Darwin hay Wallace là cha đẻ thuyết tiến hoá?

Tối ngày 1.7.1858, cách đây đúng 150 năm đã diễn ra một cuộc họp mặt khoảng 30 thành viên của "Linnean Society" (Hội Linné) tại Burlington House ở London. Như thông lệ vị Thư ký của Hội đọc công trình của hai nhà nghiên cứu tự nhiên người Anh không có mặt trong cuộc họp này. Và một trong hai người đó đi vào lịch sử ngành khoa học tự nhiên với tư cách là người sáng lập học thuyết tiến hóa: Charles Robert Darwin. Còn người kia là Alfred Russel Wallace không những suốt thời gian còn sống luôn ở trong cái bóng của Darwin, mà hầu như đã bị quên lãng, người đó.

Wallace chính là nguyên nhân làm diễn ra cuộc họp tại London vào buổi tối hôm đó. Hồi ấy có một bản thảo chỉ khoảng 4000 từ nhưng có sức công phá to lớn do chính tay Wallace viết khi ông đang bị một cơn sốt rét giày vò trên hòn đảo Malaysia xa xôi. Trong bản thảo này Wallace không những nêu lên một số ý tưởng về sự thay đổi của các loài mà còn phát triển cơ chế tiến hóa mà giới khoa học từ lâu đã bỏ nhiều công sức để tìm tòi: đó là sự tồn tại của những loài có khả năng thích nghi cao nhất và sự chọn lọc qua môi trường sống. Nguyên tắc chọn lọc tự nhiên này đã tạo nên một sự đột phá dẫn đến sự phát hiện về thuyết tiến hóa.
Nhưng thay cho việc xem bản thảo của Wallace là bản thảo đầu tiên, người ta đã trích đọc tại cuộc họp của Hội Linné này một khảo luận do Darwin viết từ năm 1844 nhưng chưa  từng được công bố cũng như trích đọc một số đoạn trong một bức thư của Darwin  viết cho một bạn đồng nghiệp từ  tháng 9.1857. Với việc làm này người ta muốn chứng minh Darwin là người đầu tiên đề cập đến khái niệm chọn lọc. Sau đó người ta mới  nói tới công trình nghiên cứu của Alfred Wallace.
Những tư liệu  Darwin-Wallace này không những là một trong những sự kiện được đặc biệt chú ý trong lịch sử sinh vật học;  việc công bố những tư liệu đó đã dẫn tới một trong những cuộc cách mạng khoa học vĩ đại nhất trong thế kỷ 19 , và cuộc cách mạng đó vẫn còn dư âm cho tới tận ngày nay. Tuyệt đại đa số những thính giả  có mặt tại cuộc họp nói trên của Hội  Linné đều nhận thức được vấn đề then chốt của luận điểm này  –  tức là các loài ra đời không phải do yếu tố tĩnh và cũng không phải do Thượng đế tạo nên , như người ta vẫn nghĩ vào thời điểm đó, mà các loài biến đổi do chọn lọc tự nhiên; do vậy tối hôm đó đã không nổ ra  một cuộc tranh luận nào.
Khi những bài viết của Darwin và Wallace được công bố vào cuối tháng 8 năm 1858 trong tạp chí của Hội Linné trong giới khoa học cũng chẳng có mấy ai nhận ra được ý nghĩa to lớn của phát kiến này. Phản ứng về bài viết – Wallace – Darwin hoàn toàn không thể so sánh với sự  ồn ào của dư luận một năm sau đó khi xuất hiện cuốn sách “Về sự hình thành của các loài” của Darwin.

Một vụ lừa đảo trong khoa học?

Bối cảnh dẫn đến việc giới thiệu lần đầu tiên bài viết về học thuyết tiến hoá của Darwin và Wallace năm 1858 là một trong những câu chuyện được nghiên cứu vào loại kỹ lưỡng, tường tận nhất trong lịch sử khoa học, câu chuyện này chẳng khác gì một câu truyện trinh thám về khoa học. Tuy vậy những sự kiện liên quan đến việc công bố bài báo này vẫn chưa được làm rõ một cách thật sự đầy đủ. Một điều có thể khẳng định là, điều mà một thời gian dài trước đó người ta cho là một sự kiện ngẫu nhiên hoặc là bằng chứng về sự quả cảm của hai nhà nghiên cứu, thì giờ đây một số nhà nghiên cứu lịch sử lại coi sự kiện này là một diễn biến không thể tưởng tượng nổi trong  lịch sử sinh học; thậm chí người ta còn đề cập tới một vụ lừa đảo bỉ ổi nhất trong nghiên cứu khoa học. 
Trong thực tế cuộc chạy đua giữa Darwin và Wallace khốc liệt, bi thảm hơn nhiều so với điều mà người ta vẫn tưởng lâu nay. Thậm chí những nhà nghiên cứu lịch sử đúng đắn, nghiêm túc chỉ trích Darwin, họ cho rằng ông có thể  đã làm một số tư liệu giả, đồng thời huỷ bỏ một số tài liệu khác. Một điều có thể khẳng định là đã có sự bóp méo, sửa đổi và việc làm khuất tất trong việc công bố của hội Linné nhằm bảo vệ quyền tác giả của Darwin đối với thuyết chọn lọc. Chính do hoạt động đó mà Wallace không được coi là người đầu tiên phát hiện ra một hiện tượng khoa học tự nhiên quan trọng vào loại bậc nhất của mọi thời đại. 

Trong khi một số người không ngần ngại nói toạc ra hoặc có người lại nói nửa kín nửa hở rằng những việc làm trên có phần mờ ám, không minh bạch, đồng thời lại có một số nhà nghiên cứu lịch sử khác chỉ coi đây là một sự nghi ngờ ban đầu đối với Darwin mà không có chứng cớ xác đáng.  
Một điều rõ ràng là người ta đã vội vã chắp vá một số ý tứ từ những tài liệu của Darwin để giới thiệu trước công trình được coi là hoàn chỉnh và đã chín muồi để in ấn của Wallace. Bản thân Darwin đã góp phần thúc đẩy  vụ việc này, mặc dù như sau này ông từng thú nhận, những đoạn trích để trình bày nói trên, hoàn toàn không nhằm mục đích  để công bố. Việc làm này chỉ nhằm để khẳng định vị trí hàng đầu của ông trong việc phát hiện nguyên tắc chọn lọc. Theo quan niệm về đạo đức của các nhà khoa học ngày nay thì yếu tố có tính quyết định là việc công bố công trình chứ không phải là người đầu tiên làm về một vấn đề gì đó. Cung cách xử lý của Hội Linné rõ ràng là một việc làm đáng ngờ.
Điều trớ trêu là hình ảnh Darwin mà chúng ta tạo dựng ngày nay sẽ đứng vững hay bị đổ nhào lại lệ thuộc vào thời gian chuyển bức thư của Wallace từ vùng Viễn Đông xa xôi đến tay Darwin ở nước Anh.
Các nhà nghiên cứu lịch sử khoa học đã tái hiện các sự kiện xảy ra trong năm 1858, họ tính toán chuẩn xác đến từng phút thời gian hoạt động của các chuyến tàu chở thư và tàu chở hàng hóa của Hà Lan và Anh hoạt động trên tuyến đường biển giữa Đông Ấn và châu Âu.
Khi bản thảo của ông được giới thiệu ở London thì Wallace đang tham gia một cuộc điều tra kéo dài 8 năm ở vùng quần đảo Malaysia. Là một nhà nghiên cứu thiên nhiên đồng thời là nhà sưu tầm Wallace sống nhờ vào việc bán những động, thực vật mà ông thu thập được ở những vùng đất xa lạ, kỳ thú này. Ông là người góp phần đáng kể vào việc tạo dựng một bộ sưu tập thiên nhiên quý giá nhất, từ các loài bướm cho đến những loại côn trùng khác cũng như các loài chim và nhiều loài động vật có vú. Ngoài ra Wallace còn là người viết rất đều đặn về những phát hiện của mình và gửi những bài đó tới những tạp chí có uy tín ở Anh.
Từ tháng hai đến tháng ba 1858 ông làm việc ở Molukken. Thời gian đó ông buộc phải nghỉ ít ngày vì căn bệnh  sốt rét. Chính trong những ngày nghỉ đó ông chợt nghĩ đến vấn đề chọn lọc tự nhiên. Như vậy có thể khẳng định Wallace đã viết về chọn lọc tự nhiên giữa những cơn sốt rét vào đầu tháng ba 1858 và ông đã gửi bài viết của mình về Anh bằng tàu biển. Nhưng khi đó ông gửi tài liệu này đến Darwin chỉ để xin ý kiến, Wallace  đã viết điều này trong bức thư kèm theo. Wallace từ lâu đã có quan hệ với Darwin và ông cũng rất biết bản thân Darwin cũng đang tìm lời giải cho sự thay đổi của các loài.
Ba tháng sau bức thư và bản thảo công trình nghiên cứu  của Wallace đã đến tay Darwin ở trang trại của ông ở Down thuộc Kent. Bưu kiện này đã làm cho Darwin lâm vào một tình trạng  bàng hoàng, ngạc nhiên, lo lắng và tuyệt vọng. Wallace đã tóm tắt một cách  dễ hiểu, ngắn gọn về cơ chế tiến hóa, điều mà Darwin trước đó đã đề cập  một cách chi tiết trong một khảo luận và bản thảo một cuốn sách khác của ông – cả hai tác phẩm này  trước đó đều chưa được công bố.
Sau này chính Darwin từng viết, những câu then chốt trong bài viết của Wallace có thể dùng làm tiêu đề cho các chương trong công trình mà ông đã bỏ biết bao công sức nghiền ngẫm, chuẩn bị trong hai chục năm ròng. Khi Darwin đã viết xong mười chương của công trình mà ông dự kiến đặt tên là “Natural Selection” thì bản thảo của Wallace từ hòn đảo gia vị Ternate xa xôi đến tay ông. Darwin lo sợ rằng Wallace có thể tranh công của mình về phát kiến có ý nghĩa quyết định về sự tiến hóa của các loài. Sự thực là trong chuyến đi vòng quanh thế giới bằng tàu biển từ năm 1831 đến 1836, Darwin đã nghiền ngẫm rất  nhiều về sự thay đổi của các loài. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã phát hiện, lúc đầu Darwin còn giữ kín những suy nghĩ của mình và chỉ ghi chép vào một cuốn sổ tay,   sau đó ông viết thành một khảo luận trước khi ông hoàn thiện tác phẩm dày 230 trang vào mùa hè năm 1844.  
Nhưng vì Darwin cùng một lúc tiến hành nhiều công trình nghiên cứu khác nhau, mặt khác ông còn muốn tiếp tục thu thập thêm tư liệu, bằng chứng cho học thuyết của mình nên Darwin trì hoãn nhiều lần việc công bố tác phẩm của mình – cho đến khi ông nhận được bản thảo của Wallace. Ngày nay chúng ta đều biết chắc chắn rằng, ngày 18. 6. 1858  Darwin đã viết thư xin lời khuyên và ý kiến của nhà địa chất học Sir Charles Lyell và nhà thực vật học Joseph Dalton Hooker. Chính hai nhà khoa học này sau đó đã vận động và bố trí cùng công bố những tài liệu của Darwin và Wallace tại cuộc họp của Hội Linné. Ở đây có một vấn đề gây tranh cãi là phải chăng Darwin là người không thật sự trung thực khi đề cập đến thời gian ông nhận được bài viết của  Wallace –  vào thời điểm quyết định khi ông nhận được những nhận thức mới mẻ của Wallace, rất bổ ích cho công trình của mình, nhưng ông lại không đề cập đến sự kiện này.
Việc bản thảo tài liệu gốc của Wallace và bức thư kèm theo của ông gửi tới Darwin bị thất thoát là một điều hết sức lạ lùng, khó hiểu, vì kho lưu trữ các tài liệu của Darwin gần như bảo quản hết sức đầy đủ mọi giấy tờ, tài liệu do bản thân ông viết hoặc của những thư từ, tài liệu mà người khác gửi tới ông. Trong việc tái dựng lại khoảng thời gian mà tài liệu và thư  của Wallace gửi qua đường bưu điện người ta có thể dự đoán bưu kiện đã đến tay Darwin vào những ngày đầu tháng sáu năm 1858, một số nhà nghiên cứu lịch sử lại cho rằng thời gian này phải là giữa hoặc cuối tháng năm. Ngày nay chúng ta cũng đều biết rằng cũng vào thời gian này Darwin đã bổ sung bản thảo của mình, thêm gần 40 trang, ở những mục quan trọng nhất. Đành rằng nguyên tắc chọn lọc đã được biết trước Wallace từ lâu, nhưng rất có thể qua cách diễn đạt mạch lạc rõ ràng của ông một số vấn đề nhất định đã được sửa chữa, hoàn thiện tốt hơn.
Trong bức thư đề ngày  25.6.1858 gửi tới Lyell, một người bạn vong niên, Darwin giãi bày,  ông sẽ vui mừng biết nhường nào “nếu như tôi có thể tách hẳn ra một đoạn để công bố những suy nghĩ chung của mình. Nhưng tôi không tin rằng, tôi có thể yên tâm làm việc đó”. Sau đó ông còn nói thẳng với Lyell về suy nghĩ của mình, phải làm như thế nào để bảo vệ vị trí số một của mình cũng như sự thừa nhận của dư luận đối với ý kiến của ông về chọn lọc tự nhiên mà không gây xúc phạm tới Wallace.
Darwin viết: “Thà tôi đốt cuốn sách của mình còn hơn là để Wallace hoặc bất kỳ ai có thể nghĩ rằng, tôi đã cư xử một cách đê tiện”. Cuối cùng ông đề nghị: “Nếu như tôi có thể in ấn tài liệu của mình một cách trung thực, thì tôi sẽ ghi rõ, rằng tôi đã thông qua bài viết mà Wallace đã từng gửi cho tôi và trong đó chứa đựng những kết luận cơ bản như của tôi, vì thế giờ đây tôi thấy cần phải trích công bố một phần bài khảo luận của mình”.
Bản thân Wallace trong một thời gian dài hoàn toàn không biết gì về những hoạt động được chuẩn bị hết sức kín kẽ xung quanh việc công bố bản thảo của mình. Sau này khi quay trở về Anh quốc năm 1862 ông đã tới thăm Darwin và đến lúc đó ông mới biết rõ  hơn về những việc  này cũng như về việc ông đã làm cho Darwin lo sợ biết nhường nào.
Wallace cảm thấy rất vinh  hạnh được đứng tên trong một tài liệu chung với Darwin, qua đó ông được xếp vào hàng ngũ các nhà nghiên cứu tự nhiên danh tiếng bậc nhất ở nước Anh. Trong suốt thời gian Darwin còn sống Wallace luôn nhường đường để Darwin đi trước mỗi khi  đề cập đến thuyết tiến hóa “của ông ta”. Chính do sự nhún nhường, khiêm tốn thái quá  đó Wallace đã góp phần làm cho mọi người tin rằng Darwin mới thực sự là tác giả duy nhất của  thuyết tiến hóa.

Xuân Hoài dịch Theo Fr-online  1.7.08
MATTHIAS GLAUBRECHT

Tác giả