Lần đầu ăn thử thịt bò nhân tạo

Ngày 5/8 vừa qua, tại một nhà hàng ở London, hai người tình nguyện đã tiến hành ăn thử chiếc bánh ham-bơ-gơ đầu tiên trên thế giới có nhân bánh làm từ thịt bò nhân tạo. Loại thịt này do các nhà khoa học Hà Lan chế tạo trong phòng thí nghiệm, vì thế còn được gọi là thịt ống nghiệm hoặc thịt tổng hợp (synthetic meat).

Nó có giá cao khủng khiếp, tính ra giá thành đắt gấp 100.000 lần thịt bò thật. Đó là vì phí tổn chi cho Dự án nghiên cứu chế tạo thịt nhân tạo lên tới 325.000 USD, kết quả chỉ mới làm được 142 gam thịt nhân tạo.

Người tài trợ cho dự án này là Sergey Brin, nhà đồng sáng lập Google. Ông cho rằng đây không phải là ý tưởng điên rồ, rất có thể thịt nhân tạo sẽ làm thay đổi thói quen ăn uống của mọi người. Ông nói, một thế giới không có sức tưởng tượng thì sẽ trì trệ không tiến lên được; thịt nhân tạo là một khái niệm có tính sáng tạo. Brin nói ông đầu tư vào việc chế tạo thịt nhân tạo là vì lợi ích của các loài động vật, tức là để giảm số gia súc bị giết mổ.

Một trong hai người nếm thử chiếc bánh độc đáo kể trên là chuyên gia ẩm thực Hanni Rützler người Áo. Trước mặt công chúng, bà cắn một miếng bánh, nhai 27 lần rồi mới nuốt. Sau đó bà nói: “Tôi muốn khẩu vị mềm hơn một chút… Mùi vị giống như thịt bò nhưng hơi khô.” Một người nữa là nhà báo chuyên bình luận về ẩm thực Josh Schonwald thì nhận xét: “Hương vị giống như thịt, chỉ có điều thiếu chất mỡ. Cảm giác chung là đang ăn một chiếc ham-bơ-gơ.”

Loại thịt nhân tạo nói trên do GS Mark Post, chuyên gia sinh học tại trường ĐH Maastricht, chủ trì nghiên cứu chế tạo. Tại buổi ăn thử, Post nói: “Mẫu thịt nhân tạo đầu tiên có thể không ngon, nhưng đó là một khởi đầu tốt.” Khi được hỏi ông có cho lũ trẻ nhà mình ăn thịt nhân tạo không, Post nói ông sẽ mang một miếng bánh ham-bơ-gơ này về nhà cho con ông nếm.

Post cho biết loài bò cần 100 gam protein thực vật để làm ra 15 gam protein động vật, nghĩa là hiệu quả rất thấp, chúng ta phải mất rất nhiều thực phẩm để nuôi bò lấy thịt. Nếu làm được thịt nhân tạo thì hiệu quả sẽ cao hơn vì mọi quá trình đều được kiểm soát và hơn nữa người ta không cần giết bất cứ con bò nào.

Cách đây sáu năm, Mark Post bắt đầu nghiên cứu làm ra thịt nhân tạo. Mới đầu họ thử làm thịt chuột nhân tạo, sau đó thử làm thịt lợn nhân tạo có pha thêm sợi thịt lấy từ cá mực có tính đàn hồi, cuối cùng mới chuyển sang làm thịt bò nhân tạo.

Quá trình nói trên gồm bốn bước:

– tách ra tế bào gốc từ thịt bò;

– ngâm tế bào gốc trong dung dịch chứa đường, a-xit amin, chất béo, khoáng chất và một số chất dinh dưỡng khác; qua đó tế bào gốc bước đầu trở thành một chất có tính kết dính;
– để chất này “lớn lên” rồi kéo chúng thành những “sợi thịt” nhỏ; ngoài ra còn dùng cách làm cho sợi thịt được dai hơn và tránh bị thoái hóa;

– cắt vụn các sợi thịt, pha thêm chất mỡ và chất tạo màu giống như thịt thật.

Cách đây khoảng ba tháng, nhóm nghiên cứu của Post bắt đầu chế tạo miếng nhân bánh ham-bơ-gơ nói trên. Đầu tiên họ lấy ra khoảng chục nghìn tế bào gốc từ những mảnh sinh thiết của hai con bò sống (chứ không phải giết bò) rồi nuôi cấy chúng trong môi trường dinh dưỡng, sau ba tháng, số tế bào gốc này sinh sôi nảy nở gấp 1.000 tỷ lần, làm thành khoảng 20.000 sợi thịt, mỗi sợi dài không quá 3 mm. Thời gian ba tháng là quá nhanh so với thời gian lớn lên của con bê. Post dùng 142 gam thịt nhân tạo này làm ra miếng nhân thịt chiếc bánh lịch sử kể trên.

Post cho biết nhóm nghiên cứu không làm cho các tế bào gốc có bất kỳ thay đổi nào.

Tuy thịt nhân tạo mới đầu có giá đắt khủng khiếp, nhưng Post cho rằng sau này thịt nhân tạo sẽ được tiêu thụ rộng rãi. Ông nói, việc nghiên cứu chế tạo và tổ chức ăn thử thịt nhân tạo không nhằm tạo ra một loại thịt ngon mà nhằm theo đuổi ý tưởng phát triển bền vững, nhằm tìm kiếm một loại thực phẩm thay thế thịt đạt được tốt hơn yêu cầu bảo vệ môi trường, mặt khác giải quyết được nạn thiếu thực phẩm trên toàn cầu.

Theo thống kê của WHO, đến năm 2030 sản lượng thịt toàn thế giới hằng năm sẽ tăng lên 376 triệu tấn, so với 218 triệu tấn những năm 1990, có nghĩa là cần nhiều hơn đất đai, nước, các loại cỏ, rơm, đồng thời sẽ sinh ra nhiều rác thải và chất khí nhà kính. Số lượng gia súc nhiều gần gấp đôi số người trên trái đất; chúng thải ra khoảng 5% khí CO2 và 40% khí mê tan, là các khí thải nhà kính mà loài người đang cố giảm.

Các nhà khoa học Anh và Hà Lan cho rằng thịt nhân tạo có thể giảm được 45% tiêu hao năng lượng, 96% khí thải nhà kính và 99% đất đai cần dùng trong chăn nuôi. Theo tính toán, số tế bào gốc lấy từ một con bò có thể làm ra được một lượng thịt nhân tạo nhiều gấp một triệu lần số thịt của một con bò bị giết mổ.

Ngoài ra sẽ tránh được việc giết mổ một cách đau đớn rất nhiều loài gia cầm và gia súc cho thịt. Một đồng nghiệp của Post nói: “Sau này khi ăn ham-bơ-gơ, chúng ta sẽ không còn bị ám ảnh bởi ý nghĩ thịt ta đang ăn lấy từ xác một con vật!”

Trong tương lai, quá trình chế tạo thịt nhân tạo sẽ được rút ngắn xuống còn sáu tuần và được an toàn hơn về mặt kiểm dịch. Nhưng quá trình từ nay cho đến khi thịt nhân tạo an toàn, tin cậy, có thể sản xuất theo quy mô công nghiệp và được thị trường chấp nhận cần ít nhất 20 năm.

Post cho biết, sau đây ông sẽ tập trung nghiên cứu thịt tổ hợp, “thí dụ thịt gấu mèo tổ hợp với thịt hổ!”

Vấn đề quan trọng nhất là thịt nhân tạo phải hoàn toàn giống thịt tự nhiên về mùi vị và màu sắc, nếu không sẽ ít người dám ăn.

Còn Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh cho rằng, trước khi thương mại hóa việc sản xuất thịt nhân tạo cần làm rõ vấn đề ăn loại thịt này có an toàn hay không.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp từ theguardian.com, zmescience.com, economist.com …

Tác giả