Đông.
[4] Marie Madeleine có phải là vợ của Jesus hay không? Câu chuyện trở nên hấp dẫn sau quyển truyện bán chạy trên thế giới  Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci) của tác giả Dan Brown.
[5] Jean, tông đồ của chúa Jesus.
[6] Luke Howard, nhà khoa học nghiên cứu phân loại và đặt tên La tinh cho các loại mây, được bầu vào Hội Hoàng gia (Royal Society) năm 1821, bạn của Goethe, thi sĩ đã sáng tác hai bài thơ tặng Howard.
[7] John Milton, thi sĩ lớn thế kỷ 17 trong văn học Anh, tác giả Thiên đường đã mất (Paradise Lost).
[8] Linné Carl Von hay Linnaeus Carolus (1707-1778), nhà vạn vật học Thụy Điển phát triển khoa học phân loại thực và động vật, tác giả của Systema Naturae.

Luce Lebart 


Nguồn tin: biên dịch (Pour La Science, No336, tháng 10/2005)

Tác giả