Intel đầu tư vào khu công nghệ cao: Lợi ích hữu hình và vô hình

Lợi ích hữu hình và vô hình Kể từ 2007, bản đồ công nghệ thông tin thế giới có thêm một đầu mối lớn ở Việt Nam, khi nhà máy lắp ráp và kiểm định chip của Intel đi vào hoạt động. Hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới này đã chính thức nhận giấy phép đầu tư vào khu công nghệ cao TP HCM, với số vốn đầu tư trong giai đoạn 1 là 300 triệu USD. Đó cũng là dự án đầu tiên đầu tư vào công nghệ bán dẫn tại Việt Nam.

Ngoài những nhà máy sản xuất wafer (tấm bán dẫn) ở Mỹ, Intel có 6 nhà máy lắp ráp và kiểm định chip đang hoạt động, trong đó Trung Quốc có 2 nhà máy, Malaysia có 2 nhà máy, còn lại đặt ở Philippines và Costa Rica. Theo ông Craig Barret, chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Intel, quy mô đầu tư trong giai đoạn đầu của nhà máy tại Việt Nam tương đương với các nhà máy trên. Dự kiến khi đi vào hoạt động vào năm 2007, nhà máy sẽ thu hút 1.200 công nhân.

Những lợi ích trực tiếp
Trực tiếp nhất là 300 triệu vốn FDI vào công nghệ. Nếu thị trường và công nghệ sản xuất chip không có gì thay đổi, thì trong giai đoạn 2, Intel sẽ đầu tư thêm 305 triệu USD để mở rộng sản xuất như đã làm với 6 nhà máy khác. Ngoài nhà máy của Intel, sẽ có thêm các nhà máy của các nhà đầu tư khác xây dựng tại khu công nghệ cao, để cung cấp vật tư, thiết bị cho nhà máy của Intel. Tuy nhiên, ông Barret không cho biết cụ thể về tên cũng như quy mô đầu tư của hai nhà máy này.
Khi đi vào hoạt động,  nhà máy của Intel sẽ có vai trò tích cực tác động vào ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Ông Lê Thanh Hùng, Giám đốc công ty T&H đánh giá sự có mặt trực tiếp của Intel là “cú hích để thúc đẩy công nghệ thông tin nước ta phát triển”. Không chỉ là phần cứng mà phần mềm cũng sẽ có nhiều thay đổi, ông Ngô Đức Sinh, Tổng giám đốc Silicon Group nhận xét.
Theo các quan chức trong tập đoàn Intel, đội ngũ 1.200 người làm việc trực tiếp tại nhà máy sẽ được đào tạo, huấn luyện ngay từ bây giờ. Theo đánh giá của các nhà công nghệ trong nước, đây là cơ hội cho giới trẻ Việt Nam tiếp cận với trình độ sản xuất công nghệ cao. Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển (Khu công nghệ cao TP HCM) nói: “Intel đầu tư vào sẽ tạo được niềm tin và sự phấn đấu cho giới trẻ trên con đường nghiên cứu công nghệ”.
Ngoài ngành sản xuất máy tính được hưởng lợi từ nhà máy sản xuất chip, internet băng rộng cũng có cơ hội tiếp cận công nghệ mới. Ông Nghiêm Xuân Tịnh, Phó giám đốc VDC cho biết, Việt Nam vừa cấp phép cho 3 doanh nghiệp triển khai công nghệ không dây băng rộng WiMax mà Intel là một trong những công ty công nghệ ủng hộ công nghệ này. Intel đã có chip cho WiMax cố định. Theo dự kiến, trong thời gian sắp tới sẽ có chip cho WiMax di động. Ông Tịnh phân tích thêm: “Với hạ tầng ADSL đã phủ ở các thành phố như hiện nay, số lượng máy tính xách tay tiêu thụ được đang có xu hướng gia tăng, ứng dụng WiMax sẽ có điều kiện phát triển ở Việt Nam”.

Lợi ích vô hình
Trong cuộc đua trải thảm đỏ cho nhà đầu tư Intel, ngoài Việt Nam, có nhiều quốc gia khác. Các yếu tố giúp Việt Nam thắng cuộc, theo ông Barret là chính sách thu hút đầu tư, hạ tầng và lợi thế về nguồn nhân lực có trình độ. Nỗ lực hỗ trợ đầu tư của Chính phủ được ông Barret đánh giá cao nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng: “đặc thù của dự án này là vốn đầu tư lớn, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hấp dẫn”.
Hấp dẫn được Intel sẽ lan tỏa và tạo sức thuyết phục các nhà đầu tư khác đến Việt Nam. Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM tự tin nói: “Việc Intel tham gia đầu tư vào Việt Nam là cầu nối để các nhà đầu tư khác tự tin hơn, khi quyết định đầu tư vào đây”. Các nhà đầu tư khác, theo phân tích của các chuyên gia, trước mắt sẽ là các hãng vệ tinh cho Intel.
Từ việc các hãng này xuất hiện sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư khác, tạo thành một lực hút đầu tư khá mạnh và hấp dẫn trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài những hãng mới sẽ vào, các hãng đã đầu tư ở Việt Nam cũng có cơ hội phát triển. Kunihiko Nishihara, Tổng giám đốc Nidec Tosok (Việt Nam) cho biết: cơ hội của Nidec là ở các công ty phụ và có khả năng Nidec sẽ chuyển công nghệ sản xuất motor cho máy tính sang Việt Nam sau khi Intel hiện diện. Nidec đã cam kết đầu tư thêm 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Lợi thế so sánh của Việt Nam được các nhà công nghệ nhận xét là phải chuyển từ nguồn nhân lực giá rẻ sang nhân lực trẻ được đào tạo. Ông Nguyễn Thịnh, Giám đốc công ty phần mềm PSD nói: “Hai yếu tố quan trọng là địa điểm và nguồn nhân lực. Tôi nghĩ nhân công giá rẻ chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn trước”. Nằm trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, với nhiều nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam có những lợi thế nhất định để thu hút đầu tư. Theo ông Thịnh, không nên đặt quan điểm thu hút được đầu tư như Intel là sớm hay muộn. “Lúc nào cũng có những cơ hội” – ông nói. Giai đoạn đầu, với công nghệ lắp ráp và kiểm định, chỉ là công nghệ cơ bản trong sản xuất chip, nhưng là đầu cầu để các hãng nắm bắt, xác định cơ hội.
Cơ hội trước mắt, như ông Craig Barret nhận xét, là khi Việt Nam gia nhập WTO, cơ hội cho tự do hóa thương mại sẽ lớn hơn.

Chiến lược phát triển công nghệ cao ở một số nước Châu Á
Trong những ngày diễn ra Global Entrepolis @ Singapore vào tháng 9.2005, thủ tướng Singapore đã hứa tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tăng tính cạnh tranh bằng ý tưởng sáng tạo và phát minh trên thị trường toàn cầu trong 5 năm nữa,  giúp Singapore đi trước các nước láng giềng 15-20 năm.
Bộ trưởng cấp cao Singapore Goh Chok Tong vạch ra ba chiến lược thúc đẩy kinh tế Singapore phát triển theo hướng phát minh sáng kiến. Ba chiến lược đó là: mở rộng không gian kinh tế qua các hiệp định thương mại tự do, phát huy tối đa tiềm năng nguồn nhân lực thông qua giáo dục và tập trung lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D). Nói là làm, ông Goh Chok Tong cho biết Singapore đã ký kết hiệp định thương mại tự do với hơn 10 quốc gia, và hiện đang đàm phán với 10 quốc gia khác.
Về giáo dục, ông Goh Chok Tong nói: “Không thể có một nền giáo dục phù hợp cho tất cả”. Do đó Singapore chấp nhận kế hoạch cải cách giáo dục cho phép học sinh học nhảy lớp, và chọn nhiều môn học nhiệm ý phù hợp. Về chiến lược thứ ba, ông Goh Chok Tong nói: “Chính phủ Singapore giúp các công ty gắn kết với những viện nghiên cứu, khuyến khích tư nhân tham gia hoạt động R&D. Ngoài ra Singapore chấp nhận nuôi dưỡng những sáng kiến phát minh của châu Á phù hợp với sự phát triển chung toàn cầu”.
Trước đó, Trung Quốc (TQ) cũng thông báo kế hoạch phát triển kinh tế theo hướng chú trọng sáng tạo phát minh. Bộ trưởng Thương mại TQ Bạc Hi Lai nói: “Các dự án hợp tác sẽ tiếp tục mở rộng nhưng phải có chiều sâu kỹ thuật”. Trước đây, các chính sách hợp tác kinh tế thương mại của TQ chỉ chú trọng chỉ số tăng trưởng GDP.
Lâu ngày, chính sách này dẫn đến tình trạng thiếu thốn công nghệ mới, tạo một lực cản lớn cho sự phát triển kinh tế của TQ. Trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), 2/3 doanh nghiệp của TQ gặp khó khăn về kỹ thuật trong các hợp đồng xuất khẩu. Yếu kém này khiến các doanh nghiệp TQ mất 20 tỉ USD mỗi năm.
Ông Bạc nói: đã đến lúc TQ nâng cấp trình độ hợp tác kinh tế, ngoại thương của mình, chuyển “sản xuất tại TQ” (made in China) sang “sáng chế tại TQ” (created in China). Theo ông Bạc, TQ đã chuẩn bị gần xong cơ sở để áp dụng chính sách mới. Giới phân tích nhận định, nếu thực hiện thành công chính sách này, TQ sẽ tìm được nhiều dự án hợp tác có lợi nhuận nghiêng về phía TQ nhiều hơn. Ngoài ra, chính sách mới giúp TQ tăng khả năng đổi mới độc lập, nâng cao tính cạnh tranh và giảm thiểu nguy cơ rủi ro trong nền kinh tế toàn cầu. (Theo CNA, THX)

Hải Đăng

Tác giả