Ngón đòn đánh lén

Ổn định cho bằng được lượng đường trong máu của người bệnh đúng là công việc hàng đầu của thầy thuốc trị bệnh tiểu đường. Nhưng với nhà điều trị có kinh nghiệm thì mục tiêu quan trọng hơn nhiều chính là làm sao ngăn chặn biến chứng đa dạng và nghiêm trọng của bệnh tiểu đường.

Không chỉ thầy thuốc, ngay cả bệnh nhân cũng có khuynh hướng tập trung vào cơ quan dễ gây chú ý như tim, thận, mắt… Biết rõ mạch máu, nói chính xác hơn, mạch máu nhỏ (vi mạch) là yếu điểm trong bệnh tiểu đường, nhưng ít ai dù vậy chịu khó lưu tâm đến một cơ quan vốn có ít mạch máu, nơi thuốc không dễ vào đến nơi: bàn chân- tụ điểm chịu đựng toàn bộ trọng lượng của cơ thể.
Do hậu quả của rối loạn biến dưỡng trong chiều hướng gia tăng chất mỡ trong máu, mạch máu của người bệnh tiểu đường dễ bị xơ vữa, chai cứng với dòng máu có khuynh hướng càng lúc càng đậm đặc. Một phần lớn diện tích lớp da của người tiểu đường, đặc biệt là phần ở xa trái tim, như bàn chân, vì thế rất dễ lâm vào tình trạng thiếu dưỡng khí cục bộ. Khi đó, bàn chân không những dễ bị bội nhiểm vì vi sinh, nấm mốc, hay dễ bị dị ứng khi tiếp xúc với hóa chất, hay dễ sinh đau nhức khi thay đổi nhiệt độ, mà vết thương ngoài da, dù chỉ trầy xước sơ sài, cũng rất khó lành. Đó chính là lý do tại sao người bị bệnh tiểu đường dễ bị viêm loét ở bàn chân. Đó cũng chính là nguyên nhân tại sao số người bệnh tiểu đường phải chịu cảnh giải phẫu đoạn chi vẫn còn chiếm tỷ lệ rất cao, cho dù thầy thuốc đang hãnh diện về phương tiện chẩn đoán, về nhiều loại thuốc mới trong bệnh tiểu đường. Tình trạng này càng dễ bộc phát hơn nữa nếu bệnh nhân thuộc loại béo phì, hay có thói quen mang giày cao gót, mang giày quá chật. Thêm vào đó, bệnh lý trên bàn chân của người tiểu đường dễ trở thành trầm trọng cũng vì không mấy người bỏ công săn sóc bàn chân cho đúng cách. Người ta rất dễ dàng ghi nhận một nếp nhăn trên mặt, nhưng không mấy ai chịu khó tốn thêm ít phút để nhìn xuống dưới, nhìn xuống đôi bàn chân thân thương của chính mình!
Biến chứng trên bàn chân của người tiểu đường đúng là dễ đến khó đi. Nhưng đó là điều thật đáng tiếc vì trên thực tế lại không đến độ quá phức tạp nếu muốn phòng tránh biến chứng của bệnh tiểu đường trên bàn chân. Chỉ cần biết cách chăm sóc bàn chân, tối thiểu qua các biện pháp dưới đây:

1. Quan sát bàn chân mỗi ngày một lần, đặc biệt là lòng bàn chân, vì phần này khó thấy, bằng cách đặt tấm gương dưới bàn chân. Nhìn cho kỹ để phát hiện chỗ nào vừa chớm sưng đỏ hay phù nề, nhất là sau khi đi bộ lâu, hay vừa thay giày mới. Đừng đợi đến đau mới lo vì cảm giác đau không hoàn toàn trung thực ở nhiều người bệnh tiểu đường.

2. Rửa chân mỗi ngày bằng xà phòng có độ pH trung tính. Nếu được nước ấm thì tốt, nhưng nên dùng nước lạnh cho an toàn, vì một số người bệnh tiểu đường nếu bị viêm thần kinh ngoại biên lâu ngày có thể mất cảm giác nóng lạnh nên dễ bị bỏng mà không biết. Không nên ngâm chân lâu hơn 5 phút. Cũng đừng ngâm chân nếu đang có vết loét để tránh nguy cơ bội nhiểm.

3. Lau khô chân bằng khăn mềm, lau thật kỹ kẻ ngón chân và nếp gấp dưới ngón chân bằng que bông để tránh xước da.

4. Thoa kem dưỡng da chân mỗi ngày hai lần, buổi sáng và buổi tối. Đừng thoa quá nhiều giữa hai kẽ chân để tránh đọng chất nhờn. Tránh dùng kem có hóa chất bảo quản, cũng đừng dùng các loại kem làm khô da.

5. Thay vì cắt móng chân bằng kềm, kéo, nên dũa cho đều cạnh móng chân để tránh thương tích ở góc móng chân. Đừng làm sạch kẻ móng chân bằng vật quá nhọn.

6. Không nên chườm nóng hay hơ nóng nếu gặp lúc lạnh chân vì dễ làm thương tổn thần kinh. Nên mang vớ len, nhưng đừng quá chật để tránh phồng da vì nếp gấp của vớ. Nếu chọn loại vớ may theo kiểu liền và với thành phần bông vải càng cao càng tốt.

7. Tránh đi chân không vì vật cứng dù rất nhỏ vẫn đủ làm da chân bị thương. Ngược lại, đừng mang các loại dép có quai bén để tránh quai dép làm lở kẽ ngón chân. Cũng đừng chọn dép có đế quá cứng vì dễ làm thương tổn thần kinh dưới lòng bàn chân.

8. Khi mua giày nên chọn số lớn hơn bàn chân một chút. Không nên mang giày mới quá lâu. Đổi giày ngay nếu phát hiện có chỗ cộm ở mặt trong.

9. Giày thích hợp cho người bị tiểu đường nên rộng bề ngang, nhưng không nên có gót cao, đế dầy, và mũi may phía trong thân giày. Phải dùng giầy chỉnh hình với kích thước theo đúng y lệnh của thầy thuốc cho người có bàn chân bị biến dạng.

10. Đừng tự điều trị mắt cá bằng các loại băng dán có thuốc. Cũng đừng tự bào mòn mắt cá bằng dao bén hay dũa sắt. Đó là công việc của nhân viên y tế.

11. Khi chân bị thương, đừng tự điều trị bằng thuốc dùng ngoài, hay ngâm chân trong nước thuốc. Chỉ nên sát trùng vết thương bằng nước oxy già, băng sạch và tìm đến thầy thuốc. Với bệnh nấm móng chân và kẽ chân cũng thế.

12. Đừng chọn các môn thể thao gây áp lực trực tiếp trên bàn chân như bóng đá, quần vợt… nếu đã có thương tổn trên bàn chân. Giảm bớt áp lực trên bàn chân nếu có vết loét bằng cách tránh đứng quá lâu, hay đi bộ quá nhiều. Nếu đã có thương tổn trên xương bàn chân cần tránh các động tác đòi hỏi sức lực của ngón chân, như đạp phanh xe, sang số…

13. Băng hay chêm phần cổ chân và gót chân nếu phải nằm lâu trên giường bệnh.

14. Đến thầy thuốc chuyên khoa tiểu đường để thăm khám bàn chân một lần mỗi 6 tháng.
Trong bệnh tiểu đường, bàn chân không hẳn chỉ là nhược điểm. Ngược lại là khác, bàn chân chính là phương tiện đơn giản và cụ thể để đánh giá tiến độ của bệnh tiểu đường.  Thầy thuốc có thể sơ sót. Người bệnh có thể đánh lừa chính mình. Nhưng bàn chân bao giờ cũng thành thật. Đôi khi chỉ cần biết cách nhìn xuống cho thật đúng lúc đã đủ để phòng tránh lắm điều nhiêu khê.

Anh Thy

Tác giả